Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Tự do đầu tiên và cuối cùng (4) - Phần một

Phần một - chương 7,8,9
Krishnamurti - Tự do đầu tiên và cuối cùng
Bản dịch Phạm Công Thiện
CHƯƠNG VII
NỖ LỰC

Đối với phần lớn chúng ta, trọn vẹn đời sống của chúng ta được xây dựng trên nỗ lực, một hình thức của ý chí. Chúng ta không thể nào ý niệm được một hành động mà không có lòng sở cầu, không có ý chí, không có nỗ lực. Trọn cuộc đời của chúng ta đã được xây dựng trên nỗ lực. Đời sống xã hội, kinh tế và đời sống gọi là đời sống “tâm linh” đều là một chuỗi dài những nỗ lực liên tiếp, luôn luôn được tựu hội thành ra một kết quả nào đó . Rồi chúng ta nghĩ rằng nỗ lực rất chính yếu, cần thiết.
Tại sao chúng ta cố gắng, nỗ lực, chịu khó ? Nói một cách giản dị, phải chăng chúng ta nỗ lực cố gắng để đạt đến một kết quả, để trở thành một nhân vật nào đó, trở thành một cái gì đó, đạt tới mục đích ? Nếu chúng ta không nỗ lực, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ thoái bộ, ngưng trệ. Chúng ta có một ý tưởng về mục đích mà chúng ta thường xuyên cố gắng đạt tới ; và sự cố gắng nỗ lực này trở nên thành phần của đời sống chúng ta . Nếu chúng ta muốn thay đổi chuyển hóa bản thân, nếu chúng ta muốn mang đến một sự thay đổi triệt để cho bản thân, chúng ta phải cố gắng , phải nỗ lực hết sức để tiêu trừ những thói xấu, để chống kháng lại ảnh hưởng hoàn cảnh thông thường, vân vân. Vì vậy, chúng ta đã quen thuộc với chuỗi nỗ lực liên tục để tìm thấy và đạt tới một sự thể nào đó để mà có thể sống ra hồn.
Phải chăng nỗ lực như thế là sinh hoạt của bản ngã ? Phải chăng nỗ lực là sinh hoạt vị kỷ ?
Nếu nỗ lực của chúng ta xuất phát từ trung tâm bản ngã, nhất định nỗ lực ấy sẽ tạo ra thêm nhiều xung đột, thêm nhiều hỗn loạn, thêm nhiều thống khổ. Tuy thế chúng ta vẫn tiếp tục hành động từ nỗ lực này đến nỗ lực khác. Ít có người nào trong chúng ta ý thức được rằng sinh hoạt vị kỷ của nỗ lực không thể nào làm sáng tỏ bất cứ vấn đề nào của chúng ta ; trái lại, nỗ lực chỉ gia tăng sự hỗn loạn, sự thống khổ đau đớn trong đời sống của chúng ta. Chúng ta biết như vậy ; thế mà chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng thế nào rồi cũng phá vỡ được sinh hoạt vị ngã của nỗ lực, tức là hành động của ý chí.
Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của đời sống, nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự nỗ lực. Hạnh phúc có thể đạt được nhờ nỗ lực không ? Ngài có bao giờ cố gắng hạnh phúc không ? Không, không thể nào được, phải thế ? Ngài cố gắng cầm cự tranh đấu để được hạnh phúc và hạnh phúc cũng không xuất hiện , phải thế ? Niềm vui không thể thực hiện bằng cách đàn áp, bằng cách kiềm chế hay sa đọa bừa bãi. Ngài có thể sa đọa bừa bãi nhưng rốt ráo rồi sẽ nếm vị chua cay. Ngài có thể đàn áp hay chế ngự nhưng âm ĩ tiềm tàng vẫn luôn luôn là sự xung đột đấu tranh. Do đó, hạnh phúc không thể xuất hiện bằng nỗ lực, niềm vui cũng không thể xuất hiện bằng sự kiểm soát kiềm chế và đàn áp ; vậy mà tất cả đời sống của chúng ta chỉ là một chuỗi dài gồm toàn những sự đàn áp, những sự kiềm chế, những sự sa đọa đầy hối tiếc. Đồng thời chúng ta thấy ở đâu cũng là sự hiếu thắng thường xuyên, cố gắng để vượt qua, tranh đấu thường xuyên với những đam mê của mình, với lòng tham lam và sự ngu xuẩn của mình. Vậy thì có phải chúng ta đã cố gắng, đã chiến đấu, đã nỗ lực mong muốn tìm thấy hạnh phúc, tìm thấy một cái gì đó mà có thể mang đến cho chúng ta cảm giác thanh bình, một xúc cảm thương yêu ? Tuy nhiên, có phải tình thương hay sự giao cảm có thể xuất hiện bằng sự nỗ lực tranh đấu ? Tôi nghĩ rằng việc hiểu được ý nghĩa của sự tranh đấu, của sự cố gắng hay nỗ lực là một điều vô cùng quan trọng.
Phải chăng nỗ lực có nghĩa là tranh đấu thay đổi cái đang thành ra một cái khác hay thành ra cái mình muốn nó phải là, phải trở nên như những ý muốn của mình ? Nghĩa là chúng ta thường xuyên tranh đấu cố gắng trốn tránh đối mặt với cái đang , hay là chúng ta cố gắng chạy thoát khỏi nó hay cố gắng biến thể hay biến chuyển hiện thể, cái đang , tức là thực tại. Một người thực sự tự tại, bằng lòng, tự túc là một người hiểu được cái đang , đặt đúng cái ý nghĩa của cái đang . Đó mới là lòng tự tại chân chính, sự tự tại ấy không dính dáng gì với việc có được ít hay nhiều vật sở hữu mà lại chỉ bận tâm tìm hiểu ý nghĩa trọn vẹn của cái đang ; và cái đang  chỉ có thể xuất hiện khi ngài tri nhận nó, khi ngài ý thức nó, chứ không phải khi các ngài cố gắng biến chuyển hoặc cố gắng thay đổi nó.
Thế thì chúng ta thấy rằng nỗ lực là một sự cố gắng hay là một sự tranh đấu để biến thể cái đang trở thành cái mà mình muốn nó là. Tôi chỉ nói về sự chiến đấu tâm lý chứ không phải sự chiến đấu với một vấn đề vật lý, như công tác kỹ sư hay một sự khám phá nào đó hay sự biến chuyển nào đó hoàn toàn có tính cách kỹ thuật. Tôi chỉ nói đến sự chiến đấu về mặt tâm lý mà sự chiến đấu này luôn luôn chế ngự phạm vi kỹ thuật. Ngài có thể xây cất một xã hội tuyệt vời với tất cả sự săn sóc đàng hoàng, áp dụng kiến thức vô hạn mà khoa học đã mang đến cho chúng ta . Nhưng khi mà sự chiến đấu tâm lý, sự tranh đấu và chiến đấu không được lý giải, cùng đặc sắc và lưu hướng tâm lý không được chế ngự, dù là cơ cấu xã hội có được xây dựng một cách tuyệt vời đi nữa thì sớm muộn gì cũng phải sụp đổ, đó là điều thường xảy ra trên đời này.
Nỗ lực là sự lôi cuốn ra ngoài cái đang . Vừa khi tôi chấp nhận cái đang  thì không còn sự chiến đấu nữa. Bất cứ hình thức nào của sự cố gắng hay sự chiến đấu chỉ là dấu hiệu của sự xao lãng và sự xao lãng ấy, tức là nỗ lực, phải luôn luôn hiện hữu khi mà tôi muốn chuyển hóa cái đang  trở thành một cái không phải là nó trên bình diện tâm lý.
Trước tiên chúng ta phải tự do để thấy rằng niềm vui và hạnh phúc không phải xuất phát từ sự nỗ lực. Sự sáng tạo có phải xuất hiện nhờ nỗ lực hay là chỉ có sự sáng tạo là khi nào tất cả nỗ lực đều chấm dứt ? Khi nào các ngài viết, vẽ và hát ? Khi nào các ngài sáng tạo ? Chắc chắn là khi nào không có nỗ lực, khi nào các ngài hoàn toàn cởi mở, khi nào các ngài tiếp thông giao cảm ở tất cả mọi địa hạt trình độ, được hoàn toàn nhập thể. Lúc ấy mới có niềm vui xuất hiện, lúc ấy ngài bắt đầu ca hát hoặc làm thơ hoặc vẽ tranh hay khuôn đúc một cái gì đó. Giây phút sáng tạo không xuất phát từ sự chiến đấu, sự cố gắng. Có lẽ khi hiểu được vấn đề sáng tạo chúng ta sẽ có thể hiểu được ý nghĩa của nỗ lực. Tâm hồn sáng tạo có phải là hậu quả của nỗ lực, và chúng ta có ý thức được trong những khoảnh khắc tâm tư chúng ta ở trạng thái sáng tạo ? Hay tư thái sáng tạo phải chăng là cảm giác của sự tự quên mình một cách hoàn toàn, cảm giác rằng không còn hỗn loạn trong tâm tư khi mà mình hoàn toàn vô tư lự về sự vận hành của tư tưởng , khi mà hiện thể được sung mãn, trọn vẹn, phong phú ? Trạng thái ấy có phải là kết quả của sự làm việc vất vả, của sự lao tác gian nan, sự chiến đấu xung đột và nỗ lực ? Tôi không biết rằng các ngài có bao giờ để ý khi các ngài làm một việc gì đó một cách dễ dàng nhanh nhẹn thì không có nỗ lực gì cả ; sự chiến đấu cầm cự, cố gắng hoàn toàn không có, nhưng vì đời sống của chúng ta hầu hết chỉ là một chuỗi dài những cuộc giao tranh xung đột và tranh đấu , chúng ta không thể nào hình dung được một đời sống, một trạng thể mà sự cố gắng hoàn toàn dứt tuyệt.
Muốn hiểu được trạng thể không nỗ lực cố gắng, trạng thể của đời sống sáng tạo, chắc chắn chúng ta phải đi sâu vào vấn đề nỗ lực. Khi nói nỗ lực, chúng ta muốn nói cố gắng để tự thành đạt, để trở thành một cái gì đó phải thế không ? Tôi là thế này và tôi muốn trở nên thế khác ; tôi không là thế kia và tôi muốn trở nên thế kia. Trong việc trở thành thế kia, hiển nhiên xuất hiện sự cố gắng, chiến đấu, xung đột, tranh đấu. Trong sự tranh đấu này nhất định chúng ta bận tâm đến việc thành đạt bằng cách thu lượm cứu cánh nào đó, chúng ta tìm kiếm thực hiện bản thân trong một đối tượng, trong một con người, trong một ý tưởng và việc ấy đòi hỏi sự chiến đấu thường xuyên, sự tranh đấu, nỗ lực trở thành, cố gắng thành đạt. Vì thế chúng ta cho rằng sự nỗ lực ấy là một điều không thể tránh, và tôi muốn đặt nghi vấn rằng phải chăng điều ấy không thể tránh, nghĩa là điều muốn trở thành một cái gì đó ? Tại sao có sự tranh đấu như vậy ? Ở đâu có lòng ham muốn thành đạt ở bất cứ cấp độ nào, ở bất cứ trình độ nào, thì ở đó luôn luôn có sự tranh đấu. Sự thành đạt là nguyên động lực, đà thúc đẩy đàng sau nỗ lực, không phân biệt chỗ sai biệt giữa sự thành đạt nơi tâm thức của một người cầm quyền to tát, bà nội trợ hay một người nghèo, ở đâu cũng có sự chiến đấu để trở thành, để thành đạt danh phận.
Vậy thì tại sao lại có khát vọng muốn thành đạt bản thân ? Hiển nhiên khát vọng muốn thành đạt, muốn trở nên một cái gì đó, chỉ xuất hiện khi mình có ý thức rằng mình không là gì cả. Bởi vì tôi không là gì cả, bởi vì tôi thiếu thốn nghèo nàn nội tâm cho nên tôi tranh đấu để trở nên một cái gì đó ; bên ngoài hoặc bên trong tâm tư, tôi chiến đấu để thành đạt bản thân qua vị thế một người nào đó, qua một sự vật nào đó, qua một ý tưởng nào đó. Lấp đầy khoảng trống là trọn vẹn tiến trình của đời sống chúng ta . Ý thức được rằng mình trống rỗng, nghèo nàn trong tâm tư, thì mình liền cố gắng để thu góp những sự vật bên ngoài hay để vun xới sự giàu sang bên trong. Nỗ lực chỉ xuất hiện khi chúng ta trốn thoát sự trống rỗng nội tâm bằng hành động, bằng trầm tư mặc tưởng, bằng gia tăng tài sản, bằng thành công, thành tựu, bằng quyền thế, vân vân. Đó là đời sống thường nhật của chúng ta . Tôi ý thức rằng tôi thiếu thốn nghèo nàn nội tâm và tôi cố gắng chạy trốn nó hoặc lấp đầy nó. Sự chạy trốn, sự trốn tránh ấy hay sự cố gắng khuất lấp nỗi trống rỗng ấy chỉ gây ra sự chiến đấu, tương tranh, nỗ lực.
Vậy nếu mình không nỗ lực để chạy trốn thì những gì sẽ xảy ra ? Mình sống với sự cô đơn ấy, sống với sự trống rỗng kia ; và chấp nhận sự trống rỗng kia mình sẽ thấy rằng trạng thái sáng tạo xuất hiện và trạng thái sáng tạo ấy không có dính líu gì với sự chiến đấu, với sự nỗ lực. Sự nỗ lực chỉ hiện hữu khi mà chúng ta cố gắng trốn tránh nỗi cô đơn tâm tư, sự trống rỗng khôn cùng của nội tâm ; nhưng khi chúng ta nhìn sự cô đơn trống rỗng ấy, ngắm nó, khi chúng ta chấp nhận cái đang mà không trốn tránh, thì chúng ta sẽ thấy rằng tư thái hiện thể xuất hiện và tất cả sự tranh đấu đều chấm dứt.Trạng thái hiện thể ấy là tính chất sáng tạo và đó không phải là kết quả của sự chiến đấu.
Nhưng khi mình hiểu được cái đang , tức là sự trống rỗng, sự thiếu thốn nội tâm, khi mình sống với sự thiếu thốn ấy và hiểu nó trọn vẹn thì thực tại sáng tạo, lòng thông minh sáng tạo xuất hiện và chỉ có thế mới mang đến hạnh phúc.
Do đó, hành động như chúng ta từng biết thực ra chỉ là phản ứng, đó là một sự trở thành không ngừng, nghĩa là chối bỏ, trốn tránh cái đang ; nhưng khi mình ý thức sự trống rỗng mà không còn chọn lựa, không còn kết án hoặc biện minh, lúc bấy giờ vừa lúc hiểu được cái đang thì liền xuất hiện hành động, hành động ấy là hiện thể sáng tạo. Các ngài sẽ hiểu điều ấy khi các ngài tự ý thức mình trong hành động. Các ngài hãy ngắm nhìn các ngài khi các ngài hành động. Chẳng những ngắm nhìn bên ngoài thôi mà hãy nhìn đồng thời sự vận hành của tư tưởng và cảm giác các ngài. Khi các ngài ý thức sự vận hành ấy, các ngài sẽ thấy rằng tiến trình tư tưởng, tức là cả cảm giác và hành động, được xây dựng trên ý tưởng muốn trở thành. Ý tưởng muốn trở thành chỉ xuất hiện khi mình có cảm giác bất an tâm hồn, và cảm giác bất an ấy chỉ đến khi mình ý thức sự trống rỗng bên trong tâm tư. Nếu các ngài ý thức được tiến trình tư tưởng và cảm giác, các ngài sẽ thấy rằng có một sự chiến đấu liên tục, một nỗ lực muốn thay đổi, muốn chuyển hóa, muốn chuyển biến cái đang . Đó là nỗ lực muốn thành đạt và muốn thành đạt là trốn tránh trực tiếp cái đang . Nhờ tự tri, nhờ ý thức thường xuyên các ngài thấy rằng sự chiến đấu, sự cố gắng, sự xung đột trong việc muốn thành đạt đưa dẫn đến sự đau khổ, u sầu và mê muội. Chỉ khi nào các ngài ý thức sự thiếu thốn nội tâm và sống với nó mà không trốn tránh, chấp nhận nó trọn vẹn thì các ngài sẽ khám phá một sự tĩnh lặng phi thường, sự tĩnh lặng không phải được sắp đặt cấu thành mà là một sự tĩnh lặng chỉ xuất hiện khi mình hiểu được cái đang . Chỉ trong trạng thái tĩnh lặng ấy mới bừng lên hiện thể sáng tạo.

CHƯƠNG VIII
MÂU THUẪN

Chúng ta nhìn thấy mâu thuẫn trong chúng ta và chung quanh chúng ta ; chúng ta đánh mất sự thanh bình trong nội tâm mình và vì thế đánh mất luôn cả niềm thanh bình bên ngoài chúng ta , bởi vì chúng ta sống trong nỗi mâu thuẫn triền miên. Trong tâm hồn chúng ta xuất hiện thường xuyên trạng thái phủ nhận và chấp nhận ; những gì mình muốn là thế và những gì mình đang là thế, giữa ý muốn và hiện thể bản tính có sự mâu thuẫn chênh lệch. Trạng thái mâu thuẫn gây ra xung đột ; xung đột không thể đem đến thanh bình được : đó là sự kiện quá hiển nhiên, đơn giản. Chúng ta không nên diễn dịch sự mâu thuẫn nội tại thành ra một thứ nhị thuyết triết lý, bởi vì làm như vậy chỉ là sự trốn tránh quá dễ dãi. Nói thế nghĩa là mỗi khi chúng ta cho rằng mâu thuẫn là một trạng thái nhị nguyên thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã giải quyết được mâu thuẫn : thực rõ ràng đó chỉ là một sự giả ước, một sự góp phần trong việc chạy trốn hiện thực.
Vậy thì đối với chúng ta xung đột nghĩa là gì, mâu thuẫn nghĩa là gì ? Tại sao mâu thuẫn xuất hiện trong tâm tư tôi ? Như sự quằn quại thường xuyên muốn trở thành một cái gì khác hẳn bản tính thực sự của tôi. Tôi là thế này, và tôi muốn là thế kia. Nỗi mâu thuẫn nội tại này là một sự kiện, chứ không phải một nhị thuyết siêu hình học. Siêu hình học chẳng có ý nghĩa gì cả trong việc tìm hiểu cái đang . Chẳng hạn như chúng ta có thể thảo luận về thuyết nhị nguyên, về bản chất của thuyết ấy, về sự hữu hay phi hữu của thuyết ấy, vân vân ; nhưng những thứ ấy có giá trị gì đâu, khi mà chúng ta vẫn không biết rằng mâu thuẫn đang chi phối, lòng ta tràn đầy những khát vọng đối nghịch những quyền lợi đối nghịch, những sự đeo đuổi mục đích đối nghịch ? Tôi muốn trở nên một người tốt và tôi không thể trở nên được như vậy. Sự mâu thuẫn ấy, sự tương phản đối nghịch ấy trong lòng chúng ta , phải được lý giải, lãnh hội đúng mức, vì nó gây ra xung đột ; khi phải sống trong xung đột, trong chống chế tranh thủ, chúng ta không thể nào sáng tạo riêng lẻ được. Chúng ta hãy sáng suốt minh bạch về trạng thái mình đang sống. Vì có mâu thuẫn, nên mới có tranh chấp, chống đối chế ngự, và sự tranh đấu chống chế chính là sự phá hoại, sự hao tổn vô ích. Sống trong trạng thái tâm tư như vậy, chúng ta không thể nào sáng tạo được gì cả mà lại chỉ gây thêm nhiều hiềm khích, tương tranh, thêm nhiều chua chát và sầu muộn. Nếu chúng ta có thể hiểu được trọn vẹn điều vừa nêu và rồi giải thoát được ra ngoài mâu thuẫn, lúc bấy giờ, chúng ta mới có thể hưởng được niềm thanh thản nội tâm, chỉ có sự thanh bình tâm tư mới mang đến giao cảm giữa mình với người khác.
Vấn đề thực ra là như vậy. Dù thấy rằng xung đột chỉ gây khốc hại hoang phí, vậy tại sao mâu thuẫn vẫn ngự trị trong mỗi người chúng ta ? Muốn hiểu được điều ấy, chúng ta cần phải tiến thêm một bước xa hơn nữa. Tại sao ta có cảm giác về những khát vọng đối nghịch nhau ? Tôi không hiểu rằng chúng ta có ý thức được điều ấy trong tâm tư chúng ta, ý thức về nỗi mâu thuẫn, ý thức về cảm giác thèm muốn và không thèm muốn, về cảm giác tưởng nhớ một điều gì đó và cố gắng quên điều ấy để mà có thể tìm thấy một cái gì mới lạ. Xin các ngài chỉ ngắm nhìn điều ấy. Điều ấy rất giản dị và rất thông thường.
Đó không phải là một cái gì phi thường đâu. Sự kiện rõ ràng là mâu thuẫn hiện diện trong lòng ta. Thế thì tại sao sự mâu thuẫn ấy phát hiện ?
Đối với chúng ta, mâu thuẫn có nghĩa là gì ? Phải chăng mâu thuẫn ngụ ngầm một trạng thái vô thường tương phản lại một trạng thái vô thường khác ? Tôi nghĩ rằng tôi mang một khát vọng thường còn nào đó, tôi đặt trong tâm tư mình một lòng khát khao thường còn và rồi một lòng khát khao khác lại phát hiện lên và đối nghịch mâu thuẫn lại lòng khát khao thường còn ; sự mâu thuẫn này tạo ra xung đột và xung đột chỉ là một điều phung phí vô ích. Nói rõ hơn thì nỗi khát vọng này thường hay phủ nhận chối bỏ nỗi khát vọng kia, sự tìm kiếm đeo đuổi này tranh thủ với sự tìm kiếm đeo đuổi kia. Vậy, có cái gì có thể được coi như là lòng thèm muốn khát vọng thường còn, có mãi, bất di dịch ? Chắc chắn là tất cả lòng thèm muốn khát vọng đều vô thường , chóng qua, ở đây không nên hiểu theo nghĩa siêu hình học mà phải hiểu một cách hiện thực nhất. Tôi muốn có một công ăn việc làm. Nói rõ hơn, tôi xem một công việc làm ăn nào đó như là phương tiện đưa dẫn đến hạnh phúc ; rồi khi tôi đã được việc làm, tôi lại bất mãn. Tôi muốn trở thành ông quản lý, rồi lại muốn trở thành ông chủ, vân vân và vân vân. Lòng ham muốn ấy chẳng những xảy ra ở thế gian này, mà còn hướng dẫn đến một thế giới gọi là “thế giới tâm linh “ : thầy giáo muốn trở thành hiệu trưởng, linh mục muốn trở thành giám mục, học trò muốn trở thành thầy giáo.
Sự muốn trở thành liên tục này, muốn liên miên đi đến từ một trạng thái này đến một trạng thái khác, lòng ham muốn này đã gây ra một mâu thuẫn, phải thế không ? Do đó, tại sao bắt buộc phải nhìn đời như là một lòng khao khát thường còn, thay vì xem nó như là một chuỗi khao khát nhất thời, chóng qua và luôn luôn tương phản đối nghịch với nhau ? Thế thì tâm trí mình không cần phải sống trong trạng thái mâu thuẫn . Nếu tôi xem đời sống như là một chuỗi khát khao nhất thời, chứ không phải như là một nỗi khát khao thường còn, bất di dịch, nếu tôi xem đời sống như là một chuỗi khát khao biến dịch thay đổi thường xuyên thì lúc bấy giờ mâu thuẫn không còn xuất hiện nữa.
Mâu thuẫn chỉ phát hiện khi tâm trí có một điểm khát khao cố định ; nghĩa là khi mà tâm trí không còn xem  tất cả lòng khát khao như biến dịch, biến chuyển thay đổi nhất thời, nhưng lại tóm giữ một nỗi khao khát nào đó và biến nó thành ra cố định, thường còn, bất di dịch ; chỉ lúc ấy, khi những nỗi khát vọng khác phát hiện thì mâu thuẫn lại xuất hiện. Nhưng tất cả nỗi khát vọng thèm muốn đều biến dịch, vận hành thường xuyên, không có khát vọng nào là khát vọng cố định. Không có nỗi khát khao thèm muốn nào là một cứ điểm nhất định, nhưng tâm trí lại tạo lập một cứ điểm nhất định bởi vì tâm trí xem mọi sự như là một phương tiện để đạt tới, để thâu nạp ; và khi mà mình còn đang hướng tới một tiêu điểm nào đó thì mâu thuẫn, xung đột nhất định phải xuất hiện. Ngài muốn tới nơi, ngài muốn thành đạt, ngài muốn tìm thấy một Thượng đế tối thượng hay chân lý nào khả dĩ mang tới lòng thỏa mãn bất di dịch cho các ngài. Do đó các ngài không phải đi tìm chân lý, các ngài cũng không đi tìm Thượng đế. Các ngài đi tìm sự thỏa mãn trường tồn lâu dài, và các ngài che đậy sự thỏa mãn bằng manh áo của một ý tưởng , một tiếng nghe rất khả kính như Thượng đế, chân lý ; nhưng thực sự tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự thỏa mãn và chúng ta đặt sự thỏa mãn ấy trên một điểm cao nhất, gọi là Thượng đế, và điểm thấp nhất là rượu chè. Khi nào tâm trí còn đi tìm kiếm sự thỏa mãn thì không còn có sự khác nhau nào giữa Thượng đế và rượu chè.
Đứng về phương diện xã hội, việc say sưa rượu chè có thể là xấu xa ; nhưng lòng thèm khát nội tâm muốn tìm thỏa mãn, muốn tìm lời lãi vốn liếng thì lại càng tai hại hơn nữa, phải thế không ? Nếu các ngài thực sự muốn tìm thấy chân lý, các ngài phải chính trực một cách cực độ, không phải chỉ suông trong bình diện ngôn từ thôi, mà phải chính trực toàn triệt ; các ngài phải sáng suốt minh bạch một cách phi thường, và các ngài không thể nào sáng suốt minh bạch nếu các ngài không muốn đối mặt với những sự kiện.
Thế thì những gì đã đem đến mâu thuẫn trong mỗi chúng ta ? Rõ ràng là lòng thèm khát muốn trở nên, trở thành một cái gì đó, phải thế không ? Tất cả chúng ta đều muốn trở thành một cái gì đó, trở thành một người nào đó : trở thành một kẻ thành công ở thế gian này và thành đạt với một kết quả nào đó. Qua thời gian, qua phạm trù thành đạt, qua phạm trù địa vị quyền thế hiển nhiên sự mâu thuẫn phải phát hiện. Tựu chung, tâm trí là sản phẩm của thời gian. Tư tưởng đã được xây dựng trên nền móng của ngày hôm qua, trên nền móng của quá khứ, và khi nào tư tưởng sinh hoạt vận hành trong cương vực của thời gian, suy tư qua phạm trù của tương lai, của sự trở thành, thâu đạt, thành đạt, nhất định mâu thuẫn phải xuất hiện, vì lúc ấy chúng ta không thể đối mặt , chạm mặt đúng mức với cái đang . Chỉ lúc nào ý thức được, hiểu được, ý thức một cách không chọn lựa về cái đang , chỉ lúc ấy mới có thể có được tự do thoát khỏi yếu tố phân hóa, tức là sự mâu thuẫn.
Vì thế, phải chăng việc tìm hiểu trọn vẹn tiến trình suy tư của chúng ta là một việc rất cần thiết chính yếu ? Vì chính trong tiến trình suy tư, ta mới tìm thấy được mâu thuẫn.
Chính tư tưởng đã trở thành mâu thuẫn vì chúng ta đã không hiểu trọn vẹn tiến trình bản thân chúng ta ; sự tri kiến bản thân chỉ có thể thực hiện khi nào chúng ta hoàn toàn ý thức về tư tưởng chúng ta , không phải như là một quan sát viên đang tác động trên tư tưởng mà phải hoàn toàn ý thức về tư tưởng chúng ta một cách trọn vẹn và không chọn lựa ; việc này vô cùng gian nan khó khăn. Nhưng chỉ có làm thế thì mới có thể phá tan mâu thuẫn khốc hại điêu đứng.
Lúc nào chúng ta còn cố gắng đạt tới một kết quả tâm lý, lúc nào chúng ta còn muốn thọ hưởng sự an ninh tâm thần, nhất định lúc ấy mâu thuẫn còn ngự trị trong đời sống chúng ta .Tôi chẳng nghĩ rằng hầu hết chúng ta đã ý thức được sự mâu thuẫn này ; hoặc giả nếu chúng ta ý thức được thì chúng ta lại không thấy được ý nghĩa thực thụ của nó. Ngược lại, mâu thuẫn lại làm kích thích tố cho đời sống, chính sự va chạm bất hòa, chính yếu tố xung khắc ấy đã gây cho chúng ta có cảm giác rằng chúng ta đang sống. Sự nỗ lực và cơn quằn quại trong mâu thuẫn đã khiến cho chúng ta có cảm giác rằng chúng ta tràn đầy sinh khí. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta thích chiến tranh, tại sao chúng ta hưởng những nỗi dày vò vô vọng. Lúc nào chúng ta còn thèm khát muốn được đạt tới một kết quả nào đó, thèm khát muốn được bảo đảm an bình nội tâm, lúc ấy nhất định mâu thuẫn phát hiện ; lúc nào mâu thuẫn còn đó thì tâm trí không thể nào trầm lặng được.
Sự trầm lặng của tâm trí rất cần thiết trong việc tìm hiểu ý nghĩa trọn vẹn của đời sống. Tư tưởng không thể nào trầm lặng được ; tư tưởng, sản phẩm của thời gian, không bao giờ có thể tìm thấy sự phi thời gian, không bao giờ có thể biết được những gì vượt bên ngoài thời gian. Chính bản chất tư tưởng của chúng ta là một sự mâu thuẫn, vì chúng ta luôn luôn suy tư qua phạm trù của quá khứ hoặc của tương lai, vì thế chúng ta không bao giờ có thể tri nhận, không bao giờ có thể hoàn toàn ý thức được hiện tại.
Hoàn toàn ý thức được hiện tại là một việc vô cùng khó khăn, vì tâm trí không thể đối mặt trực tiếp vối một sự kiện mà không thể bị vướng vào sự lường gạt. Tư tưởng là sản phẩm của quá khứ, vì thế tư tưởng chỉ có thể vận hành qua phạm trù của quá khứ hoặc của tương lai ; tư tưởng không thể hoàn toàn ý thức về một sự kiện ngay trong hiện tại. Khi mà tư tưởng, sản phẩm của quá khứ, còn cố gắng tiêu diệt mâu thuẫn và tiêu diệt tất cả những vấn đề phức tạp do mâu thuẫn gây ra thì tư tưởng chỉ là cố gắng đeo đuổi một kết quả nào đó, cố gắng tựu thành một cứu cánh , tư tưởng như thế chỉ tạo ra thêm nhiều mâu thuẫn, nghĩa là thêm nhiều xung đột, thống khổ và hỗn loạn trong tâm thức chúng ta và chung quanh chúng ta .
Muốn thoát khỏi sự mâu thuẫn, mình phải ý thức về hiện tại mà không chọn lựa gì cả. Làm thế nào có thể chọn lựa gì khi các ngài đối mặt với một sự kiện ? Hiển nhiên chúng ta không thể nào tri nhận được sự kiện khi mà tư tưởng cố gắng vận hành tác động trên sự kiện qua phạm trù của sự trở thành, biến dịch, thay đổi, chuyển biến. Vì thế sự tự tri là bước đầu của việc giao cảm ; không có tự tri, mâu thuẫn và xung đột vẫn tiếp diễn ngự trị. Muốn biết được trọn vẹn tiến trình, muốn biết được toàn thể bản thân, việc ấy không đòi hỏi phải cần có bất cứ một chuyên viên nào, bất cứ một quyền uy thế lực nào cả. Chạy theo quyền uy thế lực chỉ sinh ra sợ hãi. Không có một chuyên viên, một nhà chuyên môn nào có thể tỏ cho chúng ta hiểu được tiến trình bản ngã. Mình phải tự khảo sát bản ngã mình cho chính mình. Các ngài và tôi có thể giúp đỡ lẫn nhau bằng cách nói với nhau bàn bạc với nhau về điều ấy, nhưng không ai có thể giải bày ra rõ ràng cho chúng ta ; không có một chuyên viên hay một bậc đạo sư nào có thể khai thác nó cho chúng ta . Chúng ta có thể ý thức về nó trong tương giao của chúng ta, tương giao với những sự vật, với tài sản, với con người và với những ý tưởng. Trong mối tương giao ấy, chúng ta sẽ khám phá rằng mâu thuẫn phát hiện khi hành động tự khuôn đúc theo một ý tưởng. Ý tưởng chỉ là sự đúc kết của tư tưởng trong vai trò của một biểu tượng, và nỗ lực hướng đời sống ăn rập theo biểu tượng chỉ tạo ra mâu thuẫn thôi.
Vậy, khi nào tư tưởng còn tạo ra mẫu mực, còn khuôn thước, khi nào chúng ta còn có mẫu mực tư tưởng trong đầu thì lúc ấy mâu thuẫn còn tiếp diễn ; muốn phá vỡ mẫu mực tư tưởng, do đó, đồng lúc phá vỡ luôn mâu thuẫn, thì sự tự tri, tự giác nhất định phải phát hiện trước tiên. Sự tri kiến bản ngã không phải là một tiến trình hiếm hoi dành cho một số ít người. Mình có thể tri kiến được bản ngã ngay trong ngôn ngữ thông thường trong đời sống thường nhật, trong đường lối suy tư và cảm giác, trong cử chỉ thái độ nhìn một người khác. Nếu chúng ta có thể ý thức được mỗi một tư tưởng, mỗi một cảm giác trong từng giây phút, lúc ấy chúng ta sẽ thấy rằng mình hiểu được những động tác của bản ngã trong sự tương giao. Chỉ có lúc ấy sự trầm lặng của tâm thức mới có thể xuất hiện và chỉ trong niềm tĩnh lặng ấy, thực tại tối thượng mới hiện thể.

CHƯƠNG IX
BẢN NGÃ LÀ GÌ?

Khi nói về bản ngã, chúng ta có biết rằng chúng ta muốn nói gì không ? Lúc đề cập vấn đề bản ngã, tôi cho rằng bản ngã có nghĩa là lý tưởng, ký ức, kết luận , kinh nghiệm , những hình thể đa dạng của những ý định hữu danh và những ý định vô danh, nỗ lực ý thức muốn được hiện thể hay không hiện thể, ký ức tích lũy của vô thức, vô thức chủng tộc, vô thức bè phái, cá thể , bộ lạc và trọn vẹn tất cả những thực thể vừa kể, kể cả những gì được thể hiện và phóng hiện ra bên ngoài trong hành động hoặc phóng hiện ra bình diện tâm linh như là nhân đức ; sự nỗ lực cố gắng thực hiện những điều vừa nêu chính là bản ngã. Sự cạnh tranh, lòng khát vọng muốn được hiện thể cũng là bản ngã nữa. Trọn vẹn tiến trình vừa kể chính là bản ngã ; mỗi khi chúng ta đối mặt với bản ngã chúng ta ý thức thực sự rằng bản ngã là một sự thể bất thiện, tai hại, tàn ác, xấu xa. Tôi dùng tiếng “xấu xa” một cách cố ý, bởi vì bản ngã luôn luôn phân hóa chia rẽ mọi sự ; bản ngã luôn luôn bưng bít đóng nhốt : những sinh hoạt của bản ngã, dù có tôn nghiêm cao quý đến đâu đi nữa, cũng chỉ gây ra sự phân ly và sự cô lập. Chắc hẳn chúng ta biết rõ tất cả những điều này. Chúng ta lại cũng thừa biết những giây phút thoát trần tuyệt vời : khi mà bản ngã không còn hiện diện, lúc mà mọi cảm thức nỗ lực, nỗ sức không còn xuất hiện trong ta nữa ; và tâm thái này chỉ xảy đến khi tình yêu thoáng hiện trong lòng người.
Đối với tôi, dường như điều quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu sự vận hành của kinh nghiệm trong việc củng cố bản ngã. Nếu chúng ta sống đứng đắn đàng hoàng, chúng ta cần phải hiểu vấn đề kinh nghiệm này. Vậy, nói đến kinh nghiệm, chúng ta muốn nói gì ? Chúng ta luôn luôn trải qua kinh nghiệm thường xuyên ; đó là những ấn tượng ; chúng ta diễn dịch lại những ấn tượng ; chúng ta phản ứng hay hành động ăn rập theo những ấn tượng ấy ; chúng ta tính toán, xảo quyệt, gian giảo, vân vân. Có sự hỗ tương tác dụng thường xuyên giữa những gì chúng ta thấy một cách khách quan và phản ứng của chúng ta đối với những điều nghe thấy ấy ; sự hỗ tương tác dụng cũng xảy ra giữa ý thức và những kỷ niệm của vô thức.
Khuôn theo những kỷ niệm của tôi, tôi phản ứng lại bất cứ những gì tôi thấy, bất cứ những gì tôi cảm. Trong sự vận hành của biến trình phản ứng lại những gì tôi thấy, những gì tôi cảm, những gì tôi biết, những gì tôi tin tưởng, trong sự vận hành của biến trình phản ứng này, phải chăng kinh nghiệm đang thành hình ? Phản ứng , đáp ứng lại một điều mình thấy, đó chính là kinh nghiệm. Khi tôi nhìn thấy ngài, tôi phản ứng lại ; định danh cho phản ứng ấy là kinh nghiệm. Nếu tôi không định danh phản ứng ấy thì nó không phải là kinh nghiệm. Hãy ngắm nhìn những đáp ứng riêng biệt của ngài và hãy ngắm nhìn những gì đang xảy ra nơi ngài. Không thể nào có kinh nghiệm được, nếu tiến trình định danh không xảy ra đồng lúc. Nếu tôi không nhận ra ngài, làm thế nào tôi có thể có được kinh nghiệm về việc gặp gỡ ngài ? Điều vừa nói có vẻ đơn giản và chính xác. Không phải đó là một sự kiện hiển nhiên ư ? Nói rõ hơn nữa, nếu tôi không phản ứng lại rập theo những kỷ niệm của tôi, tập theo bối cảnh qui định , rập theo những thành kiến của tôi, thì làm thế nào tôi có thể biết rằng tôi đã có một kinh nghiệm nào đó ?
Thế thì những khát vọng đa dạng đã phóng hiện ra ngoài. Tôi khát khao muốn được che chở bao bọc, muốn được an ninh bên trong tâm hồn ; hoặc tôi khát khao muốn có một bậc tôn sư, một đạo sư, một bậc thầy, một đấng thượng đế : rồi tôi có kinh nghiệm với điều tôi đã phóng hiện ra ngoài lòng khát khao dưới hình thức mà tôi đã đặt tên, rồi tôi phản ứng lại với hình thức hữu danh ấy. Đó chỉ là sự ngoại hiện phóng tưởng của tôi. Đó chỉ là sự định danh do tôi tạo ra. Lòng khát khao kia, sau khi đã đưa đến một kinh nghiệm cho tôi, bây giờ xui tôi nói đại loại như vầy “ tôi có kinh nghiệm”, “tôi đã gặp bậc đạo sư”, hay “tôi chưa gặp bậc Tôn Sư”. Các ngài hiểu trọn cả biến trình gọi danh, đặt tên một kinh nghiệm. Khát vọng, lòng thèm muốn , là cái mà các ngài gọi là kinh nghiệm, có phải thế ? Khi tôi muốn được tâm trí tĩnh lặng, những gì đã xảy ra, khi tôi muốn thế ? Cái gì xảy ra ? Vì những lý do tạp nhạp nào đó, tôi thấy rằng tâm trí tĩnh lặng, trầm mặc là một điều quan trọng ; chẳng hạn, bởi vì kinh nghiệm Upanishads đã dạy thế : những bậc thánh đã dạy thế, và thỉnh thoảng chính tôi cũng cảm thấy im lặng rất là quí, vì trí óc tôi cứ ba hoa lải nhải lắm chuyện suốt ngày. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy rằng tâm trí bình thản, trí óc trầm lặng là một điều tuyệt vời thú vị biết bao. Lòng khát khao nhóm dậy : muốn được thể nghiệm sự im lặng. Tôi muốn có được một bộ óc trầm lặng, vì thế tôi mới hỏi “ Làm thế nào tôi đạt được sự thanh thản trầm lặng ấy ?” Tôi được biết quyển sách nào đó đã chỉ dạy về thiền định và đủ loại giới luật hành tác. Thế thì tự khuôn mình vào một kỷ giới luật tâm linh nào đó, tôi tìm cách thể nghiệm sự im lặng. Thế là bản ngã, cái “tôi” đã tự củng cố, an định, ở lỳ luôn trong kinh nghiệm về im lặng.
Tôi muốn hiểu bản tính của chân lý ; đó là lòng khát vọng , lòng ao ước của tôi ; rồi đi theo sau đó là sự phóng hiện của tôi về những ý niệm ấy ; tôi đã nghe nhiều người nói về chân lý. Tôi muốn thể nhập tất cả những gì kinh điển đã dạy. Thế thì những gì xuất hiện ? Chính lòng ham muốn ấy, chính lòng khát khao ấy đã được phóng hiện ra ngoài, và tôi thể nghiệm bởi vì tôi tri nhận chính trạng thái phóng hiện ấy. Nếu tôi không tri nhận trạng thái ấy, tôi sẽ không gọi nó là chân lý. Tôi tri nhận trạng thái ấy và tôi thể nghiệm trạng thái ấy ; chính kinh nghiệm ấy tăng trưởng bản ngã, tăng trưởng cái “tôi”, có phải thế không ? Do đó bản ngã trở thành bị bủa vây đóng kín trong thành lũy của kinh nghiệm. Rồi lúc ấy ngài mới nói “tôi biết”, “đấng Đạo Sư xuất hiện”, “Thượng đến hiện hữu” hay “Thượng đế không hiện hữu” ; ngài mới nói rằng một ý thức hệ chính trị cá biệt nào đó đã đi đúng đường và tất cả những ý thức hệ khác đều sai.
Thế là kinh nghiệm luôn luôn vẫn tăng trưởng cái “tôi”. Càng lúc ngài càng bị đóng lũy trong kinh nghiệm ngài, càng lúc bản ngã ngài càng được củng cố. Hậu quả của biến trình ấy là tính tình ngài trở nên cứng rắn, kiến thức ngài, tín ngưỡng ngài cũng trở nên cứng rắn và ngài hãnh diện phô trương cho kẻ khác thấy, vì ngài biết rằng họ không tinh khôn như ngài, và vì ngài có khả năng viết lách hoặc khả năng diễn đạt, ăn nói hoạt bát và ngài lại quá tinh khôn, quá thủ đoạn. Vì bản ngã vẫn còn tác động mạnh trong lòng ngài, cho nên những tín ngưỡng, những bậc Tôn sư, những giai cấp, hệ thống kinh tế của ngài, tất cả những thứ ấy đã được ngài biến thành một tiến trình cô lập ; do đó, những thứ ấy đã gây ra sự bất đồng tương tranh. Nếu ngài thực sự chỉnh trang đứng đắn ; ngài phải phá tan trung tâm điểm bất động này một cách trọn vẹn, phá tan và đừng tìm cách biện minh gì hết. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải hiểu tiến trình kinh nghiệm.
Trí óc, cùng bản ngã , có thể nào không còn phóng hiện, không còn dự tính, không còn tham muốn, không còn thể nghiệm ? Chúng ta thấy rằng tất cả kinh nghiệm của bản ngã đều là một sự phủ định, sự phá hoại, thế mà chúng ta vẫn gọi những kinh nghiệm ấy là hành động xây dựng, có phải thế ? Nghĩa là chúng ta gọi đó là lối sống tích cực. Đối với các ngài, giải trừ trọn vẹn tiến trình này lại là phá hoại, phủ nhận, tiêu cực. Làm như thế có phải các ngài đã đi đúng hướng ? Các ngài và tôi, với tư cách là những cá thể, chúng ta có thể nào đi đến cội rễ của tiến trình ấy và hiểu được tiến trình ấy, tiến trình của bản ngã ? Vậy, cái gì giải tan bản ngã ? Những đoàn thể tôn giáo và những đoàn thể khác đã chia sẵn tinh thần đồng hóa, phải thế không ? Những đoàn thể ấy gọi mời chúng ta đại loại như vầy :” Hãy đồng hóa với một thực thể nào lớn rộng hơn thì bản ngã các người sẽ biến mất đi”. Nhưng cố nhiên tinh thần đồng hóa vẫn còn là tiến trình của bản ngã ; thực thể lớn rộng kia rốt lại chỉ là sự phóng hiện, phóng đại của cái “tôi” mà tôi thể nghiệm và do đó, chính việc ấy đã tăng trưởng, củng cố cái “tôi”.
Tất cả những hình thức đa dạng của kỷ luật, tín ngưỡng và kiến thức chắc chắn là chỉ tăng trưởng củng cố bản ngã. Chúng ta có thể tìm thấy một nguyên tố nào khả dĩ giải tan bản ngã ? Hay đây chỉ là một câu hỏi đặt sai ? Nhưng đó chính là điều chúng ta muốn thể hiện tự căn để. Chúng ta muốn tìm thấy một sự thể nào đó khả dĩ phá tan cái “tôi”, phải chúng ta muốn thế không ? Chúng ta nghĩ rằng có những phương tiện khác nhau như tinh thần đồng hóa, tín ngưỡng, vân vân ; nhưng tất cả những thứ ấy cũng đều nằm trên cùng một cấp độ ngang nhau ; không có cái nào cao hơn cái nào, bởi vì tất cả những thứ ấy đều chứa đựng cùng cường độ như nhau trong việc tăng trưởng củng cố bản ngã, cái “tôi”. Thế, có thể nào tôi thấy được cái “tôi” mỗi khi nó vận hành tác động và nhận ra năng lực, thế lực phá hoại của nó ? Dù tôi có gọi nó là gì đi nữa thì nó vẫn là một thế lực phân ly, cô lập, nó là một sức phá hoại, và tôi tìm cách tiêu trừ nó. Các ngài đáng lẽ nên tự hỏi như vầy – “tôi thấy cái “tôi” vận hành liên tục và luôn luôn gây ra sợ hãi, xao xuyến, tuyệt vọng, thất vọng, thống khổ, chẳng những cho tôi thôi mà cho tất cả những người chung quanh tôi. Vậy có thể nào giải trừ được bản ngã không ? Không phải chỉ giải trừ một cách phiến diện mà phải giải trừ toàn diện bản ngã ? “ Chúng ta có thể nào đào sâu tới cội rễ của bản ngã và phá hủy nó ? Đó mới là cách vận hành duy nhất thực sự , phải thế ? Tôi không muốn sáng trí một cách phiến diện, mà chỉ muốn sáng trí một cách thuần tính toàn diện. Hầu hết chúng ta đều chỉ sáng trí từng phần, từng tầng lớp ; có lẽ ngài sáng trí một cách và tôi sáng trí một cách khác. Một số người trong các ngài sáng trí trong công việc kinh doanh, một số người khác sáng trí lanh lợi trong công việc bàn giấy, vân vân và vân vân ; mọi người đều sáng trí, thông minh trong nhiều cách khác nhau ; nhưng chúng ta không thông minh, không sáng trí một cách toàn diện trọn vẹn. Thông minh một cách thuần tính toàn diện có nghĩa là không còn bản ngã nữa. Có thể thực hiện được như vậy chứ ?
Có thể nào để cho bản ngã vắng mất ngay ? Các ngài biết rằng điều này có thể thực hiện được. Phải cần có những yếu tố, những điều kiện quan yếu nào ? Yếu tố nào khả dĩ mang đến sự thể hiện này ? Tôi có thể tìm thấy yếu tố ấy ? Khi tôi đặt câu hỏi “Tôi có thể tìm thấy yếu tố ấy ?” thì hiển nhiên tôi tin chắc rằng điều ấy có thể thực hiện được ; thế là tôi đã tạo ra một kinh nghiệm củng cố tăng trưởng cho bản ngã, phải thế không ? Hiểu được bản ngã đòi hỏi phải thông minh vô cùng, phải chu đáo tỉnh thức vô cùng, nhanh nhẹn, mẫn tiệp, để ý chú tâm không ngừng, để bản ngã không trượt qua được sự lãnh hội của mình. Tôi, một kẻ thành khẩn đứng đắn, hết lòng muốn phân tán bản ngã. Khi tôi nói thế, tôi biết rằng mình có thể phá tan bản ngã. Nhưng vừa lúc tôi nói “tôi muốn phá tan bản ngã”, vừa lúc nói như vậy thì sự hiện nghiệm của bản ngã vẫn còn đó ; và vì thế bản ngã được tăng trưởng củng cố. Thế thì có cách nào khả dĩ khiến cho bản ngã không còn hiện thể ? Người ta dễ thấy rằng tâm thái sáng tạo nhất định không phải là kinh nghiệm của bản ngã. Khi nào bản ngã vắng mặt thì sự sáng tạo mới xuất hiện, vì sự sáng tạo không phải là sự phóng đại ngoại hiện của bản ngã ; sự sáng tạo là hoàn toàn vượt qua tất cả mọi sự thể nghiệm. Vậy có thể nào tâm trí được hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn ở trong trạng thái bất tri nhận hay bất thể nghiệm ; ở trong một trạng thái mà sự sáng tạo có thể xuất hiện, nghĩa là lúc bản ngã không còn đó nữa, lúc bản ngã vắng mất ? Đây mới thực là vấn đề chính, phải thế không ? Bất cứ sự vận hành nào của tâm trí dù tích cực hay tiêu cực, đều là một kinh nghiệm, thực ra chỉ dùng củng cố tăng trưởng cái “tôi”. Tâm trí có thể nào không tri nhận bất cứ cái gì hết ? Điều này chỉ có thể thực hiện khi mình được im lặng trọn vẹn , sự im lặng trọn vẹn, sự im lặng toàn triệt này không phải là sự im lặng của kinh nghiệm của bản ngã, vì nếu im lặng như thế thì chỉ là tăng trưởng củng cố bản ngã thôi.
Có thực thể nào đứng ngoài bản ngã, quan chiếm bản ngã và giải tán bản ngã ? Có thực thể tâm linh nào thay thế bản ngã, phá hủy nó và xua nó qua một bên ? Chúng ta nghĩ rằng có bản ngã như thế, phải không ? Hầu hết những người tín ngưỡng đều nghĩ rằng có một nguyên thể như vậy. Người theo duy vật nói :” Bản ngã không thể nào bị phá hủy được ; bản ngã chỉ có thể bị qui định và cưỡng ép trên phương diện chi1nh trị, kinh tế , xã hội ; chúng ta có thể giữ bản ngã chặt chẽ trong một mẫu mực nào đó và chúng ta có thể phá vỡ nó, do đó, bản ngã có thể được dùng để tiến tới một đời sống cao quí, đời sống đạo đức ; bản ngã không còn có thể thiệp, xen vào bất cứ cái gì khác, mà chỉ uốn nắn ăn rập theo mẫu mực xã hội và chỉ tác động như một cái máy”. Điều này, chúng ta thừa biết rồi. Có một số người khác, những người gọi là tu hành, thực sự họ không có gì là tu hành cả, dù chúng ta gọi họ thế ; những người tu hành ấy nói đại loại như vầy : “Trên nền tảng, có một nguyên tố, nguyên thể như thế. Nếu chúng ta có thể đối diện thể nhập với nguyên thể thì sẽ phá tan được bản ngã”.
Có nguyên thể nào khả dĩ phá tan được bản ngã ? Xin các ngài hãy nhìn hành động của chúng ta . Chúng ta bức bách cưỡng ép bản ngã vào một góc tường, vào một hoàn cảnh khó khăn. Khi nào các ngài để bản thân mình bị cưỡng bức vào một góc nhà ; nói rõ hơn, khi nào các ngài để cho bản thân phải bị ép vào trong một trường hợp nan giải, các ngài sẽ thấy được những gì sẽ xảy ra. Lúc đó, chúng ta muốn được là một nguyên thể phi thời gian, không còn thuộc về bản ngã, chúng ta mong muốn nguyên thể ấy sẽ xuất hiện, có thể thiệp và phá hủy bản ngã, và chúng ta gọi nguyên thể ấy là Thượng đế. Vậy thì có một thực thể nào như thế, mà tâm trí khả dĩ ý niệm được. Có thể có hoặc có thể không có ; đây không phải là vấn đề. Nhưng lúc nào tâm trí muốn tìm kiếm một trạng thái tâm linh phi thời gian nào đó khả dĩ tác động phá hủy bản ngã, phải chăng việc ấy chỉ là một hình thức kinh nghiệm khác để tăng trưởng củng cố cái “tôi”? Khi các ngài tín ngưỡng vào một cái gì đó, phải chăng sự việc ấy vẫn xảy đến ? Khi các ngài tin rằng có chân lý, có Thượng đế, trạng thái phi thời gian, sự bất tử ; phải chăng lúc ấy tiến trình củng cố bản ngã lại xuất hiện ? Bản ngã đã phóng hiện ra thực thể mà các ngài cảm và nghĩ rằng thực thể ấy sẽ đến và phá hủy bản ngã. Do đó, vì đã phóng hiện ý tưởng về hiện thể liên tục tiếp diễn trong một trạng thái phi thời gian, phóng hiện ý tưởng ấy như là một thực thể tâm linh, các ngài được trải qua kinh nghiệm như vậy . Chính kinh nghiệm như thế chỉ củng cố tăng trưởng bản ngã ; vậy thì các ngài đã làm được gì ? Các ngài đã không thực sự phá hủy bản ngã mà lại chỉ đặt một tên khác cho bản ngã, đặt một phẩm tính khác cho nó ; nhưng bản ngã vẫn còn đó ; bởi vì các ngài còn thể nghiệm được nó. Do đó, hành động của chúng ta từ đầu đến cuối chỉ là một hành động đồng nhất, chỉ có chúng ta là nghĩ rằng hành động ấy đã chuyển biến, phát triển, trở nên đẹp đẽ hơn lên mỗi lúc ; nhưng thực ra nếu các ngài quan sát vào nội tâm, các ngài sẽ thấy rằng chỉ mỗi một hành động ấy vẫn tiếp diễn, chỉ mỗi một cái “tôi” vận hành tác động trong những cấp bậc khác nhau, với những nhãn hiệu khác nhau, những tên khác nhau.
Khi các ngài thấy trọn tiến trình ấy, thấy được những sự bịa đặt xảo quyệt phi thường, sự thông minh nhanh nhẹn của bản ngã, những đường lối tinh vi mà bản ngã đã dùng để tự khuất lấp, như tinh thần đồng hóa, nhân đức, kinh nghiệm, tín ngưỡng, kiến thức ; khi các ngài nhận ra rằng tâm trí đang vận hành trong một vòng tròn, trong cái chuồng do nó tạo ra cho nó, khi nhận ra được như vậy thì những gì xảy ra ? Khi các ngài ý thức được điều ấy, hoàn toàn tri nhận được điều ấy thì vụt ngay lúc ấy phải chăng các ngài cảm thấy được tĩnh lặng một cách lạ thường, sự tĩnh lặng ấy, không phải xuất phát từ sự cưỡng bách, từ bất cứ sự tưởng tượng nào, từ bất cứ sự sợ hãi xao xuyến nào ? Khi các ngài ý thức rằng bất cứ sự vận hành nào của tâm trí chỉ là một hình thức để củng cố bản ngã, khi mà các ngài quan sát điều ấy, nhìn điều ấy, khi mà các ngài hoàn toàn ý thức về điều ấy trong hành động, khi mà các ngài tới nơi cứ điểm ấy không phải bằng lời lẽ suông thôi, không phải bằng ý thức hệ, cũng không phải bằng sự phóng nghiệm nhưng khi các ngài thực sự nằm trong trạng thái ý thức bình tĩnh ấy, lúc ấy các ngài sẽ thấy rằng khi tâm trí được hoàn toàn bình lặng thì tâm trí không còn năng lực tạo động tác rối. Bất cứ những gì do tâm trí tạo tác ra đều bị kẹt trong vòng lẩn quẩn, bị vướng trong tương thế của bản ngã. Chỉ khi nào tâm trí không còn tạo tác nữa thì lúc ấy sự sáng tạo mới xuất hiện và sự sáng tạo này không phải là một tiến trình có thể tri nhận được.
Chúng ta không thể tri nhận thực tại, không tri nhận chân lý. Muốn cho chân lý xuất hiện thì phải xua đuổi tín ngưỡng, kiến thức, thể nghiệm, sự tôi luyện nhân đức ; tất cả những thứ này phải biến mất đi thì chân lý mới đến được. Người nhân đức mà ý thức rằng mình đang theo đuổi nhân đức thì không bao giờ có thể thấy được thực tại. Hắn có thể là một người đứng đắn ; nhưng điều này hoàn toàn khác hẳn với một người tìm thấy được chân lý, khác hẳn với một người thực sự đã hiểu được chân lý. Một người nhân đức là một kẻ đứng đắn, nhưng một kẻ đứng đắn không bao giờ có thể hiểu được bản tính của chân lý ; bởi vì đối với kẻ ấy, nhân đức, đức hạnh đã được hắn dùng để khuất lấp che đậy bản ngã, củng cố bản ngã ; hắn không bao giờ có thể hiểu được bản tính của chân lý, bởi vì hắn đang đeo đuổi nhân đức. Mỗi khi hắn nói :” Không, tôi không nên tham lam”, trạng thái không gian tham mà hắn đang hiện nghiệm, chỉ là một cách củng cố bản ngã. Do đó, nghèo nàn là một điều vô cùng quan trọng chẳng những phải nghèo nàn về những sự vật thế tục thôi mà phải nghèo nàn luôn về mặt tín ngưỡng và về kiến thức. Bất cứ kẻ nào giàu sang phú quí về phương diện vật chất hay kẻ nào giàu sang về kiến thức và tín ngưỡng thì hắn không bao giờ có thể biết được gì cả, ngoài ra tối tăm mù mịt, và chính hắn sẽ là trọng tâm của tất cả mọi điều gian manh khổ lụy. Nhưng nếu các ngài và tôi, với tư cách là những cá thể , nếu chúng ta có thể nhìn thấy được trọn vẹn hành tung của bản ngã, lúc ấy chúng ta sẽ hiểu được bản chất của tình yêu . Tôi quả quyết rằng chỉ có thế mới là sự cải thiện khả dĩ thay đổi được thế gian này. Tình yêu, tình thương không thuộc về bản ngã. Bản ngã không thể nào nhận ra tình yêu. Ngài nói “tôi yêu” ; nhưng lúc ấy ngay trong lúc nói về tình yêu, ngay trong lúc thể nghiệm, hiện nghiệm tình yêu, thì ngay lúc ấy, tình yêu đã không còn nữa. Nhưng mỗi khi mà ngài hiểu biết tình yêu thì bản ngã không có đó. Khi nào tình yêu xuất hiện, khi đó bản ngã không hiện hữu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét