Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Tự do đầu tiên và cuối cùng (3) - Phần một

Phần một - chương 4,5,6
Krishnamurti - Tự do đầu tiên và cuối cùng
Bản dịch Phạm Công Thiện
CHƯƠNG IV
TỰ TRI

Những vấn đề của thế giới quá to tát rộng lớn, quá phức tạp khó khăn, mà muốn hiểu và giải quyết những vấn đề ấy, người ta cần phải đi đến những vấn đề ấy một cách giản dị và trực tiếp; và sự giản dị, sự trực tiếp không phải tùy thuộc vào những hoàn cảnh bên ngoài, cũng không phải tùy thuộc vào những thành kiến và trạng huống đặc biệt nào đó. Như tôi đã trình bày, không thể tìm sự giải quyết vấn đề trong những hội nghị, những chương trình kế hoạch hay trong sự truất phế những người lãnh đạo cũ để thay bằng những vị lãnh đạo mới, vân vân. Nhất định sự giải quyết vấn đề chỉ nằm trong chính người tạo ra vấn đề, người tạo ra dối trá ác tâm, hận thù và ngô nhận to tát giữa những con người. Người khai sinh ra điều gian manh, khai sinh ra những vấn đề chính là cá thể, chính các ngài và tôi, chứ không phải thế gian, như chúng ta thường tưởng thế. Thế gian, thế giới này là sự giao tương giữa người này với người khác. Thế gian không phải là một thực thể ly cách các ngài và tôi; thế gian, xã hội chính là liên giao mà chúng ta đã thiết lập hay tìm cách thiết lập để cảm thông nhau.
Thế thì các ngài và tôi là vấn đề, chứ không phải thế giới, không có vấn đề thế giới tách biệt ra ngoài chúng ta, mà thế giới chỉ là sự phóng rọi ra bên ngoài những gì thầm kín bên trong tâm hồn chúng ta; do đó, muốn tìm hiểu thế giới, chúng ta phải tìm chính chúng ta. Thế giới không phải tách lìa xa lạ với chúng ta; chúng ta chính là thế giới, và những vấn đề của chúng ta chính là những vấn đề của thế giới. Có nên lặp lại rằng chúng ta quá biếng nhác trong tâm tưởng, biếng nhác đến nỗi chúng ta nghĩ rằng những vấn đề thế giới không phải là việc của chúng ta và cho rằng chỉ Liên Hiệp Quốc mới lo việc giải quyết những vấn đề ấy. Hoặc những vấn đề ấy chỉ có thể giải quyết như thay đổi những vị lãnh tụ cũ bằng những lãnh tụ mới. Chỉ có những đầu óc khờ dại nông cạn mới nghĩ như vậy, vì chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về thảm trạng đau đớn hãi hùng hiện nay, phải chịu trách nhiệm về sự hỗn loạn hiện tại ở thế giới, trận thế chiến luôn luôn đe dọa sắp nổ. Muốn chuyển hóa thế giới, chúng ta phải bắt đầu chuyển hóa bản thể chúng ta; khi bắt đầu chuyển hóa mình, điều quan trọng là ý định chủ hướng, ý định chủ hướng phải là tự tri, tự giác, tự hiểu biết mình và không để người khác tự chuyển hóa họ hoặc mang đến một sự đổi thay cải cách bằng cách mệnh theo tả phái hoặc hữu phái. Một điều quan thế giớiọng là hiểu rằng đó chính là trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của các ngài và trách nhiệm của tôi. Bởi vì dù thế giới ta đang sống có nhỏ bé đến đâu đi nữa, mà nếu chúng ta có thể tự chuyển hóa mình, tự tạo tác ra một quan điểm khác biệt triệt để trong đời sống thường nhật thì lúc ấy chúng ta sẽ ảnh hưởng điều phục cả thế giới lớn rộng, toàn thể thế giới này, trọn vẹn tương giao mở rộng với những người khác.
Như tôi đã nói nhiều lần, chúng ta đang tìm hiểu tiến trình tri kiến bản thân, một tiến trình hỗ tương, chứ không phải là một tiến trình đơn độc cô lập. Tiến trình tự tri, tự kiến, tự hiểu mình không phải bắt đầu từ việc chối bỏ thế gian, từ bỏ cuộc đời để rút lui về ẩn náu trong sự cô lập nào đó ; không, không phải thế, vì các ngài không thể nào sống trong sự cô lập ấy. Hiện tính là tương quan; không có gì là một cuộc hiện sinh cô lập. Chính vì đánh mất tương giao chính đáng cho nên mới xảy ra những sự xung đột va chạm, nạn khốn cùng kiệt quệ và sự tranh chấp đấu tố; dù thế giới của chúng ta có nhỏ bé thế nào đi nữa tương giao của chúng ta trong thế giới nhỏ hẹp ấy thì việc ấy không khác gì một ngọn sóng dâng tràn tiếp nối rộng lớn ra bên ngoài mãi mãi không bao giờ dứt. Hiểu được như vậy, tôi nghĩ rằng đó mới là điều quan trọng, chúng ta phải hiểu rằng thế giới là mối tương giao của chúng ta, dù là tương giao nhỏ hẹp đi nữa, đó cũng vẫn là tương giao; mà nếu chúng ta có thể mang đến sự chuyển hóa trong sự tương giao ấy, một sự hóa thân biến chuyển toàn triệt, chứ không phải hời hợt, nếu chúng ta có thể làm được như thế thì chúng ta đã bắt đầu tích cực chuyển hóa cả thế giới. Cuộc cách mạng thực sự không thể nào được thiết lập trên bất cứ một mẫu mực đặc biệt nào, dù là mẫu mực hữu phái hoặc tả phái. Cuộc cách mạng  thực sự phải là cuộc cách mạng của những giá trị , thay đổi toàn triệt những giá trị cảm thức thành ra những giá trị thực sự, những giá trị không xuất phát từ cảm quan hay không bị qui định, tạo tác do những ảnh hưởng hoàn cảnh chung quanh. Muốn tìm ra những giá trị thực sự để đem đến một cuộc cách mạng toàn triệt, một sự chuyển hóa triệt để hoặc một sự hồi sinh trọn vẹn, con người phải cần tự hiểu mình. Tự tri là bước đầu của đạo lý và đó mới là bước đầu của sự chuyển hóa hoặc phục sinh. Muốn tự hiểu mình, chúng ta cần phải có ý định chủ hướng là muốn hiểu – đó là sự khó khăn đầu tiên. Mặc dù hầu hết chúng ta đều bất mãn, hầu hết chúng ta đều muốn chuyển biến, chuyển hóa lập tức, nhưng sự bất mãn của chúng ta chỉ đưa đến việc tìm tới một kết quả nào đó ; vì bất mãn, chúng ta đã đi tìm một việc làm khác hay chỉ thụ động ngã quỵ với hoàn cảnh. Sự bất mãn, thay vì thổi lửa trong lòng ta, xui khiến ta đánh dấu hỏi trước đời sống, tra vấn trọn vẹn tiến trình của đời sống, thay vì thế, bất mãn đã uốn nắn qui tụ lại trong hướng đi khuôn khổ cạn hẹp; do đó, chúng ta trở thành tầm thường hời hợt, đánh mất nguyên động lực, đánh mất lửa tâm tư, sự mãnh liệt nội tâm để khám phá ý nghĩa trọn vẹn của đời sống con người. Vì lý do ấy, điều quan trọng nhất đối với chúng ta là phải khám phá ra mọi sự bằng chính bản thân chúng ta, bởi vì sự tự tri, tự giác, không thể nào thành tựu được qua trung gian của một người khác, chúng ta không thể tìm được tự tri trong bất cứ một quyển sách nào. Chúng ta phải khám phá, mà muốn khám phá thì phải có ý định khám phá, tìm kiếm, khảo sát. Khi nào mà ý định chủ hướng muốn khám phá, tìm hiểu, khảo sát sâu xa hãy còn quá yếu ớt hoặc không xuất hiện trong tâm trí mình thì việc tìm hiểu mình chẳng có ý nghĩa gì cả, vì chúng ta chỉ nói suông hoặc chỉ có ý muốn nhất thời thôi.
Thế thì mọi sự chuyển hóa thế giới chỉ có thể thực hiện được bằng sự chuyển hóa bản thân, chuyển hóa ngay nơi tâm tư của mình, vì bản ngã là sản phẩm và là thành phần của toàn thể tiến trình của đời sống con người. Muốn tự chuyển hóa, chúng ta phải cần tự hiểu mình; không tự hiểu mình, không hiểu được bản chất mình thì tư duy chính xác đã mất nền tảng; không tự hiểu mình thì sự chuyển hóa tâm thức không thể nào thể hiện được : mình phải hiểu mình là gì, không phải hiểu như muốn mình phải là gì, vì nếu muốn như thế thì chỉ là một lý tưởng, nghĩa là huyền ảo không thực; chỉ có những gì là hiện thể, đang là thì mới có thể chuyển hóa được, chứ không phải những gì mình muốn nó biến thể theo ý muốn của mình. Muốn hiểu rõ mình là thế nào, đúng theo bản chất thông thường trung trực của mình thì phải cần có một trí óc linh hoạt nhanh nhẹn, sống động phi thường, bởi vì những gì đang là hiện thể thì thường xuyên biến dạng hóa thân từng giây phút, luôn luôn thay đổi, mà muốn rõi theo sự thay đổi linh động ấy một cách nhanh nhẹn, nhất định tâm trí mình không bị ràng buộc theo một tín điều hay một tín ngưỡng đặc biệt nào, trong bất cứ khuôn mẫu hành động đặc thù nào. Nếu các ngài muốn theo bất cứ sự vật gì mà phải bị vướng buộc triền phược thì không thể nào thành tựu được. Muốn hiểu thực chất, thực tính của mình, chúng ta phải ý thức, trí óc phải được tự do, trí óc phải nhanh nhẹn, thức thời linh động, chỉ có trí óc như vậy mới được tự do, không bị ràng buộc trong tất cả tín ngưỡng, trong tất cả hệ trình ý niệm, bởi vì những tín ngưỡng và những lý tưởng chỉ cho các ngài một sắc thái nào đó và làm phân tán bại hoại trực kiến chân chính. Nếu các ngài muốn biết bản chất trung trực của các ngài, các ngài không thể nào tưởng tượng hình dung hay đặt tín ngưỡng vào một sự thể nào đó mà không phải là bản thể của các ngài. Nếu tôi tham lam, đố kỵ, tàn nhẫn bạo động, phũ phàng mà lại chỉ muốn vươn tới lý tưởng bất bạo động, ly dục : việc vươn tới lý tưởng ấy chẳng có một mảy may giá trị nào cả. Nhưng hiểu biết rằng mình là kẻ tham lam, đố kỵ, hoặc bạo động, muốn biết và hiểu như vậy đòi hỏi chúng ta phải có một sự trực nhận bén nhạy, phải thế không? Đòi hỏi chúng ta phải thành thực, chính trực, sáng sủa minh bạch trong tư tưởng, trái lại việc chạy đuổi theo một lý tưởng nào đó để trốn sự thực thì chỉ là một việc thoát ly thực tại, chạy trốn thực tại, việc ấy ngăn chận các ngài và không để các ngài khám phá và hành động trực tiếp để chuyển hóa bản chất các ngài.
Hiểu bản chất của mình, dù bản chất ấy là gì đi nữa, dù xấu hay đẹp, dù hung bạo hay tàn nhẫn, hiểu bản chất mình một cách ngay thẳng là sự bắt đầu của nhân đức. Nhân đức rất cần thiết cho chúng ta vì nó mang đến tự do. Chỉ trong nhân đức các ngài mới có thể khám phá rằng các ngài đang sống, chứ không phải trong việc tôi luyện một đức hạnh nào đó, việc tôi luyện ấy chỉ tạo ra sự kính trọng, chứ không tạo ra giao cảm và tự do. Một người có nhân đức khác hẳn một người muốn trở nên nhân đức. Nhân đức chỉ xuất hiện khi chúng ta hiểu cái đang , hiện thể, thực thể, trái lại muốn trở thành nhân đức chỉ là triển hạn trì hoãn che đậy khuất lấp cái đang là hiện thể, thực thể mà mình muốn nó chuyển hóa theo lòng tham dục của mình. Vì thế khi muốn trở thành kẻ nhân đức, các ngài đã tránh hành động trực tiếp để chuyển hóa thực tại, hiện thể, cái đang . Tiến trình trốn lánh thực tại , trốn lánh cái đang qua sự khuôn đúc tôi luyện lý tưởng thì được mọi người coi như là nhân đức; nhưng khi các ngài khảo sát một cách kỹ lưỡng hơn, một cách trực tiếp hơn, các ngài sẽ thấy rằng đó chẳng phải nhân đức gì cả. Đó chỉ là sự triển hạn lần lữa không chịu đối mặt với hiện thể, chạm mặt với cái đang là. Nhân đức không phải là trở thành cái không là bây giờ, trở thành một cái gì nghịch lại hiện thể, bản chất trung thực của mình ; nhân đức là hiểu cái đang là, lãnh hội thực tại, viên thông với thực thể, và nhờ đó được tự do giải thoát, không còn bị ràng buộc trong hiện tại, trói buộc trong hiện thể. Nhân đức rất cần thiết chính yếu cho một xã hội đang bị tàn rữa nhanh chóng. Muốn tạo ra một thế giới mới, một cơ cấu mới khác hẳn với nề nếp cũ, chúng ta phải có tự do thoải mái để khai phá, khám phá; và muốn được tự do thì phải có nhân đức, vì không có nhân đức thì không thể nào có tự do được. Có thể nào một người thất đức muốn trở thành nhân đức mà biết được nhân đức ? Người thất đức thì không thể nào được tự do, và không thể nào hắn có thể khám phá ra thực tại. Thực tại chỉ có thể tìm thấy trong việc lĩnh hội, tiếp nhận, giao cảm, hiểu được cái đang là; muốn hiểu được cái đang là thì phải có tự do, tự do và thoát khỏi nỗi niềm sợ hãi thực tại, sợ hãi cái đang là, sợ hãi những gì đang xảy ra trong hiện tại.
Muốn hiểu được tiến trình ấy, chúng ta cần phải có ý định chủ tâm, muốn hiểu, muốn biết cái đang là, theo đuổi mỗi một tư tưởng, mỗi một cảm giác và mỗi một hành động; hiểu được cái đang là thì thực sự vô cùng khó khăn, bởi vì cái đang là thì không bao giờ đứng yên một chỗ, không bao giờ tĩnh chỉ, không bao giờ tĩnh chết, cứng đọng, cái đang là thì luôn luôn di chuyển, vận hành, chuyển động thường xuyên. Cái đang là là chính các ngài, bản chất của các ngài, hiện thể của các ngài, đó là bản tính thực sự của các ngài, chứ không phải lý tưởng, hình ảnh xa vời mà các ngài muốn trở nên; nó không phải là lý tưởng bởi vì tất cả lý tưởng đều huyễn hoặc, không có thực, nhưng những gì đang xảy ra hiện nay, những gì đang thì chính là những gì các ngài đang làm, đang nghĩ và đang cảm thấy từ giây phút này đến giây phút khác. Cái đang là là cái đang xảy ra, đang hiện thực, và muốn hiểu hiện thực thì cần phải có một trí óc sáng suốt, ý thức bốc cháy, nhanh nhẹn, tỉnh thức thường xuyên. Nhưng nếu khi chúng ta bắt đầu phê phán biến thể cái đang là, nếu chúng ta bắt đầu đổ lỗi và chống chế nó, bấy giờ chúng ta sẽ không còn hiểu được sự vận hành của nó nữa. Nếu tôi muốn thông cảm một người nào đó, tôi không thể nào phán xử kết án hắn được : tôi phải quan sát, khảo sát hắn. Tôi phải thương yêu sự thể mà tôi đang khảo sát nghiên cứu. Nếu các ngài muốn tìm hiểu thông cảm một đứa trẻ, các ngài phải thương yêu và không phán xử khiển trách nó. Các ngài phải chơi đùa với đứa trẻ ấy, ngắm nhìn những cử động, những nét độc đáo của tính nết, những lề lối cư xử của đứa bé; nhưng ngược lại, nếu các ngài chỉ xử phạt khiển trách, cưỡng chống hoặc qui trách đứa trẻ thì không thể nào nói là các ngài đã chịu tìm hiểu cảm thông đứa bé nhỏ. Cũng thế, mỗi khi muốn tìm hiểu lý giải tất cả những gì đang , đang xảy ra, đang hiện thể, mình phải xem xét, chú ý, chú tâm, chiêm nghiệm tất cả tư tưởng, ý nghĩ, cảm giác và hành động của mình từ lúc này đến lúc khác, từng khoảnh khắc từng giây phút. Đó là hiện thực, thực thể, hiện thể. Bất cứ hành động nào khác, bất cứ lý tưởng hay bất cứ sự vận động ý thức hệ nào khác, cũng đều không phải là hiện thực, thực tế; đó chẳng qua chỉ là hoài vọng nhất thời, một ý muốn thèm khát huyễn hoặc, muốn trở nên một cái gì khác cái đang là, cái đang xảy ra, đang hiện thực.
Muốn hiểu được cái đang là, chúng ta cần phải có một tâm trạng thoải mái, không vướng bận với sự đồng hóa hay sự phán xử khiển trách, tâm trí mình phải hoạt bát, mẫn tiệp, lanh lợi, nhưng dù nhanh nhẹn như thế, vẫn thụ động, cởi mở đón nhận một cách vô vi tiêu cực. Chúng ta chỉ có thể đạt tới trạng thái ấy khi chúng ta thực sự khao khát muốn tìm hiểu một sự thể nào đó.; khi chúng ta thực sự chuyên tâm, chuyên chú một cách hứng khởi mãnh liệt thì nhất định trạng thái tâm tư ấy xuất hiện ngay lập tức. Lúc mình thực sự say sưa tìm hiểu cái đang là, trạng thái thực của tâm hồn hiển nhiên mình không cần phải cưỡng chế, bức bách, khắc phục hoặc kiềm chế nó; ngược lại, mình phải linh hoạt, thức thời, mẫn tiệp một cách thụ động vô vi tiêu cực. Trạng thái ý thức linh hoạt ấy chỉ xuất hiện khi mình nhanh nhẹn, lanh lợi, say sưa hứng thú trong ý định chủ tâm tìm hiểu, thể nhận, lý giải sự thể.
Sự tự hiểu mình, sự tự tri căn bản ấy không thể nào thành tựu được nếu mình chỉ trông cậy vào kiến thức, kiến giải, hoặc vào sự chứa chất, tích lũy của những kinh nghiệm, đó chỉ là việc tôi luyện trí nhớ thôi. Mình chỉ có thể hiểu mình trong mỗi một khoảnh khắc, từ giây phút này đến giây phút khác. Nếu chúng ta chỉ chồng chất tích lũy kiến thức về bản ngã, chính kiến thức ấy sẽ ngăn chận lại sự giao cảm thâm trầm, sâu sắc; bởi vì kiến thức và kinh nghiệm chứa chất ấy trở thành trung tâm để cho tư tưởng tập trung qui hướng mà phát hiện. Thế giới không khác chúng ta và không khác những hoạt động của chúng ta, vì chúng ta là thế nào thì chúng ta tạo ra những vấn đề thế giới như thế ấy; nỗi khó khăn, đối với phần đông mỗi người, là không hiểu mình một cách trực tiếp, thay vì thế, mình lại tìm kiếm một hệ thống ý thức, một phương pháp, một lề lối hành tác để giải quyết bao nhiêu vấn đề nhân loại.
Thế thì có chăng một phương tiện, một hệ thống để mà mình có thể tự hiểu mình?
Bất cứ một người khéo léo, bất cứ một triết gia nào cũng có thể sáng lập một hệ thống, một phương pháp; nhưng điều quá rõ ràng ai cũng thấy, việc chạy theo một hệ thống nào đó rốt cuộc cũng lại chỉ đạt được kết quả do chính hệ thống ấy tạo ra, phải thế chăng? Nếu tôi theo một phương pháp đặc biệt nào đó để tìm hiểu mình, bấy giờ tôi sẽ đạt được kết quả mà chính phương pháp, hệ thống ấy đã khuôn định, nhưng hiển nhiên kết quả ấy chẳng phải là sự tự hiểu mình, tự tri, tự ngộ.
Nói cho rõ ràng, khi khuôn rập theo một phương pháp, một hệ thống nào đó, một phương tiện nào đó để mà tìm hiểu mình thì tôi đã hun đúc uốn nắn tư tưởng tôi, hành động tôi, đúng theo một mẫu mực nào đó; nhưng việc tự tri, tự tìm hiểu mình, nhất định không thể nào là việc khuôn đúc ăn rập theo một mẫu mực nào đó.
Vậy thì chẳng có một phương pháp nào để tự tìm hiểu mình được. Đi tìm kiếm một phương pháp nào đó vẫn chỉ luôn luôn ngụ ý tiềm tàng lòng khát vọng đạt tới một kết quả nào đó hầu hết chúng ta đều muốn như vậy. Chúng ta tuân theo quyền thế, quyền uy, nếu không là quyền thế uy lực của một người nào đó thì lại là uy thế của một hệ thống ý niệm nào đó, một ý thức hệ nào đó : bởi vì chúng ta muốn đạt đến một kết quả nào đó khả dĩ thỏa mãn được lòng mình, khả dĩ mang đến sự an ninh bình an tâm hồn. Thực ra, chúng ta không hề muốn tự hiểu mình, hiểu những rung động, những phản ứng nội tâm, toàn thể tiến trình tư tưởng chúng ta, ý thức cũng như vô thức; thay vì thế, chúng ta lại đuổi theo một hệ thống ý niệm, một hệ thống nào đó có thể bảo đảm một kết quả nào đó cho chúng ta. Nhưng sự đuổi theo một hệ thống vẫn luôn luôn là hậu quả của lòng khát vọng muốn được an ninh, an bình, muốn được cố định dứt khoát; hiển nhiên, kết quả không phải là sự tìm hiểu mình. Khi chúng ta tuân theo một phương pháp, phương sách, chúng ta cần phải nhờ vả quyền uy thế lực (uy thế của bậc tôn sư, sư phụ, đấng cứu thế, bậc đại sư) để bảo đảm hứa hẹn cho chúng ta tất cả những gì chúng ta mong muốn; nhất định đây không thể nào là con đường đưa dẫn tới tự giác được.
Phải chăng quyền uy thế lực ngăn chận tất cả tự giác, tự tri? Ẩn núp dưới chiêu bài quyền uy thế lực, nương náu dưới trướng một kẻ dẫn đạo, các ngài có thể tạm thời có cảm giác rằng mình được an ninh, an lành tinh thần, nhưng điều đó không thể nào đưa đến sự lãnh hội trọn vẹn tiến trình nội tâm của bản thân . Vì thế, uy lực, trong tự thể của nó, chận đứng tất cả ý thức trọn vẹn về bản thân và rút lại phá hủy tự do; chúng ta chỉ có thể tìm được tinh thần sáng tạo, óc sáng tác, trong tự do mà thôi. Chỉ khi nào mình hiểu được thì mới có thể sáng tác, sáng tạo. Hầu hết chúng ta không bao giờ có được tinh thần sáng tạo trong đời sống; chúng ta chỉ là những máy lặp đi lặp lại một cách vô ý thức, những đĩa hát chơi hoài, trổi mãi những điệu nhạc buồn tẻ của kinh nghiệm, lặp đi lặp lại một số kết luận nào đó hoặc một số hồi tưởng nào đó của chính mình hay của kẻ khác. Sự lặp đi lặp lại ấy không thể là hiện thể sáng tạo, đó chỉ là những gì chúng ta mong muốn thôi. Bởi vì chúng ta mong muốn được an toàn trong nội tâm, chúng ta cứ mải miết đi tìm những phương pháp, phương tiện, để được an bình, an ninh, an toàn, thế rồi chúng ta đã tạo ra quyền thế uy lực, sùng bái thờ lạy một kẻ nào đó, việc ấy đã phá hủy sự giao cảm lãnh hội, phá hủy sự thanh bình trầm lặng tự nhiên của tâm thức, chỉ có sự thanh bình trầm lặng ấy mới có thể đưa chúng ta đến tâm thái sáng tạo trước đời sống.
Thực quá rõ ràng, nỗi khó khăn của hầu hết chúng ta là đã đánh mất cảm thức sáng tạo. Có được tinh thần sáng tạo sáng tác không có nghĩa là chúng ta phải vẽ tranh hay làm thơ và trở nên nổi tiếng nổi danh nhờ những tác phẩm của mình. Đó không có gì là sáng tạo cả : thực ra đó chỉ là khả năng diễn đạt một ý tưởng nào đó mà quần chúng ca ngợi hay bỏ quên, hững hờ không biết đến. Chúng ta đừng bao giờ nhầm lẫn khả năng và tinh thần sáng tạo. Khả năng, tài năng không phải là tinh thần sáng tạo. Óc sáng tác, tinh thần sáng tạo là một trạng thái hoàn toàn khác hẳn, phải thế không ? Đó là một trạng thái mà bản ngã vắng mặt, mà tâm trí không còn là nơi tập trung những kinh nghiệm của chúng ta, những tham vọng, những sự tra tìm và những lòng khát vọng của chúng ta. Tinh thần sáng tạo không phải là một trạng thái liên tục, nó mới lạ từ giây phút này đến giây phút khác, nó di động biến chuyển, trong sự vận hành ấy không thể tìm thấy cái “tôi”, bản ngã, và tư tưởng không bị qui hướng tập trung về một cứ điểm kinh nghiệm đặc biệt nào, về bất cứ tham vọng, thành tựu, mục đích và động lực nào cả. Chỉ khi nào bản ngã không có ở đó thì mới phát hiện tinh thần sáng tạo, chỉ có tình trạng ấy mới chứa đựng thực tại, thực thể sáng tạo vạn hữu. Nhưng chúng ta không thể nào ý niệm được, hội ý, hay tưởng tượng hình dung trạng thái ấy, chúng ta không thể đặt phương trình hoặc ghi chép, cóp chép nó, chúng ta không thể nào đạt tới trạng thái ấy qua trung gian của một hệ thống qua trung gian của bất cứ một triết lý nào, qua trung gian của bất cứ kỷ luật nào; trái lại, trạng thái ấy chỉ có thể xuất hiện qua sự lãnh hội toàn thể tiến trình bản thân.
Tự tri bản thân không thể là một kết quả, một sự hội thành, tập đại thành; tự tri là thấy mình, nhìn thấy mình từ giây phút này đến giây phút khác trong lăng kính của tương giao, tương hệ của mình đối với tài sản, đối với những sự vật đối với con người và đối với những ý tưởng, nhưng chúng ta cảm thấy quá khó khăn trong việc giữ tâm trí mình được linh hoạt nhanh nhẹn tỉnh táo để thức tỉnh, để ý thức sáng suốt, và chúng ta lại muốn làm tê liệt nhàm chán tâm trí chúng ta bằng cách chạy theo một phương pháp nào đó, bằng cách chấp nhận những quyền uy thế lực, những mê tín dị đoan và những lý thuyết khả dĩ làm thỏa mãn tâm hồn chúng ta; vì thế tâm trí chúng ta đã trở nên khắc khoải, mệt nhọc, chán chường, thờ ơ, lãnh đạm, vô tri giác. Tâm trí như thế thì không thể nào nói đến trạng thái sáng tạo. Tâm thái sáng tạo chỉ đến với ta khi nào bản ngã, nghĩa là tiến trình tri nhận và tích lũy không còn liên tục nữa; bởi vì, tựu chung, ý thức chính là bản ngã, là trung tâm của thị nhận, và thị nhận chỉ là tiến trình của sự tích lũy kinh nghiệm. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ hãi khi biết mình không là gì cả, bởi vì chúng ta đều muốn trở nên cái gì đó. Con người nhỏ nhoi thì muốn trở thành người to lớn, người thất đức thì muốn trở thành kẻ nhân đức, kẻ ốm yếu ngu muội thèm khát quyền thế, địa vị và uy lực. Đó là hành động liên tục của tâm trí. Kẻ nào có tâm trí như thế thì không thể nào trầm lặng được và không thể nào hiểu được tâm thức sáng tạo.
Muốn chuyển hóa thế giới chung quang ta, chuyển hóa sự khốn khổ chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn đói, sự phân chia giai cấp và tất cả sự hỗn loạn khắp nơi thì chúng ta phải chuyển hóa chính bản thân mình. Cuộc cách mạng phải bắt đầu được nhóm dậy trong chính tâm tư mình, chứ không phải lệ thuộc vào bất cứ tín ngưỡng nào hay ý thức hệ nào, bởi vì cách mạng xây dựng trên một ý tưởng, hay khuôn đúc theo một mẫu mực đặc biệt nào đó thì chẳng có gì là cách mạng cả. Muốn đem lại một cuộc cách mạng từ căn rễ trong tâm hồn mình, mình phải hiểu được toàn thể tiến trình tư tưởng và cảm giác mình trong sự giao du hỗ tương. Đó mới là sự giải quyết duy nhất cho tất cả vấn nạn, tất cả vấn đề; không còn phải tuân theo những kỷ luật nào nữa, không còn tín ngưỡng nào, không còn ý thức hệ nào, không còn tôn sư thầy dạy nào nữa. Khi nào chúng ta có thể tự hiểu mình đúng như mình đang là từ giây phút này đến giây phút khác mà không phải vướng trong tiến trình tích lũy, chỉ lúc ấy chúng ta mới thấy được sự trầm lặng thư thái hiện đến, sự trầm lặng ấy không phải là sản phẩm của tâm trí, sự trầm lặng thanh bình an tĩnh không phải do tưởng tượng, cũng không phải do nỗ lực tôi luyện. Chỉ khi nào mình đạt được tâm thái tĩnh lặng ấy thì tâm thức sáng tạo mới được bừng dậy.

CHƯƠNG V
 HÀNH ĐỘNG VÀ Ý TƯỞNG

Tôi muốn thảo luận vấn đề hành động. Vấn đề này có thể khá khó khăn phức tạp trong bước đầu, nhưng tôi mong rằng khi suy tưởng một cách chín chắn hơn, chúng ta sẽ có thể thấy được vấn đề minh bạch hơn, vì trọn vẹn đời sống chúng ta, trọn cuộc đời chúng ta, chỉ là một biến trình hành động.
Hầu hết chúng ta đều sống trong một chuỗi hành động lê thê, những hành động dường như không liên hệ gì với nhau, rã rời, đưa dẫn đến nạn phân hóa và phẫn chí vô vọng. Đây là một vấn đề có liên hệ với mỗi một người trong chúng ta, vì ta sống bằng hành động, và không hành động không thể có được đời sống, không thể có được kinh nghiệm, không thể có được tư tưởng. Tư tưởng chính là hành động, chỉ đeo đuổi hành động trong một cấp độ ý thức đặc biệt nào đó, chỉ đeo đuổi khía cạnh hời hợt bên ngoài của ý thức, chỉ vướng bận ràng buộc với hành động bên ngoài mà không hiểu được biến trình trọn vẹn của chính hành động, như thế chỉ có nghĩa là đưa mình đến sự phẫn chí vô vọng, khốn khổ mê cung không thể nào tránh được.
Đời sống chúng ta là một chuỗi những hành động hay một biến trình hành động trong những cấp độ khác nhau của ý thức. Ý thức là thể nghiệm gọi tên và ghi chép. Nghĩa là ý thức chỉ là sự thách đố và sự đáp ứng, nói rõ hơn là thể nghiệm, rồi đặt tên hay gọi danh, rồi ghi lại, chép lại, tức là trí nhớ, ký ức. Biến trình này, chính là hành động, phải thế không ? Ý thức là hành động, không thể có được hành động nào mà không có sự thách đố, đáp ứng, mà không có thể nghiệm, đặt tên hay gọi danh.
Thế thì hành động tạo tác ra người hành động. Nói rõ hơn, người hành động chỉ xuất hiện khi hành động có được một kết quả nào đó, một cứu cánh để hướng tới. Nếu không có kết quả nào cả trong hành động, người hành động cũng chẳng có lý do tồn tại, nhưng nếu có một cứu cánh hay một kết quả nào đó để hướng tới, lúc ấy chính hành động tạo tạo ra người hành động. Thế thì người hành động , hành động và cứu cánh hay kết quả chỉ là một biến trình nhất trí, một biến trình độc nhất; biến trình này chỉ xuất hiện thành hình khi hành động có được một cứu cánh trước mặt. Hành động hướng về một kết quả nào đó chính là ý chí ; nếu không thế thì làm gì có ý chí, phải thế chăng ? Sống tham vọng muốn đạt tới một cứu cánh nào đó, lòng ham muốn ấy tạo ra ý chí, ý muốn, tức là người hành động; nói rõ hơn, tôi muốn thành đạt, tôi muốn viết một quyển sách, tôi muốn trở nên một người giàu sang, tôi muốn vẽ một bức tranh.
Chúng ta quá quen thuộc với ba trạng thái này : người hành động, hành động và cứu cánh. Đó, đời sống hàng ngày chúng ta chỉ gồm thế. Tôi đang vừa giải bày cái đang là, nhưng chúng ta sẽ bắt đầu hiểu cách chuyển hóa cái đang là, chỉ lúc nào chúng ta khảo sát nó một cách rõ ràng hơn, để đừng rớt lại bất cứ ảo tưởng hay thành kiến nào, bất cứ ý kiến chủ quan nào về nó. Thế thì ba trạng thái làm thành kinh nghiệm : người hành động, hành động và kết quả ; ba trạng thái ấy hiển nhiên là một biến trình chuyển dịch, trở nên, hình thành ? Phải thế ? Nếu không có người hành động, nếu không có hành động hướng đến một cứu cánh, không thể nào có được sự biến dịch trở thành; nhưng đời sống, như ta đã biết rõ, đời sống hàng ngày của chúng ta là một biến trình chuyển dịch, hình thành, trở nên , trở thành. Tôi đang nghèo và tôi hành động, với một cứu cánh trước mắt là trở nên giàu sang phú quí. Tôi xấu xa và tôi muốn trở nên đẹp đẽ. Như thế, đời sống tôi là một biến trình trở nên : trở thành một cái gì đó. Ý chí ý muốn thể hiện là ý chí, ý muốn tựu thành, trở thành, trong những cấp độ khác nhau của ý thức, trong những trạng thái khác nhau, trong đó gồm đủ sự thách đố, đáp ứng, đặt tên và ghi chép. Thế thì sự hình thành, sự trở thành là tương tranh xung đột, sự trở nên, trở thành là nỗi đau khổ, phải vậy chăng ? Có phải chăng nó chỉ là sự phấn đấu thường xuyên liên tục; tôi là thế này, và tôi muốn trở nên thế kia.
Thế vậy. hiện giờ là : có thể nào có được hành động mà không có sự trở thành trở nên không ? Có thể nào có được hành động không đau đớn, không giao tranh liên tục như vậy không ? Nếu không có cứu cánh nào cả thì cũng không có người hành động nào hết, vì hành động với một cứu cánh trước mặt, chính là hành động có cứu cánh ấy đã tạo ra người hành động. Nhưng có thể nào có được hành động không cứu cánh, và do đó không có người hành động ? Có hành động nào như thế ? Nghĩa là hành động mà không mong đạt tới một kết quả? Hành động như thế không còn là sự trở thành, trở nên nữa, vì không còn trở nên, trở thành, cho nên hành động ấy không còn là sự xung đột nữa. Có một trạng thái hành động, một trạng thái hiện nghiệm mà không có người thể nghiệm và không có cả kinh nghiệm. Nói như vậy có giọng điệu triết lý, nhưng thực sự điều ấy rất giản dị.
Trong giây phút hiện nghiệm, các ngài không ý thức được bản thân các ngài như là kẻ thể nghiệm, kẻ trải qua kinh nghiệm ở bên ngoài chính kinh nghiệm, các ngài đang ở trong trạng thái hiện nghiệm. Có thể lấy một thí dụ giản dị như lúc các ngài đang giận. Trong khoảnh khắc nổi giận, không có cái gì gọi là kinh nghiệm và cũng chẳng có cái gì gọi là người trải qua kinh nghiệm, lúc ấy, chỉ có một trạng thái duy nhất là trạng thái hiện nghiệm, trực nghiệm. Nhưng lúc các ngài không còn giận nữa, lúc ấy, một tí tắc sau sự hiện nghiệm ấy thì mới xuất hiện người trải qua kinh nghiệm và kinh nghiệm, người hành động và hành động với một cứu cánh trước mặt, tức là ý định muốn dứt bỏ hoặc đàn áp cơn giận dữ. Chúng ta thường ở trong trạng thái ấy luôn, trong trạng thái hiển nghiệm; nhưng chúng ta cũng thường lướt qua trạng thái ấy ngay sau đó và lúc ấy lại bắt đầu gọi tên cho trạng thái ấy, đặt tên và ghi chép nó lại, thế thì đã tạo ra sự ghi chép liên tục cho sự trở thành trở nên.
Nếu chúng ta có thể hiểu được hành động trong ý nghĩa căn bản chính tiếng ấy, lúc đó sự lý ngộ ấy cũng sẽ ảnh hưởng đến những sinh hoạt hời hợt của chúng ta, nhưng trước tiên hết chúng ta cần phải hiểu bản chất căn bản  của hành động. Vậy, phải chăng hành động được sinh thành bởi một ý tưởng nào đó? Phải chăng các ngài có một ý tưởng nào đó trước hết, rồi sau đó mới hành động? Hay phải chăng hành động đi trước và rồi hành động tạo ra xung đột, cho nên các ngài xây dựng một ý tưởng nào đó chung quanh nó ? Có phải hành động đã tạo ra người hành động hay người hành động lại đi trước hành động?
Khám phá ra cái gì đi trước, là một điều rất quan trọng. Nếu ý tưởng đi trước, rồi hành động chỉ là thuận theo ý tưởng ấy, hành động như vậy chẳng phải là hành động nữa mà chỉ là phỏng theo, bắt chước, bức bách cưỡng ép theo ý tưởng nào đó. Ý thức được điều này rất là quan trọng, vì khi nào mà xã hội chúng ta phần lớn chỉ được xây dựng trên bình diện trí thức hay ngôn từ thì đối với chúng ta ý tưởng phải đi trước, hành động đi theo sau đó. Trong trường hợp như thế, hành động chỉ là đầy tớ của một ý tưởng nào đó và chỉ xây dựng ý tưởng thôi thì rõ là tai hại cho hành động.
Những ý tưởng lại khai sinh ra những ý tưởng khác, và khi chỉ khai sinh ý tưởng thôi thì những ý tưởng chằng chịt ấy gây ra xung đột chống đối mâu thuẫn, xã hội thành nặng chĩu vướng víu trong biến trình tri thức của sự vận hành ý niệm. Cơ cấu xã hội chúng ta rất là tri thức, chúng ta tôi luyện tri thức và đánh mất tất cả những yếu tố khác của bản thân và bị ngột ngạt trong những ý tưởng.
Có thể nào những ý tưởng tạo ra hành động không? Hay những ý tưởng chỉ khuôn đúc tư tưởng để rồi giới hạn hành động? Khi hành động bị một ý tưởng thúc đẩy, hành động ấy chẳng bao giờ có thể giải phóng được con người? Hiểu được điều này là vô cùng quan trọng . Nếu một ý tưởng uốn nắn hành động, hành động ấy không thể nào mang đến sự giải quyết cho những nỗi khốn khổ của chúng ta, bởi vì, trước khi ý tưởng được thể hiện trong hành động, trước tiên chúng ta cần phải khám phá xem ý tưởng đã xuất hiện thành hình như thế nào. Khảo sát , nghiên cứu sự vận hành của ý niệm, sự kết thành của những ý tưởng, thuộc phe xã hội, phe Tư bản, phe Cộng sản hay ý tưởng thuộc những tôn giáo khác nhau, sự khảo sát ấy rất là tối ư quan trọng đối với chúng ta , nhất là khi xã hội chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm, chờ chực mời mọc một nỗi hiểm họa mới, một sự cắt đứt phân ly khác. Kẻ nào thực sự nghiêm chỉnh trong ý định tìm kiếm sự giải quyết cho bao nhiêu vấn đề phức tạp của chúng ta thì trước hết cần phải lãnh hội biến trình của sự vận hành ý niệm nói trên.
Đối với chúng ta, một ý tưởng có nghĩa là gì? Một ý tưởng được xuất hiện hình thành như thế nào ? Ý tưởng và hành động có thể nào liên kết chung nhau không ? Giả thử rằng tôi có một ý tưởng nào đó và tôi muốn thể hiện nó. Tôi tìm kiếm một phương pháp để thể hiện ý tưởng ấy, và tôi suy tưởng, đánh mất thời giờ và năng lực để tranh luận về cách thể hiện ý tưởng ấy. Nếu thế, tìm hiểu cách thành hình của những ý tưởng rất là quan trọng, chỉ khi nào đã khám phá ra sự thực ấy, chúng ta mới có thể thảo luận về vấn đề hành động. Nếu không thảo luận về những ý tưởng mà lại chỉ tìm cách hành động thôi thì việc ấy chẳng có ý nghĩa gì cả.
Làm thế nào các ngài có được một ý tưởng nào đó; một ý tưởng rất giản dị, không cần phải triết lý; tôn giáo hay kinh tế gì cả? Làm thế nào các ngài có được một ý tưởng giản dị thông thường ? Hiển nhiên nó là một biến trình tư tưởng? Ý tưởng chỉ là kết quả của một biến trình tư tưởng. Nếu không có biến trình tư tưởng, không thể nào có được ý tưởng. Thế thì tôi phải tìm hiểu chính biến trình tư tưởng trước khi tìm hiểu sản phẩm của nó, tức là ý tưởng. Tư tưởng là gì ? Khi nào các ngài suy nghĩ, các ngài tư tưởng ? Hiển nhiên không thể nào chối cãi được, tư tưởng là kết quả của một sự đáp ứng, đáp ứng của thần kinh hệ hay của tâm lý, phải thế chăng ? Tư tưởng là sự đáp ứng trực tiếp của những giác quan đối với một khích động nào đó; hoặc nó là sự đáp ứng tâm lý, sự đáp ứng của trí nhớ, ký ức tích lũy. Có sự đáp ứng trực tiếp của những giây thần kinh đối với một khích động nào đó, và có một sự đáp ứng tâm lý xuất phát từ ký ức tích lũy, kể cả ảnh hưởng của nòi giống, bè nhóm, sư phụ, gia đình, truyền thống, vân vân, tất cả những thứ đó được các ngài gọi là tư tưởng. Thế thì phải chăng biến trình tư tưởng là sự đáp ứng của ký ức ? Các ngài sẽ không có được tư tưởng nào cả, nếu các ngài không có trí nhớ, ký ức, sự đáp ứng của trí nhớ đối lại một kinh nghiệm nào đó, chính sự đáp ứng ấy đã khiến cho biến trình tư tưởng được tác động vận hành. Thí dụ như khi tôi tự gọi mình là một người Ấn, tôi đã có ký ức tích lũy về chủ nghĩa quốc gia. Sự tích trữ trí nhớ về những phản ứng quá khứ, những hành động, những tiềm ý, những truyền thống, tập quán, tất cả sự tích lũy ký ức ấy đã đáp ứng lại sự gợi thách của một người Hồi giáo, người đạo Phật hoặc đạo Thiên Chúa; sự đáp ứng của ký ức đối lại với một sự thách đố bên ngoài đã tạo ra biến trình tư tưởng. Hãy nhìn biến trình tư tưởng đang vận hành trong tâm trí các ngài và các ngài có thể chứng nghiệm được sự thực này một cách trực tiếp. Một người nào đó đã mạ lỵ sỉ nhục ngài, và sự mạ lỵ sỉ nhục ấy còn lưu lại trong ký ức ngài, nó thuộc vào thành phần của hậu cảnh tâm tư ngài. Khi ngài gặp lại người ấy sự gặp gỡ ấy tức là sự thách đố, sự đáp ứng lại chính là trí nhớ điều mạ lỵ sỉ nhục ấy. Thế thì sự đáp ứng của ký ức, tức là biến trình tư tưởng, đã tạo ra một ý tưởng nào đó, do đó, ý tưởng ấy luôn luôn vẫn bị qui định, chúng ta phải ghi nhận điều quan trọng này. Nói rõ hơn, ý tưởng là sự đáp ứng của ký ức, và ký ức vẫn luôn luôn bị qui định. Ký ức luôn luôn thuộc về quá khứ, và quá khứ được hồi sinh trong hiện tại bởi một sự thách đố nào đó. Chính ký ức chẳng có đời sống riêng biệt nào cả, nó chỉ sinh hoạt trong hiện tại khi phải đối mặt va chạm với một sự thách đố nào đó xảy tới. Và phải chăng tất cả ký ức, dù chìm hay nổi, đều bị qui định ? Vì thế chúng ta phải tìm hiểu bằng một đường lối khác hẳn. Các ngài phải tự kiểm trong nội tâm các ngài , tìm hiểu xem rằng có phải các ngài đang tác động trên một ý tưởng nào đó và xem có thể nào có được hành động mà không có sự vận hành của ý niệm. Chúng ta hãy tìm xem nội dung của hành động không lệ thuộc vào ý tưởng.
Khi nào các ngài hành động mà không phải vướng kẹt trong sự vận hành của ý niệm ? Khi nào có thể có được hành động không phải là hậu quả của kinh nghiệm ? Như chúng ta đã bàn bạc, bất cứ một hành động nào được xây dựng nền tảng trên kinh nghiệm đều phải giới hạn và chỉ làm chướng ngại án ngữ. Hành động nào không phải là kết quả của một ý tưởng thì tất nhiên phát hiện đột ngột bất ngờ một cách tự nhiên, lúc biến trình tư tưởng xuất phát từ kinh nghiệm không còn kiểm soát hành động; nói thế nghĩa là chúng ta có thể thực hiện được hành động độc lập, không lệ thuộc vào kinh nghiệm, khi nào tâm trí không còn kiểm soát hành động nữa. Chỉ khi nào mình đạt tới trạng thái ấy mới thể hiện được sự giao cảm : chỉ khi nào tâm trí xây dựng trên kinh nghiệm không còn khuôn đúc hành động nữa. Hành động là gì, lúc biến trình tư tưởng không còn nữa ? Có thể nào thực hiện được hành động mà không kẹt trong biến trình tư tưởng ? Nói rõ hơn như chẳng hạn lúc tôi muốn xây cất một cây cầu, một ngôi nhà, tôi biết rõ kỹ thuật xây cất và kỹ thuật ấy chỉ cách tôi xây cất cho đàng hoàng.
Chúng ta gọi đó là hành động. Viết một bài thơ, vẽ một bức tranh, gánh vác trách nhiệm hành chánh, những phản ứng xã hội hoàn cảnh, tất cả những việc làm này đều được gọi là hành động. Tất cả hành động này đều được thiết lập trên một ý tưởng nào đó hoặc một kinh nghiệm đã qua nào đó, ý tưởng hoặc kinh nghiệm ấy uốn nắn hành động. Nhưng có thể nào thực hiện được một hành động, lúc biến trình ý niệm không vận hành ?
Nhất định là có thể thực hiện được hành động ấy khi nào ý tưởng ngừng lại, ý tưởng chỉ dứt đi khi nào tình thương, tình yêu thoáng hiện. Tình yêu không phải là ký ức, trí nhớ. Tình yêu không phải là kinh nghiệm. Tình yêu không phải là nghĩ nhớ đến một người mình đang yêu, vì việc nghĩ nhớ ấy chỉ là tư tưởng. Các ngài không thể nghĩ về tình yêu được. Các ngài có thể nghĩ tới người các ngài đang yêu hay qui phục, như bậc tôn sư, hình tượng, vợ, chồng ; nhưng ý nghĩ, tư tưởng chỉ là biểu tượng, không phải là thực thể, tức là tình yêu. Do đó tình yêu không phải là một kinh nghiệm.
Khi nào có tình yêu thì có hành động ngay lập tức, phải thế không ? Và hành động ấy phải chăng mới giải phóng ? Hành động ấy phải là kết quả của sự vận hành tâm niệm, không thể nào có biên giới phân cách giữa tình yêu và hành động như trường hợp giữa ý tưởng và hành động. Ý tưởng luôn luôn cũ kỹ, ám bóng đen phủ lên hiện tại; và chúng ta phải luôn luôn cố gắng xây lại nhịp cầu nối tiếp hành động và ý tưởng. Khi nào tình yêu xuất hiện , tình yêu ở đây không có nghĩa sự vận hành tâm thức, vận hành ý niệm, cũng không có nghĩa trí nhớ, ký ức ; và không phải là hậu quả của một kinh nghiệm nào đó, một kỷ cương tác hành nào đó, khi nào tình yêu xuất hiện và không mang những ý nghĩa vừa kể, lúc đó, ngay lập tức, chính tình yêu ấy là hành động rồi. Chỉ có điều độc nhất này mới giải phóng được mọi sự. Không thể nào giải thoát được, nếu sự vận hành tâm tưởng còn đó, nếu hành động còn bị khuôn đúc bởi một ý tưởng, tức là bởi kinh nghiệm, nếu biến trình vận hành tâm niệm ấy còn tiếp diễn thì tất cả hành động đều bị giới hạn. Lúc nào mình thấy được sự thực này, lúc ấy chất tính của tình yêu mới xuất hiện; tình yêu ở đây không còn lệ thuộc tâm thức và các ngài không thể nào nghĩ về tình yêu được.
Mình phải ý thức trọn vẹn tiến trình vừa kể, tìm hiểu cách hình thành của những ý tưởng, tìm hiểu xem hành động đã xuất phát từ những ý tưởng như thế nào , giới hạn hành động ra làm sao và tùy thuộc vào cảm giác thế nào. Tìm hiểu xem ý tưởng tùy thuộc ra làm sao và tùy thuộc vào cảm giác thế nào, ý tưởng thuộc về ai, về phe tả hay phe cực hữu, điều ấy hoàn toàn không quan trọng gì cả. Khi nào mình còn đeo bám vào những ý tưởng, mình vẫn phải bị vướng trong một tâm thái chật vật khó lòng thể nghiệm, trực nghiệm bất cứ sự việc gì. Lúc ấy, chúng ta chỉ sống hời hợt trong cương thổ của thời gian, chỉ sống trong quá khứ, quá khứ tạo ra cảm giác, hoặc nếu sống trong tương lai thì đó cũng chỉ là một hình thức cảm giác khác. Chỉ khi nào tâm trí được giải thoát ra ngoài ý tưởng, chỉ lúc ấy mới thành tựu được sự trực nghiệm hiện thể.
Những ý tưởng không phải là chân lý, và chân lý là một sự thể cần phải được trực nghiệm tức thì, từ giây phút này đến giây phút khác. Đó không phải là một kinh nghiệm mà các ngài có thể muốn  được, nếu có thể muốn được thì đó không phải là chân lý ; mà chỉ là cảm giác. Chỉ khi nào mình có thể vượt qua được mớ ý tưởng chằng chịt trong đầu (tức là bản ngã, cái “tôi” nghĩa là tâm trí, tâm trí ấy được liên tục đôi phần hay trọn vẹn), chỉ khi nào mình có thể vượt qua được những thứ ấy, khi nào tư tưởng được im lặng một cách trọn vẹn, chỉ lúc đó mới có được tâm thái trực nghiệm. Lúc đó, mình sẽ biết được bản tính của chân lý.

CHƯƠNG VI
TÍN NGƯỠNG

Tín ngưỡng và kiến thức đều liên quan đến dục vọng ; nếu chúng ta có thể lý giải được hai tiêu đề này thì có lẽ chúng ta có thể thấy được cách vận hành của dục vọng và hiểu được những uẩn khúc của lòng ham muốn.
Đối với tôi, dường như vấn đề tín ngưỡng là một trong những điều hầu hết chúng ta đều hăm hở chấp nhận và xem như điều đương nhiên không có gì đáng thắc mắc. Tôi không đả phá những tín ngưỡng. Chúng ta thử cố gắng tìm cho ra lý do tại sao chúng ta đã chấp nhận những tín ngưỡng ; nếu chúng ta có thể hiểu những động lực duyên do của sự chấp nhận , lúc ấy có lẽ chúng ta chẳng những có thể hiểu được tại sao chúng ta làm thế mà còn có thể giải thoát khỏi nó. Người ta có thể thấy rõ rằng những tín ngưỡng chính trị, tôn giáo, quốc gia và những loại tín ngưỡng khác đã phân hóa con người, tạo ra xung đột , hỗn loạn, và hiềm khích, đó là một sự kiện quá hiển nhiên ; tuy thế chúng ta không muốn tước bỏ những tín ngưỡng ấy. Nào là tín ngưỡng Ấn độ giáo, tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, Phật giáo và những thứ tín ngưỡng, vô số tín ngưỡng quốc gia và bè phái, những ý thức hệ chính trị khác nhau , tất cả tương tranh, cố gắng lôi kéo nhau về phe mình. Hiển nhiên người ta có thể thấy rõ rằng tín ngưỡng đã phân hóa con người, tạo ra sự ngoan cố hẹp hòi ; vậy thì có thể nào sống mà không cần phải có tín ngưỡng ? Mình chỉ có thể tìm thấy điều đó khi mình có thể nghiên cứu bản thân trong tương giao với một tín ngưỡng. Có thể nào sống trên đời này mà không cần đến một tín ngưỡng, không phải thay đổi tín ngưỡng, không phải thay đổi tín ngưỡng này bằng một tín ngưỡng khác, mà hoàn toàn tự do thoát khỏi tất cả mọi tín ngưỡng, để mà mình gặp gỡ đời sống một cách mới lạ trong từng giây phút ? Tựu chung, đây mới là chân lý : có khả năng gặp gỡ tất cả mọi sự một cách mới lạ từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, không bị qui định bởi phản ứng của quá khứ để không còn chịu duyên quả tích lũy gây ra chướng ngại giữa mình và cái đang .
Nếu các ngài khảo sát rõ ràng thì các ngài sẽ thấy rằng một trong những lý do khiến ta ham muốn chấp nhận một tín ngưỡng là sự sợ hãi. Nếu chúng ta không có tín ngưỡng nào cả, những gì sẽ xảy đến cho chúng ta ? Phải chăng chúng ta rất sợ hãi những gì có thể xảy đến cho mình ? Phải chăng chúng ta cảm thấy hoàn toàn bị mất mát, nếu chúng ta không có một mẫu mực để hành động, xây dựng trên một tín ngưỡng, hoặc tín ngưỡng vào Thượng đế hoặc vào chủ nghĩa Cộng sản hoặc vào chủ nghĩa xã hội, hoặc vào chủ nghĩa đế quốc, hoặc vào một phương thức tôn giáo nào đó , một tín điều nào đó mà chúng ta bị quy định thúc phược ? Và sự chấp nhận một tín ngưỡng phải chăng chỉ là che đậy khuất lấp sự sợ hãi : sợ hãi rằng mình thực sự chẳng là gì cả, sợ hãi rằng mình phải bị trống rỗng tâm tư ? Nói cho cùng, một cái tách chỉ có ích lợi khi nó trống rỗng ; một đầu óc nhét đầy những tín ngưỡng, những tín điều, những quyết đoán, những lời trích dẫn thực ra chỉ là một đầu óc thiếu sáng tạo ; đó là một đầu óc chỉ lặp đi lặp lại. Phải chăng nhất định một trong những lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta đã hăm hở ham muốn chấp nhận những tín ngưỡng là vì muốn trốn thoát khỏi sự sợ hãi, sợ hãi sự trống rỗng, sợ hãi cô đơn một mình một thân, sợ hãi ngưng đọng, ngưng trệ, sợ hãi không đến nơi đến chốn, sợ hãi không thành công, không thành tựu, không là một nhân vật nào đó, không trở nên một nhân vật nào đó hay một cái gì đó ? Và chúng ta có tự hiểu mình bằng cách chấp nhận tín ngưỡng ? Không, trái lại hẳn. Một tín ngưỡng dù là chính trị hay tôn giáo, nhất định đều ngăn chận lại sự tri ngộ bản thân. Tín ngưỡng tác động như một bức màn ngăn che mà chúng ta chỉ nhìn bản thân mình qua bức màn ngăn che ấy. Có thể nào chúng ta tri kiến bản thân mà không cần phải có tín ngưỡng ? Có còn gì sót lại để tri kiến, nếu chúng ta tước bỏ những tín ngưỡng ấy, quá nhiều tín ngưỡng mà mình đã cưu mang ? Nếu chúng ta không có bất cứ tín ngưỡng nào để mà tâm trí tự đồng hóa với thứ tín ngưỡng ấy, lúc bấy giờ tâm trí, khi không còn sự đồng hóa, vụt có thể tri kiến bản thể đúng như là hiện thể và nhất định chỉ có lúc ấy mới thực sự bắt đầu sự tri cảm bản thân. Vấn đề tín ngưỡng và kiến thức quả thực là một vấn đề rất đáng lưu ý. Nó đã đóng một vai trò phi thường vô hạn trong đời sống của chúng ta ! Chúng ta đã có biết bao nhiêu là tín ngưỡng ! Hễ người nào càng trí thức, càng có học, càng văn hóa, càng “tâm linh”, nếu tôi có thể dùng tiếng ấy, thì người ấy càng ít có khả năng để tìm hiểu. Những con người đời nay hãy còn man rợ mang nặng vô số là mê tín ngay cả trên thế giới hiện đại này. Có lẽ những người càng suy tư trầm mặc, càng tỉnh thức càng linh động thì lại càng ít có tín ngưỡng. Điều ấy có thể giải thích được là vì tín ngưỡng đã trói buộc, tín ngưỡng cô lập hóa con người ; chúng ta đã thấy như thế ở khắp thế giới, thế giới chính trị và kinh tế, cũng như thế giới gọi là “tâm linh”. Các ngài tin rằng có Thượng đế, và có lẽ tôi tin rằng không có Thượng đế ; hay các ngài tin vào sự tài chế trọn vẹn của quốc gai trong tất cả mọi lãnh vực và trong tất cả mọi cá thể, và tôi tin vào sự kinh lịch riêng lẻ và tất cả những thứ đại loại như thế ; các ngài tin rằng chỉ có một đấng Cứu thế ; và nhờ đấng Cứu thế ấy, các ngài có thể đạt tới cứu cánh mục đích của các ngài và tôi không tin thế. Thế là các ngài với tín ngưỡng của các ngài và tôi với tín ngưỡng của tôi chúng ta đã tự quyết đoán với nhau. Dù vậy cả hai bên vẫn nói đến tình thương, nói đến hòa bình, nói đến sự đoàn kết nhất trí của nhân loại, cuộc nhân sinh đồng nhất, nói như thế thì tuyệt đối chẳng có ý nghĩa gì cả ; bởi vì trong thực tế chính tín ngưỡng đã là một tiến trình biến dịch của sự cô lập phân chia ly tán. Ngài là một người theo Ấn độ giáo, tôi không theo Ấn độ giáo, ngài là một người Thiên chúa giáo, chẳng hạn tôi là một người theo Hồi giáo, vân vân và vân vân. Ngài nói đến tình huynh đệ và tôi cũng nói đến tình huynh đệ, tình thương và hòa bình, nhưng trong thực tế chúng ta chia rẽ nhau, chúng ta phân hóa nhau. Bất cứ người nào muốn có hòa bình, muốn sáng tạo lại một thế giới mới, thế giới hạnh phúc , hiển nhiên người ấy không thể nào tự cô lập hóa mình bằng bất cứ một hình thức tín ngưỡng nào đó . Có phải rõ ràng như thế không ? Lời nói của tôi chỉ có thể là lời nói suông thôi, nhưng nếu các ngài thấy được ý nghĩa, giá trị và sự thực của lời nói ấy thì lời nói ấy sẽ tác động một cách hữu hiệu.
Chúng ta thấy rằng nơi nào có tiến trình tham dục vận hành nơi đó phải có tiến trình cô lập qua hình thức tín ngưỡng. Hiển nhiên bởi vì các ngài có tín ngưỡng để được bảo đảm an toàn trên bình diện kinh tế, tâm linh cũng như nội tâm. Tôi không muốn nói đến những người theo một tín ngưỡng vì một lý do kinh tế bởi vì họ đã được nuôi nấng để nương cậy vào công ăn việc làm của họ và, do đó, phải theo đạo Thiên chúa hoặc Ấn độ giáo hay bất cứ nhãn hiệu nào khác, họ theo bất cứ đạo nào để mà có thể có công ăn việc làm. Chúng ta cũng không thảo luận về những hạng người đeo dính vào tín ngưỡng nào đó , vì muốn tiện nghi dễ dãi, có lẽ đó cũng là trường hợp của hầu hết chúng ta. Vì muốn tùy nghi, chúng ta tin tưởng vào một mớ gì đó. Xua qua một bên những lý do kinh tế này, chúng ta phải đi sâu vào vấn đề hơn nữa. Lấy thí dụ hạng người tin tưởng mãnh liệt vào một sự thể nào đó thuộc phạm vi kinh tế, xã hội hay tâm linh ; phải chăng phía sau niềm tin ấy vận hành tiến trình tham dục tâm lý muốn được an toàn an ninh bảo đảm ? Và lúc bấy giờ khởi lên lòng tham muốn được tiếp diễn liên tục. Nơi đây chúng ta không thảo luận để tìm hiểu xem có hay là không có sự liên tục, sự diễn tiếp trong tâm thức ; chúng ta chỉ thảo luận sức xung động, mối thúc đẩy thường xuyên trong việc muốn tin tưởng, muốn có một tín ngưỡng. Một người có tâm hồn thái hòa, một người thực sự muốn tìm hiểu trọn vẹn tiến trình của nhân sinh, người ấy không thể nào bị ràng buộc bởi bất cứ tín ngưỡng nào, phải thế không ? Người ấy thấy ngay rằng lòng tham dục vận hành trong tâm hồn mình thật ra chỉ là một phương tiện để được an toàn. Khoan, các ngài đừng vội đứng trên bình diện ngược lại mà cho rằng tôi đang thuyết giảng vô thần, vô tôn giáo. Đó không phải là quan điểm của tôi đâu. Quan điểm của tôi rõ ràng là : khi nào chúng ta chưa hiểu được tiến trình tham dục trong hình thức của tín ngưỡng thì nhất định phải xảy ra tranh giành xung đột, thống khổ, và con người sẽ chống lại con người, điều ấy người ta có thể thấy hàng ngày. Thế thì nếu tôi trực nhận, nếu tôi ý thức được rằng tiến trình ấy đã mang hình thức của tín ngưỡng và tín ngưỡng là sự phát triển phát biểu của lòng tham muốn an toàn nội tâm, lúc bấy giờ vấn đề của tôi không phải là tôi phải có tín ngưỡng này hay tín ngưỡng kia mà vấn đề thực sự phải là : tôi phải giải thoát tôi ra ngoài lòng ham muốn được an toàn an ninh. Có thể nào tâm trí được giải thoát ra ngoài lòng tham muốn được an toàn an ninh ? Đó mới là vấn đề, chứ không phải là phải có tín ngưỡng gì và bao nhiêu tín ngưỡng. Những thứ ấy chỉ là sự phát biểu lòng ham muốn bên trong tâm hồn : muốn được bảo đảm an toàn an ninh về mặt tâm lý, muốn được chắc chắn về một điều gì đó, khi mà tất cả mọi sự trên đời đều quá bấp bênh vô định.
Có thể nào một tâm trí, có thể nào một trí óc trí thức, có thể nào một nhân tính nhân cách được thoát ra ngoài lòng tham muốn an toàn an mệnh. Chúng ta được an toàn và do đó cần đến sự hỗ trợ những tài sản của chúng ta những cơ nghiệp và gia đình của chúng ta. Chúng ta muốn được an toàn nội tâm và đồng thời được an toàn trong tâm linh bằng cách xây dựng những thành trì tín ngưỡng, những bức tường tín ngưỡng ấy chỉ tỏ bày cho mình thấy lòng khát khao muốn được rõ ràng chắc chắn bảo đảm nhất định. Có thể nào ngài, một cá thể, có thể thoát ra khỏi sự xung động nội tâm này, thoát khỏi lòng khát khao muốn được an bình, an toàn bảo đảm, lòng khát khao ấy được phát hiện chân tướng qua lòng tham muốn có tín ngưỡng vào một điều nào đó ? Nếu chúng ta không thoát ra ngoài tất cả những thứ ấy, chúng ta sẽ là nguồn gốc của sự tương tranh xung đột , chúng ta sẽ không còn là những kẻ hiếu hòa ; chúng ta không có được tình thương trong lòng chúng ta. Tín ngưỡng phá hoại con người, và điều ấy có thể thấy được trong đời sống thường nhật. Có thể nào tôi tri kiến được bản tính tôi khi tôi bị kẹt vướng trong tiến trình tham dục, lòng tham dục ấy đã tự phát biểu rõ rệt trong sự đeo níu vào một tín ngưỡng nào đó ? Có thể nào tâm trí được giải thoát, tự thoát ra ngoài tín ngưỡng, không tìm cách thay thế tín ngưỡng ấy bằng một hình thức khác mà phải hoàn toàn giải thoát khỏi nó ? Các ngài không thể trả lời suông là “có” hay “không” cho câu trả lời trên ; nhưng các ngài chỉ có thể dứt khoát trả lời được nếu chủ tâm các ngài là muốn được giải thoát ra ngoài tín ngưỡng. Lúc bấy giờ nhất định các ngài sẽ đến nơi cứ điểm mà các ngài đang tìm kiếm phương tiện để tự giải thoát bản thân ra ngoài lòng khao khát muốn được an ninh, an toàn. Hiển nhiên không thể nào có sự an toàn bên trong tâm tư mà vẫn tiếp diễn liên tục như các ngài muốn tin tưởng như thế. Các ngài muốn tin tưởng rằng có một Thượng đế đang cẩn thận chăm sóc những điều nhỏ bé ti tiện của các ngài, một Thượng đế dạy bảo cho các ngài những ai các ngài phải viếng thăm, những gì các ngài phải làm và các ngài phải làm điều ấy bằng cách nào. Điều ấy chỉ là suy nghĩ ngây thơ, trẻ con, thiếu chín chắn. Các ngài nghĩ rằng có một người Cha Tối Cao đang quan phòng mỗi một chúng ta. Đó chỉ là sự phóng đại ra bên ngoài những gì các ngài thầm muốn bên trong. Điều ấy hoàn toàn không có gì thực cả. Chân lý phải là một điều hoàn toàn khác hẳn.
Vấn đề kế tiếp chúng ta là vấn đề kiến thức. Kiến thức có cần thiết cho việc tìm hiểu chân lý hay không ? Khi tôi nói “tôi biết”, điều ấy ngụ ngầm rằng tôi có kiến thức. Một trí óc như thế có thể nào có khả năng khảo sát tìm tòi bản tính của thực tại ? Ngoài ra, chúng ta biết được gì mà chúng ta lại hãnh diện như thế ? Trong thực tế, chúng ta biết được những gì ? Chúng ta chỉ biết được những gì do người khác đưa lại. Trí óc chúng ta tràn đầy kiến thức thông đạt theo kiểu ấy, tràn đầy kinh nghiệm được đặt nền móng trên bối cảnh qui định của chúng ta, trên ký ức và khả năng của chúng ta. Khi ngài nói “tôi biết”, ngài muốn nói gì, có phải sự tri nhận mà ngài biết được là việc nhận ra một sự kiện nào đó, một tin tức loan truyền thông đạt nào đó nếu không thể thì đó là một kinh nghiệm mà ngài đã trải qua. Sự tích lũy thông thức, sự tích trữ thâu nạp những hình thức khác nhau của kiến thức, tất cả những thứ ấy làm thành những câu nói quả quyết “tôi biết” ; và ngài bắt đầu thông diễn những gì các ngài đã đọc trong sách tùy theo bối cảnh trưởng thành của các ngài, lòng ham muốn, kinh nghiệm của các ngài. Kiến thức của các ngài là một sự thể chứa đựng sự vận hành của một tiến trình tham dục. Thay vì tín ngưỡng, các ngài thế lại bằng kiến thức. “Tôi biết, tôi trải qua kinh nghiệm, điều ấy không thể chối bỏ được ; kinh nghiệm của tôi là thế và tôi hoàn toàn tin cậy vào đó” ; những thứ vừa kể là những dấu hiệu chứng tỏ kiến thức mà chúng ta đề cập. Nhưng khi các ngài đi vào bên sau kiến thức ấy, phân tích nó, ngắm nhìn nó một cách cẩn thận và thông minh hơn, các ngài sẽ thấy rằng chính câu nói quả quyết “tôi biết” chỉ là một bức tường phân chia các ngài và tôi. Đằng sau bức tường ấy các ngài tìm nơi nương náu trú ẩn, tìm kiếm tiện nghi, an tâm an ninh, an toàn, an mệnh. Do đó, một trí óc càng nặng chĩu với trí thức thì trí óc ấy càng ít có khả năng tìm hiểu thông cảm, giao cảm.
Tôi không biết rằng các ngài có bao giờ suy nghĩ về vấn đề thâu đạt kiến thức vừa nêu ở trên, tìm hiểu xem kiến thức có rốt ráo giúp đỡ chúng ta thương yêu, giúp đỡ chúng ta thoát ra ngoài những điều đã gây ra xung đột trong bản thân chúng ta và xung đột với những người láng giềng, tìm hiểu xem kiến thức có bao giờ giải thoát tâm trí ra ngoài sự tham vọng. Bởi vì tham vọng rút lại chỉ là một trong những điều phá hoại tương giao và xui khiến cho con người chống lại con người.
Nếu chúng ta sống với nhau một cách nhân hòa thanh bình, chắc chắn tham vọng phải chấm dứt hoàn toàn, chẳng những tham vọng xã hội, kinh tế, chính trị thôi, mà kể cả một tham vọng khác vi tế hơn và khốc hại hơn, đó là tham vọng tâm linh, tham vọng được một thực thể nào đó, chẳng hạn. Có bao giờ tâm trí được tự do, giải thoát ra ngoài tiến trình tích lũy của kiến thức, giải thoát ra ngoài lòng ham muốn hiểu biết, chẳng hạn ?
Đây là một điều rất đáng lưu tâm để ý, kiến thức và tín ngưỡng, cả hai đều giữ một vai trò đầy quyền năng trong đời sống chúng ta. Hãy để ý rằng chúng ta quá sùng bái những kẻ nào có kiến thức và học thức uyên bác ! Các ngài có thể nào hiểu được ý nghĩa của sự kiện này ? Nếu các ngài muốn tìm thấy một cái gì mới lạ, thể nghiệm một cái gì đó mà không phải là sự phóng hiện của trí tưởng tượng, thì tâm trí các ngài phải được tự do, có phải thế không ? Tâm trí ấy phải có khả năng đón nhận sự mới lạ. Thực là chẳng may mắn, cứ mỗi lúc nào các ngài thấy một cái gì mới lạ, các ngài lôi lại tất cả mớ tin tức, thông thức mà các ngài đã biết rồi, các ngài khơi lại tất cả kiến thức, tất cả những ký ức kỷ niệm quá khứ ; hiển nhiên các ngài không còn có khả năng nhìn thấy, không còn có khả năng đón nhận bất cứ điều gì mới lạ, không phải xưa cũ. Xin các ngài vui lòng đừng diễn dịch lại điều vừa nói bằng chi tiết rườm rà. Nếu tôi không biết cách trở về nhà, tôi sẽ lạc đường mất hướng ; nếu tôi không biết sử dụng một cái máy, tôi sẽ trở thành kẻ vô dụng. Không, trường hợp này không giống trường hợp trên. Chúng ta không phải thảo luận trường hợp thông thường vừa nêu. Chúng ta chỉ thảo luận về kiến thức được dùng như là phương tiện để được an ninh an toàn, lòng khát khao tâm lý muốn được là một thực thể nào đó. Các ngài tìm được gì qua kiến thức ? Quyền uy của kiến thức , sức nặng của kiến thức cảm giác quan trọng, tư cách, nhân phẩm, cảm giác tràn đầy sinh khí và tất cả những thứ ấy ? Kẻ nào nói rằng “tôi biết”, “có cái này” hay “không có cái này”, kẻ nào nói như thế thì chắc chắn không còn suy nghĩ nữa, không còn theo dõi trọn vẹn tiến trình của tham dục.
Như tôi đã nghĩ, vấn đề của chúng ta như vậy chỉ là ý thức rằng chúng ta đã bị ràng buộc, bị đè nặng bởi tín ngưỡng, bởi kiến thức ; có thể nào một tâm trí có thể giải thoát khỏi kỷ niệm ngày qua và giải thoát khỏi những tín ngưỡng đã được thu thập qua tiến trình của kỷ niệm hôm qua ? Các ngài lãnh hội câu hỏi này ? Với tư cách là cá thể, ngài và tôi có thể nào sống trong xã hội mà vẫn giải thoát khỏi mọi tín ngưỡng mà chúng ta đã được dạy dỗ trao truyền từ thuở bé ? Tâm trí có thể nào thoát ra ngoài tất cả thứ kiến thức vừa nêu, tất cả thứ quyền uy vừa kể ? Chúng ta đọc nhiều kinh điển thiêng liêng, chúng ta đã được dạy kỹ lưỡng phải làm gì, không được làm gì, phải đạt đến đích như thế nào, mục đích ấy là gì và Thượng Đế là gì, vân vân. Các ngài đều biết nằm lòng những điều ấy và các ngài đã đeo đuổi tu tập theo những điều ấy. Đó là kiến thức của các ngài, đó là những gì các ngài đã thu lượm gặt hái được ; các ngài đã hướng cuộc đời các ngài trên nẻo đường ấy. Hiển nhiên, mình tìm kiếm cái gì thì mình sẽ gặp cái ấy. Nhưng có phải cái ấy là thực tại ? Phải chăng đó chỉ là sự phóng đại của chính kiến thức của các ngài ? Đó không phải là thực tại. Có thể nào thể hiện được thực tại ngay bây giờ , chứ không đợi đến ngày mai ; mà phải ngay hiện giờ ; có thể nào thể hiện thực tại trong giây phút này và nói rằng “tôi thấy chân lý của thực tại”, rồi bỏ yên ở đó, không màng tới nữa để tâm trí không phải bị bại hoại bởi tiến trình của sự tưởng tượng, của sự phóng đại ngoại hiện ?
Tâm trí có thể giải thoát khỏi tín ngưỡng không ? Các ngài chỉ có thể giải thoát khỏi tín ngưỡng, khi các ngài hiểu được tính chất nội tại của những lý do đã khiến cho các ngài chì giữ lấy tín ngưỡng, chẳng những lý do ý thức mà cả lý do tiềm thức nữa, chính những lý do ấy đã khiến các ngài giữ lấy tín ngưỡng. Tuy thế, chúng ta không phải chỉ là một thức thể hời hợt hoạt động trên bình diện ý thức thôi. Chúng ta có thể tìm ra những sinh hoạt ý thức và vô thức sâu thẳm hơn nữa, nếu chúng ta để cho tâm ý vô thức được dịp phát khởi bởi vì vô tâm đáp ứng nhanh nhẹn hơn tâm thức. Đang lúc tâm trí ý thức đang suy nghĩ, lắng nghe và ngắm nhìn một cách im lặng thì vô tâm lại linh hoạt hơn nhiều, mẫn tiệp hơn nhiều và cởi mở hơn nhiều ; vì thế, vô tâm có thể đáp ứng được liền. Tâm trí bị nô lệ, triền phược, bức bách, hăm dọa, ép buộc phải có tín ngưỡng, như vậy tâm trí ấy có thể nào được tự do để suy nghĩ hay không ? Tâm trí ấy có thể ngắm nhìn mọi sự một cách mới lạ và đẩy tan tiến trình cô lập giữa các ngài và một kẻ khác ?
Xin các ngài đừng nói rằng tín ngưỡng hợp nhất mọi người lại. Tín ngưỡng không thể làm được việc ấy. Đó là điều quá hiển nhiên. Chưa một tôn giáo có tổ chức nào khả dĩ làm được việc ấy. Các ngài hãy tự nhìn các ngài trong xứ sở các ngài. Các ngài đều là kẻ có tín ngưỡng, nhưng các ngài có hợp nhất nhau được chưa ? Các ngài có nhất trí đoàn kết ? Chính các ngài tự biết rằng các ngài không nhất trí đoàn kết gì cả Các ngài đã phân rẽ thành ra bao nhiêu đảng phái, giai cấp bé nhỏ bần tiện ; các ngài ý thức được vô số sự phân hóa. Tiến trình tâm thức này đều vận hành như nhau ngay toàn thế giới, không phân biệt Đông hay Tây ; họ tàn sát tương tranh giành giật những điều nhỏ bé bần tiện, xô đẩy nhau thành những trận tuyến đối nghịch, tạo ra nỗi hãi hùng khủng khiếp về nạn binh đao. Do đó, tín ngưỡng không bao giờ hợp nhất loài người được. Điều ấy quá minh bạch rồi. Nếu điều ấy quá minh bạch và chính xác, nếu các ngài đã ý thức được điều ấy thì các ngài nên nghe theo sự thật minh bạch ấy. Nhưng nỗi khó khăn lớn lao là hầu hết chúng ta không ý thức được như vậy, bởi vì chúng ta không thể đối mặt với nỗi bất an nội tâm, cảm giác nội tại của nỗi cô đơn. Chúng ta muốn nương dựa vào một điều gì đó để mà có thể sống, điều ấy có thể là Quốc gia, có thể là giai cấp, chủ nghĩa quốc gia dân tộc, một bực Tôn Sư hay một Đấng Cứu thế hay bất cứ điều gì khác trên đời. Mỗi khi chúng ta ý thức được sự sai lầm của tất cả những thứ nương tựa trên, chỉ có lúc ấy, tâm trí mới có thể thấy được chân lý của mọi sự, dù việc trực kiến chân lý có thể chỉ xảy ra trong giây phút ; dù chân lý có thể vượt quá mức ý thức nhất thời nhưng chân lý vẫn trở về lại cho những tâm hồn chí thành. Nhưng dù chỉ thấy chân lý nhất thời thôi thì cũng quá đủ rồi, nếu các ngài có thể nhìn thấy chân lý trong một giây phút vụt qua, nhưng thế cũng đủ rồi ; bởi vì lúc bấy giờ các ngài sẽ thấy xuất hiện một sự thể tuyệt vời khác thường. Vô tâm đang vận hành, dù tâm thức có thể phủ nhận xua đuổi. Giây phút trực kiến chân lý không phải là giây phút tiệm tiến ; nhưng giây phút ấy chính là điều độc nhất và tạo tác những hiệu quả đặc biệt, dù tâm thức cố gắng chống chế lại nó.
Vậy, vấn đề của chúng ta là : có thể nào tâm trí được tự do thoát khỏi mọi kiến thức và tín ngưỡng ? Phải chăng tâm trí được hình thành nhờ kiến thức và tín ngưỡng ? Phải chăng cơ cấu tâm trí là tín ngưỡng và kiến thức ? Tín ngưỡng và kiến thức là những tiến trình tri nhận, trung tâm của tâm thức. Tiến trình ràng buộc đóng nhốt mọi sự lại, tiến trình ấy vừa là ý thức vừa là vô thức. Có thể nào tâm trí thoát khỏi chính cơ cấu hình thành của nó ? Có thể nào tâm trí chấm dứt, không hiện thể nữa ? Đó mới là vấn đề. Như chúng ta đã biết rằng tâm thức có tín ngưỡng đàng sau nó, tâm thức nuôi dưỡng chứa chấp khát vọng, lòng manh động mong muốn được an toàn ; tâm thức chứa chấp cả kiến thức và tích lũy sức lực. Nếu mình không thể suy nghĩ riêng lẻ cho bản thân mình , dù với tất cả thế lực và tôn thế có sẵn trong mình, thì vẫn không thể nào thấy được hòa bình xuất hiện ở thế giới. Các ngài có thể nói về hòa bình, các ngài có thể tổ chức những đảng phái chính trị, các ngài có thể la lối trên mái nhà để tranh đấu cho một cái gì đó ; nhưng các ngài không thể có được hòa bình ; bởi vì trong tâm trí chứa đựng nền tảng gây mầm cho sự mâu thuẫn cô lập và phân hóa. Con người hòa bình, con người đứng đắn uy nghi, không thể nào tự cô lập hóa mình, rồi lại rêu rao về tình huynh đệ và hòa bình. Đó là một ngón đùa, dù là thuộc phạm vi chính trị hay tôn giáo , nó tạo cho mình một cảm giác về sự tựu thành, cảm giác của lòng tham vọng. Con người nào thực sự nghiêm trang đứng đắn về vấn đề này, muốn thực sự khám phá thì phải đối mặt với vấn đề kiến thức và tín ngưỡng ; người ấy phải đi thấu bên sau vấn đề, khám phá ra trọn vẹn tiến trình tham dục đang vận hành , lòng ham muốn được bảo đảm an toàn, lòng khát khao được an định chắc chắn.
Bất cứ tâm trí nào muốn được đạt tới tâm thái mà điều mới lạ có thể xuất hiện, dù gọi điều mới lạ ấy là Thượng Đế hay bất cứ danh từ nào khác, thì tâm trí ấy nhất định chắc chắn phải chấm dứt việc thu đạt, lượm lặt, gặt hái, tích lũy và không sở đắc gì nữa ; tâm trí ấy phải xua qua một bên tất cả kiến thức. Tâm trí chồng chất nặng chĩu đầy ứ kiến thức cố nhiên không thể nào lý hội được hiện thể thực tại, vì hiện thực thì vẫn là vô hạn vô lượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét