Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Tự do đầu tiên và cuối cùng (2) - Phần một

Phần một - chương 1,2,3
Krishnamurti - Tự do đầu tiên và cuối cùng
Bản dịch Phạm Công Thiện

PHẦN MỘT

CHƯƠNG I
PHẦN MỞ ĐẦU

Trao đổi giao cảm với nhau thì thực vô cùng khó khăn, ngay cả khi chúng ta quá quen biết nhau. Tôi có thể dùng những tiếng, những lời, những chữ mà hoàn toàn có một ý nghĩa khác hẳn với các ngài. Sự giao cảm chỉ có thể xuất hiện khi chúng ta, các ngài và tôi, gặp gỡ cùng lúc trên cùng một cấp độ ngang nhau; điều ấy chỉ có thể thực hiện khi có tình lưu luyến thật sự giữa con người, giữa chồng và vợ, giữa những người bạn thân thiết. Đó mới chính là giao cảm thực sự. Sự cảm thông đột ngột chỉ xảy ra khi chúng ta gặp nhau cùng ngang trình độ, đồng một thời gian.
Rất khó mà giao cảm với nhau một cách dễ dàng, hữu hiệu cùng động tác nhất định. Tôi đang dùng những tiếng giản dị, dễ hiểu không có nghĩa thuật ngữ khúc mắc, bởi vì tôi nghĩ rằng bất cứ một thuật ngữ nào cũng không thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề khó khăn của chúng ta; vì thế tôi sẽ không dùng một thuật ngữ nào cả, dù là thuật ngữ thuộc phạm vi tâm lý học hay thuộc phạm vi khoa học. Tôi không hề đọc bất cứ quyển sách nào về tâm lý học hay bất cứ quyển sách tôn giáo nào, đó là một điều quá may mắn. Qua dụng ngữ thông thường trong đời sống hàng ngày, tôi muốn gợi cho các ngài một ý nghĩa thâm sâu hơn về đời sống; những việc ấy rất khó khăn nếu các ngài không biết cách nghe.
Nghe là cả một nghệ thuật tế nhị. Có khả năng thực sự để nghe đòi hỏi mình phải vứt bỏ hoặc xua đuổi qua một bên tất cả những thành kiến, tất cả những phương trình tiền định, những sinh hoạt thường nhật. Khi các ngài đang ở trong trạng thái cởi mở thì sự vật trở nên dễ hiểu ; các ngài chỉ đang nghe thực sự là khi các ngài chú ý đặc biệt một sự thể nào đó. Nhưng rõ là không may mắn, hầu hết chúng ta đều lắng nghe qua một bức màn chống đối. Chúng ta bị che lấp qua những thành kiến, dù là thành kiến tôn giáo hoặc tâm linh, tâm lý hoặc khoa học ; hay chúng ta khuất lấp bận bịu với những mối lo âu hàng ngày với những nỗi lòng khát khao và những nông nổi sợ hãi. Qua bức màn chằng chịt những nông nổi ấy, chúng ta lắng nghe. Vì thế thực ra chúng ta chỉ lắng nghe tiếng ồn ào của chính ta, âm thanh của chính ta, chứ không lắng nghe những gì đang được nói. Rất khó mà xua đuổi qua một bên bối cảnh giáo dục của chúng ta, những thành kiến, những khuynh hướng, nghịch hướng; chúng ta phải vượt tới bên ngoài ngôn ngữ để mà có thể lắng nghe và hiểu lập tức ngay giây phút ấy. Đó sẽ là một trong những sự khó khăn của chúng ta.
Nếu trong khi tôi nói có điều gì nghịch lại với lề lối suy tư và tín ngưỡng của các ngài thì các ngài chỉ nên lắng nghe thôi, đừng chống đối lại. Các ngài có thể đúng, và tôi có thể sai ; nhưng lúc các ngài chỉ lắng nghe và cùng khảo sát với tôi thì chúng ta cùng nhau sẽ khám phá ra sự thực. Không ai có thể mang sự thực cho các ngài. Chính các ngài phải khám phá ra sự thực ; và muốn khám phá ra sự thực thì phải có một tâm thái trực kiến. Không thể nào có trực kiến được khi còn có sự chống đối, sự đề phòng, bảo vệ, phòng thủ, phòng vệ. Sự giao cảm chỉ đến qua ý thức về cái đang là, nghĩa là hiện thể, những gì đang xảy ra trong hiện tại. Biết đúng cái đang là, thực tại, thực tế, thực thể, hiện thể, mà không cần phải giải thích nó, không cần phải kết án hoặc biện minh nó, như thế mới đúng là sự bắt đầu của thông minh tâm hồn. Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu giải thích, chuyển nghĩa theo sự quy định triền phược của đời sống chúng ta, theo thành kiến của chúng ta, thì lúc đó chúng ta đã xa lìa sự thực. Tựu chung, việc làm của chúng ta giống như một việc khảo cứu. Muốn biết sự vật như thế nào, muốn biết thực chất nó là gì, việc ấy đòi hỏi sự khảo sát nghiên cứu; các ngài không thể chuyển nghĩa nó tùy theo sự bốc đồng tâm tư. Cũng như thế, nếu khi các ngài nhìn, quan sát, lắng nghe, ý thức cái đang là , đúng như nó đang là, thì vấn đề đã được giải quyết, đó là điều chúng ta cố gắng thể hiện trong tất cả buổi nói chuyện này. Tôi sẽ chỉ cho các ngài thấy cái đang là và không chuyển nghĩa nó tùy theo sự hứng khởi viển vông của tôi ; và xin các ngài cũng đừng chuyển nghĩa nó và giải thích nó tùy theo bối cảnh quy định hoặc hậu cảnh trưởng thành của các ngài.
Thế thì chúng ta có thể nào ý thức tất cả mọi sự như là mọi sự ấy đang ? Từ khởi điểm ấy nhất định chúng ta sẽ đạt tới giao cảm. Biết được, ý thức được, vươn tới được cái đang , chỉ có thế mới chấm dứt nổi cơn quằn quại nội tâm. Nếu tôi biết rằng tôi là một kẻ nói dối, và đó là một sự kiện mà tôi phải trực nhận, chỉ trực nhận là thế thì cơn quằn quại tâm tư mới chấm dứt. Biết được, ý thức được mình là gì, đó đã là khởi nhóm sự thông minh tâm hồn, khởi sự lòng giao cảm, chỉ có thế mới giải thoát các ngài ra khỏi sự trói buộc của thời gian. Khơi dậy tính chất thời gian không phải theo nghĩa niên lịch mà theo nghĩa phương tiện trung gian hay theo nghĩa tiến trình tâm lý, tiến trình của tâm trí ; khơi dậy thời gian, thời gian theo nghĩa ấy thì chỉ là khơi dậy tính chất phá hoại và gây ra hỗn độn, bấn loạn nội tâm.
Do đó, chúng ta chỉ có thể hiểu cái đang là khi chúng ta trực nhận nó mà không kết án, không biện minh, không đồng hóa. Ý thức rằng mình đang ở trong một điều kiện hoàn cảnh nào đó, trong một trạng thái tâm tư nào đó thì đã là tiến trình của sự giải phóng ; nhưng kẻ nào không ý thức được hoàn cảnh của mình, không ý thức được sự chiến đấu nội tâm của mình mà lại cố gắng trở nên một cái gì khác bản chất mình thì đó chỉ tạo nên những thói quen tai hại. Vì vậy sự việc là thế, chúng ta phải nên nhớ rằng chúng ta muốn khảo sát cái đang , quan sát và ý thức đúng mức cái đang là hiện thể mà không xuyên tạc nó, không giải thích nó. Điều ấy đòi hỏi một tâm trí bén nhạy phi thường, một con tim uyển chuyển phi thường để mà ý thức được và theo dõi cái đang ; bởi vì cái đang là thì luôn luôn di động thường xuyên biến chuyển thay đổi và nếu tâm trí bị ràng buộc với tín ngưỡng, với kiến thức, thì nó không còn theo dõi, không còn đuổi theo sự vận hành nhanh chóng của cái đang . Cái đang thì không tĩnh chỉ, chết cứng ngưng đọng, nó luôn luôn di động, chắc các ngài đã thấy thế nếu các ngài quan sát nó một cách gần gũi thân cận. Muốn theo dõi nó các ngài cần phải có tâm trí nhanh nhẹn và một con tim uyển chuyển ; điều ấy không thể có được khi mà tâm trí vẫn bất động, tĩnh chết cố định trong một tín ngưỡng nào đó, trong một thành kiến nào đó, trong một sự đồng hóa nào đó ; và một tâm trí và tâm hồn khô khan thì không thể nào theo dõi hiện thể một cách dễ dàng nhanh nhẹn.
Tôi nghĩ rằng không cần phải biện minh tranh luận dài dòng, không cần phải diễn tả nhiều lời, ai cũng ý thức rằng hiện nay sự khốn khổ, sự bấn loạn nội tâm, sự hỗn mang tập thể và cá thể đang ngự trị hoành hành. Chẳng những ở Ấn độ mà thôi mà lan tràn khắp toàn thể thế giới; ở Trung hoa, Mỹ châu, Anh quốc, Đức quốc, toàn thể thế giới, tất cả đều hỗn loạn, sự đau đớn khốn khổ bành trướng dâng tràn. Sự đau đớn ấy, sự khốn khổ bấn loạn ấy không phải chỉ xảy ra trong biên giới quốc gia, nó không còn tính cách cục bộ nữa, nó tràn lan khắp nhân loại. Sự đau khổ hiện nay trở nên sắc bén phi thường, chẳng những cá thể mà thôi mà còn tập thể nữa. Vì đó là một tai họa thế giới mà không thể giới hạn nó trong một lãnh vực địa lý nào cả, một phân bộ, một sắc thái nào của bản đồ, giới hạn như thế thì thật là phi lý; bởi vì nếu làm thế thì chúng ta không thể hiểu được tất cả ý nghĩa trọn vẹn của sự đau khổ của toàn thể nhân loại. Khi ý thức được sự hỗn mang như thế thì sự đáp ứng hiện nay của chúng ta phải như thế nào? Chúng ta phải phản ứng như thế nào?
Cơn đau đớn bi đát tràn lan khắp mọi lãnh vực, chính trị, xã hội, kinh tế; toàn thể tâm lý của chúng ta trở nên hỗn loạn, tất cả lãnh tụ chính trị và tôn giáo đã không đáp ứng lại được lòng hoài vọng của chúng ta; tất cả những quyển sách thiêng liêng đã đánh mất ý nghĩa của nó. Các ngài có thể tìm đọc kinh Bhagavad Gita hoặc Thánh Kinh Thiên Chúa hoặc một tác phẩm luận thuyết mới mẻ nhất về chính trị học hay tâm lý học, các ngài sẽ thấy rằng tất cả quyển sách ấy đã mất ý nghĩa, đã mất tính chất trung trực của chân lý; tất cả các quyển sách ấy đã trở thành những lời ba hoa, những lời, những chữ, chỉ là những chữ. Và các ngài, và chính các ngài đã là những kẻ đọc lại lặp lại những lời những tiếng ấy, tâm trí các ngài cũng hỗn độn và bất định, và sự lặp lại những chữ chẳng đem đến lợi ích gì cả. Do đó những chữ, những lời và những quyển sách đã mất giá trị; nghĩa là, nếu các ngài trích dẫn Thánh Kinh, hay trích dẫn Marx, hoặc Kinh Bhagavad Gita, khi các ngài trích dẫn như thế mà tâm trí các ngài lại bất an bất định và hỗn độn thì sự lặp lại của các ngài chỉ là một sự dối lừa láo khoét; bởi vì tất cả những gì được viết trong những tác phẩm ấy đã trở thành tuyên truyền, và sự tuyên truyền không thể là chân lý được. Vì thế khi các ngài lặp lại những lời người khác nói thì các ngài không còn hiểu được tư thái tính thể các ngài. Các ngài chỉ khuất lấp sự hỗn độn tâm tư các ngài bằng những lời lẽ quyền uy của kẻ khác. Nhưng những gì chúng ta cố gắng thể hiện hôm nay, ngay lúc này, là tìm hiểu sự hỗn độn bây giờ và không khuất lấp nó bằng những lời trích dẫn vu vơ; vậy thì sự đáp ứng của các ngài đối với tình thế hỗn loạn hiện nay như thế nào? Các ngài làm thế nào để đáp ứng lại sự hỗn mang phi thường này, sự hỗn loạn, sự bất định của đời sống hiện nay? Hãy ý thức về nó như tôi đã bàn đến: hãy theo dõi, không phải bằng lời lẽ của tôi, mà theo dõi chính tư tưởng đang vận hành trong tâm tư các ngài. Hầu hết chúng ta đã có thói quen chỉ là những kẻ đứng ngoài, những khán giả và không chịu tham dự vào trò chơi. Chúng ta đọc sách mà chúng ta không bao giờ viết sách. Việc ấy đã trở nên lề lối quen thuộc của chúng ta, truyền thống quen thuộc của chúng ta, thói quen đại đồng và dân tộc, chúng ta chỉ là những khán giả, chúng ta chỉ là những kẻ đứng ngắm một cuộc đá banh, ngắm nhìn những chính khách công cộng và những nhà hùng biện. Chúng ta chỉ là những kẻ đứng ngoài hàng rào, ngó vào, và chúng ta đã đánh mất khả năng sáng tác, sáng tạo. Do đó, chúng ta chỉ muốn hưởng thụ và dự phần thụ động mà thôi.
Nhưng nếu các ngài chỉ là quan sát, nếu các ngài chỉ là những kẻ bàng quan, các ngài sẽ đánh mất hoàn toàn ý nghĩa của cuộc nói chuyện hôm nay, bởi vì đây không phải là bài dạy ở giảng đường, một buổi thuyết trình mà các ngài phải nghe vì thói quen. Tôi không mang đến cho các ngài một kiến thức nào cả, kiến thức, mà các ngài có thể thu lượm được trong bất cứ một quyển tự điển bách khoa nào. Những gì chúng ta cố gắng thể hiện hôm nay là mỗi người phải theo dõi tư tưởng chung với nhau, theo đuổi xa chừng nào tốt chừng ấy, theo đuổi cho thực sâu thẳm những khơi ý, những đáp ứng của chính những cảm giác chúng ta. Vì thế tôi mong các ngài hãy khám phá ra sự đáp ứng của các ngài đối với duyên do này, đối với sự đau đớn hôm nay; đừng tìm hiểu lời lẽ của kẻ khác phải như thế nào mà phải tìm hiểu chính các ngài đáp ứng như thế nào. Sự đáp ứng của các ngài chỉ là sự đáp ứng lãnh đạm thờ ơ mỗi khi các ngài lợi dụng trục lợi nhờ sự đau đớn, nhờ sự hỗn mang, mỗi khi các ngài thu lượm lời lãi nhờ tình thế hỗn loạn hoặc kinh tế, xã hội, chính trị hoặc tâm lý. Nếu thế thì các ngài sẽ không bao giờ để ý bận tâm khi thấy sự hỗn mang còn tiếp diễn. Hiển nhiên càng nhiều hỗn loạn ở thế giới này, càng nhiều hỗn mang thì người ta càng đi tìm kiếm an ninh tính mệnh, đi cầu sự an bình đời sống. Các ngài có để ý điều đó không ? Khi nào thế giới đang ở tình trạng hỗn loạn thì bằng mọi cách, nói một cách tâm lý, các ngài tự nhốt mình trong một hình thức an ninh nào đó, chẳng hạn như ngân khoản ở nhà ngân hàng, hoặc dưới hình thức của một ý thức hệ nào đó; nếu không thì các ngài tìm ẩn náu trong những bài kinh kệ, trong những lời nguyện cầu, các ngài đi nhà thờ hoặc đi chùa, đó thật ra chỉ là chạy trốn thực tại bi đát của thế gian. Nhiều tôn phái tôn giáo đã được thiết lập, nhiều chủ nghĩa, nhiều ý thức hệ đã mọc ra như nấm ở khắp hoàn cầu. Bởi vì càng nhiều hỗn loạn xảy ra thì các ngài lại càng cần một lãnh tụ, một người nào đó để hướng dẫn các ngài ra ngoài sự hỗn mang, rồi các ngài chạy đi tìm cầu cứu nơi những quyển sách tôn giáo, nơi những kinh kệ hoặc đi tìm trú thân nơi bất cứ vị đạo sư nào mới xuất hiện; nếu không làm thế thì các ngài hành động và đáp ứng nô lệ theo bất cứ một hệ thống nào, khả dĩ giải quyết được vấn đề hiện hữu, bất cứ một hệ thống nào, thuộc về phái tả hoặc thuộc về phái hữu. Đó là những gì đang xảy ra hiện nay.
Mỗi khi nào các ngài ý thức được sự hỗn loạn hiện nay, ý thức được những gì đang xảy ra, đang thì các ngài cố gắng chạy trốn nó. Tất cả những tôn phái, những học thuyết nào còn mang đến cho các ngài một hệ thống ý thức để giải quyết sự đau khổ kinh tế, xã hội hoặc tôn giáo thì đó đúng là mối hiểm họa tai hại nhất; bởi vì lúc bấy giờ hệ thống ý thức lại trở thành quan trọng, chứ không phải con người. Dù đó là hệ thống ý thức tôn giáo hay hệ thống ý thức của phái tả hay phái hữu. Hệ thống ý thức trở thành quan trọng, triết lý, ý tưởng, những thứ ấy trở thành quan trọng, chứ không phải con người nữa; vì tranh đấu cho một ý tưởng, cho ý thức hệ, các ngài sẵn sàng hy sinh toàn thể nhân loại, đó là điều đang xảy ra hiện nay ở thế giới. Đây không phải là sự giải thích chủ quan của tôi. Nếu các ngài quan sát các ngài sẽ thấy rằng đó là điều xảy ra thực sự hiện nay trên thế giới, trên thực tế. Hệ thống ý thức đã trở thành quan trọng, do đó khi mà hệ thống ý thức đã trở thành quan trọng thì con người , các ngài và tôi, đã mất hết ý nghĩa; và những người kiểm soát điều trị hệ thống ý thức, dù là tôn giáo hay xã hội, dù là phái tả hay hữu, thì chính những người đó trở thành những kẻ thị uy, thị quyền và sẵn sàng hy sinh các ngài, hy sinh cá thể. Đó là những điều đang xảy ra hiện nay trên thực tế.
Vậy thì lý do của sự hỗn loạn hiện nay, của cơn khốn khổ hiện nay là gì? Làm thế nào sự khốn khổ này có thể xảy ra, sự đau đớn này, chẳng những chỉ đau đớn bên trong tâm hồn mà còn đau đớn ở thể xác? Sự sợ hãi hiện nay và sự mong ngóng chiến tranh hiện nay, trận thế chiến thứ ba đang bùng nổ? Lý do của nó là gì? Hiển nhiên điều ấy chứng tỏ sự sụp đổ tất cả giá trị tinh thần thiêng liêng và sự đề cao ca tụng tất cả những giá trị giác quan, giá trị của những sự vật làm bằng tay chân hay hoặc bằng tâm trí. Những gì sẽ xảy ra khi mà chúng ta không còn bất cứ một giá trị nào khác, ngoài ra giá trị của những sự vật giác quan, giá trị của những sản phẩm tâm trí, của bàn tay, của những máy móc? Chúng ta càng đặt nhiều ý nghĩa cho giá trị cảm giác của sự vật thì càng nhiều sự hỗn loạn xảy ra, phải thế không? Đây không phải là lý thuyết của tôi. Các ngài không cần phải kê cứu những quyển sách để khám phá ra rằng những giá trị của các ngài, sự giàu sang của các ngài, đời sống kinh tế và xã hội đã được xây dựng trên những sự vật làm bằng tay chân hoặc bằng trí tưởng. Như thế, chúng ta sống, sinh hoạt và xây dựng tính thể của chúng ta trên những giá trị cảm tính. Nói thế có nghĩa là những sự vật của trí óc, những sản phẩm của tay và của máy móc cơ khí đã trở thành quan trọng, thì tín ngưỡng trở nên nặng nghĩa – đó có phải là đúng những điều đã xảy ra ở thế giới hiện nay không?
Như thế càng đặt nhiều ý nghĩa và những giá trị cho những cảm giác thì còn gây ra nhiều hỗn loạn; mà khi hỗn loạn thì chúng ta tìm cách chạy trốn nó qua nhiều hình thức như tôn giáo, kinh tế hoặc xã hội, hay qua tham vọng, qua quyền hành, qua sự tìm kiếm thực tại. Nhưng thực tại thì rất gần, các ngài không cần tìm kiếm nó; và kẻ nào đi tìm chân lý thì không bao giờ gặp chân lý cả. Chân lý là ở trong cái đang – và đó chính là vẻ đẹp tuyệt vời của chân lý nhưng mỗi khi các ngài hình tượng chân lý, mỗi khi các ngài tìm kiếm chân lý thì các ngài bắt đầu phấn đấu quằn quại; và kẻ nào phấn đấu quằn quại trong nội tâm thì không thể nào hiểu được, giao cảm được sự thực. Đó là lý do tại sao chúng ta phải trầm lặng, quan sát, ý thức một cách thụ động, sáng suốt một cách tiêu cực. Chúng ta thấy rằng đời sống của chúng ta, hành động của chúng ta , vẫn luôn luôn nằm trong lãnh vực phá hoại, nằm trong lãnh vực thống khổ, như một cơn sóng biển, sự hỗn loạn và hỗn mang luôn luôn dập dồn lôi kéo chúng ta đi. Không còn khoảng cách nào rớt lại trong sự hỗn loạn của đời sống.
Bất cứ hành động nào của chúng ta trong hiện tại dường như đều mang tới hỗn mang, dường như dẫn đến đau buồn và thống khổ. Hãy nhìn cuộc đời của các ngài và các ngài sẽ thấy rằng đời sống của chúng ta vẫn luôn luôn nằm ngay biên giới của khổ đau. Việc làm của chúng ta, sinh hoạt xã hội của chúng ta, thái độ chính trị của chúng ta, và những sự liên kết của những quốc gia khác nhau để ngăn ngừa chiến tranh, tất cả việc làm ấy vẫn chỉ là gây thêm chiến tranh. Sự phá hoại theo đuổi đời sống chúng ta; bất cứ những gì chúng ta làm đều đưa đến sự chết. Đó là những gì đang xảy ra hiện nay.
Chúng ta có thể chấm dứt sự khốn cùng này lập tức hay không, chúng ta có thể tiếp tục thoát ra ngoài cơn sóng dâng tràn của sự hỗn loạn và đau khổ? Nghĩa là những bậc Đại Sư, dù là Phật hay Chúa đã xuất hiện trên đời, họ đã chấp nhận đức tin và chính họ, có lẽ, họ đã giải thoát khỏi sự hỗn mang thống khổ. Nhưng họ không bao giờ ngăn chặn được sự thống khổ, họ không bao giờ chấm dứt được sự hỗn loạn. Sự hỗn loạn tiếp tục xảy ra, sự thống khổ vẫn tiếp tục xảy ra trên đời. Khi nhận ra sự hỗn loạn kinh tế xã hội hiện nay, cơn hỗn mang thống khổ hiện nay mà các ngài nương náu ẩn mình vào đời sống tôn giáo thánh thiện tu hành lìa bỏ thế tục thì các ngài có thể có cảm tưởng rằng các ngài đang nối gót những bậc Đại Sư; nhưng trần gian này vẫn tiếp tục chứng kiến sự hỗn mang sự thống khổ và sự phá hoại, cơn đau đớn muôn đời của những kẻ giàu và nghèo. Vì thế vấn đề của chúng ta , vấn đề của các ngài và của tôi, là tìm hiểu xem chúng ta có thể nào bước ra ngoài cơn đau khổ này một cách lập tức hay không. Có thể nào sống giữa đời, các ngài từ chối không chịu lệ thuộc vào đó, các ngài có thể giúp đỡ kẻ khác thoát khỏi sự hỗn mang này, không phải trong tương lai, không phải ngày mai, mà ngay bây giờ. Đó mới chính thực sự là vấn đề của chúng ta . Chiến tranh đang xảy ra có lẽ còn tàn khốc hơn nữa, còn khủng khiếp hơn nữa. Nhất định chúng ta không thể ngăn chặn nó được, bởi vì tất cả duyên do ngõ thoát, tất cả những vấn đề đều quá mãnh liệt và quá khủng khiếp. Nhưng các ngài và tôi có thể trực nhận sự hỗn loạn đau khổ ngay lập tức, chúng ta có thể làm thế hay không? Chúng ta phải trực nhận rồi chúng ta mới có thể đánh thức sự liên cảm trực nhận chân lý cho người khác. Nói khác đi, các ngài có thể tự do ngay bây giờ không? Bởi vì đó là con đường duy nhất để thoát khỏi cơn thống khổ hiện nay. Sự trực nhận chỉ có thể xảy ra trong hiện tại; nhưng khi các ngài nói rằng “ngày mai tôi sẽ làm việc ấy” thì đợt thủy triều hỗn loạn sẽ mang các ngài chìm đi và lúc bấy giờ các ngài vẫn luôn luôn triền miên chới với trong hỗn loạn.
Chúng ta có thể nào đi đến một trạng thái mà chính các ngài trực nhận chân lý ngay giờ phút này và chấm dứt sự hỗn loạn? Tôi nói rằng việc ấy có thể thực hiện được ngay bây giờ và đó là con đường duy nhất. Tôi nói rằng việc ấy có thể thực hiện và phải thực hiện mà không cần nương cậy vào giả thuyết hay tín ngưỡng gì nữa. Phải khơi dậy cuộc cách mệnh tuyệt diệu này, không phải để tiêu trừ những người tư bản và thay vào đó một nhóm người khác, không, không phải thế, khơi dậy sự chuyển hóa kỳ diệu trong tâm tư, một cuộc cách mệnh duy nhất đúng nghĩa đó, mới là vấn đề của chúng ta. Cách mệnh theo nghĩa thông thường chỉ là sự biến dạng hay sự trá hình liên tục của phái hữu theo những ý tưởng của phái tả. Thực ra phái tả chỉ là sự trá hình liên tục của phái hữu trong một hình thể biến dạng. Nếu phái hữu đặt nền móng trên những giá trị cảm giác thì phái tả chỉ là sự trá hình liên tục của những giá trị cảm giác giống y như thế, chỉ khác nhau về cấp độ hay cách diễn tả thôi. Vì thế cuộc cách mệnh thực sự chỉ có thể xảy ra khi mà các ngài, nghĩa là cá thể trở nên ý thức điềm đạm sáng suốt về sự quan hệ tương giao đối với nhau, sự quan hệ tương giao giữa vợ, con, chủ, láng giềng, tất cả sự tương giao ấy chính là xã hội. Xã hội tự nó không phải là một thực thể. Xã hội là tất cả những gì mà các ngài và tôi đã tạo ra trong mối liên giao hỗ tương; xã hội chỉ là sự diễn tả phát hiện bên ngoài của tất cả những trạng thái tâm trí bên trong chúng ta. Vì thế nếu các ngài và tôi không hiểu nhau, mà chỉ biến đổi hình thức bên ngoài thôi thì việc ấy chẳng có ý nghĩa gì cả, vì ngoại giới chỉ là nội giới phát hiện phóng đại; nói thế nghĩa là không thể nào có sự biến đổi hữu hiệu hay cải cách triệt để trong xã hội khi mà tôi không tự hiểu tôi trong sự giao tiếp với các ngài. Vì bối rối hỗn loạn trong sự giao tiếp của tôi, tôi đã tạo ra một xã hội khuôn đúc lại sự hỗn loạn nội tâm của chính tôi, xã hội ấy chỉ là sự diễn tả ngoại hiện những gì nằm trong tự thể của tôi. Đó là một sự thể hiển nhiên mà chúng ta có thể thảo luận được. Chúng ta có thể thảo luận để tìm hiểu xã hội, sự diễn tả ngoại hiện, đã tạo ra tôi hay chính tôi đã tạo ra xã hội.
Phải chăng đó là một sự kiện quá hiển nhiên rằng chính sự giao tiếp của tôi đối với người khác đã tạo ra xã hội và không thể nào thay đổi vai trò căn bản của xã hội nếu tôi không thay đổi nền tảng của chính bản thân tôi? Khi chúng ta mong đợi một hệ thống ý thức để chuyển hóa xã hội thì chúng ta chỉ là chạy trốn vấn đề, bởi vì một hệ thống ý thức không thể nào chuyển hóa con người; chính con người luôn luôn chuyển hóa hệ thống ý thức, điều ấy lịch sử đã chứng minh. Chỉ khi nào trong sự giao tiếp với người khác mà không tự hiểu mình, thì chính tôi sẽ là nguyên nhân của sự hỗn mang, thống khổ, phá hoại, sợ hãi, tàn bạo. Sự tự hiểu mình không phải là vấn đề thời gian; tôi chỉ có thể hiểu tôi ngay trong giờ phút này. Nếu tôi nói rằng tôi sẽ hiểu mình vào ngày mai thì hiện tại tôi chỉ tiếp tục đồng lõa gây ra sự hỗn mang thống khổ, hành động tôi như thế chỉ là phá hoại. Khi mà tôi nói rằng tôi sẽ hiểu tôi trong tương lai thì tôi chỉ đem lại yếu tố thời gian, như thế lại bị triền phược trong đợt thủy triều hỗn loạn tai hại.
Sự hiểu biết là nằm ngay giờ phút này, hiện tại bây giờ, chứ không phải vào ngày mai. Ngày mai là chỉ dành cho những tâm trí lười biếng, những tâm trí biếng nhác, những tâm trí vô tình, lãnh đạm, hững hờ. Khi các ngài thích thú một điều gì thì các ngài làm ngay việc ấy lập tức; sự hiểu biết hiện ra lập tức và tức khắc xảy ra sự thay đổi, sự chuyển hóa tâm thức. Nếu các ngài không thay đổi ngay bây giờ thì các ngài sẽ không bao giờ thay đổi, bởi vì sự thay đổi xảy ra trong ngày mai thì chỉ là sự biến dạng chứ không phải là sự chuyển hóa triệt để, sự chuyển hóa hoàn toàn trọn vẹn chỉ có thể xảy ra ngay giờ phút này, cuộc cách mệnh phải là ngay giờ phút này, chứ không phải ngày mai.
Khi cuộc cách mệnh xảy ra ngay bây giờ thì các ngài sẽ không còn vấn đề nào nữa, bởi vì bản ngã không còn bận tâm về chính nó nữa, chỉ có thế các ngài mới thoát vượt qua trào lưu phá hoại.                                    

CHƯƠNG II
CHÚNG TA ĐANG ĐI TÌM GÌ?

Hầu hết chúng ta đang đi tìm gì? Mỗi người trong chúng ta muốn được gì? Nhất là giữa thời thế tao loạn này, mọi người đều muốn tìm một thứ an bình nào đó, một thứ hạnh phúc nào đó, nơi trú ẩn nào đó, vì thế chúng ta cần phải tìm cho ra chúng ta muốn tìm kiếm gì trên cuộc đời này, điều ấy dĩ nhiên là vô cùng quan trọng, phải thế không? Chúng ta cần phải biết đang đi tìm cái gì, chúng ta đang cố gắng khám phá ra điều gì. Có lẽ hầu hết tất cả chúng ta đều đang đi tìm kiếm thứ hạnh phúc nào đó, một thứ thanh bình nào đó; trong một thế giới hỗn loạn, xáo trộn, đầy chiến tranh phân ly, phân tán, tất cả chúng ta đều cần có một nơi trú ẩn để mà có thể tìm được một chút thanh bình nào đó. Tôi nghĩ rằng đó là điều tất cả chúng ta, hầu hết tất cả chúng ta đều muốn đạt tới. Vì thế chúng ta chạy tìm đuổi theo một người lãnh tụ này đến một người lãnh tụ khác, từ một tổ chức tôn giáo này đến một tổ chức tôn giáo khác, từ một bậc thầy này đến một bậc thầy khác.
Vậy thì có phải chúng ta đang tìm một thứ hạnh phúc hay là phải chăng chúng ta đang đi tìm một sự thỏa mãn nào đó để mong được hạnh phúc? Hạnh phúc và sự thỏa mãn hoàn toàn khác nhau. Các ngài có thể tìm hạnh phúc không? Có lẽ các ngài chỉ thấy thỏa mãn nhưng nhất định các ngài không bao giờ tìm ra hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ là phụ thôi; nó xuất phát từ một cái gì khác. Vì thế, trước khi chúng ta để cả tâm trí vào một sự việc cần nhiều trang trọng, chú ý, tư tưởng, chăm sóc, phải chăng chúng ta cũng nên tìm hiểu chúng ta đang muốn tìm kiếm gì; có phải chúng ta đang tìm kiếm hạnh phúc hay chỉ là sự thỏa mãn. Tôi cho rằng hầu hết tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự thỏa mãn. Chúng ta muốn được thỏa mãn, chúng ta muốn tìm được một cảm giác sung mãn tràn trề theo sau cuối con đường tìm kiếm của chúng ta.
Thực ra nếu chúng ta đi tìm thanh bình chúng ta có thể tìm thấy nó một cách quá dễ dàng, người ta có thể tự dâng hiến một cách mù quáng cho một lý tưởng nào đó và trú mình ẩn náu trong đó. Hiển nhiên nếu làm như vậy thì không giải quyết được vấn đề nào hết. Chỉ cô lập hóa mình trong một ý tưởng ràng buộc thì không thể nào giải thoát khỏi sự đụng độ va chạm. Phải chăng chúng ta cần tìm cho được mỗi người trong chúng ta đang muốn tìm kiếm gì ở bên trong tâm hồn cũng như ở thế giới bên ngoài. Nếu chúng ta minh bạch khúc triết trong vấn đề này thì chúng ta không cần phải đi đâu cả, không cần phải đi tìm bất cứ một vị thầy nào, không cần phải đi vào bất cứ một nhà thờ nào và không cần phải tham dự bất cứ một tổ chức nào. Do đó, nỗi khó khăn nhất của ta hiện nay là làm thế nào minh bạch khúc triết trong tâm trí đối với ý định của mình, phải thế không? Chúng ta có thể nào minh bạch được không? Phải chăng sự minh bạch ấy chỉ xuất hiện qua sự tìm kiếm, và sự tìm hiểu những gì người khác nói, từ một bậc đại sư cao siêu nhất cho đến một người giảng đạo thông thường nhất ở một giáo đường nào đó quanh đầu phố? Các ngài có cần đi đến một người nào đó để mà khám phá ra sự thực không? Phải chăng đó là điều chúng ta đang làm? Chúng ta đọc quá nhiều sách, chúng ta tham dự quá nhiều cuộc hội thảo để tranh luận bàn tán, chúng ta gia nhập nhiều tổ chức khác nhau để mà tìm một phương thuốc trị liệu cho nỗi xung đột tâm tư, cho sự khốn cùng trong đời sống của chúng ta. Hoặc nếu chúng ta không làm thế thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã tìm thấy sự thực, chúng ta nói rằng một tổ chức đặc biệt nào đó, một bậc tôn sư đặc biệt nào đó, một quyển sách đặc biệt nào đó đã thỏa mãn chúng ta; chúng ta đã tìm thấy tất cả sự thực mà chúng ta muốn đạt trong những thứ ấy; và chúng ta duy trì ứ đọng đóng nhốt tự mình triền phược mình trong những điều mình tưởng như là thấy được sự thật.
Trải qua những sự hỗn loạn, có phải chăng chúng ta đi tìm một cái gì thường có, một cái gì cố định tồn tại, trường tồn, một cái gì mà chúng ta gọi là thực tại, như Thượng Đế, chân lý, hay muốn gọi gì thì gọi vì danh từ không quan trọng: hiển nhiên, chữ nghĩa không phải là sự vật. Chúng ta đừng để bị lôi cuốn trói buộc trong những lời, những tiếng, chúng ta hãy để điều đó cho những giảng sư nhà nghề. Có phải các ngài tìm kiếm một cái gì trường tồn trong tâm hồn một cái gì mà chúng ta có thể bám vào, đeo vào, một cái mang đến cho chúng ta sự bảo đảm, một miền hy vọng nào đó, một sự hăng say tin tưởng nào đó, một sự cố định trường tồn nào đó. Bởi vì chúng ta cảm thấy bất an vô định trong tâm hồn. Chúng ta không tự hiểu chúng ta. Chúng ta biết rất nhiều về những sự kiện, về nội dung của sách vở ; nhưng chúng ta không tự biết mình, chúng ta chẳng có một kinh nghiệm trực tiếp nào cả. Điều mà chúng ta gọi là trường tồn là cái gì? Điều ấy là điều gì mà chúng ta đang tìm kiếm, điều mà chúng ta mong rằng sẽ mang đến cho chúng ta sự cố định trường cửu? Có phải chúng ta đang đi tìm hạnh phúc trường cửu, sự thỏa mãn trường tồn, sự cố định trường cửu? Chúng ta muốn một điều gì đó được trường tồn mãi mãi để vẫn làm thỏa mãn được chúng ta. Nếu chúng ta cởi bỏ những tiếng, những lời để nhìn thẳng vào điều ấy, đó chính là lòng thỏa mãn lâu dài là điều chúng ta muốn thể hiện. Chúng ta muốn cơn khoái lạc được trường tồn, sự thỏa mãn được lâu dài và chúng ta gọi đó là chân lý, Thượng Đế hay là một danh hiệu nào khác.
Đúng thế, chúng ta muốn có được khoái lạc. Có lẽ điều ấy đã được trình bày một cách thô bạo như vậy, nhưng đó là lòng khát khao thực sự, chúng ta muốn có kiến thức nào mang đến cho chúng ta sự khoái cảm, kinh nghiệm nào mang đến cho chúng ta sự khoái lạc, sự thỏa mãn mà không phôi pha tàn phai với thời gian. Chúng ta đã trải qua tất cả những sự thỏa mãn đa dạng và những sự thỏa mãn ấy, tất cả những sự thỏa mãn ấy đã tàn phai tiêu ma thế thì bây giờ chúng ta mong tìm được sự thỏa mãn trường tồn vĩnh cửu trong thực tại nào đó, chẳng hạn như trong Thượng Đế. Dĩ nhiên đó là chính những gì mà tất cả chúng ta thường tìm kiếm : những kẻ khôn ngoan và những người khờ khệch, lý thuyết gia và con người thực tế, tất cả đều đang tìm kiếm đeo đuổi một cái gì đó. Có sự thỏa mãn nào vĩnh cửu hay không ? Có sự thể nào mà vẫn trường tồn mãi mãi?
Thế mà nếu các ngài tìm kiếm một sự thỏa mãn trường tồn và gọi đó là Thượng Đế hay Chân lý hay bất cứ một danh từ nào khác, (danh từ không quan trọng) chắc các ngài phải hiểu đó là điều các ngài muốn tìm, các ngài có nên hiểu thế không ? Khi các ngài nói rằng “tôi đang đi tìm một sự hạnh phúc vĩnh cửu” – Thượng đế hoặc Chân lý hay là bất cứ một danh từ nào khác, các ngài có nên tìm hiểu cái gì đang tìm kiếm, nghĩa là tìm hiểu chính kẻ tìm kiếm, người tìm kiếm? Bởi vì có thể trên đời không có cái mà người ta gọi là sự an ninh vĩnh cửu sự hạnh phúc trường tồn. Chân lý có thể là một cái gì khác hẳn, hoàn toàn khác hẳn; và tôi nghĩ rằng chân lý thì hoàn toàn khác hẳn những gì các ngài có thể thấy, có thể ý niệm hội ý, có thể đặt hình tượng phương trình. Vì thế trước khi chúng ta tìm kiếm thực thể trường cửu, thực ra có cần thiết, vô cùng cần thiết, là phải tìm hiểu chính người tìm kiếm? Người tìm kiếm có khác sự việc mà hắn tìm kiếm? Khi các ngài nói “tôi đang tìm kiếm hạnh phúc” thì người tìm kiếm có khác đối tượng của sự tìm kiếm ấy không ? Tư tưởng gia có khác tư tưởng không ? Phải chăng cả hai đều là một hiện tượng liên kết duy nhất, chứ không phải là những tiến trình cách biệt? Do đó, phải chăng tìm hiểu người tìm kiếm là một điều chính yếu trước khi chúng ta tìm hiểu điều mà hắn đang kiếm tìm.
Vì thế đã đến lúc chúng ta phải tự hỏi một cách nghiêm trọng và sâu sắc rằng sự thanh bình, hạnh phúc, thực tại, Thượng đế hoặc một danh từ nào khác, có thể được mang đến cho chúng ta qua trung gian của một người nào khác hay không? Có thể nào sự tìm kiếm liên tục này, sự khát khao hoài vọng này đưa đến cho chúng ta hưởng thụ cảm giác về thực tại tuyệt vời, trạng thái sáng tạo của tâm hồn, mà những cảm trạng ấy thì chỉ có thể hiện đến khi chúng ta thực sự tự hiểu mình? Phải chăng sự tự hiểu biết chính bản thân mình chỉ thể hiện qua sự tìm kiếm, bằng cách đi theo gót một người nào khác, bằng cách gia nhập vào một đoàn thể nào đó, bằng cách đọc sách, vân vân? Tựu chung, phải chăng đó là vấn đề chính yếu : khi mà tôi chưa hiểu được mình, tôi không thể có được căn bản để suy tư, và tất cả sự tìm kiếm của tôi chỉ là vô vọng hão huyền. Tôi có thể chạy trốn trong những ảo giác, tôi có thể chạy trốn sự khó khăn dày xéo, cơn quằn quại nội tâm; tôi có thể phụng thờ kẻ khác, tôi có thể tự cứu tôi qua trung gian một người khác. Nhưng khi mà tôi vẫn chưa hiểu được tôi, khi mà tôi không ý thức được tiến trình trọn vẹn của chính nội tâm tôi thì không thể nào tôi có được nền tảng để suy tư, để thương yêu lưu luyến, để hành động xử thế.
Nhưng đây là điều ít người muốn đạt tới : tự hiểu mình. Nhất định đó là nền tảng duy nhất mà chúng ta phải xây dựng. Nhưng trước khi xây dựng sáng tạo, trước khi chuyển hóa, trước khi chúng ta kết án hay phá hủy, chúng ta phải biết rằng chúng ta là gì. Đi tìm kiếm chân lý, thay đổi những đạo sư, thực hành Yoga , điều hòa hơi thở, chấp trì những nghi lễ tôn giáo, theo chân những bậc đại sư và tất cả những thứ đại loại như vậy đều hoàn toàn vô ích, phải thế không ? Những sự việc ấy không có ý nghĩa gì cả, ngay đối với cả những bậc thánh nhân khi họ nói với chúng ta rằng “hãy tự hiểu mình” thì việc ấy cũng vô nghĩa, bởi vì chúng ta là gì thì thế giới là như thế ấy. Nếu chúng ta bần tiện, nhỏ nhoi, ghen tuông, phù phiếm tham lam, nếu đó là những điều chúng ta tạo ra chung quanh ta thì đó cũng là điều tạo ra xã hội mà chúng ta đang sống.
Theo tôi thì trước khi chúng ta lên đường để tìm hiểu Thực tại, để tìm thấy Thượng đế, trước khi chúng ta hành động, trước khi chúng ta có thể giao tiếp xử thế với nhau (nghĩa là sự giao tế trong xã hội) thì trước hết chúng ta phải cần hiểu chúng ta. Tôi cho rằng một người đứng đắn là một người hoàn toàn bận tâm về việc ấy trước hết , chứ không phải tìm cách đi tới một mục đích nhất định, bởi vì nếu các ngài và tôi không tự hiểu mình thì làm thế nào hành động của chúng ta có thể mang đến sự đổi thay cho xã hội, cho sự giao tế của xã hội hay cho bất cứ sự việc nào mà chúng ta thể hiện? Khi tôi nói tự tìm hiểu mình thì không có nghĩa là chống đối, ly cách trong tương quan giữa mình với người khác. Điều ấy hiển nhiên không có nghĩa là đặt trọng tâm vào cá thể, vào bản thân để đối nghịch lại quần chúng đám đông, để đối nghịch lại với kẻ khác.
Vậy nếu mà không tự biết mình, nếu mà không hiểu đường lối tư tưởng của mình, không hiểu lý do tại sao mình nghĩ sự việc như vậy, không hiểu bối cảnh qui định của mình, không hiểu lý do tại sao mình đã có những tín ngưỡng đặc biệt nào đó về nghệ thuật và tôn giáo, về tổ quốc quê hương về kẻ láng giềng và về chính bản thân mình thì làm thế nào chúng ta có thể biết suy tư thật sự về bất cứ sự vật nào? Nếu không biết bối cảnh của mình, không biết bản chất thực sự của tư tưởng mình, và duyên do của tư tưởng ấy thì nhất định sự tìm kiếm của các ngài chỉ là hoàn toàn phù phiếm vô ích, hành động của các ngài phải chăng không có ý nghĩa gì nữa? Dù là các ngài là người Mỹ hay người Ấn độ hay dù các ngài thuộc tôn giáo nào nữa thì việc ấy cũng vô nghĩa. Trước khi chúng ta có thể tìm hiểu cứu cánh mục đích của đời sống là gì, ý nghĩa của nó là gì như chiến tranh, những sự xung đột quốc gia, những sự va chạm, và tất cả những sự hỗn loạn ấy chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu chúng ta , bắt đầu nơi bản thân mình phải thế không? Việc ấy có vẻ như đơn giản nhưng nó thật vô cùng khó khăn. Muốn theo dõi mình, muốn thấy sự vận hành của tư tưởng mình, mình phải tỉnh thức một cách phi thường để mà khi mình bắt đầu ý thức mãnh liệt về những mê cung chằng chịt của chính tư tưởng mình và những đáp ứng và những cảm giác, mình bắt đầu đạt tới một ý thức bén nhạy hơn chẳng những ý thức về mình mà còn ý thức về kẻ khác mà mình đang giao tiếp. Tìm hiểu chính bản thân mình là tìm hiểu mình trong hành động, đó chính là tương giao. Nỗi khó khăn của chúng ta là chúng ta quá nóng nảy, thiếu kiên nhẫn; chúng ta muốn đi tới một cách hấp tấp, chúng ta muốn đạt tới cứu cánh, vì thế chúng ta không để chúng ta có thời gian hay có dịp để học tập, để nghiên cứu. Thay vì thế chúng ta lao mình vào những sinh hoạt khác nhau như việc mưu sinh, việc nuôi nấng con cái, hay là đảm nhiệm những trọng trách của nhiều tổ chức; chúng ta lao thân vào những đường lối khác nhau bận bịu lo lắng và không còn thì giờ để suy tưởng bản thân, để quan sát, để khảo sát. Vì thế, thực ra trách nhiệm về phản ứng chúng ta là tùy vào chúng ta , chứ không phải vào người khác. Khắp thế giới sự tìm kiếm đạo sư và hệ thống đạo lý của họ, việc đọc những quyển sách mới xuất bản về vấn đề này hoặc vấn đề khác vân vân, đối với tôi là hoàn toàn rỗng, hoàn toàn phù phiếm, vì các ngài có thể lang thang khắp địa cầu để tìm kiếm, nhưng rồi các ngài cũng phải trở về lại với chính mình. Vì hầu hết chúng ta đều hoàn toàn vô ý thức về chính bản thân mình, do đó thực là vô cùng khó khăn khi chúng ta bắt đầu tìm thấy, nhìn thấy rõ rệt biến trình của tư tưởng chúng ta, cảm giác và hành động của chúng ta.
Khi các ngài càng tự hiểu mình thì sự minh bạch khúc triết càng dễ xuất hiện. Sự tự tìm hiểu mình không có cứu cánh, các ngài không phải đi tới một sự tựu thành nào cả, các ngài không phải đi tới một sự kết luận nào cả. Chân lý là một giòng sông bất tận. Khi mình nhìn theo giòng sông, khi mình đi sâu vào sự thực thì mình cảm thấy thanh bình trong tâm hồn. Chỉ khi nào tâm trí được trầm lặng nhờ sự tự giác, chứ không phải nhờ vào một kỷ luật bản ngã ràng buộc, chỉ có lúc ấy, chỉ trong sự trầm tĩnh ấy, trong sự im lặng ấy thì Thực tại mới có thể thực hiện được. Chỉ có lúc ấy mới có thể có sự ngây ngất xuất thần, chỉ có lúc ấy mới có thể có được hành động sáng tạo trác truyệt. Đối với tôi, nếu không có sự hiểu biết ấy, không có kinh nghiệm ấy mà lại đọc sách, đi dự những buổi nói chuyện, đi làm tuyên truyền thì thật là ấu trĩ : đó chỉ là một hành động vô nghĩa ; trái lại nếu mình có thể hiểu mình thì mình mới có thể khơi dậy niềm hạnh phúc sáng tạo trác tuyệt, khơi dậy sự thể hiện vượt ngoài tâm trí, chỉ lúc ấy có lẽ mới thể hiện được sự chuyển hóa hoàn toàn trong mối giao tiếp giữa chúng ta và thế giới chúng ta đang sống.

CHƯƠNG III
CÁ THỂ VÀ XÃ HỘI

Vấn đề hiện nay chúng ta phải đối mặt là tìm hiểu rằng cá thể chỉ là dụng cụ của xã hội hay cứu cánh của xã hội. Các ngài và tôi, những cá thể, đã bị xã hội và chính quyền lạm dụng, hướng dẫn giáo dục, kiểm soát, huấn luyện theo một mẫu mực nào đó; hay là xã hội và quốc gia hiện hữu cho cá thể? Cá thể là cứu cánh của xã hội hay chỉ là một hình nộm được dạy bảo, khai thác, làm vật hy sinh như là dụng cụ của chiến tranh? Đó là vấn đề hầu hết tất cả chúng ta phải đối mặt. Đó là vấn đề của thế giới; chúng ta phải tìm hiểu rằng cá thể chỉ là một dụng cụ của xã hội, một trò chơi được nhào nặn với những ảnh hưởng; hay xã hội hiện hữu để phụng sự cho cá thể.
Các ngài làm thế nào để khám phá ra điều ấy? Đó là một vấn đề trầm trọng, phải thế không? Nếu cá thể chỉ là dụng cụ của xã hội , thế thì xã hội lại quan trọng hơn là cá thể. Nếu sự thực là thế, chúng ta phải bỏ cá tính và phải phụng sự xã hội, tất cả hệ thống giáo dục của chúng ta phải được thay đổi hoàn toàn và cá thể phải bị dùng như là dụng cụ để thủ tiêu, để thanh trừng và hoại diệt. Nhưng nếu xã hội được dựng ra cho cá thể thì vai trò xã hội là không phải bắt cá thể quy theo mẫu mực nào, nhưng giúp cá thể có được cảm giác bén nhạy và khát vọng tự do. Vì thế chúng ta phải tìm hiểu đâu là sai lầm giả tạo, hư vị.
Làm thế nào các ngài có thể đi sâu vào vấn đề này ? Đó phải chăng là vấn đề chính yếu? Vấn đề ấy không tùy thuộc vào bất cứ một ý thức hệ nào, dù là tả phái hay hữu phái : nếu vấn đề ấy tùy thuộc vào một ý thức hệ thì nó chỉ là một vấn đề ý kiến. Những ý tưởng chỉ luôn luôn tạo ra thù hằn, hỗn loạn, xung đột. Nếu các ngài nương cậy vào những quyển sách của phái tả hay phái hữu hoặc vào những sách thiêng liêng, các ngài chỉ nương cậy vào ý kiến, dù là ý kiến của Phật, chúa Ki Tô, của chủ nghĩa Tư bản, Cộng sản hay bất cứ ý kiến nào. Tất cả cũng chỉ là ý tưởng, những ý tưởng, chứ không phải là chân lý. Người ta không có thể nào phủ nhận một sự kiện. Người ta chỉ có thể phủ nhận ý kiến về sự kiện. Nếu chúng ta có thể khám phá ra sự thực của vấn đề là gì thì chúng ta có thể hành động một cách độc lập ngoài tất cả những ý kiến. Do đó chúng ta cần phải xua đuổi những gì người khác đã nói, phải thế không? Ý kiến của phái tả hay của những lãnh tụ khác chỉ là kết quả của sự quy định của họ, vì thế khi các ngài phải nương cậy vào chính sự khám phá của các ngài về những gì đã tìm được trong những quyển sách thì các ngài chỉ bị ràng buộc bởi ý kiến. Đó không phải là vấn đề kiến thức.
Làm thế nào mà người ta có thể khám phá ra sự thực của điều ấy ? Chúng ta sẽ hành động trên sự thực ấy. Muốn khám phá ra sự thực của điều ấy, chúng ta phải tự do, phải thoát khỏi tất cả mọi sự tuyên truyền, nói thế có nghĩa là các ngài phải có khả năng nhìn thẳng vào vấn đề, độc lập bên ngoài tất cả ý kiến. Toàn thể sứ mạng của giáo dục là đánh thức cá thể. Muốn thấy được sự thực ấy, các ngài phải minh bạch, nghĩa là các ngài không thể nương cậy vào một lãnh tụ. Khi các ngài chọn một lãnh tụ, các ngài chỉ làm thế vì tâm trí các ngài hỗn loạn, và lãnh tụ của các ngài cũng hỗn loạn, đó là điều đang xảy ra hiện nay tại thế giới. Vì thế các ngài không thể mong chờ lãnh tụ các ngài sẽ hướng dẫn các ngài.
Một tâm trí muốn thông suốt một vấn đề thì chẳng những hiểu được vấn đề một cách trọn vẹn hoàn bị, mà còn phải có khả năng theo dõi vấn đề một cách nhanh chóng linh động, bởi vì vấn đề luôn luôn linh động, chứ không bất di bất dịch. Vấn đề luôn luôn mới lạ dù là vấn đề đói kém, vấn đề tâm lý hay bất cứ vấn đề nào khác. Bất cứ một cuộc khủng hoảng nào cũng đều mới lạ, vì thế muốn hiểu cuộc khủng hoảng ấy, tâm trí chúng ta phải luôn luôn tươi tắn, trong suốt, nhanh nhẹn trong việc đuổi theo nó. Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều ý thức được sự khẩn cấp của một cuộc cách mạng nội tâm, chỉ có cuộc cách mạng nội tâm ấy mới có thể đem đến sự thay đổi căn bản, thay đổi một nền tảng, thay đổi nền móng của thế giới bên ngoài và của xã hội. Đó là vấn đề mà chính tôi và những người có thiện chí đứng đắn đang để tâm. Làm thế nào để mang đến một cuộc thay đổi nền tảng cho xã hội, đó là vấn đề của chúng ta, và cuộc thay đổi ngoại giới không thể nào xuất hiện nếu không có cuộc cách mạng nội tâm. Bởi vì xã hội thì luôn luôn bất di bất dịch mà bất cứ sự hành động nào, bất cứ sự cải tạo nào đều trở nên bất di dịch, nếu không có cuộc cách mạng bên trong tâm hồn. Như thế chúng ta không thể nào mong đợi gì nữa nếu cuộc cách mạng nội tâm không thường xuyên xảy ra, vì nếu không có cuộc cách mạng bên trong tâm hồn thì hành động bên ngoài chỉ là việc lặp đi lặp lại theo thói quen. Cử chỉ giao tiếp giữa các ngài và một người khác, tạo thành xã hội ; và xã hội sẽ trở thành một thực thể chết không linh động ; nó sẽ không còn giữ được một nguồn sinh lực nào nữa khi mà cuộc cách mạng nội tâm thường xuyên không thể hiện được, cuộc cách mạng nội tâm là sự chuyển hóa tâm lý sáng tạo, và xã hội vẫn luôn luôn là bất động ứ đọng lại, kết tụ lại, nếu cuộc cách mạng thường xuyên trong tâm hồn không xuất hiện. Chúng ta phải thường xuyên phá vỡ xã hội bất động ấy.
Tương quan với các ngài và sự khốn khổ và sự hỗn loạn bên trong tâm hồn các ngài và chung quang các ngài, tương quan ấy là gì ? Hiển nhiên sự hỗn loạn ấy, sự khốn khổ ấy không thể nào xuất hiện riêng rẽ được, chính các ngài và tôi đã tạo ra nó chứ không phải một nhà tư bản nào khác, hay một người Cộng sản nào khác, cũng không phải bất cứ một xã hội Phát xít nào, nhưng chính các ngài và tôi đã tạo ra sự hỗn loạn ấy trong sự giao tiếp hỗ tương của chúng ta. Những gì bên trong tâm hồn các ngài đã được phóng đại thể hiện ra bên ngoài nơi thế giới bên ngoài; các ngài là gì, các ngài nghĩ gì, các ngài cảm thấy gì, các ngài làm gì trong đời sống thường nhật thì tất cả những sự việc ấy đã được thể hiện ra bên ngoài và những sự việc ấy làm thành thế giới. Nếu chúng ta khốn khổ, bấn loạn, hỗn loạn nội tâm thì tất cả những thứ ấy được phóng ra bên ngoài để thể hiện thành thế giới con người, thành xã hội, bởi vì tương quan giữa các ngài và tôi, giữa tôi và một người khác chính là xã hội và xã hội là sản phẩm của sự tương quan hỗ tương của chúng ta và nếu sự tương quan hỗ tương ấy mà bấn loạn vị kỷ, nông cạn hẹp hòi, quốc gia cục bộ, thì chúng ta phóng đại thể hiện những điều ấy ra bên ngoài và tạo ra sự hỗn loạn trên thế giới. Các ngài thế nào là sao thì thế giới là thế. Vậy thì vấn đề của các ngài chính là vấn đề của thế giới. Hiển nhiên đây là một sự kiện đơn giản căn bản, có phải thế không? Trong sự giao tiếp của chúng ta với một người hay nhiều người, chúng ta dường như bỏ quên, luôn luôn bỏ quên điểm ấy. Chúng ta muốn đem đến một sự thay đổi bằng một hệ thống ý thức mà quên rằng chính các ngài và tôi đã tạo ra xã hội, chính các ngài và tôi đã tạo ra sự hỗn loạn hay trật tự bằng chính lối sống của chúng ta. Thế thì chúng ta phải bắt đầu ngay tại đây, bắt đầu bằng những gì gần bên chúng ta, chúng ta phải lưu tâm để ý đến chính bản thân mình trong đời sống thường nhật, trong những tư tưởng hàng ngày, những cảm giác và những hành động, những gì đã được tỏ bày ra trong lề lối mưu sinh và trong sự giao tiếp của chúng ta với những ý tưởng hoặc những tín ngưỡng. Phải chăng đó là đời sống hàng ngày của chúng ta? Chúng ta bận bịu với cơm áo, với việc làm, để kiếm tìm; chúng ta bận bịu với việc xử sự trong gia đình hoặc với những kẻ láng giềng, và chúng ta bận bịu với những ý tưởng và với những tín ngưỡng.
Bây giờ nếu các ngài khảo sát mối bận tâm lo lắng của các ngài thì các ngài sẽ thấy rằng sự bận bịu ấy đã được hình thành trên sự đố kỵ thèm muốn, nó không phải chỉ là một phương tiện để mưu sinh mà thôi. Xã hội chỉ được xây dựng để trở thành tiến trình của sự xung đột thường xuyên của sự chuyển thành liên tục ; nó đã được xây dựng trên sự tham lam, trên sự thèm muốn đố kỵ, thèm muốn đố kỵ những người địa vị cao hơn các ngài ; người thư ký muốn trở thành ông giám đốc, điều ấy chỉ chứng tỏ rằng hắn không phải chỉ bận bịu với việc sinh sống, bận bịu với phương tiện mưu sinh, mà còn muốn được địa vị và uy thế. Thái độ ấy hiển nhiên chỉ tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, trong tương quan giữa con người, nhưng nếu các ngài và tôi chỉ bận bịu có việc sinh sống thì chúng ta phải tìm ra một phương tiện chính trực để sinh nhai, tìm ra một phương tiện không xuất phát từ lòng ham muốn đố kỵ; sự đố kỵ, thèm muốn là một trong những yếu tố tai hại trong sự giao tiếp giữa con người; bởi vì lòng đố kỹ ghen ghét chỉ chứng tỏ lòng ham muốn quyền thế, ham muốn địa vị, và điều ấy sau rốt dẫn đến chính trị : chính trị và lòng tham dục có liên quan mật thiết với nhau. Khi một người thư ký tìm cách trở thành một ông giám đốc thì việc ấy trở nên yếu tố tạo tác chính trị tham quyền : chiến tranh đã xuất phát từ đó ; do đó người thư ký ấy đã trực tiếp chịu trách nhiệm trong cuộc chiến tranh.
Sự giao tế của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng nào ? Sự giao thiệp giữa các ngài và tôi, giữa các ngài và người khác là xã hội, thế thì xã hội đã được xây dựng trên nền tảng nào? Hiển nhiên là không phải trên nền tảng tình thương, mặc dù chúng ta đã nói nhiều về tình thương. Xã hội không được xây dựng trên nền tảng tình thương, bởi vì nếu thực sự có tình thương thì sẽ có trật tự, sẽ có hòa bình, hạnh phúc giữa các ngài và tôi . Nhưng trong giao tế giữa các ngài và tôi thì lại có quá nhiều ác ý, không thành thực, và sự không thành thực ấy , thiếu thiện chí ấy đã mang hình thức dáng dấp của sự kính trọng nể nang. Nếu chúng ta đều bình đẳng trong tư tưởng, trong cảm giác thì không phải cần có sự kính trọng nào cả, không cần phải thiếu thành thực, bởi vì chúng ta là hai cá nhân gặp gỡ nhau, không phải gặp gỡ như là trò và thầy, cũng chẳng phải là vợ cai trị chồng. Khi có sự thiếu thiện chí, thiếu thiện ý thành thực thì lòng tham dục lại xuất hiện, lòng tham muốn thống trị đã gây ra, khơi dậy lòng ghen ghét, hờn giận đam mê đắm đuối. Tất cả những thứ ấy trong sự giao tế hàng ngày đã gây ra sự xung đột thường xuyên mà chúng ta đã cố gắng chạy trốn, và chạy trốn lại chỉ tạo ra sự hỗn loạn khác, sự khốn khổ khác.
Nói về những ý tưởng, làm thành đời sống thường nhật của chúng ta, chẳng hạn như những tín ngưỡng và những phương thức, có phải những thứ ấy đã làm méo mó tâm trí chúng ta hay không? Và sự ngu dại là gì? Ngu dại khờ khệch là đặt những giá trị sai lầm vào những sự vật mà ta đã tạo ra. Hầu hết những tư tưởng của chúng ta có phải đều bắt nguồn từ bản năng tự vệ? Ồ phải chăng những ý tưởng chúng ta, ờ, quá nhiều ý tưởng chúng ta , phải chăng những ý tưởng ấy chỉ nhận một ý nghĩa sai lầm mà chính những ý tưởng ấy chẳng hề có trong tự thể? Vì thế khi chúng ta tin tưởng vào bất cứ một hình thức nào, dù là tôn giáo, kinh tế hoặc xã hội, khi chúng ta tin tưởng vào Thượng Đế, vào những ý tưởng, vào một cơ cấu xã hội phân ly con người với con người, và chủ nghĩa quốc gia v.v…Hiển nhiên chúng ta đã đặt một ý nghĩa sai lầm vào tín ngưỡng, điều ấy chỉ chứng tỏ sự khờ khệch ngu dại, bởi vì tín ngưỡng chỉ phân tán con người, chứ không thống nhất con người lại. Thế thì chúng ta đã thấy rằng chính lối sống đã có thể tạo ra trật tự hay hỗn loạn, hòa bình hay xung đột, hạnh phúc hay thống khổ.
Phải chăng vấn đề của chúng ta là tìm hiểu xem có thể nào có được một xã hội bất động và đồng thời có một cá thể mà cuộc cách mạng thường xuyên có thể xuất hiện trong tâm tư của cá thể ấy? Nói thế có nghĩa là cuộc cách mạng trong xã hội phải bắt đầu bằng cuộc chuyển hóa tâm lý trong tâm tư của cá thể. Hầu hết chúng ta đều muốn chứng kiến một cuộc chuyển hóa triệt để trong cơ cấu xã hội. Đó là mặt trận toàn diện đang tiếp diễn hiện nay ở thế giới : người ta muốn đem đến một cuộc cách mạng xã hội bằng phương tiện cộng sản hoặc bất cứ phương tiện nào khác. Nhưng nếu cuộc cách mạng xã hội xảy ra thì đó chỉ là hành động đụng chạm hời hợt đến cơ cấu bên ngoài của con người, dù có cách mạng triệt để đi nữa thì bản chất của cuộc cách mạng xã hội chỉ là một thực thể tĩnh chết bất động, nếu cuộc cách mạng nội tâm không được thể hiện trong cá thể, nếu cuộc chuyển hóa tâm lý không được tựu thành trong cá thể. Thế thì muốn khai sinh một xã hội linh động, không đi lại, không lặp lại đường lối cũ, không tĩnh chết bất động, không đồi phế suy sụp, muốn đem đến một xã hội luôn luôn linh động thì chúng ta nhất định phải tạo ra một cuộc cách mạng trong cơ cấu tâm lý của cá thể, vì nếu không có cuộc cách mạng nội tâm, cách mạng tâm lý thì sự thay đổi hời hợt bên ngoài chẳng có ý nghĩa gì đáng kể cả. Nói thể có nghĩa là xã hội luôn luôn phải bị đọng cứng tĩnh chết, không sống động vì thế luôn luôn suy tàn, sụp độ. Dù có ban hành luật pháp thông minh đến đâu đi nữa thì xã hội luôn luôn lệ thuộc tiến trình thối nát suy tàn, bởi vì cuộc cách mạng phải xảy ra trong tâm tư, chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài.
Tôi nghĩ rằng hiểu được điều ấy là điều rất quan trọng và không nên đề cập qua loa thôi. Hành động ngoại quan, khi nào đã được thành tựu rồi thì chỉ là tĩnh chết bất động ; nếu tương quan giữa những cá thể, tức là xã hội, mà không phải xuất phát từ một cuộc cách mạng nội tâm thì cơ cấu xã hội vốn bản chất là một thực thể tĩnh chết sẽ nuốt lấy cá thể và khiến cá thể ấy cũng trở thành một thực thể tĩnh chết thụ động giống như vậy. Khi ý thức được như vậy, ý thức ý nghĩa tuyệt vời của sự kiện ấy thì việc đồng ý hay bất đồng ý không thành vấn đề. Sự thực không thể phủ nhận là xã hội luôn luôn kết tinh lại và nuốt lấy cá thể; và chúng ta cũng phải nhận rằng cuộc cách mạng sáng tạo thường xuyên chỉ có thể thực hiện trong cá thể, chứ không thể trong xã hội, trong thế giới bên ngoài. Nói thế có nghĩa là cuộc cách mạng sáng tạo chỉ có thể xảy ra trong tương quan cá thể, tức là xã hội. Chúng ta đã thấy cơ cấu xã hội hiện tại ở Ấn độ, Âu châu và Mỹ châu, trong toàn thể thế giới, cơ cấu xã hội đã bị phân hóa một cách nhanh chóng ; chúng ta có thể biết được sự kiện ấy ngay chính trong đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể quan sát nó lúc chúng ta đi xuống phố. Chúng ta không cần phải chờ những sử gia vĩ đại kể cho chúng ta biết rằng xã hội chúng ta đang sụp đổ và đòi hỏi những kiến trúc sư mới, những kẻ xây dựng mới để tạo tác một xã hội mới. Cơ cấu xã hội mới phải được thiết lập trên một nền móng mới, trên những sự kiện và những giá trị mới được khám phá. Những kiến trúc sư như thế vẫn chưa xuất hiện. Chưa kẻ nào muốn xây dựng, chưa có kẻ nào khi quan sát và ý thức được rằng cơ cấu xã hội đang sụp đổ thì chính kẻ ấy, khi vừa ý thức như vậy, liền tự mình chuyển hóa trở thành những kiến trúc sư. Đó mới chính là những vấn đề của chúng ta. Chúng ta đã thấy xã hội đang sụp đổ, phân hóa, và chính chúng ta, các ngài và tôi , phải là những kiến trúc sư. Các ngài và tôi phải khám phá lại những giá trị và xây dựng lại mọi sự trên một nền móng căn bản hơn, trường tồn hơn; bởi vì nếu chúng ta chỉ kỳ vọng nơi kiến trúc sư nhà nghề, nơi những kẻ xây dựng tôn giáo và chính trị thì nhất định chúng ta vẫn luôn luôn bị kẹt trong vị trí cũ và chẳng có gì thay đổi mới lạ cả.
Bởi vì các ngài và tôi không phải là những kẻ sáng tạo, do đó chúng ta đã đẩy xã hội đến tình thế hỗn tạp hiện nay; các ngài và tôi phải là những kẻ sáng tạo, bởi vì vấn đề rất là khẩn trương; các ngài và tôi phải ý thức duyên do nguồn gốc sự sụp đổ xã hội hiện nay và tạo lại một cơ cấu mới xây dựng trên sự tri ngộ sáng tạo của chúng ta, chứ không phải chỉ xây dựng trên sự mô phỏng thụ động. Phải chăng sự tri nhận sáng tạo của chúng ta ngụ ngầm cả tư tưởng phủ nhận. Tư tưởng phủ nhận là hình thức cao nhất của sự giao cảm tri nhận. Nói về tư tưởng phủ nhận là muốn nói đến tư tưởng sáng tạo, muốn hiểu bất cứ điều gì thì cần phải có đầu óc sáng tạo, chúng ta phải đi đến vấn đề một cách tiêu cực, nghĩa là đi trên lộ trình phủ nhận, bởi vì việc đặt vấn đề trên quan điểm tích cực, không có gì là sáng tạo cả ; đi đến bất cứ vấn đề nào một cách tích cực, chỉ là mô phỏng lại đường mòn lối cũ thôi. Nói thế có nghĩa là các ngài và tôi phải trở thành những con người sáng tạo để mà có thể xây dựng một cơ cấu xã hội mới. Muốn hiểu một thảm trạng suy tàn, ta phải khảo sát nó, ngắm nghía nó một cách tiêu cực, bằng đường lối phủ nhận, chứ không thể nào đi đến nó bằng một hệ thống ý thức tích cực, một phương thức xây dựng tích cực, một kết luận chặt chẽ tích cực.
Tại sao xã hội lại sụp đổ, suy tàn, phân tán, như chúng ta đã thấy quá hiển nhiên như thế? Một trong những lý do đưa đến sự tình như thế là vì chính các ngài, những cá thể, đã không còn là những tâm hồn sáng tạo. Tôi xin giải thích cho minh bạch. Các ngài và tôi đã trở thành những kẻ mô phỏng thôi. Chúng ta chỉ phóng tác, chép lại, bắt chước người khác bên trong tâm hồn và bên ngoài xã hội. Ở thế giới bên ngoài, mỗi khi bạn tập một kỹ thuật, mỗi khi trao đổi giao tiếp với nhau trên bình diện ngôn từ, hiển nhiên khó mà tránh được việc mô phỏng, chép lại, bắt chước người khác. Tôi cóp chép lại những lời lẽ của kẻ khác, chẳng hạn. Muốn trở thành lời một kỹ sư, trước tiên phải học kỹ thuật cơ khí, rồi áp dụng kỹ thuật này để xây cất một cái cầu, chẳng hạn. Trong việc áp dụng kỹ thuật ở đời sống thực tế bên ngoài, hiển nhiên chúng ta không thể không mô phỏng, bắt chước, học lại của người khác, nhưng nếu trong đời sống nội tâm , trong sinh hoạt tâm lý mà chúng ta lại mô phỏng lặp lại, chép lại, bắt chước theo người khác thì hiển nhiên chúng ta không còn là những nghệ sỹ sáng tạo nữa. Sự mô phỏng, bắt chước đã qui định tất cả nền tảng giáo dục chúng ta, cơ cấu xã hội chúng ta và đời sống tôn giáo của chúng ta. Như thế là tôi đã tự động khép mình lại trong một phương thức khuôn phép xã hội hay tôn giáo nào đó. Tôi không còn là một tâm hồn sáng tạo, không còn là một cá thể thực sự; đứng về mặt tâm lý, tôi đã trở thành một cái máy lặp đi lặp lại với những phản ứng tự động nhất định; dù là những phản ứng qui định của một người Ấn giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo, của một người Đức hay người Anh ; tất cả những phản ứng ấy đều có tính cách tự động, bị qui định nặng nề. Những phản ứng của chúng ta bị qui định đóng khuôn ăn rập theo mô hình xã hội, không phân biệt xã hội Đông phương hay Tây phương, duy linh hay duy vật. Như thế chúng ta đã thấy rằng một trong những nguyên nhân chính của sự phân tán xã hội là phỏng theo bắt chước , và một trong những yếu tố phân hóa chính là vị trí của người lãnh tụ, mà bản chất của óc lãnh đạo rốt lại cũng chỉ là mô phỏng, vì bắt chước hướng dẫn trên một đường lối hữu hiệu nào đó trong bài học lịch sử,
Muốn hiểu bản chất của xã hội phân hóa, phải chăng chúng ta rất cần phải tìm hiểu xem các ngài và tôi, những cá thể, có thể nào là những con người sáng tạo hay không ? Chúng ta thấy ngay rằng ở đâu có sự mô phỏng bắt chước thì ở đấy nhất định xảy ra nạn phân hóa ly tán ; ở đâu có quyền thế thị uy thì ở đấy có sự đúc khuôn rập mẫu. Bởi vì toàn thể sinh hoạt cấu thể tâm lý, tâm trí của chúng ta được đặt nền tảng trên quyền thế, quyền uy, cho nên, chúng ta cần phải được tự do để giải thoát khỏi uy quyền thế lực, để mà có thể trở nên những con người sáng tạo. Các ngài có để ý rằng trong những khoảnh khắc sáng tạo, những khoảnh khắc tuyệt vời sinh lực, chúng ta không bao giờ có ý thức phải mô phỏng hay bắt chước ai cả ? Những khoảnh khắc như thế thì luôn luôn mới lạ, tươi tắn và nặng chĩu linh giác sáng tạo và triền miên hạnh phúc. Thế thì chắc chúng ta đã nhận rằng một trong những lý do phân hóa xã hội chính là sự mô phỏng bắt chước, tức là sùng bái quyền uy thế lực của người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét