Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Tự do đầu tiên và cuối cùng (5) - Phần một

Phần một - chương 10,11,12
Krishnamurti - Tự do đầu tiên và cuối cùng
Bản dịch Phạm Công Thiện
CHƯƠNG X
SỢ HÃI

Sợ hãi là gì ? Sợ hãi chỉ có thể xuất hiện cùng với một thực thể nào đó, chứ không thể tồn tại riêng lẻ. Làm thế nào tôi có thể sợ chết được, làm thế nào tôi có thể sợ một điều mà tôi không hề biết ? Tôi chỉ có thể sợ những gì tôi quen biết thôi. Khi tôi nói rằng tôi sợ chết, có phải thực là sợ một cái gì xa lạ, nghĩa là sự chết, hay tôi sợ mất những gì tôi đã quen biết ? Sự sợ hãi của tôi, không phải là sợ chết mà là sợ mất sự liên kết của tôi đối với những sự vật thuộc về tôi. Sự sợ hãi của tôi luôn luôn dính líu đến những gì tôi đã quen biết, chứ không có liên quan nào đến những gì xa lạ mà tôi không thể biết được.
Sự khảo sát hiện giờ của tôi là làm thế nào có thể giải thoát khỏi sự sợ hãi về những điều đã biết, nghĩa là sợ mất gia đình của tôi, sợ mất danh tiếng của tôi, tính tình tôi, tiền bạc của tôi để ở ngân hàng, sự thèm khát của tôi, vân vân. Các ngài có thể nói rằng sự sợ hãi xuất hiện từ ý thức ; nhưng ý thức của các ngài chỉ được hình thành do sự qui định triền phược của các ngài, do đó ý thức cũng chỉ là kết quả của những gì ta quen biết. Tôi có thể biết gì ? Kiến thức là có những ý tưởng , những ý kiến về những sự vật, có ý thức về sự liên tục liên quan đến những gì ta đã quen biết, chỉ thế thôi. Những ý tưởng là những sự hồi tưởng, kết quả của kinh nghiệm nghĩa là đáp ứng lại sự thách đố. Tôi sợ những gì tôi đã quen biết nghĩa là tôi sợ mất thiên hạ, những sự vật hay là những ý tưởng, tôi sợ khám phá ra bản chất thực sự của tôi, sợ bối rối lúng túng, sợ đau đớn xảy ra khi tôi đã mất hay đã không được lời lãi hay đã không còn được vui sướng nữa.
Lại còn sợ hãi sự đau đớn. Sự đau đớn thể chất là một sự đáp ứng của thần kinh hệ, nhưng sự đau đớn tâm lý chỉ xuất hiện khi tôi ôm ghì giữ lấy những sự vật nào đã đem đến thỏa mãn cho tôi, vì lúc ấy tôi sợ một người nào đó hay một sự vật nào đó mà có thể đánh mất những sự vật ấy ra ngoài tôi. Những sự tích lũy tâm lý án ngữ cơn đau đớn tâm lý chỉ khi nào những sự tích lũy ấy không bị khuấy động, nghĩa là tôi chỉ là một mớ tích lũy kinh nghiệm, ngăn chận lại bất cứ hình thức nghiêm trọng nào muốn khuấy động tôi và tôi không muốn bị quấy rầy ; do đó, tôi sợ bất cứ người nào mà có thể quấy động tôi. Như thế sự sợ hãi của tôi thì chỉ thuộc về những gì tôi đã quen biết, tôi sợ hãi những tích lũy trong vật thể hay trong tâm tư mà tôi đã thu lượm dùng để xua đuổi sự đau đớn hoặc ngăn chận nỗi sầu muộn. Nhưng nỗi sầu muộn lại nằm trong chính tiến trình tích lũy dùng để xua đuổi cơn đau tâm tư, kiến thức cũng được dùng để ngăn chận sự đau đớn. Không khác gì kiến thức y khoa dùng để ngăn chận sự đau đớn thể xác, những tín ngưỡng cũng thế, những tín ngưỡng chỉ dùng để ngăn chận sự đau đớn tâm tư, đó là lý do tại sao tôi sợ đánh mất những tín ngưỡng của tôi, mà tôi không hề có được kiến thức hoàn bị hay bằng chứng cụ thể về thực tại của những tín ngưỡng như thế. Tôi có thể chối bỏ một số tín ngưỡng truyền thống đã đè nặng trong tôi bởi vì kinh nghiệm trung thực của tôi đã cho tôi sức lực, lòng tự tin, sự giao cảm ; nhưng những tín ngưỡng như thế và kiến thức mà tôi đã thâu đạt được thực ra cũng chỉ là như nhau – một phương tiện để xua đuổi sự đau đớn.
Sự sợ hãi chỉ tồn tại khi nào có sự tích lũy những gì mình đã quen biết, chính điều ấy tạo ra nỗi lo sợ mất mát. Do đó, nỗi lo sợ những gì xa lạ thực ra chỉ lo sợ những sự quen biết mà mình đã chồng chất trong tâm tư. Sự tích lũy tâm tư luôn luôn chỉ có nghĩa là sợ hãi, mà sợ hãi chỉ có nghĩa là đau đớn; mỗi khi nào mà tôi nói “tôi không nên mất” thì lúc ấy sự sợ hãi xuất hiện. Mặc dù ý định tích lũy của tôi là muốn xua đuổi sự đau đớn, nhưng sự đau đớn chỉ nằm trong tiến trình tích lũy. Đó chính là những sự việc mà tôi có, những sự việc thuộc quyền sở hữu của tôi đã tạo ra những nỗi sợ hãi, nghĩa là đau đớn.
Mầm móng bảo vệ phòng thủ, chính mầm móng bảo vệ ấy đã gây ra sự gây hấn của người khác. Tôi muốn sự an ninh vật thể ; do đó, tôi đã tạo ra một chính thể tập quyền, chính thể ấy bắt buộc phải cần có những lực lượng vũ trang, nghĩa là chuẩn bị cho chiến tranh, như thế chỉ là sự phá hủy sự an ninh. Mỗi khi nào có việc muốn tự bảo vệ đề phòng thì lúc ấy sự sợ hãi xuất hiện. Khi tôi thấy sự sai lầm trong việc đòi hỏi an ninh, an toàn tính mệnh, thì lúc ấy tôi mới không còn tích lũy nữa. Nếu các ngài nói rằng các ngài thấy điều ấy nhưng các ngài không thể nào không tích lũy được thì đó chỉ là bởi vì các ngài không thực sự tin rằng chính ngay trong sự tích lũy đã chứa sẵn sự đau đớn rồi.
Sự sợ hãi xuất hiện trong tiến trình tích lũy và tín ngưỡng về một thực thể nào đó thuộc về tiến trình tích lũy. Con trai tôi chết, và tôi tin vào sự luân hồi đầu thai để ngăn chặn lại cơn đau đớn tâm tư cho bớt phần mãnh liệt ; nhưng, ngay trong tiến trình tin tưởng như thế thì đã có mối hoài nghi xuất hiện rồi. Bên ngoài tôi chồng chất trực tích lũy các sự vật và gây ra mầm móng chiến tranh ; bên trong tâm tư tôi chồng chất tích lũy những tín ngưỡng và gây ra mầm móng đau khổ. Khi nào mà tôi còn muốn bình an, được bảo đảm tính mệnh, muốn có tiền bạc trong ngân hàng, muốn được vui sướng khoái lạc, vân vân, khi nào tôi còn muốn trở nên một nhân vật nào đó, theo nghĩa sinh lý và tâm lý thì lúc đó sự đau đớn nhất định xuất hiện. Chính những sự vật mà tôi dùng để xua đuổi sự đau đớn, chính những sự vật ấy mang đến sợ hãi, đau đớn cho tôi.
Sự sợ hãi chỉ thành hình khi tôi muốn theo đuổi một mẫu mực đặc biệt nào đó. Sống không sợ hãi có nghĩa là sống không cần một mẫu mực riêng biệt nào. Khi nào tôi đòi hỏi một đường lối riêng biệt nào đó thì lúc đó chính đường lối ấy là nguồn gốc của sự sợ hãi. Nỗi khó khăn của tôi là lòng ước muốn được sống trong một khuôn khổ nào đó. Tôi có thể phá vỡ khuôn khổ ấy không ? Tôi chỉ có thể làm như thế khi nào tôi thấy chân lý : chính khuôn khổ đã gây ra sợ hãi và chính sự sợ hãi này lại đóng mạnh thêm khuôn khổ. Nếu tôi nói rằng tôi phải phá vỡ khuôn khổ bởi vì tôi muốn thoát khỏi sự sợ hãi, nếu nói thế thì tôi chỉ là đi theo một khuôn khổ khác, khuôn khổ khác ấy lại chỉ gây ra sự sợ hãi khác nữa. Bất cứ hành động nào của tôi mà xuất phát từ ước muốn phá vỡ khuôn khổ sẽ chỉ là tạo ra một mẫu mực khác, do đó sự sợ hãi xuất hiện. Làm thế nào mà tôi không thể phá vỡ khung khổ mà không gây ra sự sợ hãi nữa, nghĩa là không còn bất cứ hành động ý thức hay vô thức nào trong tôi dính dấp đến sợ hãi ? Nghĩa là tôi không phải hành động, tôi không làm bất cứ một cử chỉ nào để phá vỡ khung khổ. Cái gì ? Cái gì có thể xảy ra cho tôi khi mà tôi chỉ nhìn khung khổ mà không đụng chạm gì đến nó ? Tôi thấy rằng chính tâm trí là khuôn khổ, mẫu mực ; tâm trí tôi sinh hoạt trong mẫu mực thường lệ mà nó tạo ra cho nó. Vì thế, trí tuệ chính là sợ hãi. Bất cứ điều gì mà trí óc thực hiện chỉ tăng trưởng mẫu mực cũ hay tạo thêm một mẫu mực mới. Có nghĩa là bất cứ điều gì tâm trí muốn làm để giải thoát khỏi sự sợ hãi thì điều ấy gây ra sợ hãi.
Sự sợ hãi tìm nhiều lối thoát khác nhau. Lối thoát thông thường nhất là sự đồng hóa, phải không ? Đồng hóa với đất nước, đồng hóa với xã hội, đồng hóa với một ý tưởng. Các ngài có bao giờ để ý phản ứng thế nào khi các ngài thấy một cuộc diễn hành, chẳng hạn như cuộc diễn binh, hay cuộc rước lễ của các tôn giáo, hay khi quê hương bị họa xâm lăng ? Lúc đó thì các ngài tự đồng hóa với quê hương tổ quốc, với một thực thể nào đó, với một ý thức hệ nào đó. Lại còn những trường hợp khác chẳng hạn mình tự đồng hóa mình với đứa con của mình, rồi với vợ mình, với một hình thức hành động đặc biệt nào đó, hay một hình thức vô vi nào đó. Sự đồng hóa là một tiến trình tự trốn mình, tự quên mình. Khi nào tôi ý thức về “tôi” thì tôi biết rằng sự đau đớn, sự tranh đấu, sự sợ hãi thường xuyên vẫn còn đó. Nhưng nếu tôi có thể tự đồng hóa mình với một cái gì lớn hơn, với một cái gì xứng đáng hơn, chẳng hạn với sắc đẹp, với cuộc đời, với chân lý, với tín ngưỡng, với kiến thức, ít ra là chỉ đồng hóa tạm thời thôi, chỉ thế thôi cũng là một lối thoát, một sự chạy trốn của tôi đối với tôi, phải thế không ? Nếu tôi nói về “quê hương của tôi” thì tôi có thể quên tôi trong giây phút, phải thế không ? Nếu tôi có thể nói điều gì về Thượng đế, lúc ấy tôi có thể quên tôi. Nếu tôi có thể tự đồng hóa mình với gia đình tôi, với một đoàn thể, với một đảng phái riêng biệt nào đó, với một ý thức hệ nào đó thì, lúc ấy tôi có thể tìm được một lối thoát, một sự chạy trốn tạm thời.
Sự đồng hóa, do đó, chỉ là một hình thức chạy trốn bản ngã, ngay đức hạnh chỉ là một hình thức chạy trốn bản ngã. Kẻ nào tôi luyện đức hạnh chỉ là chạy trốn bản ngã hắn, đầu óc hắn chỉ là hẹp hòi. Đó không phải là một đầu óc đức hạnh vì đức hạnh không phải là một điều có thể tôi luyện đeo đuổi được. Các ngài càng cố gắng trở nên đức hạnh chừng nào thì các ngài lại chỉ tăng trưởng bản ngã, tăng trưởng cái “tôi” hơn thêm nữa. Sự sợ hãi thường xảy đến cho chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau, chính sự sợ hãi ấy luôn luôn vẫn muốn tráo lộn trong một hình thức khác và do đó, gia tăng sự quằn quại tâm tư. Các ngài càng muốn đồng hóa với một hình thức tráo trở khác của một thứ sợ hãi thì các ngài lại càng cố ôm ghì nắm lấy những gì mà các ngài chuẩn bị để tranh đấu, để hy sinh tính mệnh, bởi vì sự sợ hãi đã nằm đàng sau hành động kia.
Chúng ta có biết sự sợ hãi là gì không ? Nó có phải chăng chỉ là không chấp nhận thực tại, không chấp nhận cái đang là , không chấp nhận những gì đang xảy ra trong hiện tại. Chúng ta phải hiểu nghĩa chữ “chấp nhận”. Tôi không dùng chữ ấy với ý nghĩa là cố gắng chấp nhận, nỗ lực để chấp nhận. Không có vấn đề chấp nhận mỗi khi tôi trực nhận hiện tại, cái đang là, những gì đã xảy ra trong hiện tại. Khi nào tôi không trực nhận rõ ràng cái đang là, thực tại, những gì đang xảy ra trong hiện tại, thì lúc ấy tôi đã tạo ra tiến trình chấp nhận, do đó sự sợ hãi có nghĩa là không chấp nhận cái đang là, thực tại, những gì xảy ra trong hiện tại. Tôi chỉ là một mớ tổng số những phản ứng, những đáp ứng, những hoài tưởng, những hoài vọng, những u trầm, chán nản, ấm ức, chỉ là kết quả của sự vận hành ý thức ứ đọng, tôi là thế thì làm thế nào để có thể vượt qua được những gì làm thành tôi ? Làm thế nào trí óc không bị sự án ngữ ấy, mà lại có thể ý thức được ? Chúng ta biết rằng khi nào không có chướng ngại án ngữ thì lúc ấy niềm vui tuyệt vời xuất hiện. Các ngài có biết rằng mỗi khi nào cơ thể hoàn toàn mạnh khỏe thì chúng ta cảm thấy sung sướng thảnh thơi thoải mái ; và các ngài có biết rằng tâm trí hoàn toàn tự do, không bị chướng ngại ngăn giữ, khi nào trọng tâm ý thức về “tôi” không còn xuất hiện nữa thì lúc ấy các ngài cảm thấy sung sướng lâng lâng ? Các ngài có cảm thấy như thế không mỗi khi nào bản ngã vắng mặt ? Hiển nhiên tất cả chúng ta đều cảm thấy như thế.
Sự giao cảm và sự giải phóng khỏi bản ngã chỉ xuất hiện khi nào mình có thể nhìn bản ngã mình một cách hoàn toàn trọn vẹn như là một toàn thể nhất trí ; và mình chỉ có thể thể hiện như thế mỗi khi nào mình hiểu tiến trình trọn vẹn của tất cả sinh hoạt xuất phát từ lòng tham muốn khát vọng, lòng ham muốn khát vọng ấy chính là sự thể hiện của tư tưởng – bởi vì tư tưởng không khác lòng khát vọng – mình chỉ có thể hiểu toàn thể tiến trình ấy khi nào không còn biện minh lòng ham muốn, không còn đàn áp nó ; chỉ khi nào tôi có thể như thế thì tôi mới biết được mình có khả năng vượt qua được những giới hạn của bản ngã hay không .

CHƯƠNG XI
ĐƠN GIẢN

Tôi muốn thảo luận về bản tính của đơn giản , và có lẽ nhờ sự thảo luận này, chúng ta có thể đi đến việc khám phá ý nghĩa của cảm tính, khám phá tính nhạy cảm. Dường như chúng ta nghĩ rằng sự đơn giản chỉ là một sự biểu hiện bên ngoài, một tâm thái ẩn dật rút lui khỏi đời sống ; chỉ có rất ít vật sở hữu, đóng khố, vô gia cư, không nhà cửa, mặc đôi ba manh áo quần, dành dụm một món tiền nho nhỏ ở ngân hàng. Cố nhiên, đó không phải là đơn giản. Đó chỉ là sự phô trương bên ngoài. Đối với tôi, dường như đơn giản là điều chính yếu nhất ; nhưng đơn giản chỉ có thể xuất hiện khi chúng ta bắt đầu hiểu được ý nghĩa của sự tự tri, tự kiến.
Đơn giản không phải là chỉ khuôn rập theo một mẫu mực nhất định. Phải thông minh vô cùng thì mới đơn giản được, chứ không phải chỉ tuân hòa theo một khuôn khổ cố định nào, dù bề ngoài khuôn khổ ấy có vẻ thích ứng một cách xứng đáng đi nữa. Thực là một điều chẳng may, hầu hết chúng ta đều bắt đầu đơn sơ giản dị ở hình thức bên ngoài, những sự vật bề ngoài. Chỉ có chút ít vật sở hữu, chỉ bằng lòng tự mãn với đôi chút sự vật, như thế cũng hãy còn dễ, bằng lòng tự túc với đôi ba điều, chia sẻ đôi ba điều ấy với những kẻ khác, thực ra, điều ấy hãy còn dễ dàng. Nhưng tỏ bày tính cách đơn giản của mình qua những sự vật bên ngoài, qua tài sản, tỏ bày như vậy cố nhiên không có nghĩa là mình đã được đơn giản bên trong tâm hồn. Tình thế hiện trạng bây giờ đã đưa chúng ta đến hoàn cảnh bắt buộc mình phải đòi hỏi quá nhiều hình thức bề ngoài. Đời sống càng lúc càng trở nên phức tạp rắc rối. Để mà có thể thoát ly ra ngoài sự phức tạp rối rắm của đời sống, chúng ta cố gắng từ bỏ hoặc xa lìa những sự vật, xa lìa những chiếc ô tô, xa lìa nhà cửa, xa lìa những tổ chức, xa lìa những rạp chiếu bóng và xa lìa vô số những hoàn cảnh bên ngoài dồn dập vào mình. Chúng ta cho rằng chúng ta sẽ sống đơn sơ giản dị bằng cách rút lui, thoát ly ra ngoài đời sống. Quá nhiều bậc thánh, quá nhiều bậc tôn sư đã từ bỏ thế tục, đối với tôi, bất cứ người nào từ bỏ thế tục như thế thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Sự đơn sơ giản dị, mối căn nguyên nền tảng thiết thực ấy, chỉ có thể xuất hiện bên trong tâm hồn ; và từ bên trong tâm hồn ấy mới xuất phát hình thức bên ngoài. Vậy, biết cách sống đơn sơ giản dị mới là vấn đề chính, bởi vì , chính sự đơn giản ấy sẽ làm mình trở nên nhạy cảm hơn trong đời sống. Có được một tâm trí nhạy cảm, một con tim bén nhạy, là một điều chính yếu, vì chỉ có được tâm trí như thế, mình mới có thể dễ trực nhận, dễ đón nhận.
Mình chỉ có thể đơn giản trong nội tâm , cố nhiên là khi nào mình hiểu được vô số những trở ngại, những cố chấp, sợ hãi mà mình bị vướng kẹt. Nhưng phần đông chúng ta thích bị vướng kẹt, thích bị ràng buộc trong nhân thế, trong những vật sở hữu, trong những ý tưởng. Chúng ta thích làm những kẻ tù tội lao lung. Trong tâm tư, chúng ta đúng những kẻ bị nhốt tù, dù bên ngoài chúng ta có vẻ như sống đơn giản dễ chịu. Trong tâm tư, chúng ta bị nhốt tù trong những sự thèm khát, những ham muốn, những lý tưởng , trong vô số động lực tâm lý. Mình không thể nào tìm được sự đơn giản, chỉ trừ ra khi nào mình được giải phóng, được tự do trong tâm tư. Do đó, sự đơn giản phải bắt đầu từ trong, chứ không phải từ ngoài.
Khi nào mình hiểu trọn vẹn tiến trình tín ngưỡng , hiểu được lý do tại sao tâm trí phải bám chặt vào tín ngưỡng, khi nào hiểu được như vậy, mình mới được hưởng một niềm tự do phi thường. Sự đơn giản xuất hiện, lúc mình được tự do thoát ra ngoài mọi tín ngưỡng. Nhưng sự đơn giản ấy đòi hỏi mình phải thông minh, và muốn thông minh thì mình phải ý thức được những chướng ngại thực thụ của mình. Muốn ý thức, mình phải thường xuyên thức tỉnh, không để ràng buộc cố định trong bất cứ đường mòn lối cũ nào, trong bất cứ khuôn mẫu tư tưởng hay khuôn mẫu hành động đặc thù nào. Thực ra, những gì mình chứa đựng bên trong tâm hồn mình, chính những cái ấy đã ảnh hưởng biến chuyển thế giới bên ngoài. Xã hội, hay bất cứ hình thức hành động nào, đều là sự phóng hiện của bản thân chúng ta ; không chuyển hóa nội tâm , mà chỉ lo lập pháp bên ngoài thôi thì chẳng có ý nghĩa gì đáng kể, việc ấy có thể đem đến một vài sự cải cách nào đó, một vài sự điều chỉnh nào đó, nhưng những gì mình chứa đựng trong tâm khảm vẫn chế phục, lấn áp, khuynh lướt hoàn cảnh bên ngoài. Nếu trong tâm khảm mình vẫn gian tham, tham vọng, đeo đuổi một số lý tưởng nào đó ; sự phức tạp rối rắm trong tâm khảm ấy sớm muộn gì rồi cũng khuynh đảo lật đổ xã hội bên ngoài, dù xã hội ấy có được tổ chức trù định một cách qui mô cẩn thận đến đâu đi nữa, cơ cấu qui mô của nó vẫn bị phá đổ.
Vì lý do như thế, mình cần phải bắt đầu từ bên trong tâm khảm trước hết, đồng thời vẫn không độc chiếm chuyên đoán, không khai trừ ngoại giới. Cố nhiên các ngài đi đến thế giới nội tâm bằng cách lãnh hội thế giới bên ngoài, bằng cách tìm xem thể điệu hiện hữu của sự xung đột, sự giao tranh, thống khổ ở ngoại giới, lúc mình khảo sát điều ấy một cách thâm trầm hơn, hiển nhiên mình thâm nhập vào những trạng huống tâm lý đã phát sinh ra những xung đột thống khổ ở ngoại giới. Sự phát hiện bên ngoài chỉ là dấu hiệu của trạng huống bên trong, nhưng muốn hiểu được trạng huống nội tâm, mình cần phải đi vào bằng cửa ngỏ bên ngoài. Phần đông chúng ta hành động như thế. Khi muốn hiểu được nội giới mà không phải độc chiếm và khai trừ ngoại giới, trái lại, hiểu nội giới bằng cách hiểu ngoại giới, tình cờ lý nhập được nội giới bằng sự thể nhận ngoại giới ; khi hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng lúc tiến sâu vào những uẩn khúc nội tâm của hiện thể chúng ta càng lúc càng trở nên nhạy cảm và tự do. Chính sự đơn giản nội tâm này mới chính yếu, vì sự đơn giản đã tạo ra lòng xúc cảm bén nhạy. Một đầu óc thiếu nhạy cảm, không thức tỉnh, không ý thức thì không thể nào biết thụ cảm, đón nhận, không thể nào biết hành động khai sáng, hành động sáng tạo . Ăn rập vào khuôn thước ước lệ và làm thế như một phương tiện để cho mình trở nên đơn sơ giản dị thì thực ra chỉ là làm chola2a6m trí trở thành khô cằn, chán chường, chai lì, vô giác. Bất cứ hình thức cưỡng ép thị uy nào do chính quyền gây ra, do chính bản thân, do lý tưởng thành đạt, vân vân, bất cứ hình thức khuôn thước ước lệ nào rốt cục rồi cũng phải gây ra trạng thái vô giác, không biết xúc cảm bén nhạy, bởi vì không biết sống đơn sơ giản dị trong tâm hồn. Các ngài có thể khuôn đúc dáng dấp bên ngoài và tỏ vẻ đơn sơ giản dị , giống như trường hợp của nhiều tín đồ tu sĩ. Họ thực hành nhiều kỷ luật tâm tư chi li, gia nhập đủ loại tổ chức, tham thiền nhập định theo đủ lối, vân vân, tất cả nỗ lực của họ đều hướng về hình tướng dáng dấp đơn sơ giản dị ở bề ngoài, nhưng sự khuôn định công thức như vậy không đưa đến sự đơn giản thực sự. Bất cứ sự bức bách cưỡng ép nào cũng không bao giờ đưa đến sự đơn giản. Trái lại, các ngài càng đàn áp, càng tìm cách thay thế, càng tìm cách làm cao thượng thì các ngài càng ít được đơn giản ; nhưng các ngài càng hiểu đượhie63ie61n trình của sự cao thượng hóa, của đàn áp, của việc thay thế cái này bằng cái kia, các ngài càng hiểu được biến trình này thì các ngài càng có thể đạt được trạng thái đơn sơ giản dị.
Tất cả những vấn đề của chúng ta đều quá phức tạp rối rắm, những vấn đề thuộc phạm vi xã hội, hoàn cảnh, chính trị, tôn giáo, có thể giải quyết được bằng một đời sống giản dị đơn sơ, chứ không phải bằng cách trở thành uyên bác, thông thái, tinh thạo xuất chúng. Một người đơn giản có thể tri kiến một cách trực tiếp, trực nghiệm ngay lập tức, thẳng thắn, mau lẹ hơn một người phức tạp. Tâm trí chúng ta nhét vô số kiến thức về những sự kiện, về những gì người khác đã nói, đầu óc chúng ta đầy ứ những kiến thức vụn vặt rối rít như vậy, đến nỗi chúng ta không còn có khả năng sống giản dị và tự mình trực nghiệm. Tất cả những vấn đề phức tạp đòi hỏi chúng ta phải có một đường lối đón nhận mới mẻ, chúng ta chỉ có thể đón nhận những vấn đề ấy một cách mới mẻ, khi chúng ta đơn sơ giản dị, thực sự đơn giản bên trong tâm hồn. Sự đơn giản này chỉ xuất hiện lúc mình tự hiểu mình, tự tri ; những đường lối cảm nghĩ của chúng ta ; sự vận hành của tư tưởng chúng ta ; sự đáp ứng của chúng ta ; cách chúng ta đóng khung ăn rập theo dư luận, vì sợ hãi, đóng khuôn theo những gì kẻ khác đã nói, những gì Phật, Chúa, các bậc đại thánh đã dạy bảo, tất cả sự khuôn đúc ấy nói lên bản chất của chúng ta, bản chất thích ăn rập theo khuôn mẫu, theo công thức, thích được an ninh an toàn. Mỗi khi mình đi tìm sự an ninh, an toàn, hiển nhiên mình luôn luôn vẫn ở trạng huống lo lắng sợ hãi, và do thế, mình không thể nào đơn sơ giản dị được. Không đơn sơ giản dị, mình không thể nào nhạy cảm, không thể nào xúc động nhạy cảm trước những cây lá, những chim chóc, đồi núi, gió, trước tất cả những sự vật đang xảy ra chung quanh chúng ta trên đời sống này ; nếu mình không đơn sơ, mình không thể nào xúc động nhạy cảm trước sự tỏ bày thắm thiết lặng lẽ trong lòng sự vật. Hầu hết chúng ta đều sống quá hời hợt, chỉ sống trên thượng tầng của ý thức, trên thượng tầng ý thức ấy, chúng ta cố gắng trầm mặc hoặc thông tri, tu hành mộ đạo thì cũng đồng nghĩa như vậy. Trên thượng tầng ý thức ấy, chúng ta cố gắng làm tâm trí mình trở nên đơn giản, bằng cách bức bách cưỡng ép, qua qui phạm kỷ luật. Làm như vậy chẳng có gì là đơn sơ giản dị cả. Khi chúng ta cưỡng bức thượng tầng tâm trí, cưỡng ép trí óc trở thành đơn giản, cưỡng bách như vậy chỉ làm chai lòng, chứ không làm tâm trí trở thành uyển chuyển, mềm mỏng, trong sáng, hoạt bát, nhanh nhẹn. Sống đơn giản trong toàn thể tiến trình toàn diện của ý thức mình, đó là một điều vô cùng gian truân khó khăn, vì muốn được thế, mình phải có tâm hồn cởi mở, không gìn giữ, phải hăm hở tìm tòi đi sâu vào tiến trình hiện thể mình, nghĩa là mình phải thức tỉnh theo dõi tất cả sự tỏ bày lặng lẽ, tất cả gợi ý kín đáo, ý thức tất cả sự sợ hãi của lòng mình, tất cả hoài vọng ; khảo sát và càng lúc càng giải thoát ra ngoài tất cả những thứ ấy. Chỉ có lúc ấy, lúc tâm trí thực sự đơn giản , không còn bị đóng cặn bọc lớp, thì chúng ta mới có thể giải quyết được bao nhiêu vấn đề mà chúng ta phải đương đầu.
Kiến thức , học thức, tri thức không thể giải quyết được những vấn đề của chúng ta . Chẳng hạn, các ngài có thể có kiến thức, biết được về sự đầu thai, về sự kế tục sau khi chết. Các ngài có thể biết được những thứ ấy, tôi không nói rằng các ngài biết hay các ngài có thể tin chắc về điều ấy ; tôi chỉ nói : các ngài có thể biết được ; nhưng việc ấy cũng không giải quyết được vấn đề. Lý thuyết của các ngài, hoặc sự hiểu biết của các ngài, hoặc lòng xác tín của các ngài, tất cả thứ này đều không thể đóng ngăn sắp loại sự chết được. Sự chết hoàn toàn bí ẩn, huyền bí thâm sâu, có tính cách sáng tạo hơn hẳn tất cả sự đóng ngăn sắp loại kia.
Mình phải có khả năng khảo sát tất cả mọi sự một cách mới mẻ luôn ; vì chỉ có trực nghiệm kinh nghiệm trực tiếp mới có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta được, muốn có trực nghiệm, mình phải đơn giản, nghĩa là mình phải nhạy cảm. Sức nặng của kiến thức học thức, đã khiến cho tâm trí trở thành trì độn, trầm trệ, thiếu sâu sắc và cùn lụt, buồn tẻ. Trí óc trở nên cùn : chính quá khứ, chính tương lai đã làm trí óc trở nên như thế. Chỉ có một tâm trí tương ứng với hiện tại một cách liên tục từ giây phút này đến giây phút khác thì mới có thể tương nhiếp với những ảnh hưởng , áp lực mạnh mẽ do hoàn cảnh bên ngoài liên miên đổ dồn vào đời sống chúng ta .
Vậy, một người mộ đạo, một kẻ tu hành thực ra không phải là một kẻ mặc áo dòng tu hay đóng khố, hoặc đã phát nguyện như thế này và không như thế kia ; một kẻ chân tu là người thực sự đơn giản trong tâm hồn, một kẻ không trở thành  một cái gì cả. Chỉ có một người có tâm thái như thế mới có khả năng đón nhận phi thường, vì lòng kẻ ấy không còn biên giới ngăn cách, không còn sợ hãi, không còn ngưỡng vọng, hướng về một chân trời nào cả, nhờ thế, mà kẻ ấy mới có thể đón nhận thiên ân, thánh sũng, thiên hựu, Thượng đế, chân lý, hay muốn gọi gì thì cứ gọi. Tuy nhiên, kẻ nào có đầu óc đi tìm kiếm đeo đuổi thực tại thì vẫn không phải là kẻ sống đơn giản. Tâm trí của một kẻ tra kiếm, tìm tòi, sờ sia5ng, xao động, vẫn không phải là tâm trí đơn giản. Tâm trí của một người qui thuận theo một khuôn mẫu quyền uy nào đó, nội tâm hay ngoại giới, vẫn không thể nào biết nhạy cảm. Chỉ có một tâm trí bén nhạy thực sự, linh động thức tỉnh thực sự, ý thức được tất cả sự vận hành biểu hiện của mình, những đáp ứng, những tư tưởng , khi tâm trí ấy không còn trở thành, hình thành, không còn khuôn nắn mình để được một sự thể nào đó : chỉ có lúc ấy, tâm trí mới có khả năng đón nhận thực thể, tức là sự thực. Chỉ có lúc ấy mình mới có thể có được hạnh phúc, vì hạnh phúc không phải là cứu cánh, hạnh phúc chính là thành quả của thực tại. Khi tâm trí đã trở nên đơn giản, và nhờ đơn giản, nên nhạy cảm ; đơn giản nhạy cảm không phải do bất cứ hình thức bức bách, hướng dẫn, cưỡng bách, bắt buộc nào, khi tâm trí trở thành đơn giản và nhạy cảm như vậy thì chúng ta mới thấy rằng tất cả những vấn đề của chúng ta đều có thể được nhiếp dẫn một cách đơn sơ giản dị . Dù những vấn đề của chúng ta có phức tạp đi nữa, chúng ta vẫn có thể nhiếp dẫn những vấn đề ấy một cách mới lạ tươi tắn và được một cái nhìn biện biệt rõ rệt. Hiện thời chúng ta cần phải như thế ; mọi người phải có khả năng đối mặt với sự hỗn độn, náo động, tương phản, đối nghịch ở bên ngoài, đối mặt một cách mới lạ, một cách sáng tạo, một cách đơn sơ giản dị, không phải bằng những nhu74nhuye61t, cũng không phải bằng những phương trình của phái tả hay phái hữu. Các ngài không đơn sơ giản dị thì các ngài không thể nào đối mặt với ngoại vật một cách mới mẻ linh hoạt.
Bất cứ vấn đề nào cũng có thể giải quyết được và chỉ có thể giải quyết được, mỗi khi chúng ta tiếp dẫn, nhiếp dẫn vấn đề ấy như trên. Chúng ta không thể nào nhiếp dẫn vấn đề một cách mới lạ, khi chúng ta còn suy tư trong phạm trù của những mẫu mực tư tưởng nào đó, thuộc phạm vi tôn giáo, chính trị, hay những phạm vi khác. Vì thế, muốn được đơn sơ giản dị, chúng ta phải giải thoát ra ngoài tất cả những phạm trù mẫu mực ấy. Do đó, điều quan trọng là mình phải ý thức, phải có khả năng hiểu được tiến trình suy tư của chính mình, ý thức bản thân một cách toàn diện, nhờ thế, sự đơn giản mới hiện đến, sự khiêm tốn, từ tốn mới hiện đến, và lòng từ tốn này phát hiện tự nhiên, chứ không phải là một nhân đức được tôi luyện hoặc do tập quán thực hành. Lòng khiêm nhượng từ tốn, xuất phát từ sự thâu đạt sở đắc thì không còn đúng là khiêm nhượng, từ tốn. Một người có ý muốn làm mình trở thành khiêm nhượng, khiêm tốn thì không còn là một người khiêm tốn nữa. Chỉ khi nào mình khiêm tốn một cách tự nhiên, chứ không phải khiêm tốn vì tôi luyện, chỉ lúc ấy mình mới có thể đón gặp đối mặt nổi sự đời quá dồn dập, vì lúc ấy mình không còn quan trọng nữa, mình không nhìn đời qua sự khuôn ép nội tâm và qua cảm thức về sự quan trọng của mình, mình nhìn vấn đề trong tự bản thể của vấn đề ấy, và nhờ vậy, mình mới có thể giải tan vấn đề ấy.

CHƯƠNG XII
TRỰC THỨC

Tự hiểu biết mình có nghĩa là hiểu biết sự quan thiết của mình với thế gian ; chẳng những với thế giới của ý tưởng và người đời mà kể cả với thiên nhiên, với những vật sở hữu. Đấy, đời sống của chúng ta là như thế ; đời sống chúng ta là mối giao tiếp quan thiết với toàn thể. Muốn hiểu được mối quan thiết ấy có cần phải giới hạn sự hiểu biết trong một phạm vi chuyên biệt , như kiến thức của một chuyên viên ? Hiển nhiên là không phải thế. Muốn hiểu biết, mình cần phải để ý thức gặp gỡ đời sống trong toàn thể, toàn diện sắc thái. Mình phải trực thức thế nào ? Đây chính là vấn đề của chúng ta . Làm thế nào mình có được trực thức như vậy ? Tôi dùng tiếng “trực thức” ở đây không có nghĩa gì liên quan với kiến thức chuyên khoa cục bộ. Làm thế nào chúng ta có thể gặp gỡ đời sống trong toàn diện sắc thái ? Nói như vậy có nghĩa là chẳng những mình có quan thiết cá nhân với người láng giềng, mà lại còn quan thiết cá nhân với thiên nhiên, với những vật sở hữu, với những ý tưởng, và với những điều mà tâm trí đã tạo thành ảo tưởng, khát vọng , vân vân . Làm thế nào mình ý thức được trọn vẹn tiến trình tương quan này ? Hiển nhiên đời sống chúng ta là thế, phải không ? Không có đời sống nào mà lại không có tương quan ; và hiểu được tương quan này thì không có nghĩa là cần phải gây ra sự cô lập. Trái lại muốn hiểu, mình cần phải tri nhận trọn vẹn hay trực thức trọn vẹn toàn thể tiến trình tương giao.
Mình phải ý thức thế nào ? Chúng ta ý thức về một sự thể như thế nào ? Các ngài ý thức về mối quan thiết của các ngài với một người nào đó như thế nào ? Các ngài ý thức về những rặng cây, về tiếng gọi của một con chim như thế nào ? Khi đọc nhật báo, các ngài ý thức về những phản ứng của các ngài như thế nào ? Các ngài có ý thức về những đáp ứng hời hợt của tâm trí , cũng như về những đáp ứng của nội tâm ? Chúng ta ý thức về bất cứ cái gì như thế nào ? Có phải trước tiên chúng ta ý thức về sự đáp ứng đối với sự khích động bên ngoài ? Đó là một sự kiện hiển nhiên ; tôi thấy những cây lá, rồi tôi đáp ứng lại, rồi cảm giác, va chạm, đồng hóa và ham muốn. Phải chăng đó là tiến trình thông thường ? Chúng ta có thể quan sát những gì xảy ra trong thực tế mà không cần phải nghiên cứu sách vở gì cả.
Thế là chính tinh thần đồng hóa đã mang đến sự sung sướng và đau khổ cho các ngài. Và cái ta gọi là “khả năng”, “tài năng” chỉ là liên hệ với sự sung sướng và trốn tránh đau đớn, phải thế không ? Nếu các ngài chú tâm một sự thể nào đó, nếu sự thể ấy mag đến sự sung sướng cho các ngài, các ngài sẽ thấy rằng các ngài có “khả năng” lập tức. Ý thức về sự kiện ấy xảy ra tức khắc ; và nếu sự kiện ấy đau đớn, “khả năng” được hình thành để trốn tránh sự kiện đau đớn. Khi mà chúng ta còn mong chờ dùng “khả năng” để tìm hiểu bản thân, tôi cho rằng chúng ta sẽ thất bại ; vì sự tìm hiểu bản thân không tùy thuộc vào khả năng. Đó không phải là một kỹ thuật mà các ngài có thể khai triển, tôi luyện và tăng trưởng qua thời gian, qua sự mài giũa thường xuyên. Trực thức về bản thân hiển nhiên có thể được thí nghiệm trong tác động của sự tương giao ; nó có thể được trắc nghiệm trong cách ta nói chuyện, trong cách ta đối xử với nhau. Các ngài hãy ngắm nhìn bản thân mà đừng đồng hóa gì cả, đừng so sánh, đừng phán xử ; chỉ ngắm nhìn thôi và các ngài sẽ thấy một sự thể tuyệt vời xảy ra. Chẳng những các ngài làm dứt tuyệt tác động của vô thức bởi vì hầu hết sinh hoạt của chúng ta đều là vô thức – chẳng những các ngài chấm dứt tác động vô thức ấy, hơn thế nữa, các ngài lại ý thức cả những động lực của chính tác động ấy ; mà không cần phải tra tìm, không cần phải đào xới vào tác động ấy.
Khi các ngài ý thức được như vậy, các ngài thấy được toàn thể tiến trình của tư tưởng và hành động các ngài ; nhưng điều ấy chỉ có thể thành hình khi nào chúng ta không còn chỉ trích, khiển trách, phê phán nữa. Khi tôi phán xét một sự thể nào đó thì chỉ có nghĩa là tôi không chịu hiểu sự thể ấy, và đó chỉ là một cách trốn tránh tất cả mọi sự giao cảm. Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều trốn tránh một cách cố ý như vậy ; chúng ta phán xét ngay mọi sự và cho rằng mình đã hiểu mọi sự. Nếu chúng ta không phán xét mà chỉ tôn trọng để ý chú tâm vào sự thể, ý thức nó, thì lúc ấy nội dung, ý nghĩa của hành động kia mới bắt đầu khai mở. Thể nghiệm điều này và các ngài sẽ tự thấy ngay. Chỉ ý thức thôi và đừng tìm cớ biện minh, biện giải ; cử chỉ này có vẻ khá tiêu cực nhưng thực ra không hẳn tiêu cực chính là hành động trực tiếp nhất ; các ngài sẽ khám phá như thế nếu các ngài thể nghiệm điều ấy.
Tựu chung, nếu các ngài muốn hiểu điều gì, các ngài phải mang một tâm thái thụ động, tiêu cực phải như vậy không ? Các ngài không thể nào liên miên suy nghĩ về nó, suy tưởng hay liên miên đặt vấn đề về nó. Các ngài phải đủ nhạy cảm để đón nhận nội dung của nó. Điều đó giống như một kiến ảnh tinh nhạy. Nếu tôi muốn hiểu các ngài, tôi phải ý thức một cách thụ động, tiêu cực ; lúc ấy, các ngài mới cởi mở mọi sự cho tôi. Cố nhiên đây không phải là vấn đề khả năng hoặc vấn đề chuyên môn. Trong tiến trình kể trên, chúng ta bắt đầu tự hiểu bản thân, không phải chỉ hiểu ở những tầng nông cạn hời hợt của ý thức chúng ta , mà phải hiểu cả những gì sâu thẳm nhất mới là quan trọng hơn ; bởi vì ở đó chứa đựng tất cả những động lực hoặc ý định của ta, những đòi hỏi hỗn độn giấu kín, những nông nỗi lo âu, xao xuyến, sợ hãi, những thèm khát nhục dục. Bên ngoài chúng ta có vẻ như kiểm soát chế ngự những thứ ấy, nhưng bên trong lòng chúng ta sôi sục. Chỉ khi nào mình hoàn toàn ý thức được tất cả những thứ ấy thì hiển nhiên mình mới có tự do, mới có thể được hạnh phúc, mới có được sự minh mẫn thông suốt.
Có phải sự thông minh là một vấn đề chuyên môn? Thông minh chính là trực thức trọn vẹn của tiến trình chúng ta . Và sự thông minh ấy có thể tôi luyện được qua bất cứ hình thức chuyên môn nào ? Bởi vì sự kiện này hiện nay đang xảy ra, phải thế không ? Giáo sĩ, bác sĩ, kỹ sư, kỹ nghệ gia, thương gia, giáo sư – chúng ta đều có đầu óc thuộc tất cả phạm vi chuyên môn này. Muốn thể hiện được hình thức cao nhất của sự thông minh – tức là chân lý, tức là Thượng đế ; điều không thể diễn tả được – muốn thể hiện như thế chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải trở thành những chuyên viên. Chúng ta nghiên cứu, mò mẫm, tra tìm ; mang tâm thức của một chuyên viên hoặc nương cậy vào chuyên viên, chúng ta nghiên cứu bản thân để mà phát triển khả năng khả dĩ giúp đỡ mình tháo gỡ những xung đột , những khốn khổ cơ cực.
Nếu chúng ta có trực thức, vấn đề chúng ta là tìm xem những xung đột, những cơ cực khốn cùng, những đau khổ của đời sống thường nhật của chúng ta có thể nào giải quyết được nhờ trung gian của một kẻ khác hay không, và nếu kẻ khác không giải quyết được thì làm thế nào chúng ta có thể đối trị những thảm trạng ấy ? Muốn hiểu được một vấn đề hiển nhiên mình phải có một mức độ thông minh nào đó, và sự thông minh ấy không thể được rèn luyện hay xuất phát từ sự hiểu biết có tính cách chuyên môn. Thông minh ấy chỉ thực hiện khi chúng ta trực thức một cách tiêu cực về toàn thể tiến trình của tâm thức mình, nghĩa là trực thức về bản thân mà không chọn lựa, không chọn lựa giữa điều đúng và điều sai. Khi các ngài ý thức một cách tiêu cực, thụ động, các ngài sẽ thấy rằng vấn đề mang một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, xuất phát từ tính chất tiêu cực thụ động ấy, tiêu cực ở đây không có nghĩa là nhàn rỗi, lười biếng, ăn không ngồi rồi, mê ngủ ; không, không, không phải như vậy, tiêu cực ở đây có nghĩa là linh động thức tỉnh cực độ ; có nghĩa là không còn sự đồng hóa với vấn đề, không còn phê phán, và nhờ đó, vấn đề mới mở lộ nội dung của nó. Nếu các ngài có thể làm thế thường xuyên thì tất cả mọi vấn đề đều có thể được giải quyết một cách căn bản, chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài. Đây là điều khó khăn, bởi vì hầu hết chúng ta đều không thể ý thức một cách tiêu cực thụ động, không thể để vấn đề tự giải bày tự sự mà không cần đến sự giải thích của mình. Chúng ta không biết cách nhìn một vấn đề một cách bình thản an nhiên, không vọng động. Chúng ta không thể làm như vậy, thực là bất hạnh, bởi vì chúng ta muốn rút một kết quả nào đó từ vấn đề, chúng ta muốn có một câu trả lời, chúng ta mong mỏi một cứu cánh ; hoặc chúng ta cố gắng diễn dịch vấn đề tùy theo niềm vui sướng hoặc nỗi đau đớn của chúng ta ; hay là chúng ta muốn có sẵn đáp số về cách đối trị vấn đề . Do đó, với khuôn khổ cũ, chúng ta đi đến một vấn đề mà mỗi vấn đề đều hoàn toàn mới lạ. Sự thách thức luôn luôn mới mẻ, nhưng đáp ứng thì vẫn luôn luôn cũ kỹ ; điều khó khăn của chúng ta là phải đón gặp sự thách thức một cách thích đáng, tức là một cách trọn vẹn. Vấn đề vẫn luôn luôn là vấn đề tương giao – tương giao với những sự vật, với người đời hoặc với những ý tưởng ; chẳng có vấn đề nào khác nữa ; muốn đón gặp vấn đề tương giao, với những yêu sách thường xuyên biến dạng của vấn đề ấy – muốn đón nhận nó một cách chính xác, đón nhận một cách thích đáng – mình phải ý thức nó một cách thụ động , tiêu cực. Tính chất tiêu cực ở đây không phải là vấn đề quyết chí, ý chí kỷ luật ; trực thức rằng chúng ta không tiêu cực, ý thức như vậy chính là sự khởi đầu. Trực thức rằng chúng ta muốn có một câu trả lời đặc biệt nào đó về một vấn đề đặc biệt nào đó – ý thức được như vậy, nhất định đó là khởi đầu, tự hiểu biết mình trong tương giao với vấn đề và cách đối trị vấn đề. Rồi lúc ấy khi chúng ta bắt đầu tự hiểu biết mình trong tương giao với vấn đề - cách chúng ta đáp ứng , chân tướng của đủ loại thành kiến, yêu sách, ngưỡng vọng trong lúc đón gặp vấn đề - trực thức này sẽ khai mở tiến trình tư tưởng của chúng ta , của chính bản chất nội tâm chúng ta : chỉ trong tâm thái này mới phát hiện sự giải phóng.
Điều quan trọng nhất định phải là trực thức không chọn lựa, vì sự chọn lựa đem đến xung đột. Người chọn lựa ở trong trạng thái hỗn loạn, vì hỗn loạn nên hắn mới chọn lựa ; nếu hắn không ở trong tâm trạng hỗn loạn thì không cần sự chọn lựa nữa. Chỉ có kẻ hỗn loạn mới chọn lựa những gì hắn phải làm hoặc không nên làm. Một người đơn giản minh bạch sáng suốt không bao giờ chọn lựa ; những gì đang là hiện thể thì vẫn là hiện thể, “đương xứ tiện thị”, không có gì phải thắc mắc. Hành động xây dựng trên ý tưởng cố nhiên là hành động của sự chọn lựa và hành động ấy không có gì là giải phóng cả : trái lại, hành động ấy chỉ tạo thêm sự chống đối, tạo thêm xung đột ; tùy thuộc vào sự suy tư bị qui định kia.
Do đó, điều quan trọng phải là trực thức từng giây phút một, mà không phải tích lũy kinh nghiệm mà trực thức mang đến ; bởi vì lúc các ngài tích lũy, các ngài chỉ trực thức tùy thuộc vào sự tích lũy kia, tùy thuộc vào khuôn khổ kia, tùy thuộc vào kinh nghiệm kia. Nghĩa là sự trực thức của các ngài đã bị qui định bởi sự tích lũy của các ngài ; do đó, không còn sự chiêm nghiệm quan sát mà chỉ là sự diễn dịch thôi. Khi nào còn có sự diễn dịch thì vẫn có sự chọn lựa, chọn lựa gây ra xung đột tương tranh ; không thể nào có được sự giao cảm trong xung đột.
Đời sống là sự việc tương giao, muốn hiểu được tương giao linh động ấy, mình phải có trực thức uyển chuyển, trực thức tiêu cựa một cách linh hoạt, chứ không tích cực một cách hiếu thắng xâm lược. Như tôi đã trình bày ở trên, sự trực thức tiêu cực này không phải xuất hiện từ bất cứ hình thức kỷ luật nào, bất cứ sự thực hành tôi luyện nào. Chúng ta chỉ cần trực thức từng khoảnh khắc một, trực thức về tư tưởng và cảm giác chúng ta , chẳng những lúc chúng ta tỉnh thức thôi. Khi chúng ta đi sâu hơn nữa, chúng ta thấy rằng chúng ta bắt đầu mộng mị, rằng chúng ta bắt đầu tạo ra đủ loại biểu tượng mà chúng ta diễn dịch ra thành mộng mị. Thế là chúng ta mở cửa đi vào thế giới sâu kín. Thế giới sâu kín ấy trở thành những điều quen biết ; nhưng muốn tìm thấy thế giới xa lạ, không quen biết, chúng ta phải vượt qua ngưỡng cửa này – cố nhiên, đây là nỗi khó khăn của chúng ta . Thực tại không phải là điều mà tâm trí có thể biết được, vì tâm trí là kết quả của những gì quen biết, của quá khứ ; do đó, tâm trí phải tự hiểu nó và hiểu tác động của nó, sự thực của nó, chỉ có thế, những gì xa lạ, không hề biết mới có dịp hiện thể được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét