Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Tuyên bố giải tán Hội Ngôi Sao - Jiddu Krishnamurti - tháng 8.1929.








Vài nét về Jiddu Krishnamurti

Jiddu Krishnamurti (1895-1986) là người Ấn Độ, cha mẹ ông là người Ấn Độ. Krishnamurti được giáo dục tại Anh, và đã tham gia truyền giảng trên khắp thế giới. Ông là người không theo một tôn giáo nào cả, không thuộc một quốc tịch nào cả, và cuộc sống của ông không theo một truyền thống nào cả.

Những bài giảng của Krishnamurti bao gồm hơn 20.000.000 từ được in ấn phát hành trên 75 cuốn sách, 700 băng ghi âm và 1.200 video hình ảnh. Đến nay hơn 4.000.000 bản sách của ông được bày bán trên toàn thế giới và đã được dịch ra hơn 22 ngôn ngữ khác nhau.

Cùng với Dalai Lama và Mẹ Teresa, Krishnamurti được tạp chí Time xếp vào một trong số năm vị thánh của thế kỷ hai mươi.




J.Krishnamurti năm 1924

Năm 1911 Hội Ngôi Sao Phương Đông gọi tắt là Hội Ngôi Sao (The Order of the Star in the East - OSE) được thành lập dành ghế Chủ tịch cho Krishnamuti. Tôn chỉ của Hội là tập hợp những người tin tưởng vào sự giáng thế của "đấng Thế Sư" trên thế giới.
Năm 1912 Krishnamurti chính thức được tuyên dương là "Thế Sư" ( World Teacher). Thế nhưng năm 1929, với bài thuyết giảng tâm linh quyết liệt "Truth is a pattless land", ông tuyên bố giải thể Hội Ngôi Sao. Với hành động đó, ông từ chối mọi sở hữu về bất động sản, tiền bạc, quyền lực và mọi thẩm quyền của một giáo chủ.
Ngày mùng 2 tháng 8, năm 1929, ngày khai mạc Hội Nghị hàng năm tại Trại của Hội Ngôi Sao ở Ommen, Hà Lan, Krishnamurti đã "Tuyên bố giải tán Hội Ngôi Sao". Lời Krishnamurti trong buổi nói chuyện đầy xúc động này vẫn còn vang vọng cho đến tận nay, và nó đặc biệt quan trọng vì sau này chính Krishnamurti đã xác nhận rằng nội dung bài nói chuyện là tâm điểm của triết lý Krishnamurti.
Chúng ta hãy xem toàn văn bài nói chuyện lịch sử đã được ghi lại lúc Krishnamurti 34 tuổi:






Tuyên bố giải tán Hội Ngôi Sao - Jiddu Krishnamurti - tháng 8.1929

"TRUTH IS A PATHLESS LAND"


Sáng nay chúng ta sẽ bàn về việc giải tán Hội Ngôi Sao. Nhiều người sẽ vui mừng, còn người khác thì lại rất buồn. Đây không phải là chuyện để vui hay buồn, mà là chuyện không thể tránh được, như tôi sẽ giải thích sau.

Các vị chắc còn nhớ câu chuyện này: Con quỷ và tên bạn đang đi đường thì thấy có người cúi nhặt lên vật gì đó dưới đất, ngắm nghía nó rồi cất ngay vào túi. Tên bạn hỏi con quỷ: "Anh ta nhặt gì thế?". Quỷ trả lời: "Anh ta nhặt một mảnh Chân Lý." Tên bạn nói: "Vậy là quỷ sắp gặp chuyện rất tồi tệ rồi đấy." Quỷ trả lời: "Chẳng sao đâu. Ta sẽ khiến hắn lập tổ chức cho Chân Lý."

Tôi khẳng định rằng Chân lý không có đường vào, và chúng ta không thể tiếp cận nó bắng bất kỳ con đường nào, bằng bất kỳ tôn giáo nào, bằng bất kỳ giáo phái nào. Đó là quan điểm của tôi, và tôi kiên định với quan điểm này một cách tuyệt đối và toàn triệt. Chân Lý là vô hạn, toàn triệt, không thể tiếp cận bằng bất cứ con đường nào, không thể tổ chức nó được; cũng không nên thành lập tổ chức để dẩn dắt hay ép buộc người khác theo con đường riêng biệt nào đó. Nếu chúng ta hiểu được điều đó thì chúng ta sẽ thấy không thể lập tổ chức cho một niềm tin. Một niềm tin chỉ đơn thuần là vấn đề cá nhân, chúng ta không thể và không được lập tổ chức cho nó. Nếu chúng ta làm thế, nó sẽ trở nên chết cứng, bất động; nó sẽ trở thành một tín ngưỡng, một giáo phái, một tôn giáo, đem áp đặt lên người khác. Đây là điều mà mọi người trên toàn thế giới đang nỗ lực làm. Chân lý bị thu hẹp lại và biến thành món đồ chơi cho những kẻ yếu đuối, cho những kẻ chỉ bất mãn vô chừng. Chân Lý không thể hạ xuống cho mọi người, mà, thay vì vậy, cá nhân phải cố gắng vươn lên nó. Chúng ta không thể mang đỉnh núi xuống thung lũng. Nếu chúng ta muốn đến tận đỉnh cao chúng ta phải vượt qua thung lũng, trèo dốc đứng, không sợ hãi những vực sâu nguy hiểm. Chúng ta phải trèo đến Chân Lý, nó không thể bị giản lược hay cải biến lại cho vừa tầm với chúng ta. Lòng say mê chạy theo ý niệm được các tổ chức cổ súy, nhưng các tổ chức chỉ đánh thức sự mê say từ bên ngoài. Sự say mê nếu không đến từ lòng yêu Chân Lý vì Chân Lý, mà chỉ được khơi dậy bởi các tổ chức thì chẳng có giá trị gì. Tổ chức trở thành một cơ cấu cho các thành viên lười biếng của nó đeo bám vào. Họ không còn phấn đấu vì Chân Lý hay đỉnh cao, mà lại co rút mình vào một cái hốc thuận tiện nào đó, hay để mặc tổ chức đặt để cho mình, và nghĩ rằng tổ chức sẽ đem mình đến Chân Lý.




Đó là lý do đầu tiên tôi nghĩ rằng nên giải tán Hội Ngôi Sao. Dù vậy, tôi biết các vị sẽ thành lập hội khác, các vị sẽ tiếp tục gia nhập các tổ chức khác để tìm kiếm Chân Lý. Tôi không muốn thuộc về một tổ chức tâm linh nào, xin hiểu cho điều này. Theo tôi các tổ chức hữu dụng là loại tổ chức khác hẳn, chẳng hạn như tổ chức hàng không đưa tôi bay đến Luân Đôn; tổ chức bưu điện, hay điện tín... chúng đơn giản chỉ là cơ cấu máy móc. Hay như tôi thích dùng xe hơi, tàu thủy để du hành; đó chỉ là máy móc vật chất, chẳng có liên quan gì đến tâm linh.

Một lần nữa, tôi khẳng định rằng không có tổ chức nào dẫn dắt con người hướng đến tâm linh được. Nếu một tổ chức được thành lập vì mục đích này, nó sẽ trở thành nạng chống, một sự yếu đuối, sự câu thúc, và sẽ làm què quặt cá nhân, ngăn chận không cho hắn phát triển, không cho hắn hình thành sự độc đáo của mình, là đặc tính có được khi tự mình khám phá ra Chân Lý có tính tuyệt đối và toàn triệt. Và đó cũng là lý do vì sao, với tư cách nhà lãnh đạo Hội, tôi quyết định giải tán Hội Ngôi Sao. Không có ai thuyết phục tôi ra quyết định này cả.

Đây không phải là hành động cao cả gì đâu, chẳng qua vì tôi không muốn có tín đồ, và tôi thực tâm nói vậy. Khi chúng ta theo ai đó thì chúng ta không còn theo Chân Lý nữa. Tôi không quan tâm xem các vị chú ý đến lời tôi nói hay không. Tôi muốn làm một số việc trên đời này và tôi sẽ làm với sự cố gắng không sờn lòng. Tôi chỉ quan tâm đến một việc chính yếu: Giải thoát cho con người. Tôi muốn giải thoát con người khỏi mọi lồng giam, khỏi mọi nỗi sợ hãi, và không cần phải tìm đến tôn giáo, các hệ phái mới, cũng không tạo ra lý thuyết mới, triết lý mới. Hẳn nhiên các vị sẽ hỏi vậy thì tại sao tôi tiếp tục đi khắp thế giới để nói chuyện. Tôi sẽ nói lý do vì sao tôi làm điều này: không phải vì tôi muốn có người theo mình, không phải vì tôi muốn có một nhóm tuyển chọn gồm những môn đệ ưu tú nào đó. Tôi không có môn đệ, không có tông đồ, dù ở thế gian này hay trong lãnh địa tâm linh. Sao mà người ta thích khác biệt với đồng loại mình như thế, dù sự khác biệt đó đáng buồn cười, ngớ ngẩn và nhỏ nhen đến đâu! Tôi không muốn khuyến khích điều ngớ ngẩn đó.

Không phải vì cám dỗ của đồng tiền, cũng không phải vì ham sống cuộc đời tiện nghi. Nếu tôi muốn sống cuộc đời tiện nghi thì tôi đã không tham gia cuộc họp trại hay sống trong một quốc gia nóng ẩm như thế này! Tôi nói thẳng thắn vì tôi muốn việc này giải quyết một lần cho xong. Tôi không muốn mấy chuyện cãi vã trẻ con như vầy kéo dài năm này qua năm nọ.




Có một nhà báo đến phỏng vấn tôi cho rằng việc giải tán một tổ chức có hàng ngàn thành viên là một hành động cao quý. Ông ấy xem đó là một hành động vĩ đại, và hỏi: ”Rồi sau này ông sẽ làm gì, sẽ sống ra sao? Ông sẽ không còn người ủng hộ, người ta không còn nghe ông nói nữa.” Nếu chỉ có năm người chịu lắng nghe, chịu sống, chịu hướng về vĩnh cửu, thế là đủ rồi. Ích lợi gì khi có hàng ngàn người nhưng không ai hiểu gì cả, lòng tẩm đầy thành kiến, những người không muốn điều mới lạ mà chỉ diễn dịch nó cho vừa cái tự ngã cằn cỗi, trì trệ của họ? Nếu tôi có nói cứng rắn thì xin đừng hiểu lầm, không phải vì tôi thiếu lòng trắc ẩn đâu. Khi chúng ta đến bác sĩ xin giải phẩu, nếu vị bác sĩ mổ xẻ làm ta đau thì có phải vì ông ta không tốt chăng? Cũng giống như thế, nếu tôi nói thẳng thắn thì không phải vì tôi thiếu tình thương thật sự, mà ngược lại.

Như đã nói, tôi chỉ có một mục tiêu: Giải thoát cho con người, khuyến khích họ hướng tới tự do, giúp họ phá bỏ những giới hạn, vì như thế mới đem hạnh phúc vĩnh cửu đến với họ, mới giúp họ hoàn toàn thấu hiểu bản thân mình.

Bởi vì tôi tự do, không bị khuôn định, là Chân Lý toàn vẹn – không phải từng phần, không phải tương đối, mà là Chân Lý toàn vẹn vĩnh cửu – tôi mong những người tìm đến để hiểu tôi sẽ được tự do; không phải để theo tôi, không phải để từ tôi tạo dựng một cái lồng giam mà sau này sẽ trở thành một tôn giáo, một giáo phái. Thực ra họ nên giải thoát khỏi mọi sợ hãi - khỏi nỗi sợ tôn giáo, khỏi nỗi sợ cứu rỗi, khỏi nỗi sợ tâm linh, khỏi nỗi sợ tình yêu, khỏi nỗi sợ cái chết, khỏi nỗi sợ chính cuộc sống. Như một nghệ sĩ vẽ tranh vì anh ta cảm thấy vui sướng khi vẽ, bởi vì đó là cách tự biểu lộ của anh ta, sự vinh quang của anh ta, hạnh phúc của anh ta, tôi cũng làm thế nhưng không phải vì tôi muốn điều gì đó của ai.

Các vị đã quen thuộc với uy lực hay không khí của uy lực mà các vị nghĩ là sẽ dẫn mình đến chốn tâm linh. Các vị nghĩ và hy vọng rằng người khác, với năng lực phi thường như phép lạ của họ, sẽ đưa các vị đến lãnh địa tự do vĩnh cửu, hay miền Hạnh Phúc. Toàn bộ cách nhìn của các vị dựa vào uy lực đó.

Các vị đã theo nghe tôi từ ba năm nay rồi mà bây giờ cũng chẳng có thay đổi gì, ngoại trừ một ít. Nào hãy phân tích những điều tôi nói, hãy nghiêm túc để các vị có thể hiểu xuyên suốt trọng điểm. Khi các vị tìm kiếm uy lực để dẫn mình đến chốn tâm linh, dĩ nhiên các vị buộc phải tạo dựng một tổ chức quanh uy lực đó. Chính hành động tạo dựng tổ chức mà các vị nghĩ rằng nó sẽ giúp uy lực này dẫn mình đến chốn tâm linh, khiến các vị bị nhốt trong một lồng giam.

Nếu tôi nói lời chân thành, xin hãy nhớ rằng tôi làm vậy không phải vì ác ý, không phải vì nhẫn tâm, cũng không phải vì nhiệt thành với mục đích của mình, mà bởi vì tôi muốn các vị hiểu những điều tôi đang nói. Đó là lý do tại sao các vị đến đây, và chỉ là hoang phí thời giờ nếu tôi không giải thích quan điểm của mình rõ ràng, dứt khoát.





Trong mười tám năm các vị đã được chuẩn bị để đón nhận biến cố này: Sự giáng thế của đấng Thế Sư. Trong mười tám năm các vị đã tổ chức, đã trông chờ ai đó ban cho tâm và trí các vị niềm vui sướng mới, ai đó sẽ chuyển hoá toàn bộ cuộc đời các vị, ai đó sẽ đem lại cho các vị sự hiểu biết mới, trông chờ ai đó sẽ nâng các vị lên một cấp độ mới của cuộc sống, ai đó sẽ ban cho các vị một sự khích lệ mới, ai đó sẽ cứu giúp các vị giải thoát - vậy mà bây giờ hãy xem điều gì đang xảy ra! Hãy xem xét, hãy tự lý luận và tìm ra bằng cách nào mà niềm tin đó đã làm các vị khác đi – không phải sự khác biệt cạn cợt do được đeo huy hiệu của tổ chức mình, điều này quá tầm thường và ngớ ngẩn. Nhân danh cái gì mà một niềm tin như vậy đã quét sạch mọi thứ vô ích trong cuộc sống? Đây là cách duy nhất để suy xét: Trong tư cách nào mà các vị tự do hơn, vĩ đại hơn, quyền uy hơn đối với mọi tổ chức dựa trên nền tảng giả dối và vô ích? Với tư cách nào mà các thành viên của Hội Ngôi Sao này trở nên khác biệt?

Như đã nói, các vị đã chuẩn bị mười tám năm cho tôi. Tôi không quan tâm các vị có tin rằng tôi là đấng Thế Sư hay không. Chuyện đó chẳng quan trọng gì cả. Bởi vì các vị theo Hội Ngôi Sao, các vị đã dâng hiến sự đồng tình của mình, năng lực của mình, công nhận một phần hay toàn triệt rằng Krishnamurti là đấng Thế Sư; toàn triệt đối với những người thực tâm tìm kiếm, chỉ một phần đối với những người thỏa mãn với những chân lý nửa vời của họ.

Các vị đã chuẩn bị trong mười tám năm, và hãy xem có biết bao khó khăn trong cách hiểu biết của các vị, biết bao nhiêu phúc tạp, biết bao nhiêu thứ tầm phào. Những thành kiến của các vị, những nỗi sợ hãi, những uy lực mà quý vị tuân phục, các nơi thờ phụng cũ mới của các vị - tôi khẳng định rằng tất cả những thứ này là rào cản đối với sự hiểu biết. Tôi không thể trình bày rõ ràng hơn nữa. Tôi không muốn các vị đồng ý với tôi. Tôi không muốn các vị theo tôi. Tôi chỉ muốn các vị hiểu được điều tôi nói.

Sự hiểu biết này là cần thiết, bởi vì niềm tin của các vị không chuyển hóa được các vị mà chỉ gây rắc rối thêm cho các vị, và bởi vì các vị không muốn đối mặt với sự thể như chúng đang hiện thể. Các vị muốn có thượng đế của riêng mình – những thượng đế mới thay cho thượng đế cũ, tôn giáo mới thay cho tôn giáo cũ – cả thảy đều vô giá trị như nhau, đều là rào chắn, đều là giới hạn, đều là nạng chống. Thay cho sự trội vượt trong điều thiêng liêng cũ, các vị tìm sự trội vượt trong điều thiêng liêng mới; thay cho sự thờ phụng cũ, các vị tìm sự thờ phụng mới. Tất cả các vị đều đặt tâm ý của mình vào người khác, đặt hạnh phúc của mình vào người khác, đặt sự giác ngộ của mình vào người khác; và mặc dù các vị đã chuẩn bị cho tôi trong suốt mười tám năm, khi tôi nói rằng mọi thứ này đều không cần thiết, khi tôi nói rằng các vị phải dẹp các thứ này đi và phải nhìn vào bên trong chính mình để thấy được sự giải ngộ, thấy được hạnh phúc tối thượng, thấy được sự thanh khiết, không băng hoại của bản thân mình, chẳng có người nào trong các vị muốn làm điều đó. Có thể vài người, nhưng hết sức ít ỏi.




Thế thì cần gì có tổ chức?

Tại sao có những người dối trá, giả nhân giả nghĩa theo tôi, theo hiện thân của Chân Lý? Xin hãy nhớ rằng tôi không nói điều gì thô lỗ và bất nhã, nhưng chúng ta đã đến tình trạng phải đối mặt với sự thể như chúng hiện thể. Năm trước tôi nói rằng tôi sẽ không thỏa hiệp nữa, lúc đó rất ít người chịu nghe tôi. Năm nay tôi nói điều này hết sức rõ ràng. Tôi không biết có bao nhiêu ngàn hội viên trên khắp thế giới đã chuẩn bị đón tôi trong mười tám năm qua, vậy mà giờ đây chắc họ cũng không muốn lắng nghe một cách công tâm, toàn triệt, những gì tôi nói.

Thế thì cần gì có tổ chức?

Như tôi đã nói khi nảy, mục đích của tôi là giúp cho con người tự do toàn triệt, vì tôi khẳng định điều thiêng liêng duy nhất mang tính vĩnh cửu là bản thân mình không bị băng hoại, là sự hài hòa giữa lý trí và tình yêu. Đây là Chân Lý tuyệt đối, toàn triệt, và đó chính là cuộc sống. Do đó, tôi muốn giải thoát cho con người, lòng vui như chim trên bầu trời trong vắt, thanh thoát, không ràng buộc, hân hoan với sự tự do đó. Và tôi, là người mà các vị đã chuẩn bị trong suốt mười tám năm, giờ đây nói với các vị rằng các vị phải thoát khỏi các chuyện này, thoát khỏi mọi phức tạp, mọi vướng mắc của các vị. Để làm điều này, các vị không cần đến một tổ chức dựa trên niềm tin thiêng liêng. Sao lại cần một tổ chức trên đời cho năm hay mười người hiểu biết, những người đang cố gắng, người đã dẹp một bên mọi thứ tầm thường? Dù đối với những người yếu đuối, cũng không có tổ chức nào giúp đỡ họ tìm ra Chân Lý được, bởi vì Chân lý nằm trong mỗi người; nó không xa, nó không gần; nó ở đó muôn đời.

Các tổ chức không giải thoát được cho chúng ta. Chẳng có ai bên ngoài có thể giải thoát cho chúng ta; cũng chẳng có sự thờ phụng được sắp sẵn nào, chẳng có sự hiến mình cho chính nghĩa hay vùi đầu vào công tác nào có thể giải thoát cho chúng ta. Chúng ta dùng máy đánh chữ để viết thư, nhưng chúng ta không đặt nó lên bàn thờ để thờ phượng. Vậy mà đó là điều chúng ta làm khi các tổ chức tôn giáo trở thành mối quan tâm chính của chúng ta. “Có bao nhiêu hội viên trong Hội?” Đó là câu đầu tiên tôi được hỏi bởi tất cả các nhà báo. “Có bao nhiêu người theo ngài?” Qua con số hội viên chúng tôi sẽ biết điều ngài nói đúng hay sai.” Tôi chẳng biết có bao nhiêu người nữa. Tôi chẳng quan tâm chuyện đó. Như tôi đã nói, nếu chỉ có một người giải thoát thôi, vậy cũng đủ rồi.

Thêm nữa, chúng ta có ý nghĩ rằng ai đó có thẩm quyền nắm giữ chìa khóa vào Miền Hạnh Phúc. Không có ai giữ nó cả và chẳng ai có quyền giữ nó cả. Chìa khóa đó là tự bản thân mình, và chỉ khi bản thân mình phát triển, thanh khiết, và không băng hoại, thì đó mới là Miền Vĩnh Cửu.

Vì thế các vị sẽ thấy toàn bộ cơ cấu mà các vị đã xây dựng thật là ngớ ngẩn, như tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, lệ thuộc vào người khác để có sự an ủi, hạnh phúc, sức mạnh cho chính mình. Các thứ này chỉ tìm thấy bên trong chính mình.

Thế thì cần gì có tổ chức?

Chúng ta đã quen được bảo ban mình đã tiến bộ đến đâu, trạng thái tâm linh của mình ở mức nào. Thật là trẻ con quá! Ngoài các vị ra ai có thể bảo cho các vị biết bên trong các vị đẹp hay xấu? Ngoài các vị ra ai có thể bảo cho các vị biết các vị không bị băng hoại? Các vị không nghiêm túc trong chuyện này rồi.

Thế thì cần gì có tổ chức?

Nhưng đối với những người thật sự mong muốn hiểu biết, những người đang tìm kiếm sự vĩnh cửu không có bắt đầu và không có chấm dứt, sẽ đi cùng nhau với quyết tâm lớn hơn, sẽ là một mối nguy đối với mọi thứ vô ích, hão huyền, đối với bóng tối. Và họ sẽ tập trung lại, họ sẽ trở thành ngọn lửa, bởi vì họ hiểu biết. Một bộ phận như thế cần phải có, và đó là mục đích của tôi. Bởi vì khi có sự hiểu biết chân thực sẽ có tình bằng hữu chân thực. Bởi vì có tình bằng hữu chân thực – là điều mà hình như các vị không biết - sẽ có sự hợp tác chân thực của mỗi người. Và điều này có được không phải nhờ uy lực, không phải nhờ sự cứu rỗi, cũng không phải nhờ sự hiến mình cho chính nghĩa, nhưng nhờ chúng ta hiểu biết, và do đó có thể sống trong vĩnh cửu. Đây là việc còn to lớn hơn mọi lạc thú, mọi hy sinh.




Đó là vài lý do tại sao tôi đưa ra quyết định này, không phải do sự xúc động nhất thời, vì đã suy xét cẩn thận trong hai năm. Tôi không bị ai thuyết phục cả, chẳng ai thuyết phục được tôi trong những chuyện như vậy. Trong hai năm tôi đã suy nghĩ về điều này, chậm rãi, cẩn thận, kiên nhẫn, và giờ đây tôi quyết định giải tán Hội Ngôi Sao mà tôi ngẫu nhiên là người lãnh đạo. Các vị có thể tạo dựng các tổ chức khác và trông chờ vào người khác. Tôi chẳng quan tâm đến điều đó, cũng chẳng quan tâm đến việc tạo ra các lồng giam mới, những nét tô vẽ mới cho các lồng giam ấy. Điều duy nhất tôi quan tâm là giải thoát cho con người một cách tuyệt đối và toàn triệt.



3 nhận xét:

  1. Điều duy nhất tôi quan tâm là giải thoát cho con người một cách tuyệt đối và toàn triệt.

    Trả lờiXóa
  2. Chân Lý là vô hạn, toàn triệt, không thể tiếp cận bằng bất cứ con đường nào, không thể tổ chức nó được; cũng không nên thành lập tổ chức để dẩn dắt hay ép buộc người khác theo con đường riêng biệt nào đó. Nếu chúng ta hiểu được điều đó thì chúng ta sẽ thấy không thể lập tổ chức cho một niềm tin. Một niềm tin chỉ đơn thuần là vấn đề cá nhân, chúng ta không thể và không được lập tổ chức cho nó. Nếu chúng ta làm thế, nó sẽ trở nên chết cứng, bất động; nó sẽ trở thành một tín ngưỡng, một giáo phái, một tôn giáo, đem áp đặt lên người khác. Đây là điều mà mọi người trên toàn thế giới đang nỗ lực làm.

    Trả lờiXóa