Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Tự do đầu tiên và cuối cùng (7) - Phần một

Phần một - chương 16,17,18,19,20,21
Krishnamurti - Tự do đầu tiên và cuối cùng
Bản dịch Phạm Công Thiện
CHƯƠNG XVI : 
TƯ TƯỞNG CÓ THỂ GIẢI QUYẾT
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA KHÔNG ?

Tư tưởng chưa giải quyết được những vấn đề chúng ta và tôi nghĩ rằng tư tưởng cũng sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề chúng ta . Chúng ta đã nương cậy vào trí năng để nhờ trí năng tỏ bày một lối đi cho chúng ta ra ngoài tình trạng phức tạp rắc rối hiện nay. Nhưng khi trí năng càng xảo quyệt, càng xấu xa, càng xảo trá thì lại càng có nhiều, càng có đủ loại hệ thống ý thức đủ loại lý thuyết và đủ loại ý tưởng . Những ý tưởng không giải quyết được bất cứ vấn đề nào của con người ; những ý tưởng đã không bao giờ và sẽ không bao giờ giải quyết được bất cứ cái gì. Tâm trí không phải là sự giải đáp ; đường lối của tư tưởng hiển nhiên không phải là con đường đưa mình thoát ra ngoài mọi gian nan khó khăn. Đối với tôi, trước tiên chúng ta cần phải hiểu tiến trình của tư tưởng, và có lẽ phải có khả năng vượt qua tiến trình tư tưởng này – vì khi tư tưởng ngừng lại thì có lẽ chúng ta sẽ có thể tìm ra hướng đi khả dĩ giúp mình giải quyết những vấn đề, chẳng những vấn đề cá nhân thôi mà cả vấn đề tập thể.
Tư tưởng chưa giải quyết được những vấn đề chúng ta. Những kẻ tinh ranh, những triết gia, những học giả, những kẻ lãnh đạo chính trị chưa thực sự giải quyết bất cứ vấn đề nào của con người – tức là tương quan giữa các ngài và một kẻ khác, giữa các ngài và tôi. Từ lâu nay, chúng ta đã dùng trí óc, trí năng để mà có thể khảo sát vấn đề và mong mỏi tìm được sự giải đáp. Tư tưởng có bao giờ có thể giải tán những vấn đề của chúng ta ? Chỉ ngoại trừ trường hợp ở phòng khảo nghiệm hay trên tấm bảng kê ở tường làm việc, trong tất cả các trường hợp khác, tư tưởng vẫn luôn luôn tự bảo vệ, tự tìm cách tiếp diễn liên tục và vẫn bị ràng buộc qui định ? Phải chăng sinh hoạt của tư tưởng chỉ là vị ngã ? Và tư tưởng vị kỷ có thể nào phân giải được bất cứ vấn đề nào ? Vì tất cả vấn đề ấy đều do chính tư tưởng đã tạo ra ? Trí óc có thể nào giải trừ những vấn đề mà chính những trí óc đã khai sinh, đã tạo tác ra ?
Tư tưởng đại loại như trên chỉ là một phản ứng. Nếu tôi hỏi các ngài một câu hỏi, các ngài liền đáp ứng lập tức – các ngài đáp ứng lại tùy thuộc theo trí nhớ các ngài, theo những thành kiến các ngài, theo hậu cảnh hình thành của đời sống các ngài, theo thời tiết, theo toàn thể bối cảnh của tính cách tất yếu qui định trong tâm thức ; các ngài đáp ứng thích ứng theo những sự qui định như vậy, các ngài suy tưởng thích ứng theo như thế. Tâm điểm của tất cả hậu cảnh , bối cảnh bối cảnh tâm tư này chính là cái “tôi” trong diễn trình tác động. Khi mà mình không hiểu được hậu cảnh tâm thức này, khi mà mình không hiểu được tiến trình của tư tưởng ; không hiểu được bản ngã đã tạo tác ra vấn đề , mình không thể chấm dứt tất cả những sự vận hành vị kỷ ấy, mình vẫn bắt buộc phải tạo ra xung đột , ở bên trong và bên ngoài, trong tư tưởng trong cảm xúc, trong hành động . Không có sự giải đáp nào khả dĩ chấm dứt sự xung đột giữa con người và con người , giữa các ngài và tôi, dù sự giải đáp ấy có thể tinh tế đi nữa có thể chín chắn đến đâu đi nữa thì cũng vẫn bất lực. Khi ý thức được như vậy, khi ý thức được cách xuất phát của tư tưởng nguồn gốc của tư tưởng, chúng ta đặt câu hỏi “tư tưởng có thể nào chấm dứt không ?”
Đây là một trong những vấn đề của chúng ta , phải thế ? Tư tưởng có thể nào giải trừ những vấn đề của chúng ta ? Nghĩ chín chắn về vấn đề, khi tư tưởng kỹ lưỡng như vậy, các ngài có thể giải quyết được vấn đề ? Bất cứ vấn đề nào, vấn đề kinh tế , xã hội, tôn giáo, có vấn đề nào được thực sự giải quyết bằng tư tưởng không ? Trong đời sống thường nhật của các ngài, khi các ngài càng suy nghĩ nhiều về một vấn đề, vấn đề lại càng trở nên rắc rối phức tạp, khó giải quyết, vô định hơn nữa. Phải thế không ? Phải chăng đời sống thực tế hàng ngày của chúng ta là như vậy ? Khi các ngài suy nghĩ kỹ vài ba khía cạnh nào đó của vấn đề, các ngài có thể trông thấy rõ hơn quan điểm của người khác, nhưng tư tưởng không thể nào thấy được toàn diện, toàn bộ vấn đề - tư tưởng chỉ có thể thấy một cách phiến diện , một lời giải đáp phiến diện không phải là sự đáp ứng trọn vẹn, do dó, không phải là một sự giải quyết nào hết.
Chúng ta càng nghĩ chín chắn một vấn đề, chúng ta càng khảo sát, phân tích, thảo luận một vấn đề thì vấn đề ấy lại càng trở nên rối rắm phức tạp thêm lên. Thế thì có thể nào nhìn vấn đề một cách thông suốt, trọn vẹn ? Làm thế nào ? Vì dường như đối với tôi, đó là nỗi káo khăn lớn của chúng ta . Vấn đề chúng ta hiện nay gia tăng gấp bội – nào là nguy cơ chiến tranh cấp bách, nào là đủ mọi nhiễu loạn trong sự tương giao của chúng ta – làm thế nào chúng ta có thể hiểu được tất cả mọi sự này một cách thông suốt một cách trọn vẹn ? Cố nhiên sự việc chỉ có thể giải quyết khi chúng ta có thể nhìn nó một cách toàn diện – chứ không cục bộ, không chia xẻ. Khi nào có thể thực hiện được như thế ? Chắc chắn là điều ấy chỉ có thể thực hiện khi tiến trình tư tưởng đã chấm dứt – tiến trình tư tưởng này xuất nguồn từ cái “tôi”, từ bản ngã, từ bối cảnh của truyền thống, của tâm thức qui định của thành kiến, của hy vọng và tuyệt vọng. Chúng ta có thể nào hiểu được bản ngã này , không cần phân tích, mà lại chỉ nhìn thấy sự thể đúng như nó đang hiện thể, ý thức về sự thể đúng là một sự kiện, chứ không phải như là một lý thuyết ? – không phải tìm cách giải tan bản ngã để đạt tới một kết quả mà lại nhìn thấy sinh hoạt của cái “tôi” thường xuyên trong hành động ? Chúng ta có thể nào nhìn thấy nó, không cần phải vận dụng tìm cách phá hủy hoặc tìm cách làm phấn khởi ? Đó mới chính là vấn đề, phải thế không ? Những vấn đề của chúng ta sẽ chấm dứt lập tức, nếu trung tâm điểm của cái  “tôi” không hiện hữu trong mỗi người chúng ta , nếu cái “tôi” mất đi cùng lúc với lòng khát vọng quyền thế, địa vị, uy lực, sống dai, duy trì tự ngã.
Tự ngã là một vấn đề mà tư tưởng không thể giải tan được. Ý thức của mình phải không lệ thuộc vào tư tưởng. Ý thức về những sinh hoạt của bản ngã và không phê phán hoặc không biện minh – chỉ ý thức thôi – là cũng đủ rồi. Nếu các ngài ý thức để mà tìm cách giải quyết vấn đề mà biến chuyển nó, để tạo ra một kết quả , thế thì việc ấy vẫn còn nằm trong lãnh vực của bản ngã , của cái "tôi" . Khi mà chúng ta còn tìm kiếm một kết quả như kết quả trong việc phân tích, trong ý thức, sự khảo sát thường xuyên mỗi một ý tưởng thì chúng ta vẫn còn nằm trong lãnh vực của cái "tôi" , của bản ngã, hay muốn gọi gì thì gọi.
Khi sinh hoạt của tâm trí còn hiện hữu, chắc chắn không thể nào có tình yêu được. Khi tình yêu tình thương xuất hiện, chúng ta sẽ không còn những vấn đề xã hội nữa. Nhưng tình yêu không phải là một cái gì có thể sở đắc, thâu đạt được. Tâm trí có thể tìm cách sở đắc, thâu đạt, như thâu đạt một tư tưởng mới, một đồ vật mới, một đường lối suy tư mới, nhưng tâm trí không thể nào đạt tới trạng thái thương yêu , khi mà tư tưởng còn đang thâu đạt tình yêu. Khi mà tâm trí còn đang tìm cách đạt tới trạng thái không gian tham, chắc chắn là tâm trí ấy vẫn còn gian tham, phải thế không ? Cũng như vậy, khi mà tâm trí ao ước , thèm khát, và vận dụng để đạt tới trạng thái thương yêu, chắc chắn là tâm trí đã phủ nhận trạng thái ấy rồi, phải thế không ?
Khi thấy được vấn đề này, vấn đề rối rắm của đời sống này, khi ý thức được tiến trình của chính tư tưởng mình và biết rõ rằng tư tưởng thực ra chẳng đưa ta đi đến đâu cả - khi chúng ta ý thức một cách sâu xa như thế, thì nhất định lúc ấy chúng ta đạt tới một trạng thái minh mẫn, thông suốt, sự thông minh này không phụ thuộc vào cá thể hay tập thể. Lúc ấy, vấn đề tương giao của cá thể đối với xã hội, của cá thể đối với cộng đồng, của cá thể đối với thực tại, sẽ chấm dứt ngay bởi vì lúc ấy chỉ có một trạng thái duy nhất là sự thông suốt minh mẫn, sự thông minh này không thuộc vào cá nhân và cũng không phải là phi nhân. Tôi cảm thấy rằng chỉ có sự thông minh này thôi mới có thể giải quyết những vấn đề to tát của chúng ta . Sự thông minh ấy không thể là một kết quả ; trạng thái này chỉ xuất hiện khi chúng ta hiểu trọn vẹn tiến trình của tư tưởng , chẳng những ở mức độ ý thức mà cả những mức độ thầm kín, sâu thẳm của ý thức.
Muốn hiểu được bất cứ vấn đề nào, chúng ta phải có một tâm trạng bình thản trầm lặng, một tâm trí thảnh thơi im lặng , để mà trí óc có thể ngắm nghía vấn đề mà không xen vào những ý tưởng hoặc những lý thuyết, không xao lãng, bối rối, đãng trí. Đây là một trong những sự khó khăn của chúng ta – vì tư tưởng đã trở thành sự tiêu khiển, xao lãng. Khi tôi muốn hiểu, muốn nhìn ngắm một cái gì, tôi không phải nghĩ về nó – tôi ngắm nhìn nó. Vừa lúc ấy khi bắt đầu suy nghĩ, có ý tưởng, ý kiến về nó thì tôi đã xao lãng nó rồi, không còn ngắm nhìn chính sự thể mà mình phải hiểu. Thế là tư tưởng đã trở thành một sự xao lãng, khi các ngài đối trị một vấn đề - tư tưởng chính là một ý tưởng, một ý kiến, một lời phán đoán, một sự so sánh – ngăn chận chúng ta lại, không cho chúng ta ngắm nhìn, hiểu và giải tan vấn đề. Thực là bất hạnh đối với phần đông chúng ta , khi chúng ta làm tư tưởng trở nên quá quan trọng trong đời sống. Các ngài nói “làm thế nào tôi có thể hiện hữu, hiện thể, mà không có tư tưởng ? Làm thế nào tôi có thể có được một trí óc trống rỗng ? “Một trí óc trống là trạng thái mê mệt trầm trệ, ngu muội, hay muốn gọi gì thì cứ gọi, và phản ứng bản năng của các ngài là xua đuổi trạng thái ấy. Tuy nhiên nhất định là chỉ có một tâm trí rất trầm lặng , không bị tư tưởng làm xao lãng, một tâm trí cởi mở mới có thể ngắm nhìn vấn đề một cách trực tiếp, một cách đơn giản. Và sự giải quyết độc nhất cho mọi vấn đề là có khả năng ngắm nhìn những vấn đề chúng ta mà không bị xao lãng nảo quấy rối. Muốn được thế, mình phải có tâm thái trầm tĩnh, trầm mặc, trầm lặng.
Tâm thái ấy không phải là một kết quả, không phải là sản phẩm cứu cánh của sự vận dụng thực hành, của sự tham thiền và của sự tiết chế kiểm soát. Tâm thái này không thể xuất hiện qua bất cứ hình thức nào của kỷ luật, giới luật hay sự cưỡng ép đàn áp hoặc sự cao thượng hóa, lý tưởng hóa ; tâm thái này xuất hiện không cần sự nỗ lực của cái "tôi", của tư tưởng ; nó thành hình khi tôi hiểu được trọn vẹn tiến trình của tư tưởng – khi tôi có thể nhìn thấy một sự kiện mà không xao lãng. Chỉ có trạng thái trầm lặng, thì mới có tình yêu, tình thương. Và chỉ có tình yêu mới có thể giải quyết tất cả vấn đề con người.

CHƯƠNG XVII
TÁC DỤNG CỦA TÂM TRÍ

Khi các ngài quan sát tâm trí các ngài, các ngài chẳng những chỉ quan sát những từng lớp gọi là “thượng tầng” mà các ngài lại phải xem xét cả vô thức : các ngài ngắm nhìn những gì tâm trí tác động trên thực tế, có phải thế không ? Đó là đường lối duy nhất mà các ngài có thể khảo sát . Đừng nên cưỡng chế chồng chất lên trên tâm trí , bắt buộc tâm trí phải làm thế này, phải làm thế kia, phải nghĩ hay hành động thế nào, vân vân ; làm như thế chỉ là quyết đoán suông thôi. Nghĩa là khi các ngài nói rằng tâm trí phải như thế này hoặc phải như thế kia thì các ngài không còn tìm tòi, không còn suy tưởng nữa ; hoặc nếu các ngài trích dẫn uy thế của ai đó, lúc ấy các ngài đã chấm dứt hết mọi suy tưởng, phải thế không ? Nếu các ngài trích dẫn đức Phật, Chúa hoặc XYZ, các ngài không còn truy tìm không còn suy tưởng, không còn khảo sát nữa. Do đó, mình phải tránh tất cả những thứ ấy. Các ngài phải xua qua một bên tất cả những xảo diệu của tâm trí, nếu các ngài muốn xét vấn đề bản ngã cùng với tôi.
Tác dụng của tâm trí là gì ? Muốn tìm hiểu điều này, các ngài phải biết những gì tâm trí đang tác động trên thực tế. Tâm trí các ngài làm gì ? Đó chỉ là một tiến trình của tư tưởng , phải thế không ? Nếu không thì tâm trí đâu có hiện hữu ở đó. Khi mà tâm trí không tư duy, một cách ý thức hay một cách vô thức thì không còn ý thức nữa. Chúng ta phải tìm hiểu những gì tâm trí hoạt động hàng ngày trong đời sống chúng ta và những gì thuộc tâm trí mà chúng ta không ý thức, tất cả những sinh hoạt ấy của tâm trí đã quan hệ gì, có tương giao gì với những vấn đề của chúng ta . Chúng ta phải nhìn tâm trí trong trạng thái hiện thể của nó, tâm trí đang là tâm trí, chứ không phải là tâm trí trong trạng thái mình muốn nó phải là thế nào đó theo tư ý của mình.
Vậy, tâm trí là gì, lúc nó đang tác dụng ? Trong thực tế, đó là một tiến trình cô lập phải thế không ? Bới sâu vào căn rễ, phải nhận rằng đó chính là bản chất của tiến trình tư tưởng . Đó là tư tưởng trong hình thức cô lập thế mà vẫn giữ tính cách tập thể. Khi các ngài xem xét chính tư tưởng của các ngài, các ngài có thấy rằng đó là một tiến trình cô lập phân tán rời rạc . Các ngài suy tư tùy thuận theo những phản ứng của các ngài, những phản ứng của ký ức, của kinh nghiệm các ngài, của kiến thức, của tín ngưỡng các ngài . Các ngài phản ứng lại thuận theo tất cả những thứ ấy, phải thế không ? Nếu tôi nói rằng phải cần thực hiện một cuộc cách mạng tận căn rễ, các ngài sẽ phản ứng lại ngay. Các ngài sẽ phản đối chữ “cách mạng” nếu các ngài có những cổ phần to lớn, về mặt tinh thần hay về những mặt khác. Thế là phản ứng các ngài tùy thuộc vào kiến thức các ngài, tín ngưỡng các ngài, kinh nghiệm các ngài. Đây là một sự kiện quá hiển nhiên. Có nhiều hình thức phản ứng đa dạng. Các ngài nói “tôi phải có tinh thần huynh đệ”, “tôi phải có tinh thần cộng tác”, “tôi phải có tình thân hữu”, “tôi phải tử tế, rộng lượng”, vân vân. Những lời lẽ này là gì ? Tất cả những thứ này đều là phản ứng ; nhưng phản ứng căn bản của tư tưởng vẫn là một tiến trình cô lập. Các ngài đang ngắm tiến trình tâm trí của các ngài, mỗi người đang tự ngắm nhìn mình, nghĩa là đang ngắm chính hành động mình, tín ngưỡng, kiến thức , kinh nghiệm. Tất cả những thứ này tạo ra sự an ninh, tăng trưởng củng cố tiến trình tư tưởng. Tiến trình này chỉ củng cố cái "tôi" , tâm trí, bản ngã – dù gọi là đại ngã hay tiểu ngã thì cũng thế. Tất cả tôn giáo của chúng ta , tất cả những sự phê chuẩn xã hội , những lề luật đều nhắm vào việc củng cố cá thể, bản ngã cá thể, hành động phân hóa ; và chống đối lại cá thể là chính thể độc đoán. Nếu các ngài đi sâu vào thế giới vô ý thức thì tiến trình ấy cũng vận hành y như thế. Trong thế giới vô thức này, chúng ta là tập thể bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, thời tiết, xã hội, cha mẹ, cố tổ. Trong thế giới vô thức này cũng hiện hữu cả lòng tư dục muốn được chủ thể, muốn thống trị trên cương vị của một cá thể, của cái "tôi".
Phải chăng tác dụng của tâm trí chỉ là một tiến trình cô lập, như chúng ta đã thấy rõ và như chúng ta đã sinh hoạt mỗi ngày ? Phải chăng các ngài đang tìm kiếm sự giải thoát cá nhân ? Các ngài đang trở thành một nhân vật quan trọng nào đó trong tương lai hoặc ngay trong đời sống này, các ngài đang trở thành một vĩ nhân, một đại văn nhân. Toàn thể khuynh hướng chúng ta chỉ là phân hóa, phân ly. Tâm trí có thể nào tác động một cách khác không ? Tâm trí có thể nào không còn suy tưởng theo phạm trù phân ly chia rẽ, bưng bít, đóng kín, rời rạc ? Không thể thực hiện được như vậy. Thế là chúng ta sùng bái tâm trí, tâm trí trở nên quan trọng một cách phi thường. Phải chăng các ngài đã biết rõ rằng khi mà các ngài trở nên khá gian xảo, khá tinh ranh, nhanh nhẹn và học hành sỏi đời một nhúm thì các ngài lại trở thành quan trọng biết bao trong xã hội ? Các ngài thấy rằng các ngài sùng bái những kẻ “thượng trí” những luật sư, những giáo sư đại học, những nhà hùng biện, những đại văn sĩ, những kẻ thuyết giải và thuyết trình ; các ngài đã rèn luyện trí thức và trí óc.
Tác dụng của tâm trí chỉ là phân tán, chia rẽ ; nếu không thế thì tâm trí không hiện hữu. Vì chúng ta đã tôi luyện tiến trình này trong bao nhiêu thế kỷ, cho nên chúng ta thấy rằng chúng ta không thể nào cộng tác hợp lực được nữa ; chúng ta chỉ còn bị cưỡng ép, xô đẩy, bức bách bởi thế lực uy quyền, bởi sợ hãi lo âu về đường kinh tế hoặc tương giao. Làm thế nào có thể hợp lực cộng tác với nhau được, khi mà sự kiện này là hiện trạng ngày nay, chẳng những ở mặt ý thức thôi mà cả mặt sâu thẳm thầm kín trong tiềm thức, ở những động lực, những ý định, những sự tìm kiếm đeo đuổi ?
Làm sao có được sự liên kết thông minh để thành tựu bất cứ việc gì ? Vì điều này gần như không thể thực hiện được, cho nên những tôn giáo và những đảng phái xã hội có tổ chức đã cưỡng ép cá nhân qui thuận theo một số hình thức kỷ cương giới luật nào đó. Rồi chính kỷ luật trở nên có tính cách cưỡng chế mệnh lệnh, nếu chúng ta muốn liên kết với nhau để làm việc chung nhau.
Chỉ khi nào chúng ta hiểu cách vượt lên trên sự suy tưởng phân hóa, tiến trình củng cố khoa trương cái "tôi" và cái “của tôi”, không phân biệt hình thức tập thể hay cá thể, chỉ lúc ấy chúng ta mới có thể sống hòa bình được, không còn xung đột liên miên và không còn chiến tranh tiếp diễn. Vấn đề chúng ta là làm thế nào chấm dứt tiến trình phân hóa của tư tưởng. Tư tưởng có bao giờ phá tan được bản ngã, khi tư tưởng chỉ là tiến trình của ngôn thức và của phản ứng ? Tư tưởng chỉ là phản ứng thôi ; tư tưởng không sáng tạo gì cả. Tư tưởng có thể nào tự hủy diệt ? Đó là điều chúng ta muốn được vỡ lẽ ra. Khi tôi suy tưởng đại loại như vầy : “tôi phải tài chế, phải có kỷ luật”, “tôi phải suy tư một cách thích đáng hơn”, “tôi phải thế này hay thế kia”, thì tư tưởng đã cưỡng ép, tự thúc đẩy, tự tài chế để trở thành một cái gì đó hay không trở thành một cái gì đó – Phải chăng đây chỉ là một tiến trình cô lập ? Do đó, tiến trình này không phải là sự thông minh nhập diệu tác động một cách toàn diện và chỉ sự thông minh toàn diện này mới có thể đem đến sự hợp lực liên kết thực sự.
Làm thế nào các ngài chấm dứt tư tưởng ? Hay đúng hơn làm thế nào tư tưởng cô lập, rời rạc, phiến diện có thể chấm dứt ? Các ngài bắt đầu làm thế nào đây ? Kỷ luật của các ngài có thể chấm dứt tiêu trừ tư tưởng không ? Cố nhiên các ngài đã không thành công từ lâu rồi, nếu làm được việc ấy các ngài sẽ không hiện diện ở đây.
Xin các ngài khảo sát tiến trình kỷ luật, thực ra đó chỉ là một tiến trình tư tưởng , tiến trình của sự qui thuận  khuôn phép, đàn áp tài chế, kiểm soát, thống trị - tất cả mọi điều này đã tác động đến vô thức và sau này chính sự thực sẽ lộ chân tướng khi các ngài càng thêm tuổi tác. Vì từ lâu đã cố gắng tự kiềm chế một cách vô ích, chắc các ngài phải thấy rằng kỷ luật hiển nhiên không phải là tiến trình có thể phá hủy được bản ngã. Không thể phá hủy tiêu trừ bản ngã bằng kỷ luật, bởi vì kỷ luật chỉ là một tiến trình củng cố bản ngã. Tuy thế mà những tôn giáo của các ngài vẫn hỗ trợ tiến trình này ; tất cả sự tham thiền, trầm mặc, tất cả lời quyết đoán của các ngài đã được xây dựng trên tiến trình này. Kiến thức sẽ phá hủy được bản ngã không ? Tín ngưỡng sẽ phá hủy được bản ngã không ? Nói khác đi, những gì chúng ta đang làm, bất cứ hành động nào chúng ta đang làm để bứng rễ bản ngã, những hành động này có thể thành công không ? Phải chăng tất cả mọi hành động này đều là phung phí vô ích, bởi vì hành động vướng trong tiến trình tư tưởng , tức là tiến trình cô lập, tiến trình phản động ? Các ngài làm gì khi các ngài ý thức tận cội rễ sâu thẳm rằng tư tưởng không thể tự chấm dứt ? Cái gì xảy ra ? Các ngài hãy tự ngắm nhìn bản thân. Khi các ngài ý thức trọn vẹn sự kiện này, cái gì xảy ra ? Các ngài hiểu rằng bất cứ phản ứng nào cũng đều bị qui định triền phược, và vì qui định ràng buộc nên không thể nào có được tự do ở ngay từ đầu hoặc ở cứu cánh – và tự do là luôn luôn ở bước đầu chứ không phải ở cuối cùng.
Khi các ngài ý thức rằng bất cứ phản ứng nào cũng là một hình thức của sự qui định và chỉ lưu diễn bản ngã trong những đường lối khác nhau, khi ý thức được như vậy thì cái gì xảy ra trên thực tế ? Các ngài phải sáng suốt minh bạch về việc này. Tín ngưỡng, kiến thức, kỷ luật, kinh nghiệm, trọn vẹn tiến trình thâu đạt kết quả hoặc cứu cánh tham vọng, trở nên một cái gì đó trong đời sống này hoặc đời sống tương lai – Tất cả mọi sự này đều là tiến trình cô lập, tiến trình phá hoại, khốn cùng, chiến tranh, các ngài không thoát được hành động tập thể, dù các ngài có thể bị đe dọa về những trại tập trung và bao nhiêu việc khác đại loại như vậy. Các ngài có ý thức về sự kiện này ? Trạng thái tâm trí của trí óc chúng ta là gì, khi chúng ta nói :”Việc ấy là thế”. “Đó là vấn đề của tôi”, “Đó, đúng như tình trạng của tôi bây giờ”, “Tôi thấy được tác động kiến thức và kỷ luật , còn tác động của tham vọng thì sao ?” Cố nhiên nếu các ngài thấy được như vậy thì một tiến trình khác đã vận hành rồi.
Chúng ta đã thấy đường lối vận hành của trí năng nhưng chúng ta không thấy đường lối vận hành của tình yêu. Đường lối vận hành của tình yêu không thể tìm thấy được qua trí năng. Trí năng, tất cả những phụ thể của trí năng, tất cả lòng khao khát của trí năng, tất cả tham vọng, tất cả đeo đuổi, phải chấm dứt ngay để tình yêu được hiện hữu. Các ngài không biết rằng mỗi khi các ngài yêu thương, hợp lực cộng tác, các ngài không hề nghĩ đến bản thân ? Đó là hình thức cao nhất của sự thông minh – không phải lúc mình yêu thương, đứng từ vị thế cao ngó xuống hay lúc các ngài đang được một địa vị cao cấp, yêu thương như vậy chỉ có nghĩa sợ hãi . Khi các ngài góp phần vốn vào đó để được lời lãi thì không thể nào có thương yêu được ; đó chỉ là tiến trình bóc lột, xuất phát từ sợ hãi lo âu. Do đó, tình yêu chỉ có thể xuất hiện khi tâm trí không hiện hữu nữa. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta phải hiểu toàn thể tiến trình của tâm trí, tác dụng của trí óc.
Chỉ khi nào chúng ta biết yêu thương nhau thì mới có thể thực hiện được sự cộng tác hợp lực, mới có thể thực hiện tác dụng thông minh diệu dụng, mới có thể thực hiện sự liên kết thân ái trong bất cứ vấn đề nào. Chỉ có lúc ấy mới có thể tìm thấy Thượng đế là gì, chân lý là gì – Thế mà chúng ta vẫn cố gắng tìm kiếm chân lý bằng trí năng, bằng sự bắt chước mô phỏng – đó chỉ là sùng bái ngẫu tượng hư thần. Chỉ khi nào các ngài loại bỏ triệt để tất cả cơ cấu của bản ngã, loại bỏ với lòng giao cảm ; chỉ lúc ấy sự thiên thu vĩnh cửu, phi thời gian, vô lượng, vô hạn, mới xuất hiện. Các ngài không thể đi đến Thiên Thu ; chính Thiên Thu đi đến các ngài.

CHƯƠNG XVIII
TỰ LƯỜNG GẠT

Tôi muốn thảo luận hoặc khảo sát vấn đề tự lường gạt, ảo giác, ảo vọng mà tâm trí đã chìm đắm và tự đánh lừa, rồi lại đánh lừa những người khác. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nhất là trong cơn khủng hoảng hiện nay mà thế giới đang đối mặt. Nhưng muốn hiểu được trọn vẹn vấn đề tự lường gạt, chúng ta phải theo dõi vấn đề ấy chẳng những ở bình diện chữ nghĩa mà phải cả bình diện bản thể tự tính, bình diện nền tảng, căn nguyên sâu thẳm. Chúng ta quá dễ dãi tự mãn với những chữ nghĩa và những chữ đối nghịch tương phản ; chúng ta quá thạo đời, sỏi đời ; và vì quá sỏi đời, cho nên tất cả những gì chúng ta có thể làm là mong muốn rằng một cái gì đó sẽ xảy ra. Chúng ta thấy rằng việc biện minh giải thích chiến tranh không thể nào chấm dứt chiến tranh ; biết bao nhiêu sử gia, bao nhiêu nhà thần học, bao nhiêu kẻ đạo hạnh đã giải thích chiến tranh, đã cắt nghĩa chiến tranh đã thành hình như thế nào nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra, càng lúc có lẽ còn tàn khốc hơn bao giờ. Những kẻ nào trong chúng ta thực sự có thái độ chín chắn đứng đắn thì phải cần vượt qua chữ nghĩa, phải cần tìm kiếm cuộc cách mạng căn bản trong chính nội tâm mình. Đó là phương pháp cứu chữa duy nhất khả dĩ mang đến sự cứu thoát căn bản vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại.
Cũng thế, khi chúng ta thảo luận về hình thức tự lường gạt, tôi nghĩ rằng chúng ta phải tránh tất cả những lối giải thích đối đáp nông cạn hời hợt ; tôi xin đề nghị chẳng những chúng ta lắng nghe người nói thôi mà phải theo sát vấn đề như chúng ta biết được trong đời sống thường nhật của chúng ta ; nói rõ hơn, chúng ta phải ngắm nhìn bản thân trong tư tưởng và trong hành động, ngắm nhìn cách ta tác động người khác, và cách ta tiếp thế xử vật ; tác động vận hành xuất phát từ bản thân.
Duyên do, nền tảng cho sự lường gạt là gì ? Có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự ý thức được rằng chúng ta đang tự lường gạt ? Trước khi có thể trả lời được câu hỏi “tự lường gạt là gì và sự tự lường gạt ấy đã xuất phát như thế nào ?”, phải chăng chúng ta cũng nên ý thức rằng chúng ta đang tự lường gạt chúng ta ? Chúng ta có biết rằng chúng ta đang tự lường gạt ? Khi nói về sự lường gạt này, chúng ta muốn nói gì ? Tôi nghĩ rằng vấn đề này rất quan trọng, bởi vì chúng ta càng tự lường gạt mình càng nhiều thì sức mạnh của sự lường gạt càng được tăng trưởng thêm lên, vì sự tăng trưởng ấy mang đến cho chúng ta sinh lực, tinh lực, năng lực nào đó khả dĩ bắt buộc mình chẳng những tự đánh lừa mà lại đánh lừa cả người khác. Thế là lần lần chẳng những mình chỉ đánh lừa mình mà lừa phỉnh cả kẻ khác. Đó là cả một tiến trình hỗ tương tác dụng của sự đánh lừa bản thân. Chúng ta có ý thức về tiến trình này không ? Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có khả năng suy tư minh bạch chín chắn rõ ràng, có đường hướng tiêu đích đàng hoàng, một cách ngay thẳng trực tiếp : và chúng ta có ý thức rằng chính tiến trình suy tư này đã chứa đựng sự tự lường gạt, tự đánh lừa bản thân ?
Chẳng phải chính tư tưởng là một tiến trình tìm kiếm, tìm cách biện giải, biện minh, tìm kiếm an ninh, an bình, bảo đảm, tìm cách tự bảo vệ phòng thân, thèm muốn được người ta nghĩ tốt về mình, ham muốn được địa vị, quyền hành, uy tín và thế lực ? Phải chăng lòng khao khát muốn được hiện hữu trong phương diện chi1nh trị hoặc tôn giáo xã hội, chính là nguồn gốc của sự tự đánh lừa bản thân ? Vừa lúc tôi muốn chiếm hữu một cái gì đó bên ngoài những nhu yếu vật chất thuần túy, phải chăng tôi đã tạo ra, đã gây ra một trạng thái dễ tự lường gạt ? Chẳng hạn như trường hợp này : phần đông chúng ta tọc mạch muốn biết những gì xảy ra sau khi chết ; càng lớn tuổi, càng già nua chúng ta càng thắc mắc về việc ấy. Chúng ta muốn biết sự thực của vấn đề ấy. Chúng ta sẽ tìm thấy việc ấy bằng cách nào ? Tất nhiên không phải bằng cách đọc sách cũng như không phải bằng cách giải thích lung tung.
Làm thế nào các ngài tìm ra vấn đề ấy ? Trước tiên, các ngài phải lọc sạch tâm trí hoàn toàn, không còn để rớt lại trong trí bất cứ yếu tố nào khả dĩ làm ngăn trở chướng ngại, không để rớt lại bất cứ lòng hy vọng nào, sự tham lam muốn được kéo dài, lòng khao khát muốn tìm thấy những gì bên kia thế giới. Bởi vì tâm trí luôn luôn vẫn tìm kiếm sự an ninh, muốn được kéo dài liên tục và mang đầy hy vọng muốn có được phương tiện để thành đạt, hy vọng về một cuộc hiện hữu ở kiếp khác trong tương lai. Dù tâm trí đang tìm kiếm chân lý của đời sống sau cái chết, tìm kiếm sự đầu thai hóa kiếp hay bất cứ cái gì khác ; một tâm trí như thế vẫn không thể nào tìm thấy sự thực kia, phải thế không ? Điều quan trọng không phải sự đầu thai hóa kiếp có thực hay không thực, điều quan trọng là thái độ của tâm trí khi tìm kiếm cớ để biện minh cho một sự kiện, mà sự kiện ấy có thể có hay có thể không có thì vẫn không quan trọng, chỉ quan trọng là thái độ của tâm trí đi tìm sự biện minh qua sự tự đánh lừa, dối gạt bản thân. Chỉ quan trọng là thái độ đi đến với vấn đề, nguyên động lực gì, sự thúc giục gì, các ngài đã mang khát vọng nào khi đến với vấn đề, đây mới là điều quan trọng.
Người tìm kiếm luôn luôn vẫn tự đánh lừa bản thân, không ai đánh lừa hắn cả ; chính hắn đã tự dối gạt hắn, chúng ta tạo ra sự lường gạt, lừa dối ; rồi chúng ta lại trở thành nô lệ cho sự lừa phỉnh ấy. Yếu tố, động lực chính yếu của việc tự lường gạt là lòng khao khát thường xuyên muốn được làm cái gì đó trong thế giới này và trong thế giới đời sau. Chúng ta đã biết hậu quả của lòng khao khát ao ước ham muốn ấy đã tạo ra sự hỗn loạn toàn diện, kẻ này giành giật tương tranh với kẻ khác, kẻ này tiêu diệt kẻ khác trong khi nhân danh hòa bình ; các ngài biết rõ tất cả trò đùa kỳ khôi ấy mà chúng ta đang tác hại nhau đó rõ là hình thức vô cùng tế nhị của sự tự đánh lừa bản thân. Cũng y như thế, chúng ta đều muốn được an ninh bảo đảm trong thế giới khác ở đời sau, chúng ta muốn được một địa vị ở đó.
Thế là chúng ta bắt đầu tự lường gạt ngay lúc lòng thúc giục ý muốn được hiện hữu muốn được trở nên thành đạt hay thành tựu, tâm trí khó mà thoát ra khỏi những thứ sở cầu ấy. Đó là một trong những vấn đề căn bản của đời sống chúng ta . Có thể nào sống giữa cuộc đời này mà không là gì cả ? Chỉ có thế thì mới giải thoát ra khỏi tất cả mọi sự lường gạt, bởi vì chỉ có lúc ấy tâm trí mới không còn kết quả , tâm trí không còn tìm kiếm một câu trả lời thỏa mãn, tâm trí không còn tìm kiếm bất cứ hình thức biện hộ, biện minh nào, tâm trí không còn tìm kiếm an ninh bảo đảm ở bất cứ biến thể nào, trong bất cứ sự tiếp xúc giao thiệp nào. Điều này chỉ xảy ra khi tâm trí ý thức được những khả tính và những xảo diệu của sự lường gạt, rồi một cách giao cảm, tước bỏ tất cả những hình thức biện minh, tất cả những hình thức cầu an – nói rõ hơn là lúc ấy tâm trí có thể đạt tới trạng thái không là gì cả một cách trọn vẹn. Điều ấy có thể thực hiện không ?
Khi mà chúng ta còn tự lường gạt mình trong bất cứ hình thức nào thì vẫn không thể nào có tình yêu được. Khi mà tâm trí vẫn còn có khả năng tạo tác và tự đánh lừa thì cố nhiên tâm trí ấy vẫn còn tự ly gián với sự giao cảm toàn diện hay tập thể. Đó là một trong những những nỗi khó khăn của chúng ta hiện nay ; chúng ta không biết cách hợp tác cộng lực nhau. Chúng ta chỉ biết cố gắng cộng tác nhau để đạt tới cứu cánh mà cả hai bên muốn thể hiện. Sự hợp tác cộng lực chỉ có thể thực hiện khi các ngài và tôi không còn có chung một mục đích do tư tưởng tạo ra.
Điều quan trọng có thể thấy được là sự hợp tác cộng lực chỉ có thể thực hiện khi các ngài và tôi không muốn là cái gì cả. Khi các ngài và tôi muốn là một cái gì thì lúc ấy tín ngưỡng và tất cả những thứ đại loại như vậy sẽ trở nên cần thiết, một thế giới không tưởng tự bày đặt bỗng thành cần thiết. Nhưng nếu các ngài và tôi cứ sáng tạo một cách vô danh, không để bất cứ sự tự đánh lừa nào lung lạc, không còn bất cứ hàng rào tín ngưỡng và kiến thức nào ngăn trở, không có lòng ao ước muốn được an ninh, bảo đảm ; thì lúc ấy mới có được sự hợp tác cộng lực thực sự.
Chúng ta có thể nào cộng lực hợp tác, có thể nào sống chung với nhau mà không cần một cứu cánh trước mặt ? Các ngài và tôi có thể nào làm việc chung nhau mà không cần tìm kiếm kết quả ? Cố nhiên đây mới là sự cộng lực hợp tác chân chính, phải thế không ? Nếu các ngài và tôi suy nghĩ chín chắn, thi hành kỹ lưỡng, đặt kế hoạch đàng hoàng về một kết quả nào đó và chúng ta làm việc chung nhau để đạt tới kết quả ấy, vậy tiến trình ấy có liên quan với cái gì ? Hiển nhiên, tư tưởng chúng ta , trí óc thuần túy của chúng ta gặp gỡ nhau ; nhưng đứng về phương diện tình cảm, toàn thể hiện thể có thể chống chế lại, do đó chỉ gây ra sự lường gạt, đem lại xung đột giữa các ngài và tôi. Đó là một sự kiện hiển nhiên và có thể quan sát được trong đời sống thường nhật của chúng ta . Các ngài và tôi cùng đồng ý về một công việc làm nào đó trên mặt thuần lý nhưng trong vô thức sâu thẳm các ngài và tôi có thể đối chọi tương tranh với nhau. Tôi muốn một kết quả cho được thỏa mãn lòng tôi ; tôi muốn thống trị làm chủ ; tôi muốn tên tôi đặt trước tên anh, mặc dù tôi được coi như là người làm việc chung với các ngài. Thế là cả hai bên, những người đã tạo tác kế hoạch, thực ra đang chống đối nhau, dù bề ngoài các ngài và tôi có vẻ như đồng ý nhau về kế hoạch chung kia.
Phải chăng điều quan trọng là tìm xem các ngài và tôi có thể nào cùng nhau cộng lực hợp tác, giao cảm nhau ; sống chung nhau trong một thế giới mà các ngài và tôi đều không là gì cả ; tìm xem chúng ta thực sự có thể cộng lực hợp tác nhau chẳng những ở mức độ nông cạn hời hợt mà tận nơi căn rễ nền tảng ? Đó là một trong những vấn đề lớn của chúng ta , có lẽ vấn đề lớn nhất. Tôi tự đồng hóa với một đối tượng và các ngài tự đồng hóa các ngài cũng một đối tượng ấy ; cả hai bên đều chú tâm vào đối tượng ; cả hai đều có ý thể hiện đối tượng ấy. Cố nhiên tiến trình tư duy rất là nông cạn hời hợt, bởi vì do tinh thần đồng hóa, chúng ta đã gây ra sự phân ly, chia rẽ ; điều này quá hiển nhiên trong đời sống thường nhật của chúng ta . Các ngài là một người theo Ấn Độ giáo và tôi theo Cơ Đốc giáo ; cả hai bên đều thuyết giảng tình huynh đệ, thế mà đôi bên lại chực chờ sẵn sàng cấu xé nhau. Tại sao ? Đó là một trong những vấn đề của chúng ta, phải thế không ? Trong vô thức sâu thẳm, các ngài có tín ngưỡng các ngài và tôi có tín ngưỡng của tôi. Khi nói về tình huynh đệ, chúng ta chẳng giải quyết được trọn vẹn vấn đề tín ngưỡng mà chỉ đồng ý trên lý thuyết, trên bình diện trí thức rằng sự việc phải như thế ; trong thâm tâm sâu thẳm, chúng ta chống đối nhau, thù nghịch nhau.
Chỉ khi nào chúng ta giải tán những hàng rào ngăn trở của sự tự lường gạt bản thân, động lực của sinh hoạt, chỉ khi đó mới có thể thực hiện được sự hợp lực cộng tác giữa các ngài và tôi. Còn tinh thần đồng hóa với một đoàn thể, với một ý tưởng đặc thù nào đó, với một quốc gia nào đó, không thể nào đưa chúng ta đến sự cộng tác chân thành được.
Tín ngưỡng không thể nào đem đến sự hợp lực cộng tác ; trái lại, tín ngưỡng chỉ gây chia rẽ. Chúng ta đã thấy đảng phái chính trị này chống đối lại đảng chính trị kia, mỗi bên đặt tín ngưỡng vào một đường lối đối xử những vấn đề kinh tế riêng biệt, do đó, không có bên nào thuận theo bên nào, họ tương tranh giao chiến với nhau. Chẳng hạn, họ không chú tâm giải quyết nạn đói kém. Họ lại bận tâm với những lý thuyết sắp được đem ra để giải quyết vấn đề đói kém. Họ không thực sự bận tâm với chính vấn đề mà chỉ bận rộn với phương pháp để giải quyết vấn đề. Do đó, nhất định xảy ra sự tranh luận giữa hai bên, bởi vì họ bận tâm với ý tưởng , chứ không phải với chính vấn đề. Cũng y như thế, những kẻ có tín ngưỡng đã chống đối lẫn nhau, dù ngôn ngữ lời ăn tiếng nói có giọng như đoàn kết, có giọng đồng điệu về cuộc nhân sinh nhất thể, về một Thượng đế ; các ngài chắc đã quen thuộc với tất cả giọng điệu này. Trong thâm tâm, chính những tín ngưỡng, những định kiến, tín điều, những kinh nghiệm của họ đã tàn phá họ và chia rẽ họ.
Kinh nghiệm trở thành một yếu tố phân hóa chia rẽ trong tôn giáo con người ; kinh nghiệm chỉ là một đường lối lường gạt. Nếu tôi đã thí nghiệm một điều gì đó, tôi đeo bám vào điều ấy, tôi không chịu đi sâu vào trọn vẹn tiến trình thí nghiệm ; trái lại, vì cho là mình đã có kinh nghiệm , như thế quá đủ rồi, cho nên tôi đeo bám bấu víu vào kinh nghiệm ấy ; do đó, vì kinh nghiệm, tôi đã tạo ra sự lường gạt bản thân.
Nỗi khó khăn không thể giải quyết là mỗi người chúng ta đều tự đồng hóa với một tín ngưỡng đặc thù nào đó, một hình thức đặc biệt, hoặc một phương pháp nào khả dĩ mang đến hạnh phúc , sự điều chỉnh kinh tế, thành ra tâm trí chúng ta đã bị vướng kẹt mắc míu vào đó và chúng ta không thể nào đi sâu hơn nữa vào bên trong vấn đề ; đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta chỉ muốn đứng một mình, cách biệt, kiêu hãnh, trong những lối sống riêng lẻ, những tín ngưỡng và kinh nghiệm đặc thù của mình. Chỉ khi nào chúng ta giải tan được những thứ này, nhờ sự cảm thông, tìm hiểu, giao cảm trong tận đáy sâu thẳm của tâm thức, chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài ; chỉ khi nào có sự thâm cảm như thế thì hòa bình mới được vãn hồi ở thế giới này. Do đó, hiểu được trọn vẹn vấn đề này là một điều rất quan trọng cho những kẻ nào thực sự đứng đắn nghiêm nghị, hiểu được lòng khát khao thành tựu, sở đắc, thâu đạt cứu cánh ; hiểu được tất cả tâm thái này trong tận cùng sâu thẳm, tận cùng căn rễ của vấn đề, không phải chỉ phơn phớt ở bên ngoài thôi ; chỉ hiểu như vậy thì hòa bình mới có thể thực hiện giữa lòng đời này.
Chân lý không phải là điều sở đắc được, là điều có thể thâu đạt, chiếm hữu được. Tình yêu không thể xuất hiện trong lòng những kẻ nào muốn ghì lấy, đeo níu, bám víu vào nó, hay những kẻ nào muốn đồng hóa với nó. Hiển nhiên chân lý và tình yêu chỉ xuất hiện khi nào tâm trí không đi tìm kiếm nữa, khi nào trí óc im lặng hoàn toàn, không còn tạo ra những động tác, những tín ngưỡng mà trí óc có thể nương tựa được, hay nhờ đó mà trí óc lấy được sức mạnh, đó chỉ là dấu hiệu của sự tự đánh lừa. Chỉ khi nào tâm trí hiểu được trọn vẹn tiến trình tham dục thì tâm trí mới có thể im lặng được. Chỉ khi ấy tâm trí không còn vướng trong sự vận hành của hiện thể hoặc phi hiện thể ; chỉ lúc ấy mới có thể xuất hiện một trạng thái mà không còn bất cứ hình thức lường gạt nào tác động được nữa.
CHƯƠNG XIX
SINH HOẠT VỊ NGÃ

Tôi nghĩ rằng phần đông chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đã được thuyết phục dưới mọi hình thức, được thuyết giải đủ điều để chống lại những sinh hoạt vị ngã. Những tôn giáo đã cố gắng đủ cách để thuyết phục con người xua bỏ sinh hoạt thường xuyên xuất phát từ tâm điểm của cái "tôi" , những tôn giáo đã dùng mọi hình thức để làm việc này, như hứa hẹn ở kiếp sau, hăm dọa, gây sợ hãi về chuyện địa ngục, kiêng kỵ cấm đoán đủ điều, nhưng thế mà tôn giáo vẫn thất bại, và khi tôn giáo đã thất bại thì những đoàn thể chính trị lại thay phiên làm việc ấy, với mọi đường lối thuyết phục nữa, với niềm hy vọng vào một thứ không tưởng tối thượng nào đó : đủ mọi hình thức lập pháp, từ hình thức giới hạn cho đến cực đoan, kể cả những trại tập trung, đã được thi hành cưỡng chế để chống lại bất cứ hình thức chống đối nào. Thế mà chúng ta vẫn tiếp diễn sinh hoạt vị ngã của chúng ta , dường như đây là sinh hoạt hành động duy nhất mà chúng ta quen thuộc. Nếu chúng ta có nghĩ đến nó đi nữa, chúng ta cố gắng sửa đổi nó; nếu chúng ta ý thức về nó, chúng ta cố gắng thay đổi sự diễn biến của nó ; nhưng tận căn rễ sâu thẳm vẫn chẳng có gì là chuyển biến thực sự, không có sự chấm dứt căn rễ về sinh hoạt ấy. Những kẻ trầm tư chín chắn ý thức được sự kiện này ; đồng thời họ cũng ý thức rằng khi sinh hoạt từ tâm điểm đã ngừng lại thì chỉ có lúc ấy mới có thể có được hạnh phúc. Phần đông chúng ta cho rằng sinh hoạt vị ngã là một điều tự nhiên, không có gì đáng thắc mắc, rằng hành động hậu quả của sinh hoạt vị ngã là một điều không thể nào tránh được, do đó, hành động ấy chỉ có thể sửa đổi , châm chước, uốn nắn và kiểm soát lại thôi. Tuy thế, những kẻ nào có suy nghĩ hơn, đứng đắn chín chắn hơn, trang chỉnh hơn, chứ không cần phải thành thực – bởi vì sự thành thực chỉ là một cách tự lường gạt – thì những kẻ ấy phải tìm hiểu xem rằng có thể nào vượt qua, vượt trên mọi sự, khi đã ý thức được về toàn thể tiến trình kỳ lạ của sinh hoạt vị ngã.
Muốn hiểu được bản chất của sinh hoạt vị ngã, hiển nhiên mình phải khảo sát nó, ngắm nhìn nó, ý thức về trọn vẹn tiến trình. Nếu mình có thể ý thức được về nó, mới mong có cơ giải tan nó ; nhưng muốn ý thức về nó, mình phải cần đạt tới một mức độ giao cảm nào đó , một chủ định nào đó để đối mặt với sự thể trong trạng thái hiện thể của nó, chứ không phải chỉ tìm cách giải thích bóp méo sự thực, không phải châm chước sửa đổi, không phải phê phán lên án sự thể. Chúng ta phải ý thức về những gì chúng ta đang làm, về tất cả hành động sinh hoạt xuất phát từ tâm thái vị ngã ; chúng ta phải ý thức về tâm thái này. Điều khó khăn nhất, đối với chúng ta , là mỗi khi ý thức được về sinh hoạt vị ngã này, chúng ta lại muốn uốn nắn nó, chúng ta muốn kiểm soát, lên án hoặc sửa chữa, thế là chúng ta ít khi có khả năng nhìn trực tiếp vào chính sinh hoạt ấy. Khi chúng ta làm được như vậy, ít người có khả năng hiểu biết mình làm gì.
Chúng ta ý thức rằng những sinh hoạt vị ngã đều nguy hại, đều tác hại, có tính cách phá hoại, và tất cả hình thức của tinh thần đồng hóa – như đồng hóa với một đất nước, với một đoàn thể đặc biệt nào đó, với sự tìm kiếm một kết quả nào đó ở đây hoặc ở kiếp sau suy tôn một ý tưởng , đeo đuổi một thí dụ, hun đúc một đức tính, vân vân – thực ra đều là sinh hoạt của một cá nhân vị ngã. Tất cả tương giao của chúng ta ; với thiên nhiên, với con người, với những ý tưởng , đều là hậu quả của sinh hoạt ấy. Khi hiểu được mọi sự như thế, mình phải làm gì ? Tất cả sinh hoạt đại loại như vậy đều phải chấm dứt một cách có ý thức – chứ không phải bị cưỡng ép, không phải do ảnh hưởng , không phải bị hướng dẫn.
Phần đông chúng ta đều ý thức rằng sinh hoạt vị ngã tạo ra sự gian dối hiểm ác và sự hỗn loạn hỗn mang, nhưng chúng ta chỉ ý thức điều này trong một vài đường hướng thôi. Hoặc là chúng ta quan sát điều ấy ở người khác và không biết đến những sinh hoạt của chính mình hoặc quan sát sinh hoạt vị ngã của chính mình qua tương giao với kẻ khác, chúng ta muốn biến chuyển, muốn tìm cách thay thế, muốn vượt qua. Trước khi có thể đối trị với vấn đề, chúng ta phải biết cách thành hình của tiến trình này, phải thế không ? Muốn hiểu bất cứ điều gì, chúng ta phải biết ngắm nhìn nó, và muốn ngắm nhìn nó, chúng ta phải biết những sinh hoạt đa dạng ở nhiều cấp độ khác nhau, ý thức cũng như vô thức – những chiều hướng chỉ định ý thức , cùng những sự vận hành vị ngã của những động lực và ý lực vô thức của chúng ta .
Tôi chỉ ý thức về sinh hoạt của cái "tôi" khi tôi chống đối, khi ý thức bị trở ngại, khi cái "tôi" muốn đạt tới một kết quả, phải thế không ? Hoặc tôi ý thức về tâm điểm ấy khi cơn khoái cảm chấm dứt và tôi muốn có thêm nhiều khoái cảm nữa ; lúc ấy mới xuất hiện sự chống đối và sự hun đúc ý thức với một chủ đích nhất định khả dĩ đem đến cho tôi sự sảng khoái, sự thỏa mãn ; tôi ý thức về tự thể và về những sinh hoạt của tôi khi tôi đeo đuổi nhân đức một cách có ý thức. Tức nhiên một kẻ đeo đuổi nhân đức một cách có ý thức không phải là kẻ có đức hạnh. Người ta không thể theo đuổi tôi luyện lòng khiêm tốn, và đó mới chính là vẻ đẹp tuyệt vời của lòng khiêm tốn. Tiến trình vị ngã là kết quả của thời gian, phải thế không ? Khi mà tâm điểm của sinh hoạt này còn hiện hữu bất cứ ở đâu, dù ý thức hay vô thức thì sự vận hành của thời gian vẫn còn đó và tôi ý thức về quá khứ và hiện tại cùng lúc với tương lai. Sinh hoạt vị ngã của cái "tôi" là một tiến trình thời gian. Chính trí nhớ đã khiến cho có sự liên tục với sinh hoạt của tâm điểm, tức là cái "tôi". Nếu các ngài tự ngắm nhìn bản thân và ý thức về tâm điểm sinh hoạt này, các ngài sẽ thấy rằng đó chỉ là tiến trình của thời gian, của trí nhớ, của hiện nghiệm và của sự diễn dịch tất cả mọi kinh nghiệm qui thuận theo ký ức; các ngài cũng sẽ thấy rằng sinh hoạt vị ngã là sự tri nhận , tức là tiến trình của tâm thức.
Tâm thức có thể nào thoát ra ngoài tất cả mọi sự này ? Việc ấy có thể thực hiện trong những khoảnh khắc hy hữu ; việc ấy có thể xảy đến cho nhiều người trong chúng ta, mỗi khi chúng ta làm một tác động vô thức, không mục đích ; nhưng tâm thức có thể nào tự do hoàn toàn, thoát ra ngoài sinh hoạt vị ngã ? Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng đặt trước chúng ta , bởi vì ngay trong việc đặt một câu hỏi như vậy, các ngài sẽ tìm thấy câu trả lời. Nếu các ngài ý thức về toàn thể tiến trình của sinh hoạt vị ngã, hoàn toàn lãnh hội về sinh hoạt của nó trong những cấp độ khác nhau của ý thức các ngài, lúc ấy nhất định các ngài phải tự hỏi tìm hiểu xem sinh hoạt ấy có thể nào chấm dứt được không. Có thể nào suy tư không dùng phạm trù thời gian, không suy tư qua phạm trù của lý tưởng tương lai, qua phạm trù của quá khứ và qua phạm trù của hiện tại ? Vì suy tư qua những phạm trù ấy , trọn vẹn tiến trình sinh hoạt vị ngã sẽ khởi phát, rồi cũng khởi phát luôn cả chủ định muốn trở thành một cái gì đó, chủ định muốn lựa chọn giản trạch và muốn trốn tránh thoát ly, tất cả mọi sự này là một tiến trình thời gian. Trong tiến trình này, chúng ta tìm thấy bao nhiêu là gian dối hiểm độc, cơn khốn cùng, sự hỗn loạn, méo mó, sa đọa, suy đốn.
Nhất định tiến trình thời gian không có gì là cách mạng cả. Trong tiến trình thời gian không có sự biến chuyển toàn triệt ; đó chỉ là sự tiếp diễn liên tục, không có sự chấm dứt mà chỉ có sự tự nhận. Chỉ khi nào chấm dứt được toàn triệt trọn vẹn tiến trình thời gian, chấm dứt trọn vẹn sinh hoạt vị ngã, thì mới thực hiện được một cuộc cách mệnh, một sự biến chuyển tận căn để, sự hiện thể của một thực tại mới lạ.
Khi ý thức được toàn thể tiến trình của cái "tôi" trong sinh hoạt vị ngã của nó, tâm trí phải làm gì ? Thực tại mới lạ chỉ xuất hiện khi nào có sự thay đổi mới toàn triệt, sự phục sinh toàn triệt, chỉ khi nào có cuộc cách mạng triệt để - cách mạng, chứ không phải phát triển, tiến triển, chứ không phải diễn trình thành đạt của cái "tôi" mà phải là chấm dứt toàn triệt mọi sinh hoạt của cái "tôi" . Tiến trình thời gian không thể đem lại sự mới lạ ; thời gian không là lối đi của sáng tạo.
Tôi không biết có ai trong các ngài đã trải qua khoảnh khắc sáng tạo. Tôi không nói đến việc thể hiện sự kiến thể nào đó trong hành động ; tôi chỉ muốn nói đến giây phút sáng tạo, khi không còn biết sự tri nhận nào nữa. Trong giây phút sáng tạo ấy, trạng thái tuyệt vời ấy, không còn cái "tôi" vận hành nữa, sự vận hành của bản ngã qua sự tri nhận đã chấm dứt toàn triệt. Nếu chúng ta ý thức được rõ ràng, chúng ta sẽ thấy rằng trong trạng thái ấy, không còn kẻ thể nghiệm để nhớ, diễn dịch, tri nhận, rồi đồng hóa , không có tiến trình tư tưởng , tức là tiến trình thuộc về thời gian. Trong trạng thái sáng tạo ấy, trạng thái tạo tác thực tại mới lạ, tức là phi thời gian, không còn hiện hữu bất cứ hành động nào của bản ngã , của cái "tôi" nữa.
Nhất định vấn đề của chúng ta là : tâm trí có thể nào đạt tới trạng thái ấy, không phải chỉ trong khoảnh khắc, không phải chỉ những giây phút hy hữu, nhưng phải đạt tới trạng thái ấy mà không còn quan thiết gì với thời gian nữa ? Tôi không muốn dùng những chữ như “mãi mãi” hoặc “trường tồn”, vì những chữ này có ngụ ý về thời gian. Đạt tới trạng thái phi thời gian là một sự khám phá quan trọng mà mỗi người trong chúng ta phải thực hiện vì đó là ngưỡng cửa đưa đến tình yêu ; còn tất cả những ngưỡng cửa khác chỉ là những sinh hoạt của bản ngã. Ở đâu có tác động của bản ngã, ở đó không thể nào có tình yêu được. Tình yêu không thuộc về thời gian – các ngài không thể rèn luyện thực hành tình yêu được. Nếu các ngài tập luyện thực hành tình yêu thì lúc ấy sự rèn luyện thực hành đó chỉ là sinh hoạt có ý thức tự ngã về cái "tôi", tức là bản ngã mong muốn đạt một kết quả nào đó qua trung gian của tình yêu, tình thương.
Tình yêu, tình thương không thuộc về thời gian ; các ngài không thể tình cờ đạt tới tình thương qua bất cứ sự nỗ lực nào có ý thức ; qua bất cứ kỷ luật nào, qua bất cứ sự đồng hóa nào, tất cả những thứ này đều là tiến trình của thời gian. Vì chỉ biết tiến trình thời gian thôi, cho nên tâm trí không thể nào tri nhận tình yêu . Tình yêu, tình thương là điều duy nhất luôn luôn mới lạ. Bởi vì hầu hết chúng ta đều tôi luyện tâm trí , tức là kết quả của thời gian, cho nên chúng ta không biết được thực tính của tình yêu. Chúng ta đều nói về tình yêu ; chúng ta nói rằng chúng ta yêu con người , rằng chúng ta yêu con cái chúng ta , yêu vợ, yêu láng giềng, rằng chúng ta yêu thiên nhiên ; nhưng mỗi khi chúng ta ý thức rằng chúng ta đang yêu thì sinh hoạt vị ngã lại thành hình ; do đó, tình yêu không còn là tình yêu nữa.
Mình chỉ có thể hiểu được trọn vẹn tiến trình tâm trí qua tương giao – tương giao với thiên nhiên, với con người, với những sự phóng ngoại riêng tư của tâm trí, với tất cả mọi sự chung quanh chúng ta . Đời sống chẳng qua chỉ là tương quan, tương giao. Mặc dù chúng ta có thể cố gắng tự cô lập hóa mình, trốn tránh tất cả mọi tương giao, nhưng chúng ta không thể nào hiện hữu được nếu không có liên hệ nào với đời sống. Dù tương giao với đời sống có đau đớn đi nữa, chúng ta không thể trốn tránh tương giao ấy – bằng cách cô lập hóa, bằng việc trở thành một ẩn sĩ, vân vân. Tất cả những phương sách này đều bày tỏ sinh hoạt của bản ngã. Khi nhìn thấy trọn vẹn hình ảnh này khi ý thức toàn thể tiến trình thời gian như là ý thức, không chọn lựa giản trạch, không có chủ định hữu ý hữu đích, không có lòng khát khao muốn đạt tới bất cứ kết quả nào thì các ngài sẽ thấy rằng tiến trình thời gian này chấm dứt một cách tự nhiên, chứ không bị dẫn khởi, không là kết quả của lòng thèm khát. Chỉ khi nào tiến trình ấy chấm dứt thì tình yêu mới hiện hữu, tức là điều mới lạ, vĩnh viễn mới lạ được thể hiện.
Chúng ta không cần phải tìm kiếm chân lý – chân lý không phải là một sự thể gì cách biệt ở đàng xa – chân lý là chân lý về tâm trí, chân lý về những sinh hoạt của tâm trí từng giây phút một, từ giây phút này đến giây phút khác. Nếu chúng ta ý thức về chân lý trong từng giây phút một, ý thức về toàn thể tiến trình của thời gian, chính tri kiến ấy giải phóng ý thức hoặc tinh lực, tức là sự thông suốt minh mẫn, tình thương, tình yêu . Khi mà tâm trí còn dùng ý thức như là sinh hoạt vị ngã thì thời gian phát hiện với tất cả nỗi khốn cùng điêu đứng, với tất cả sự xung đột, tất cả sự gian dối nham hiểm, với tất cả những sự đánh lừa tất định của thời gian ; chỉ khi nào tâm trí chấm dứt , lúc tâm trí hiểu được trọn vẹn tiến trình này thì tình yêu mới có thể hiện hữu.

CHƯƠNG XX
THỜI GIAN VÀ BIẾN CHUYỂN

Tôi muốn nói đôi chút về bản chất của thời gian, bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể hưởng được sự phong phú, vẻ đẹp tuyệt vời và ý nghĩa sâu thẳm của tính chất phi thời gian, của tính thể chân lý khi nào chúng ta hiểu được toàn thể tiến trình của thời gian. Dù sao đi nữa, tựu chung chúng ta đều tìm kiếm, mỗi người mỗi cách, mọi người đều đi tìm cảm giác hạnh phúc, tràn trề, phong phú. Hiển nhiên một đời sống có ý nghĩa, nguồn lợi giàu sang của hạnh phúc chân chất, không thể nào thuộc về thời gian. Cũng giống tình yêu, một đời sống tràn trề hạnh phúc mang tính chất phi thời gian ; muốn hiểu tính chất phi thời gian, chúng ta không nên đi đến tính chất phi thời gian bằng con đường thời gian ; thay vì thế, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của thời gian. Chúng ta không nên dùng thời gian như là một phương tiện để vươn tới, đạt tới, thể hiện, túm lấy tính chất phi thời gian. Nhưng cả đời chúng ta , chúng ta chỉ làm thế ; mất thì giờ cố gắng túm lấy những gì vượt bên ngoài thời gian ; do đó, chúng ta cần phải hiểu thời gian có nghĩa là gì ; vì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giải thoát khỏi thời gian. Điều quan trọng nhất vẫn là hiểu thời gian trong toàn thể ý nghĩa của thời gian , chứ không phải chỉ phiến diện, một vài khía cạnh thôi.
Có điều đáng để ý là đời sống của chúng ta phần lớn đều trôi đi trong thời gian – thời gian , không phải theo nghĩa liên tục niên lịch, những giây phút, những giờ, những ngày và những năm ; thời gian, tôi muốn nói ở đây là thời gian theo nghĩa ký ức tâm lý. Chúng ta sống bằng thời gian, chúng ta là kết quả của thời gian. Tâm trí chúng ta là sản phẩm của nhiều ngày quá khứ và hiện tại chỉ là sự lướt đi của quá khứ đến tương lai. Tâm trí chúng ta , sinh hoạt chúng ta , hiện thể chúng ta đã được xây dựng trên thời gian ; không có yếu tố thời gian ; chúng ta không thể suy tư, bởi vì tư tưởng là kết quả của nhiều ngày quá khứ và không có tư tưởng nào mà không có trí nhớ. Trí nhớ là thời gian ; vì có hai loại thời gian, thời gian niên lịch và thời gian tâm lý. Thời gian theo nghĩa ngày đã qua, đo bằng đồng hồ và thời gian theo nghĩa ngày đã qua , tạo ra do trí nhớ. Các ngài không thể xua bỏ thời gian niên lịch ; đó là một việc làm phi lý – vì các ngài sẽ trễ tàu hỏa. Nhưng thực sự có thời gian nào khác ở ngoài thời gian niên lịch ? Cố nhiên có thời gian như thời gian của ngày đã qua, nhưng có thời gian nào là thời gian do tâm trí nghĩ ra ? Có thời gian nào ở ngoài tâm trí ? Nhất định thời gian hiểu theo nghĩa thời gian tâm lý, là sản phẩm của tâm trí. Không có căn bản của tư tưởng thì không có thời gian – thời gian chỉ là trí nhớ, tạo thành bởi ngày đã qua cùng với ngày hôm nay để khuôn đúc ra ngày mai. Nghĩa là trí nhớ của kinh nghiệm ngày đã qua đáp ứng lại với hiện tại và tạo ra tương lai – và tương lai vẫn là tiến trình của tư tưởng, lối đi của tâm trí. Tiến trình tư tưởng tạo ra sự tiến triển tâm lý trong thời gian, nhưng sự tiến triển này có thực không, thực như là thời gian niên lịch ? Và chúng ta có thể nào dùng thời gian thuộc về tâm trí, thời gian như là phương tiện tìm hiểu sự vĩnh cửu, tìm hiểu tính cách phi thời gian ? Như tôi đã trình bày, hạnh phúc không thuộc về ngày đã qua, hạnh phúc không là sản phẩm của thời gian, hạnh phúc luôn luôn ở trong hiện tại, một trạng thái phi thời gian. Tôi không biết các ngài có bao giờ để ý rằng mỗi khi các ngài đạt tới trạng thái thần cảm ngây ngất, đạt tới cơn sảng khoái sáng tạo một đám mây rực ngời nổi bật lên giữa đám mây đen chung quanh thì ngay lúc ấy, thời gian không còn hiện hữu nữa ; chỉ có hiện tại trực tiếp thôi. Nhưng ngay sau đó, khi đã trải qua giây phút hiện nghiệm trong hiện tại, tâm trí lại hồi tưởng lại, muốn tiếp diễn lặp lại kinh nghiệm đã qua, cố gắng vận dụng nỗ lực để thâu đạt lại trạng thái ấy ; do đó, tâm trí đã tạo ra thời gian. Thế là thời gian đã được tạo ra do tâm trí muốn gia tăng lượng số kinh nghiệm muốn có “thêm nhiều hơn nữa”, thời gian là sự sở hữu thâu đạt, và thời gian cũng là sự thoát ly ; nhưng sự thoát ly siêu thoát cũng vẫn là sở hữu của tâm trí. Vì thế chỉ tạo một kỷ luật cho tâm trí trong thời gian, ràng buộc qui định tư tưởng trong khuôn khổ thời gian, tức là trí nhớ, nhất định không thể nào khai mở được thế giới phi thời gian.
Sự biến chuyển tâm thức có phải là một vấn đề thời gian ? Phần đông chúng ta đã quen suy tư rằng thời gian rất cần thiết cho việc chuyển biến tâm thức : tôi là một cái gì đó, và tôi muốn đổi hiện thể ra thành một lý tưởng nào đó và điều này phải đòi hỏi thời gian. Tôi tham lam, với tất cả hậu quả của sự tham lam ấy như sự hỗn loạn tâm trí, sự chống đối xung đột, khốn cùng ; muốn đem đến sự chuyển biến tâm lý ; muốn trừ khử tính gian tham ấy, chúng ta nghĩ rằng phải cần có yếu tố thời gian. Nghĩa là thời gian được coi như một phương tiện để tiến tới một thực tại nào cao cả hơn, trở thành một nhân vật nào vĩ đại hơn. Vấn đề là như thế này : mình có tính tàn bạo, phũ phàng, gian tham, đố kỵ, nóng nảy, tội lỗi, hoặc đắm đuối trong nhục cảm. Muốn đổi hiện tính này, thời gian có cần thiết không ? Trước tiên, tại sao chúng ta cần thay đổi hiện tính, thay đổi cái đang là , hoặc muốn đem đến một sự chuyển biến tâm thức ? Tại sao ? Bởi vì hiện tính không làm thỏa mãn chúng ta ; hiện tính tạo ra xung đột, phiền phức ; và vì chán ghét trạng thái ấy, cho nên chúng ta muốn một cái gì tốt hơn, đẹp hơn, cao thượng hơn. Do đó , chúng ta thèm muốn biến chuyển bởi vì hiện tại đang đau đớn, khó chịu , xung đột. Thời gian có thể chiến thắng được sự xung đột không ? Nếu các ngài cho rằng thời gian có thể chinh phục được sự xung đột, các ngài vẫn còn vướng trong xung đột. Các ngài có thể nói rằng mình phải cần hai mươi ngày hoặc hai chụ năm để tiêu trừ sự xung đột, để thay đổi hiện tính, nhưng trong thời gian ấy, các ngài vẫn còn vướng kẹt trong sự xung đột ; do đó, thời gian không đem đến sự chuyển biến tâm thức được.
Khi chúng ta dùng thời gian như là một phương tiện để thâu đạt một đức tính, một đức hạnh hoặc một thể trạng nào đó thì chúng ta chỉ triển hạn hoặc trốn tránh hiện thể, trốn tránh cái đang ; và tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải hiểu điểm này. Sự gian tham hoặc sự bạo động tạo ra đau đớn, phiền toái trong thế giới tương giao của chúng ta với một người khác, tức là xã hội ; và khi ý thức được trạng thái phiền toái này, mà chúng ta gọi là tính gian tham hay tính bạo động, chúng ta tự nhủ “ rồi đây tôi sẽ bỏ tính ấy. Tôi sẽ thực hành tính bất bạo động, tôi sẽ tập không đố kỵ, tôi sẽ luyện lòng hiếu hòa” – vậy thì các ngài muốn thi hành sự bất bạo động, bởi vì sự bạo động là trạng thái phiền phức, xung đột, và các ngài nghĩ rằng rồi đây các ngài sẽ đạt tới trạng thái bất bạo động và chiến thắng được sự xung đột. Cái gì xảy ra trong thực tế ? Vì ở trong trạng thái xung đột, các ngài muốn đạt tới một trạng thái mà không còn sự xung đột nào xảy ra nữa. Vậy thì phải chăng trạng thái không còn xung đột ấy chỉ là kết quả của thời gian, của một thời hạn ? Nhất định là không ; vì các ngài vẫn còn bạo động và vẫn còn nằm trong thế xung đột , khi mà các ngài còn mong đạt tới trạng thái không còn xung đột.
Vấn đề chúng ta là : chúng ta có thể nào vượt qua sự xung đột, sự phiền phức trong một giai đoạn của thời gian, không phân biệt ngày, năm hoặc kiếp ? Cái gì xảy ra , mỗi khi các ngài nói, “tôi sẽ thi hành sự bất bạo động trong một thời gian nào đó”. Chính sự thi hành, thực hành ấy chứng tỏ rằng các ngài đang ở trong thế xung đột, phải thế không ? Các ngài sẽ không thực hành gì cả, nếu các ngài không chống cự, chống đối sự xung đột ; các ngài cho rằng cầm cự chống đối lại sự xung đột là cần thiết để vượt qua xung đột, và vì chống đối như thế, cho nên các ngài phải cần có thời gian. Nhưng chính sự chống đối với xung đột đã là một hình thức của xung đột. Các ngài đã phung phí năng lực để chống đối lại sự xung đột qua những hình thức như lòng gian tham, tính đố kỵ, hoặc tính bạo động, nhưng tâm trí các ngài vẫn còn trong thế xung đột ; do đó, điều quan trọng là nhìn thấy được sự sai lầm của tiến trình nô lệ vào thời gian như là một phương tiện để vượt qua sự bạo động và để thoát khỏi tiến trình ấy. Lúc nhìn thấy được như vậy, các ngài sẽ có khả năng thể hiện bản thể mình : sự phiền phức tâm lý ấy chính là sự bạo động rồi.
Muốn hiểu bất cứ sự thể nào, bất cứ vấn đề nào, thuộc khoa học hoặc thuộc về con người, điều quan trọng nhất là gì, điều chính yếu nhất là gì ? Một trí óc trầm lặng , phải thế không ? Một trí óc chăm chú miệt mài vào sự giao cảm. Đó không phải là một tâm trí chấp nhất, độc chiếm, chuyên đoán, cố gắng tập trung tư tưởng – vì tập trung tư tưởng chỉ là nỗ lực để chống chế một cái gì đó – Nếu thực sự tôi muốn hiểu một cái gì đó, tức khắc liền xuất hiện trạng thái trầm lặng của tâm trí. Khi các ngài muốn nghe nhạc hoặc ngắm nhìn một bức tranh mà các ngài yêu dấu, mà các ngài có tình cảm nồng nàn, thì tâm trạng các ngài là gì ? Lập tức xuất hiện sự trầm lặng, phải thế không ? Khi các ngài nghe nhạc, tâm trí các ngài không còn lang thang tán loạn nữa, các ngài lắng nghe. Cũng như thế, khi các ngài muốn hiểu sự xung đột, các ngài không còn nô lệ vào thời gian nữa ; các ngài chỉ đối diện với cái đang , tức là xung đột. Rồi lập tức sự trầm lặng xuất hiện, sự trầm lặng của tâm trí. Khi các ngài không còn lệ thuộc vào thời gian như là một phương tiện để chuyển hóa cái đang , vì các ngài thấy được sự sai lầm của tiến trình ấy, lúc đó, các ngài đối diện với cái đang và khi các ngài chú tâm tìm hiểu cái đang , hiển nhiên các ngài đạt được một tâm thái trầm lặng. Trong một trạng thái linh hoạt mà thụ động ấy, sự giao cảm xuất hiện. Khi mà tâm trí còn xung đột, thống trách, chống chế, kết án qui tội thì không thể nào có sự giao cảm được. Nếu tôi muốn hiểu các ngài, tôi không nên phê phán các ngài, hiển nhiên là thế. Chính tâm trí trầm lặng chính trí óc thanh tĩnh mới có thể mang đến sự chuyển biến tâm thức. Khi trí óc không còn chống chế, không còn trốn tránh, không còn xua bỏ, hoặc qui trách hiện thể (cái đang ) mà lại chỉ thụ động ý thức thôi, thì lúc ấy, trong trạng thái thụ động của tâm trí, các ngài sẽ thấy rằng sự biến chuyển tâm thức hiện đến, nếu các ngài thực sự đi sâu vào vấn đề.
Cách mạng chỉ có thể thực hiện ngay bây giờ chứ không phải trong tương lai ; sự hồi sinh là ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai. Nếu các ngài thể nghiệm với những gì tôi vừ trình bày, các ngài sẽ thấy rằng lập tức thể hiện sự phục sinh, sự lạ tuyệt vời của đời sống, vẻ mới lạ tươi tắn của tâm hồn, vì tâm trí luôn luôn vẫn trầm lặng khi tâm trí chú tâm, khi tâm trí có ý muốn tìm hiểu, giao cảm. Đối với chúng ta , điều khó khăn nhất vẫn là chúng ta không có chủ tâm tìm hiểu, bởi vì chúng ta sợ hãi điều ấy, sợ hãi nếu chúng ta tìm hiểu được, việc ấy có thể mang đến một hành động cách mạng trong đời sống chúng ta ; do đó, chúng ta chống chế lại. Đó là cơ thức bảo vệ, phòng thủ đang vận hành, khi chúng ta dùng thời gian hay dùng lý tưởng như một phương tiện để chuyển biến dần hồi, chuyển biến theo điệu tiêm tiến.
Do đó, sự hồi sinh chỉ có thể thực hiện trong hiện tại, chứ không phải trong tương lai, cũng không phải vào ngày mai. Kẻ nào trông cậy vào thời gian như là phương tiện để thâu đạt hạnh phúc hay để thực hiện chân lý hoặc thực hiện Thượng đế thì chỉ là tự lường gạt ; hắn sống trong mê muội và trong xung đột. Kẻ nào thấy rằng thời gian không phải là con đường thoát khỏi nỗi khó khăn hiện nay của chúng ta, do đó, hắn thoát ra được sự sai lầm, hiển nhiên chính hắn mới là kẻ có ý định tìm hiểu, giao cảm, do đó, trí óc hắn trầm lặng một cách tự nhiên, không có gì bó buộc, không cần phải thực hành tôi luyện. Khi trí óc trầm lặng, tĩnh lặng, không tìm kiếm bất cứ câu trả lời nào, không chống chế, không trốn tránh – chỉ có lúc ấy mới có sự hồi sinh thực sự, vì lúc ấy tâm trí có khả năng trực nhận sự thực ; và chỉ có chân lý mới giải phóng, chứ không phải nỗ lực của ngài trong việc đi tìm sự giải phóng.

CHƯƠNG XXI
QUYỀN THẾ VÀ THỂ HIỆN

Tất cả chúng ta đều thấy rằng một cuộc thay đổi triệt để rất cần thiết trong xã hội, trong chính bản thân , trong cá thể chúng ta , trong tương giao đoàn thể ; nhưng làm thế nào để mang đến sự thay đổi triệt để như vậy ? Nếu chỉ thay đổi bằng cách thích ứng qui thuận theo công thức ước lệ của một khuôn khổ do tâm trí phóng hiện ra, chỉ thay đổi bằng một kế hoạch nghiên cứu tỉ mỉ, hợp lý ; thay đổi như thế thì vẫn còn nằm trong lãnh vực của trí óc ; do đó, những gì trí óc tính toán đã trở thành cứu cánh, kiến tri, và chúng ta sẵn sàng hy sinh bản thân và hy sinh kẻ khác vì cứu cánh , vì kiến tri ấy. Nếu các ngài chủ trì quan điểm này, nhất định hậu quả rõ rệt là chúng ta , những con người , chỉ là sản phẩm của trí óc, như thế đã ngụ ý nói lên sự nô lệ công thức, sự cưỡng ép bức bách ; sự phũ phàng, dã man, những nạn độc tài, những trại tập trung, tất cả những tai biến đại loại như vậy. Khi chúng ta thờ phụng trí óc, sự thờ phụng ấy đã ngụ ý tất cả những điều tai hại vừa kể, phải thế không ? Nếu mình ý thức được như vậy, nếu mình thấy được tính cách phù phiếm vô ích củ kỷ luật , của sự kiềm chế bức ép, nếu mình thấy rằng những hình thức đàn áp đa dạng chỉ làm tăng trưởng cái "tôi" và cái “của tôi”, thế thì mình phải làm gì ?
Muốn hiểu được vấn đề này một cách trọn vẹn, chúng ta phải đi sâu vào bản chất của ý thức. Tôi chẳng biết các ngài có tự mình suy nghĩ về vấn đề này hay lại chỉ trích dẫn những lời của kẻ có thẩm quyền về vấn đề này ? Tôi chẳng biết các ngài có bao giờ lãnh hội vấn đề từ ngay kinh nghiệm bản thân, từ ngay sự nghiên cứu bản thân, tìm hiểu ý thức có ngụ ngầm ý nghĩa như thế nào, chẳng những tìm hiểu ý thức của sinh hoạt thường nhật và của những sự đeo đuổi hàng ngày, mà cả ý thức ẩn tàng núp kín, sâu thẳm, phong phú, khó dò. Nếu chúng ta cần phải thảo luận về vấn đề thay đổi toàn triệt bản thân , rồi thay đổi cả thế giới bên ngoài, và từ sự thay đổi này, đánh thức dậy một tri kiến nào đó, một sự phấn chấn, hào hứng, hăng hái tin tưởng, hy vọng dứt khoát, nguyên động lực cần thiết để hành động ; nếu chúng ta cần phải hiểu vấn đề như thế, phải chăng chúng ta cũng cần nên đi sâu vào vấn đề ý thức ?
Chúng ta có thể thấy được ý nghĩa của ý thức trong tầng lớp hời hợt của trí óc. Hiển nhiên, mọi người đều thấy rằng ý thức là tiến trình suy tư, tiến trình tư tưởng. Tư tưởng là kết quả của ký ức ; sự vận hành của ngôn thể, ngôn thức ; ý thức là đặt tên ; ghi chép và chất chứa một số kinh nghiệm để có thể truyền đạt ; trong mực độ hời hợt này, ý thức cũng là những sự ngăn cấm đa dạng, những sự kềm chế, phê chuẩn, kỷ luật. Chúng ta đã quá quen thuộc với tất cả những hình thức này. Khi chúng ta đi sâu hơn nữa, chúng ta sẽ thấy rằng ý thức là tất cả những dấu vết tích trữ của chủng tính, những động cơ thầm kín, những thành kiến ; thiên kiến, tức là kết quả của trực nhận, đụng chạm và thèm muốn. Trọn vẹn ý thức này, ý thức ẩn tàng cũng như ý thức lộ liễu, đã được tập trung chung quanh ý tưởng về cái "tôi" , tức là bản ngã.
Mỗi khi chúng ta thảo luận tìm cách mang đến một sự thay đổi nào đó, phải chăng thường khi chúng ta muốn nói đến một sự thay đổi ở mức độ hời hợt, bề mặt, thiển bạc ? Với lòng quyết chí với những kết luận, những tín ngưỡng, kiểm soát cấm đoán, chúng ta cố gắng đạt tới một cứu cánh thiển cận, đối tượng mà chúng ta mong muốn, thèm khát và hy vọng đạt tới bằng sự trợ lực của vô thức, của những tầng lớp sâu thẳm của tâm trí ; do đó, chúng ta nghĩ rằng cần phải khai mở bộc bạch thế giới sâu kín của bản thân. Nhưng những mức độ hời hợt của tâm trí và những mức độ gọi là sâu thẳm thì vẫn luôn luôn xung đột với nhau, tất cả những nhà tâm lý học, tất cả những kẻ nào đã theo đuổi sự tự giác đều hoàn toàn ý thức được điều ấy.
Sự xung đột nội tâm này sẽ mang đến một sự thay đổi không ? Có phải đây mới là vấn đề căn bản nhất và quan trọng nhất trong đời sống thường nhật ; làm thế nào mang đến một sự thay đổi, một sự biến thiên tận căn để trong chính bản thể ? Chỉ tu chỉnh, chỉ sửa đổi hời hợt có thể đem đến sự thay đổi toàn triệt ấy ? Phải chăng hiểu được những tầng lớp khác nhau của ý thức , của cái “tôi”, bộc bạch quá khứ, những kinh nghiệm cá nhân từ thuở bé nhỏ cho đến bây giờ khảo xét trong tự thể những kinh nghiệm tập thể của cha, mẹ, tổ tiên nòi giống, hậu cảnh qui định của xã hội đặc thù nào đó mà tôi đã sinh trưởng ; phải chăng phân tích tất cả những điều vừa kể thì sẽ tạo ra được một sự thay đổi thực sự, chứ không phải chỉ là điều chỉnh, sửa đổi thôi ?
Tôi cảm thấy rằng, cũng như cố nhiên các ngài cũng phải cảm thấy rằng việc khẩn yếu bây giờ là phải tạo ra một sự biến đổi căn bản trong đời sống mình, sự biến đổi ấy không phải chỉ là một phản ứng thôi, không phải là kết quả của áp lực cưỡng bức của những yêu sách nhu cầu hoàn cảnh. Vậy làm thế nào mình tạo ra được một sự biến đổi triệt để như thế ? Ý thức tôi là tổng số kinh nghiệm con người, cộng thêm sự tiếp xúc riêng biệt của tôi đối với hiện tại ; ý thức này có thể tạo ra một sự biến đổi toàn triệt ? Nghiên cứu chính ý thức mình, những sinh hoạt của mình; ý thức về những tư tưởng mình, những cảm giác ; an định tâm trí để quan sát mà không phê phán ; tiến trình này sẽ tạo ra được biến đổi không ? Có thể nào tạo ra sự biến đổi toàn triệt bằng tín ngưỡng, bằng sự đồng hóa với một hình tượng phóng ngoại, gọi là lý tưởng ? Tất cả điều vừa kể phải chăng đã ngụ ý rằng đã có sự xung đột nào đó xảy ra giữa cái tôi đang là cái tôi phải là ; tức là giữa hiện thể và lý tưởng ? Sự xung đột thường xuyên ở nội tâm và xung đột với xã hội , có phải thế không ? Sự xung đột tiếp diễn không ngừng giữa cái tôi đang là và cái tôi muốn là, giữa hiện thể và hy vọng ; vậy thì sự xung đột này, sự giao tranh này sẽ tạo ra được sự biến đổi không ? Tôi thấy rằng sự biến đổi là điều khẩn thiết, tôi có thể nào , tạo ra sự biến đổi ấy bằng cách khảo xét trọn vẹn tiến trình của ý thức tôi , bằng cách chống chế cầm cự ; bằng kỷ luật, bằng thực hành đủ mọi hình thức đàn áp, chế phục ? Tôi cảm thấy rằng tiến trình kia không thể nào mang đến sự biến đổi tận căn rễ được . Mình phải hoàn toàn quả quyết dứt khoát về điều ấy. Và nếu tiến trình kia không thể nào mang đến sự biến chuyển căn bản, một cuộc cách mạng nội tâm sâu thẳm, vậy thì cái gì sẽ làm được việc ấy ?
Các ngài làm thế nào tạo ra một cuộc cách mạng thực sự ? Năng lực nào, tinh lực sáng tạo nào khả dĩ tạo ra được cuộc cách mạng ấy và nó phải được bộc phát như thế nào ? Các ngài đã dùng nhiều kỷ luật, đã đeo đuổi những lý tưởng và đủ mọi lý thuyết thuần túy ; chẳng hạn quan niệm rằng mình là Thượng đế, rằng nếu mình có thể nhập được Thiên tính hoặc thể nghiệm Alman hay tự ngã, thực thể tối thượng hoặc bất cứ danh hiệu nào khác, thì lúc ấy chính sự thể hiện thể nghiệm như vậy sẽ tạo ra một sự biến thiên căn bản. Có thực hiện được như thế không ? Trước tiên các ngài đặt định đề rằng một thự tại nào đó hiện hữu và các ngài đồng nhất thể với thực tại ấy, rồi các ngài xây dựng chung quanh thực tại ấy bao nhiêu là lý thuyết, bao nhiêu là suy tưởng tín ngưỡng, chủ thuyết, chủ trương, rồi các ngài cố gắng sống theo những lý tưởng ấy ; khi suy nghĩ và hành động theo mẫu mực khuôn khổ ấy, các ngài tin rằng có thể tạo ra một cuộc biến đổi căn bản. Các ngài sẽ biến đổi được chăng ?
Giả thử các ngài, y như phần lớn những người tu hành mộ đạo, cho rằng trong bản thể các ngài tận cùng căn nguyên sâu thẳm của nội tâm chứa đựng bản chất của thực tại ; rồi nếu các ngài tôi luyện đức độ thực hành đủ mọi hình thức kỷ luật kiềm chế , đàn áp, phủ nhận, hy sinh sinh, dâng hiến, thì các ngài có thể đạt được thực tại ấy rồi sự biến chuyển cần yếu sẽ được thành hình ngay đó. Phải chăng giả thuyết ấy vẫn chỉ là phát từ tư tưởng ? Phải chăng đó chỉ là kết quả của một khối óc bị qui định , một tâm trí đã được nuôi luyện để suy tư theo một đường lối nhất định nào đó, rập theo những khuôn mòn nào đó ? Sau khi đã tạo ra hình ảnh, ý tưởng , lý thuyết, tín ngưỡng, hoài vọng, rồi các ngài mong chờ sản phẩm tạo tác ấy sẽ mang đến một sự biến đổi triệt để.
Trước tiên, mình cần phải thấy được những sinh hoạt vô cùng tế nhị của cái "tôi" của trí óc ; mình phải ý thức những ý tưởng ; những tín ngưỡng, những suy tưởng và phải xua bỏ tất cả những mớ ấy qua một bên, bởi vì tất cả những thứ ấy thực ra chỉ là những mớ lường gạt phỉnh phờ phải thế không ? Những kẻ khác có thể đã thể nghiệm thực tại ; nhưng các ngài ; chính các ngài chưa thể nghiệm thực tại ấy, vậy thì có ích lợi gì trong việc suy nghĩ tưởng vọng thực tại kia hay hình dung mường tượng rằng bản thể mình là một thực thể nào đó, bất tử, thiêng liêng, thần thánh ? Suy tưởng như vậy vẫn còn nằm trong cương thổ của tư tưởng và những gì xuất phát từ tư tưởng thì vẫn bị qui định trói buộc, vẫn thuộc vào thời gian thuộc vào trí nhớ ; do đó, không có gì là thực hẳn. Nếu mình thực sự ý thức, không phải mơ tưởng viễn vông, không phải tưởng tượng hồ đồ khờ khệch, nếu mình thực sự nhìn thấy rằng bất cứ sinh hoạt nào của trí óc trong sự tìm tòi suy tưởng, trong sự dò dẫm triết lý, bất cứ sự giả định nào, bất cứ sự tưởng tượng hay hy vọng nào cũng chỉ là tự lường gạt, tự lừa phỉnh ; nếu mình thực sự thấy được sự thực ấy thì lúc ấy cái gì là năng lực, tinh lực sáng tạo để gây ra sự biến chuyển căn bản ?
Có lẽ cho đến lúc này, chúng ta vẫn còn dùng tâm trí ý thức ; chúng ta đã đi theo sát tinh thần biện luận , chúng ta đã phản đối hoặc chấp nhận sự biện luận này, chúng ta đã thấy rõ ràng hoặc mơ hồ. Muốn đi sâu hơn nữa, muốn thể nghiệm sâu thẳm hơn nữa chúng ta cần có một tâm trạng trầm lặng, khám phá nhanh nhẹn, vì khi mình đuổi theo một ý tưởng , mình sẽ trở thành người suy nghĩ đuổi theo những gì đang được trình bày và như thế thì mình tạo ra sự phân chia đối đãi, tinh thần phân hai, nhị nguyên. Nếu các ngài muốn đi sâu hơn nữa vào vấn đề liên quan đến sự biến đổi toàn triệt trên , phải chăng tâm thái linh hoạt kia cần phải trầm lặng im lặng ? Cố nhiên chỉ khi nào tâm trí bình lặng thì tâm trí ấy mới có thể hiểu được tính cách khó khăn vô cùng , những uẩn khúc của người suy nghĩ và điều suy nghĩ của người tư tưởng và chính tư tưởng, những uẩn khúc phức tạp của hai tiến trình gián cách, người thể nghiệm người quan sát và sự vật được quan sát ; năng hành và sở hành. Cuộc cách mạng sáng tạo, nội tâm, cuộc cách mạng không còn sự hiện diện của bản ngã , chỉ xuất hiện khi người tư tưởng và tư tưởng là một, duy nhất đồng nhất thể ; khi sự phân chia, phân hai, tinh thần nhị tướng, nhị nguyên , không còn nữa, trường hợp ấy không còn sự khác nhau như người tư tưởng đứng bên ngoài tư tưởng và kiểm soát tư tưởng ; tôi cho rằng chỉ có kinh nghiệm duy nhất này mới giải phóng tinh lực sáng tạo để đưa đến một cuộc cách mạng tận nền tảng, phá vỡ bản ngã tâm lý.
Chúng ta đều biết con đường vận hành của thế lực – thế lực qua hình thức sự thống trị, thế lực qua hình thức kỷ luật, thế lực bằng sự bắt buộc dồn ép. Qua hình thức thế lực chính trị, chúng ta mong muốn thay đổi tận nền tảng ; nhưng thế lực ấy chỉ khai sinh ra thảm trạng đen tối, phân hóa, tàn ác, tăng trưởng cái "tôi". Chúng ta quá quen thuộc với đủ mọi hình thức chiếm hữu trong lãnh vực cá nhân cũng như trong lãnh vực đoàn thể, tuy thế chúng ta chưa bao giờ thử đi trên con đường của tình yêu, và chúng ta cũng không biết tình yêu có nghĩa gì. Tình yêu không thể nào thực hiện, khi mà con người tư tưởng còn hiện hữu, tức là trung tâm của bản ngã. Ý thức được tất cả mọi sự như thế, vậy mình phải làm gì ?
Hiển nhiên một điều duy nhất khả dĩ mang đến một cuộc biến thiên căn bản, một sự giải phóng tâm lý có tính cách sáng tạo, đó là thức tỉnh thường nhật , chú ý, tinh ý, ý thức từng giây phút một, ý thức về những động cơ của chúng ta, động cơ ý thức cũng như động cơ vô thức. Khi chúng ta ý thức rằng những kỷ luật, những tín ngưỡng, những lý tưởng chỉ làm tăng trưởng cái "tôi" và hoàn toàn vô ích – mỗi khi chúng ta, ý thức như vậy trong từng ngày một, thấy được sự thực của điều ấy, phải chăng chúng ta đã đến nơi cứ điểm trọng tâm, nơi con người tư tưởng vẫn thường xuyên phân ly gián cách bản thể hắn với tư tưởng của hắn, với những sự quan sát, những kinh nghiệm của hắn ? Khi mà con người tư duy vẫn hiện hữu biệt lập với tư duy mà hắn cố gắng khắc phục thì cuộc biến chuyển căn bản, tận nền tảng, vẫn chưa thể thực hiện được. Khi mà cái "tôi" vẫn là kẻ giám định quan sát, kẻ thu góp kinh nghiệm , củng cố bản thân bằng kinh nghiệm thì cuộc thay đổi, biến đổi toàn triệt sự giải phóng sáng tạo, vẫn không thể nào thành hình được. Cuộc giải phóng sáng tạo này chỉ hiện đến lúc nào con người tư duy sự tư duy, cả hai làm một đồng nhất – nhưng hố sâu gián cách giữa con người tư duy và sự tư duy không thể nào lấp lại được bằng bất cứ nỗ lực nào. Khi tâm trí ý thức rằng bất cứ sự suy tưởng nào – bất cứ ngôn thức nào, bất cứ hình thức tư tưởng nào cũng chỉ là củng cố tăng trưởng cái "tôi" , khi tâm trí thấy rằng sự giới hạn , sự xung đột của tinh thần nhị nguyên không thể nào tránh được nếu chừng nào con người tư duy vẫn hiện hữu biệt lập với tư duy – khi tâm trí ý thức được như thế, liền lúc ấy tâm trí trở nên nhanh nhẹn thức tỉnh, luôn luôn ý thức tính cách gián cách phân ly của mình với kinh nghiệm, tính cách hiếu thắng thị oai, tìm kiếm quyền thế. Khi ý thức như vậy, nếu tâm trí theo đuổi ý thức ấy càng sâu thẳm rộng rãi thêm mà không tìm kiếm cứu cánh mục đích ; lúc ấy một trạng thái tâm tư xuất hiện , trong tâm thái ấy, con người tư duy và sự tư duy nhập nhau làm một. Trong tâm thái đồng nhất này, không còn ý thức thành đạt, không còn tham vọng đổi thay ; trong tâm thái này, cái "tôi" không còn nữa vì một cuộc biến chuyển đã thành hình mà không còn lệ thuộc vào tâm trí.
Chỉ lúc nào tâm trí trống rỗng thì mình mới có khả tính sáng tạo ; nhưng khi nói về sự trống rỗng này, tôi không muốn ám chỉ trạng thái trống rỗng thông thường mà phần đông chúng ta đều trống rỗng một cách nông cạn hời hợt và điều ấy đủ lộ chân tướng qua lòng ham muốn đi tìm sự giải trí tiêu khiển. Chúng ta muốn được vui đùa giải trí ; do đó, chúng ta đã tìm đến những quyển sách, máy phóng thanh ; chúng ta chạy tìm đến những buổi diễn thuyết, những uy quyền thế lực ; tâm trí thường xuyên tìm cách tự lấp cho đầy. Tôi không nói đến sự trống rỗng này chỉ là một sự lơ đễnh, vô ý, vô tâm. Ngược lại, ở trên, khi nói về sự trống rỗng, tôi muốn nói đến sự trống rỗng đặc biệt, sự trống rỗng xuất hiện khi ta trầm tư mặc tưởng, chu đáo, chín chắn, khi tâm trí đã ý thức được động lực của nó trong việc tạo tác ảo tưởng và vượt qua được tất cả ảo tưởng ấy.
Sự trống rỗng mang tính cách sáng tạo không thể thực hiện khi con người tư duy còn chờ chực ngắm nghía, quan sát để thu góp kinh nghiệm, để tăng trưởng củng cố bản ngã. Tâm trí có thể nào trống sạch hết tất cả biểu tượng, tất cả những chữ nghĩa và những cảm giác do những chữ nghĩa ấy mang đến, để mà không còn kẻ thể nghiệm nào để tích trữ, chồng chất kinh nghiệm ? Tâm trí có thể nào xóa bỏ qua một bên trọn vẹn tất cả những lý luận, những kinh nghiệm, những cưỡng bách, những uy quyền, để mà tâm trí có thể đạt tới trạng thái trống rỗng, hư tâm ? Các ngài sẽ không thể nào trả lời được câu hỏi này, điều ấy quá hiển nhiên, đó là một câu hỏi mà các ngài không thể nào trả lời được, bởi vì các ngài không hề biết, các ngài chưa từng thử bao giờ. Nhưng , tôi xin đề nghị, các ngài hãy lắng nghe câu hỏi đặt trước các ngài, hãy để mầm gieo trong lòng các ngài ; và mầm ấy sẽ trở thành trái nếu các ngài thực sự lắng nghe câu hỏi và không chống chế nó.
Chỉ có điều mới lạ khả dĩ mang đến sự biến chuyển thực sự , chứ không phải điều xưa cũ. Nếu các ngài đeo đuổi khuôn khổ cũ, thì bất cứ sự biến đổi nào cũng chỉ là sự tiếp diễn biến thể của điều cũ ; chẳng có gì mới lạ trong sự biến thể ấy, chẳng có gì gọi là có tính cách sáng tạo, sự sáng tạo chỉ xuất hiện khi chính tâm trí trở thành mới lạ ; và tâm trí chỉ có thể đổi mới khi tâm trí có khả năng thấy được tất cả sinh hoạt nội tại của nó, chẳng những ở mặt ngoài hời hợt thôi, mà cả mặt trong sâu kín. Khi tâm trí thấy được những sinh hoạt của nó, ý thức được những khát vọng riêng lẻ, những yêu sách, những đà lòng mãnh liệt, những đeo đuổi, ý thức được rằng chính tâm trí đã tạo ra những quyền uy thế lực, những nỗi sợ hãi cho chính nó ; khi tâm trí thấy rằng chính tự thể đã chứa sẵn sự chống đối tạo ra bởi kỷ luật, bởi sự kiềm chế, và chính sự thể ấy đã chứa sẵn hy vọng hoài bão và hy vọng hoài bão này đã phóng ngoại ra thành tín ngưỡng, những lý tưởng . Khi tâm trí đã thấy qua tất cả những thứ ấy ; ý thức được toàn thể tiến trình ấy, vậy tâm trí kia có thể nào xua đuổi qua một bên tất cả những thứ ấy và trở nên mới lạ, trống rỗng một cách sáng tạo. Các ngài khám phá được rằng tâm trí có thể hay không thể làm được việc ấy, chỉ khi nào các ngài thể nghiệm mà không phải có ý kiến về sự thể ấy, mà không phải mong muốn có kinh nghiệm về trạng thái sáng tạo ấy. Nếu các ngài muốn thể nghiệm trạng thái ấy, các ngài có thể thể nghiệm được ; nhưng những gì các ngài thể nghiệm được vẫn không phải là sự trống rỗng có tính cách sáng tạo – đó chỉ là một sự phóng ngoại của lòng khát khao ham muốn. Nếu các ngài muốn thể nghiệm sự mới lạ, các ngài chỉ sa lầy chìm ngập trong ảo ảnh huyễn mộng ; nhưng nếu các ngài bắt đầu quan sát, bắt đầu ý thức về những sinh hoạt riêng của chính các ngài từng ngày một, từ ngày này sang ngày khác, từng giây phút một, từ giây phút này sang giây phút khác, chú ý trọn vẹn tiến trình bản thân như tự ngắm mình trong mặt kính soi, chỉ có lúc ấy, lúc các ngài đi càng lúc càng sâu thẳm hơn nữa, các ngài sẽ đi tới vấn đề tối hậu, tức là sự trống rỗng, và sự lạ chỉ có thể xuất hiện ở trong sự trống rỗng này.
Chân lý , thượng đế, hay muốn gọi gì thì gọi, không phải là điều được trải nghiệm, bởi người kinh nghiệm là kết quả của thời gian, kết quả của trí nhớ, kết quả của quá khứ , và chừng nào còn người kinh nghiệm thì không có thực tại. Thực tại chỉ hiện đến khi và chỉ khi tâm trí hoàn toàn tự do thoát khỏi người phân tích, thoát khỏi người kinh nghiệm và kinh nghiệm. Các ngài sẽ tìm thấy câu trả lời và các ngài sẽ thấy rằng sự thay đổi đến không cần mời mọc, rằng trạng thái trống rỗng sáng tạo không phải là thứ được gieo trồng – nó nằm đó, thoáng hiện không cần mời gọi, và chỉ trong trạng thái đó mới bừng lên sự tươi mới, cách mạng và niềm vui sướng tràn lan.

Hết Phần Một

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét