Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Tự do đầu tiên và cuối cùng (11) - Phần hai

Phần hai - vấn đề 31 - 38 hết
Krishnamurti - Tự do đầu tiên và cuối cùng
Bản dịch Phạm Công Thiện

31.  VỀ SỰ ĐỐN NGỘ

HỎI :  Chúng ta có thể thực hiện ngay lập tức chân lý ngài đề cập mà không cần chuẩn bị sẵn từ trước ?
KRISHNAMURTI :  Đối với ngài, chân lý nghĩa là gì ? Chúng ta không nên dùng một tiếng mà chúng ta không biết ý nghĩa ; chúng ta có thể dùng một tiếng giản dị hơn, một tiếng trực tiếp hơn. Ngài có thể hiểu được, lý hội được một vấn đề một cách trực tiếp ? Đó là những gì ngụ ngầm tiềm tàng trong câu hỏi, phải thế không ? Ngài có thể hiểu được hiện thể  một cách lập tức, ngay bây giờ ? Trong việc hiểu được hiện thể ngài sẽ hiểu được ý nghĩa quan trọng của chân lý ; nhưng nói rằng mình phải hiểu chân lý, nói như vậy thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Ngài có thể nào hiểu được một vấn đề trực tiếp, một cách trọn vẹn và giải thoát khỏi vấn đề ? Dó là ngụ ý của câu hỏi, phải thế không ? Ngài có thể hiểu một sự khủng hoảng, một sự thách thức ngay lập tức , thấy được ý nghĩa trọn vẹn của sự khủng hoảng ấy và giải thoát khỏi sự khủng hoảng ấy ? Khi ngài hiểu được một điều gì thì điều ấy không để lại dấu vết ; do đó, sự hiểu biết hoặc chân lý chính là điều giải phóng. Ngay bây giờ ngài có thể được giải phóng khỏi một vấn đề, khỏi một sự thách thức ? Phải chăng cuộc đời là một chuỗi dài gồm những sự thách thức và những đáp ứng, và nếu đáp ứng của ngài đối với một sự thách thức mà bị qui định , bị giới hạn, không trọn vẹn thì lúc ấy sự thách thức kia để lại dấu vết của nó, cặn bã của nó, và dấu vết cặn bã ấy được củng cố hơn nữa bởi một sự thách thức mới khác. Vì thế, mình vẫn luôn luôn giữ lại một trí nhớ cặn bã, gồm những sự tích trữ, những vết sẹo ; và mang trong lòng tất cả những vết sẹo ấy, ngài lại cố gắng đón nhận sự mới lạ, do đó, ngài không bao giờ đón nhận sự mới lạ được. Vì thế ngài không bao giờ hiểu được điều gì cả, không bao giờ ngài giải thoát được khỏi bất cứ sự thách thức nào của đời sống.
Vấn đề câu hỏi là như vầy : tôi có thể nào hiểu được một sự thách thức một cách trọn vẹn, một cách trực tiếp ; hội cảm tất cả ý nghĩa của sự thách thức ấy ; chiều sâu thẳm của nó, vẻ đẹp và sự xấu của nó và nhờ thế mà giải thoát khỏi sự thách thức ấy. Mọi sự thách thức đều vẫn luôn luôn mới lạ, phải thế không ? Chẳng hạn vấn đề của ngài vào ngày hôm qua đã biến đổi hẳn đến nỗi ngày hôm nay ngài đón gặp vấn đề ấy thì nó hoàn toàn mới lạ hẳn rồi. Nhưng ngài đón gặp vấn đề ấy qua phạm trù cũ kỹ, và ngài đón gặp vấn đề ấy mà tâm thức ngài không có gì thay đổi, ngài chỉ biến thể đôi chút tư tưởng của chính ngài.
Tôi xin trình bày lại một cách khác. Tôi đã gặp ngài vào ngày hôm qua. Trong thời gian ngắn sau sự gặp gỡ ấy ngài đã thay đổi hẳn. Ngài đã biến đổi, biến thể, nhưng tôi vẫn giữ hình ảnh của ngài vào ngày hôm qua. Ngày hôm nay tôi gặp lại ngài với hình ảnh của tôi về ngài vào ngày đã qua, và do đó tôi không hiểu được ngài – tôi chỉ hiểu hình ảnh của ngài mà tôi đã thu được vào ngày đã qua. Nếu tôi muốn hiểu được ngài, một thực thể thiên chuyển, hóa thân, tôi phải xua bỏ đi, thoát đi hình ảnh của ngày hôm qua. Nói một cách khác, muốn hiểu một sự thách thức luôn luôn mới lạ, tôi phải đón nhận nó một cách tươi tắn mới lạ, không để rơi lại cặn bã của ngày hôm qua, vì thế tôi phải giã biệt với ngày đã qua.
Sau rốt, cuộc đời là gì ? Đó là cái gì vẫn luôn luôn mới lạ, phải thế không ? Đó là cái gì vẫn luôn thiên chuyển, thay đổi không ngừng, luôn luôn tạo ra một cảm giác mới mẻ. Ngày hôm nay không bao giờ giống như ngày hôm qua và đó là vẻ đẹp mê hồn của cuộc đời. Ngài và tôi, chúng ta có thể nào đón gặp mọi vấn đề một cách mới lạ ? Khi trở về nhà, ngài có thể đón gặp vợ con ngài một cách mới lạ, đón gặp sự thách thức một cách tươi tắn mới mẻ ? Ngài sẽ không có khả năng làm như thế nếu ngài đeo mang chĩu nặng những kỷ niệm của ngày hôm qua. Vì thế, muốn hiểu sự thật của một vấn đề, của một mối tương quan thì ngài phải đến vấn đề một cách tươi tắn – chứ không phải với một “tâm trí cởi mở”, vì điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Ngài phải đến vấn đề mà không mang những vết sẹo của những kỷ niệm ngày hôm qua – nghĩa là đối với mỗi sự thách thức vừa khởi phát, ngài phải có trực thức về tất cả những đáp ứng của ngày hôm qua ; và khi trực thức về cặn bã ngày qua, kỷ niệm ngày qua, ngài sẽ thấy rằng những cặn bã, những kỷ niệm ấy rơi mất đi mà ngài không phải chống trở, vì thế, tâm trí ngài mới được tươi tắn.
Mình có thể thực hiện chân lý ngay lập tức, không phải chuẩn bị ? Tôi nghĩ rằng điều này nhất định có thể thực hiện được – tôi xác định như thế không phải vì đà lòng hứng khởi nhất thời, không phải vì ảo tưởng nào đó ; tôi xác định như thế, và ngài hãy thể nghiệm điều ấy đứng về mặt tâm lý và ngài sẽ thấy rõ. Hãy lấy thí dụ về bất cứ sự thách thức nào, bất cứ sự việc ngẫu xuất nào – đừng đợi đến một cuộc khủng hoảng to tát nào – và ngài sẽ thấy ngài phản ứng với nó thế nào. Ngài hãy để ý trực tiếp về nó, ý thức trực tiếp về những đáp ứng của ngài, về những ý định của ngài, về những thái độ của ngài, và ngài sẽ hiểu những cái đó, ngài sẽ hiểu bối cảnh của ngài. Tôi quả quyết rằng ngài có thể thực hiện chân lý ngay lập tức nếu ngài đặt trọn vẹn sự chú ý vào đó. Nếu ngài tìm kiếm ý nghĩa trọn vẹn của bối cảnh ngài, bối cảnh ấy sẽ ban cho ngài ý nghĩa của nó và lúc ấy trong một thoáng chốc ngài sẽ khám phá ra chân lý , hiểu được vấn đề. Sự hiểu biết chỉ xuất hiện từ trong hiện tại, ngay bây giờ, tức là vẫn luôn luôn ở ngoài thời gian. Dù điều ấy có thể xảy đến ngày mai nhưng nó vẫn là ngay bây giờ ; chỉ triển hạn, chuẩn bị đón nhận những gì xảy đến vào ngày mai là tự ngăn chận không cho hiểu được những gì đang ngay bây giờ. Chắc chắn ngài có thể hiểu được trực tiếp hiện thể ngay bây giờ, có được không ? Muốn hiểu được ”cái đang là”, tức là hiện thể, ngài phải không bị quấy động, xao lãng, ngài phải để trọn tâm trí vào nó. Đó là sự chú tâm quan hệ duy nhất ngay khoảnh khắc bây giờ, một cách trọn vẹn. Lúc ấy hiện thể mới ban cho ngài sự sâu thẳm trọn vẹn của nó, ý nghĩa trọn vẹn của nó, và nhờ thế, ngài mới thoát khỏi vấn đề.
Nếu ngài muốn biết chân lý, ý nghĩa tâm lý của tài sản, chẳng hạn, nếu ngài muốn thực sự hiểu nó một cách trực tiếp, ngay bây giờ, làm thế nào ngài đi đến nó ? Dĩ nhiên ngài phải cảm thấy thân thuộc, đồng nhất thể với vấn đề, ngài không nên sợ hãi vấn đề , ngài không phải có bất cứ tín ngưỡng nào, bất cứ câu trả lời nào, giữa ngài và vấn đề. Chỉ lúc nào ngài được tương quan trực tiếp với vấn đề thì ngài mới thấy được câu trả lời. Nếu ngài đưa ra sẵn câu trả lời, nếu ngài phê phán, có một khuynh hướng tâm lý đối nghịch thì lúc ấy ngài sẽ triển hoãn, ngài sẽ chuẩn bị hiểu nó vào ngày mai, mà điều ấy chỉ có thể hiểu được vào ngay “bây giờ”. Vì lý do ấy, ngài sẽ không bao giờ hiểu được gì cả. Trực nhận chân lý không cần chuẩn bị gì cả ; sự chuẩn bị ngụ ý về thời gian , và thời gian không phải là phương tiện để hiểu chân lý. Thời gian là sự kế tục, và chân lý thì nằm ở ngoài thời gian không có tính cách kế tục tiếp diễn. Sự hiểu biết giao cảm không có tính cách lưu diễn liên tục, sự hiểu biết nằm ngay từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, không giữ lại cặn bã nào.
Tôi ngại rằng tôi đang làm vấn đề có vẻ như rắc rối, có thế không ? Nhưng thực ra thì vấn đề rất dễ dàng, giản dị, nếu ngài chỉ thể nghiệm với nó. Nếu ngài mơ mộng vớ vẩn rồi suy tưởng trầm tư về vấn đề thì vấn đề trở nên rất khó khăn. Khi không còn hàng rào ngăn cách giữa ngài và tôi thì tôi hiểu được ngài. Nếu tôi mở phơi ra trước ngài, tôi sẽ hiểu ngài một cách trực tiếp – và việc mở bày ấy không phải là một vấn đề thời gian. Thời gian có thể làm tôi cởi mở ? Sự chuẩn bị, ý thức hệ, kỷ luật có thể làm tôi cởi mở với ngài ? Nhất định là không. Điều làm tôi cởi mở với ngài là ý định tìm hiểu của tôi. Tôi muốn cởi mở phơi bày vì tôi không có gì để giấu giữ lại, tôi không sợ hãi gì cả ; vì thế tôi cởi mở, và sự giao cảm trực tiếp được thành hình, chân lý được xuất hiện. Muốn đón nhận chân lý, muốn biết được vẻ đẹp mê hồn của chân lý, muốn biết được niềm vui tuyệt trần của chân lý, mình phải cởi mở đón nhận lập tức, không bị vẩn đục ám khói bởi những lý thuyết, bởi những nỗi sợ hãi, bởi những câu trả lời.

32.  VỀ SỰ GIẢN DỊ

HỎI :  Sự giản dị là gì ? Có phải ngụ ý rằng nhìn thấy rõ ràng những gì chính yếu và loại bỏ  tất cả mọi sự khác ?
KRISHNAMURTI :  Chúng ta hãy nhìn xem những gì không phải là sự giản dị. Đừng nói – “Đó là sự phủ nhận” hoặc “Hãy đưa cho chúng tôi một điều gì xây dựng, tích cực hơn”. Nói như vậy chỉ là phản ứng ấu trĩ, vô ý tứ. Những kẻ nào mang đến cho các ngài một điều gì “tích cực xây dựng” đều là những kẻ khai thác lợi dụng ; những kẻ ấy mang đến cho các ngài điều mà các ngài muốn có, và nhờ việc ấy họ lợi dụng các ngài. Chúng ta không làm như vậy. Chúng ta thử cố gắng tìm thấy sự thật về tính giản dị. Vì thế, các ngài phải loại bỏ, xua bỏ những ý tưởng và quan sát điều mới lạ. Kẻ nào có nhiều vật sở hữu thì sợ cách mạng, cách mạng nội tâm và cách mạng ngoại giới.
Chúng ta hãy tìm xem những gì không phải là sự đơn giản . Một tâm trí phức tạp thì không giản dị, phải thế ? Một đầu óc khôn khéo thì không giản dị ; một tâm thức mang một cứu cánh trước mặt để đeo đuổi hành động tìm kiếm một phần thưởng, sợ hãi một hình phạt, tâm thức ấy thì không giản dị, phải thế ? Một đầu óc chĩu nặng kiến thức không phải là một đầu óc giản dị ; một tâm trí bị tàn phế què quặt vì những tín ngưỡng thì không phải là một tâm trí giản dị, phải không ? Một tâm trí tự đồng hóa với một thực thể to tát và cố gắng giữ lại trạng thái đồng hóa kia thì không phải là một tâm trí giản dị, phải thế ? Chúng ta nghĩ rằng mình sống giản dị khi mình chỉ có một hoặc hai mảnh vải quấn người, chúng ta muốn phô trương sự giản dị bên ngoài và chúng ta dễ bị lường gạt về hình thức bên ngoài ấy. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao kẻ giàu sang phú quí thường hay sùng bái thờ lạy người xuất gia, xuất thế.
Sự giản dị là gì ? Sự giản dị có thể là sự loại bỏ những gì không chính yếu và đeo đuổi những gì chính yếu – nghĩa là một tiến trình chọn lựa, tuyển trạch ? Điều ấy có nghĩa là chọn lựa – chọn lựa những gì chính yếu và xua bỏ những gì không chính yếu ? Tiến trình chọn lựa này là gì ? Thực thể chọn lựa là gì ? Có phải đó chính là tâm trí ? Ngài muốn gọi đó là gì thì cứ gọi, điều ấy không quan trọng . Ngài nói, “tôi sẽ chọn cái này, vì cái này là chính yếu, cần thiết”. Làm thế nào ngài biết cái gì là chính yếu ? Hoặc là ngài có một khuôn mẫu tùy theo những gì người khác đã nói hoặc chính kinh nghiệm của ngài cho rằng điều nào đó là chính yếu. Ngài có thể nương cậy vào kinh nghiệm của ngài ? Khi ngài chọn lựa thì sự chọn lựa của ngài đã được đặt trên lòng thèm khát, phải thế không ? Những gì ngài gọi là “chính yếu” là điều đã đem đến sự thỏa mãn cho ngài. Vì thế, ngài lại trở về với tiến trình như xưa, phải thế không ? Một tâm trí tán loạn có thể chọn lựa ? Nếu tâm trí ấy chọn lựa thì sự chọn lựa ấy cũng chỉ là tán loạn thôi.
Vì thế, sự tuyển trạch chọn lựa giữa điều chính yếu và điều không chính yếu chẳng phải là sự giản dị. Đó chỉ là sự xung đột. Một tâm trí đang ở trạng thái xung đột và hỗn loạn thì không bao giờ có thể đơn giản . Khi ngài loại bỏ, khi ngài thực sự quan sát và nhìn thấy được tất cả sự việc sai lầm này, những mưu mẹo của tâm trí, khi ngài nhìn thẳng vào tâm trí và có trực thức về tâm trí ấy thì lúc ấy ngài sẽ tự thấy bản chất của sự giản dị. Một tâm thức bị triền phược trong tín ngưỡng không bao giờ là một tâm thức giản dị. Một tâm trí bị què quặt bởi kiến thức thì không giản dị được. Một tâm thức bị xao lãng lôi kéo bởi Thượng đế , bởi đàn bà, bởi âm nhạc thì không phải là một tâm thức giản dị. Một tâm trí đầu óc bị vướng kẹt trong công việc nhàm chán đều đặn của văn phòng, của những lễ nghi, của những bài kinh kệ thì tâm trí như thế không thể nào giản dị được. Sự giản dị là hành động không có ý tưởng. Tuy nhiên điều này là một việc rất hiếm, hy hữu ; đó có nghĩa là tinh thức sáng tạo. Khi mà mình không có tinh thức sáng tạo ; chúng ta chỉ là những trung tâm điểm gây ra sự ác tâm, sự thống khổ và sự phá hoại. Sự giản dị không phải là một điều mà ngài có thể đuổi theo và thể nghiệm. Sự giản dị hiện đến như một đóa hoa mãn khai đúng lúc, khi mỗi người đều hiểu được trọn vẹn tiến trình của sự hiện hữu và của sự tương giao. Vì chúng ta đã không bao giờ nghĩ về điều ấy, quan sát nó, cho nên chúng ta không có trực thức về nó, chúng ta đánh giá tất cả những hình thức bên ngoài, như việc có ít vật sở hữu, chẳng hạn, nhưng những thứ này không phải là sự giản dị. Sự giản dị không thể tìm thấy được. Nó không phải ở nơi sự lựa chọn giữa điều chính yếu và điều bất chính yếu, sự giản dị chỉ hiện đến khi nào bản ngã vắng mất, khi tâm trí không vướng kẹt trong những suy tưởng xa xôi, trong những kết luận, những tín ngưỡng, những sự vận hành của ý niệm. Chỉ có một tâm trí tự do như vậy mới có thể tìm thấy chân lý. Tâm thức như thế mới duy nhất có thể đón nhận sự vô lượng, vô biên, bất khả danh ; và đó mới là sự giản dị đơn sơ.

33.  VỀ SỰ THIỂN BẠC HỜI HỢT

HỎI :  Một kẻ hời hợt thì làm thế nào trở nên đứng đắn nghiêm chỉnh ?
KRISHNAMURTI :  Trước hết, chúng ta phải có ý thức trực tiếp rằng chúng ta hời hợt, nông cạn, phải thế không ? Hời hợt, thiển bạc có nghĩa là gì ? Một cách chính yếu thì đó có nghĩa là sống tùy thuộc, nương cậy vào một cái gì đó, phải thế không ? Nương cậy, lệ thuộc vào kích thích tố, lệ thuộc vào sự thách thức, nương dựa vào một người khác, vin tựa vào một số giá trị, một số kinh nghiệm, một số kỷ niệm, vin tựa vào đó về đường tâm lý – phải chăng tất cả sự nương tựa ấy làm thành sự nông cạn hời hợt ? Khi tôi nương tựa vào việc đi nhà thờ mỗi buổi sáng hoặc mỗi buổi lễ để được thăng hoa tâm hồn, để được giúp đỡ, phải chăng điều này đã làm tôi trở thành nông cạn, thiển bạc ? Nếu tôi phải thi hành một số lễ nghi nào đó để duy trì cảm giác nguyên vẹn thuần tính hoặc để lấy lại một cảm giác nào mà trước kia tôi đã trải qua, phải chăng điều này đã làm tôi trở nên nông cạn, hời hợt ? Phải chăng điều này đã làm tôi trở nên thiển bạc cạn cợt khi tôi tự hiến thân mình cho một đất nước, cho một kế hoạch hoặc cho một đoàn thể chính trị đặc thù nào đó. Nhất định toàn thể tiến trình tùy thuộc nương tựa này chỉ là sự thoát ly bản thân của tôi ; tinh thần đồng hóa này, đồng hóa với một thực thể to tát chỉ là chối bỏ hiện thể của tôi. Nhưng tôi không thể phủ nhận hiện thể của tôi ; tôi phải hiểu hiện thể của tôi và không cố gắng tự đồng hóa với vũ trụ, với Thượng đế, với một đoàn thể chính trị đặc biệt nào đó hoặc bất cứ cái gì khác. Tất cả những thứ này đều đưa dẫn đến sự suy tư cạn cợt và từ sự tư duy thiển cận ấy mới phát xuất ra hành động tàn ác hằng cửu dù đứng về tỉ lệ lớn rộng của thế giới hoặc đứng về mức độ cá thể.
Thoạt tiên hết, chúng ta có tri nhận rằng chúng ta đang làm mọi sự như vậy ? Chúng ta không tri nhận gì cả, chúng ta chỉ biện minh chúng. Chúng ta nói, “Tôi sẽ làm gì nếu tôi không làm những việc này ? Tôi sẽ còn tệ hại hơn nữa ; thần trí tôi sẽ đổ nát đi. Vậy bây giờ, ít ra tôi cũng đang chống trở để hướng đến một cái gì vĩ đại hơn “. Chúng ta càng chống chỏi thì chúng ta càng trở nên nông cạn hời hợt. Tôi phải thấy như vậy trước tiên hết, phải thế không ? Đó là một trong những việc khó khăn nhất : thấy rằng tôi là gì, nhận rằng tôi ngu xuẩn, rằng tôi nông cạn, rằng tôi hẹp hòi, rằng tôi ghen tuông. Nếu tôi thấy tôi là gì, nếu tôi nhận tôi là thế, lúc ấy tôi mới bắt đầu được. Nhất định một trí óc nông cạn là một trí óc muốn trốn thoát hiện thể ; muốn không chạy trốn, mình cần phải khảo nghiệm gian nan, phủ nhận sự ù lỳ, bất động, nọa tính. Vừa lúc tôi biết rằng tôi không sâu sắc, thì lúc ấy một tiến trình sâu thẳm đã thoáng hiện – nếu tôi không làm gì cả với sự nông cạn kia. Nếu tâm thức nói, “tôi thấp hèn bần tiện, và tôi sắp khảo sát điều ấy, tôi sắp hiểu được trọn vẹn sự bần tiện này, tác động hẹp hòi này “, lúc ấy mình mới có khả tính thay hình đổi dạng, chuyển hóa toàn triệt ; nhưng trái lại một người có một trí óc bần tiện, nhận thấy rằng mình bần tiện và cố gắng không bần tiện, bằng cách đọc sách, bằng cách gặp gỡ người đời, bằng cách du lịch, đi đây đi đó, bằng cách hoạt động tích cực liên miên như một con khỉ thì trí óc đó vẫn là bần tiện.
Vả lại, ngài thấy rằng chỉ có một cuộc cách mạng thực sự là khi nào chúng ta đối trị vấn đề, đi đến vấn đề một cách chính đáng. Cách lối đứng đắn đi đến vấn đề tạo ra một lòng tin lạ thường mà tôi quả quyết rằng ngài có thể đời đi được những rặng núi – những dãy núi của những thành kiến của riêng mình, sự nô lệ qui định của riêng mình. Khi ý thức về tâm trí cạn cợt của mình thì ngài đừng cố gắng sâu sắc. Một đầu óc nông cạn không bao giờ có thể biết được sự sâu thẳm vĩ đại. Một đầu óc nông cạn có thể được nhét đầy kiến thức, đầy tin tức, nó có thể lặp đi nhắc lại những lời những tiếng – ngài thừa biết tất cả những mớ sở hữu tích lũy trong một đầu óc nông cạn hiện hoạt. Nhưng nếu ngài biết rằng ngài nông cạn, thiển bạc, nếu ngài ý thức trực tiếp về sự thiển bạc ấy, quan sát tất cả mọi sự sinh hoạt của nó mà không phê phán, không kết án, lúc ấy chẳng mấy chốc ngài sẽ thấy rằng sự thể nông cạn kia đã biến tiêu đâu mất một cách toàn triệt mà không cần tác động của ngài đối với nó. Điều ấy đòi hỏi sự kiên nhẫn , tỉnh thức, châu đáo mà không có lòng háo hức khao khát muốn đạt đến một kết quả nào đó, một sự thành đạt nào đó. Chỉ có một đầu óc nông cạn mới ham kết quả, ham thành công, thành đạt.
Ngài càng ý thức trực tiếp về toàn thể tiến trình này thì ngài càng khám phá những sinh hoạt của tâm thức, nhưng ngài phải quan sát chúng mà không dụng công chấm dứt chúng, vì vừa lúc ngài tìm kiếm một cứu cánh , thì ngài lại bị kẹt vào sự phân hai giữa cái “tôi” và cái “không phải tôi” – điều này lại chỉ lưu diễn vấn đề như cũ.

34.  VỀ SỰ TẦM THƯỜNG

HỎI: Tâm trí phải chú trọng đến những sự việc gì?
KRISHNAMURTI :  Đây là một thí dụ rất quí về đường lối thành hình của sự xung đột : sự xung đột giữa điều cần phải là gì đó và điều đang là gì đó.
Thoạt tiên chúng ta thiết lập lên điều cần phải là gì đó, tức là lý tưởng , rồi cố gắng sống ăn rập theo khuôn mẫu ấy. Chúng ta cho rằng tâm trí phải chú trọng đến những sự việc cao thượng , với lòng vị tha, với lòng rộng lượng, với sự tử tế, với tình thương ; đó là khuôn mẫu, tín ngưỡng, điều nên theo, điều bắt buộc phải theo, và chúng ta cố gắng sống ăn rập theo đó. Do đó có sự xung đột xảy ra giữa sự phóng ảnh về cái nên là gì đó và hiện thể, cái đang là , và qua sự xung đột kia chúng ta lại hy vọng được chuyển hóa. Khi mà chúng ta hãy còn chống chỏi với cái phải là gì đó thì chúng ta cảm thấy mình nhân đức, cảm thấy mình tốt lành, nhưng điều quan trọng là điều nào : cái phải là hoặc cái đang là ? Tâm trí của chúng ta phải chú trọng đến những gì – không phải chú trọng về mặt ý thức hệ mà về mặt thực tế ? Tâm trí của chúng ta chỉ chú trọng tới những điều tầm thường, dung phàm, phải thế không ? Nào là chú trọng đến việc mình có vẻ, có dáng dấp như thế nào, nào là chú trọng đến tham vọng gian tham, đố kỵ, nói nhảm, ngồi lê đôi mách, tàn bạo hung dữ. Tâm trí đang sống trong một thế giới gồm toàn sự tầm thường xoàng xĩnh, và một đầu óc tầm thường tạo ra một khuôn mẫu cao thượng quí phái thì vẫn là tầm thường, phải thế không ? Vấn đề này là không phải tìm hiểu xem tâm trí nên chú trọng tới những gì , mà là : tâm trí có thể nào tự giải vây ra khỏi sự tầm thường , những sự dung phàm ? Nếu chúng ta tỉnh thức, nếu chúng ta tra hỏi tìm hiểu, chúng ta sẽ biết được những sự tầm thường đặc thù của riêng chúng ta : nói nhảm, nói ba hoa không ngừng, sự ba hoa không ngừng của trí óc, sự lo âu vụn vặt, lo chuyện này, lo chuyện nọ, tò mò tọc mạch về những việc làm, hành động, hành vi của thiên hạ, cố gắng đạt cho tới một kết quả nào đó, đeo bám vào sự phóng đại bản thân vân vân. Tâm trí chúng ta đều chú trọng tới những thứ như vậy, chúng ta cũng thừa rõ rồi. Điều ấy có thể chuyển hóa được ? Đó mới là vấn đề, phải không ? Còn việc hỏi về những gì tâm trí phải chú trọng thì đó chỉ là ấu trĩ, chưa trưởng thành.
Vậy, khi ý thức trực tiếp rằng tâm trí tôi chỉ là tầm thường, chỉ chú trọng tới những điều dung phàm tầm thường, thì tâm trí ấy có thể tự thoát khỏi trạng huống này ? Phải chăng chính bản tính của tâm trí đã là tầm thường rồi ? Tâm trí là gì, nếu không phải là kết quả của trí nhớ ? Trí nhớ là gì ? Nhớ về cách sống cho qua ngày, trường tồn, chẳng những ở mặt sinh lý vật chất mà cả ở mặt tâm lý bằng cách khai triển một số phẩm tính nào đó, một số đức hạnh nào đó, sự tích lũy của những kinh nghiệm, sự định cư của tự thể trong chính sinh hoạt của nó. Có phải đó là tầm thường không ? Tâm trí , tức là kết quả của trí nhớ, của thời gian, đã là tầm thường trong tự thể ; tâm trí có thể làm gì để tự giải thoát khỏi sự tầm thường của chính nó ? Tâm trí có thể làm gì ? Xin ngài hãy nhìn sự quan trọng của vấn đề này. Tâm trí, tức là sinh hoạt vị ngã, có thể nào tự giải vây khỏi sinh hoạt ấy ? Dĩ nhiên là không thể nào được ; dù tâm trí có làm gì đi nữa, thì nó vẫn là tầm thường, dung phàm. Nó có thể suy tưởng về Thượng đế ; nó có thể bày ra những hệ thống chính trị, nó có thể đặt ra những tín ngưỡng, nhưng nó vẫn còn nằm trong lãnh vực của thời gian, sự thay đổi của nó chỉ là thiên chuyển từ ký ức này sang ký ức khác, nó vẫn bị ràng buộc bởi những giới hạn của chính nó. Tâm trí có thể nào phá vỡ giới hạn ấy ? Hay là giới hạn ấy đổ vỡ đi khi tâm trí trầm lặng, khi tâm trí không hoạt động, khi nó tri nhận những sự tầm thường của chính nó, dù nó có tưởng tượng sự tầm thường ấy thành ra vĩ đại đến đâu đi nữa ? Khi đã thấy được sự tầm thường của nó, tâm trí ý thức trọn vẹn về những sự tầm thường ấy và nhờ thế trở nên thực sự trầm lặng – chỉ lúc ấy mới có thể thấy những sự tầm thường ấy rơi rớt đi. Khi mà ngài vẫn còn tra hỏi tìm xem tâm trí phải chú trọng đến những gì thì tâm trí sẽ chú trọng đến những cái dung phàm, dù sự dung phàm ấy có thể là việc xây cất nhà thờ, đọc kinh hoặc đi chùa, đi đền, đi nhà thờ, làm gì đi nữa thì vẫn là dung phàm. Chính tâm trí là bần tiện, thấp hèn rồi và chỉ nói rằng nó bần tiện thấp hèn thì ngài vẫn chưa giải tan sự bần tiện thấp hèn ấy được. Ngài phải hiểu nó, tâm trí phải tri nhận những sinh hoạt của chính nó và trong tiến trình tri nhận kia, trong sự trực thức về những điều tầm thường nhỏ mọn kia mà nó đã dựng lên một cách ý thức hoặc vô thức, tâm trí mới trở nên trầm lặng. Trong sự trầm lặng ấy một trạng thái sáng tạo xuất hiện và đây mới là yếu tố mang đến một sự chuyển thức.

35.  VỀ SỰ TĨNH LẶNG CỦA TÂM THỨC

HỎI :  Tại sao ngài nói tới sự tĩnh lặng của tâm thức và sự tĩnh lặng này là gì ?
KRISHNAMURTI :  Nếu chúng ta muốn hiểu bất cứ điều gì thì tâm trí có cần phải tĩnh lặng ? Nếu chúng ta có một vấn đề nào đó thì chúng ta lo âu bận tâm về nó, phải thế không ? Chúng ta khảo sát nó, phân tích nó, xé nát nó ra từng mảnh vụn, vì mong ước tìm hiểu nó. Vậy, có phải chúng ta tìm hiểu bằng nỗ lực, bằng phân tích, bằng so sánh, bằng bất cứ hình thức chống chỏi tinh thần ? Dĩ nhiên sự hiểu biết chỉ đến khi tâm thức được trầm tĩnh trầm lặng vô cùng. Chúng ta cho rằng chúng ta càng chống trở với vấn đề đói kém, chiến tranh, hoặc bất cứ vấn đề nhân sự nào khác, càng chống chỏi giao tranh với vấn đề thì càng hiểu được vấn đề hơn nữa. Có đúng vậy không ? Những trận chiến tranh đã tiếp diễn từ bao thế kỷ, xung đột giữa những cá nhân, giữa những xã hội cũng đã tiếp diễn từ lâu ; chiến tranh bên ngoài cũng như chiến tranh bên trong vẫn hằng cửu xuất hiện ra đó. Có phải chúng ta giải quyết trận chiến tranh kia, sự xung đột kia, bằng sự xung đột khác lớn hơn nữa, bằng sự chống chỏi khác mãnh liệt hơn nữa, bằng nỗ lực gian manh hơn lên ? Hay là có phải chúng ta chỉ hiểu vấn đề khi chúng ta đối mặt trực tiếp với vấn đề, nhìn thẳng vào sự kiện ? Chúng ta chỉ có thể đối diện với sự kiện khi nào không có sự manh động xen vào giữa tâm trí và sự kiện, vì thế, điều quan trọng phải chăng là tâm trí được trầm lặng, nếu chúng ta hiểu được thế ?
Cố nhiên điều không thể tránh được là ngài sẽ hỏi ,” Làm thế nào có thể làm cho tâm trí được trầm lặng ?” Đó là phản ứng lập tức, phải thế không ? Ngài nói, “Tâm trí tôi bị chao động, bất an và làm thế nào tôi có thể giữ cho nó tĩnh lặng ?” Bất cứ hệ thống nào có làm cho tâm trí được tĩnh lặng ? Có thể nào một phương trình, một kỷ luật làm cho tâm trí im lặng ? Có thể làm được ; nhưng khi tâm trí được làm cho im lặng thì đó có phải là sự im lặng ? có phải là sự trầm lặng ? Hay là tâm trí chỉ bị đóng nhốt trong một ý tưởng , trong một phương trình, trong một từ ngữ ? Tâm trí như thế chỉ là một tâm trí chết, phải thế không ? Đó là lý do cắt nghĩa tại sao phần đông những kẻ cố gắng tu hành, cố gắng sống đời sống gọi là “tâm linh” đều là những kẻ chết – vì họ đã rèn luyện cho tâm trí họ trở nên trầm lặng , họ tự nhốt họ vào trong phương trình để được sự trầm lặng. Dĩ nhiên một tâm trí như thế không bao giờ trầm lặng được ; nó chỉ bị đàn áp, đè xuống.
Tâm thức được trầm lặng khi nó nhìn thấy sự thật rằng sự hiểu biết chỉ đến khi nó trầm lặng ; rằng nếu tôi muốn hiểu ngài thì tôi phải trầm lặng, tôi không thể có những phản ứng đối nghịch với ngài, tôi không phải phản ứng đối nghịch với ngài, tôi không phải có thành kiến, tôi phải xua bỏ tất cả sự kết luận của tôi, những kinh nghiệm của tôi và đón gặp ngài, mặt nhìn mặt. Chỉ có lúc ấy, khi tâm trí thoát ra ngoài sự qui định, thì tôi mới hiểu biết được. Khi tôi nhìn thấy được sự thật của vấn đề ấy, lúc ấy tâm trí tôi được trầm lặng – và lúc ấy không có vấn đề cách nào làm cho tâm trí được trầm lặng. Chỉ có chân lý mới có thể giải phóng tâm trí ra ngoài sự vận hành ý niệm của nó ; muốn thấy được chân lý, tâm trí phải ý thức sự kiện. Khi mà tâm trí vẫn dao động thì nó không thể nào hiểu biết giao cảm được. Sự im lặng của tâm trí, sự trầm lặng của tâm trí, không phải là một sự thể được tạo ra bởi thế lực ý chí, bởi bất cứ hành động tham dục nào ; nếu thế, lúc ấy, tâm trí bị đóng nhốt, cô lập, đó là tâm trí chết và vì thế không có khả năng uyển chuyển, thích ứng, nhu nhuyến, nhanh nhẹn. Một tâm trí như thế không có tinh thần sáng tạo gì cả.
Vấn đề của chúng ta bây giờ không phải là làm thế nào cho tâm trí được trầm lặng mà tìm thấy sự thật của mọi vấn đề vừa khi vấn đề tự trình bày ra cho chúng ta . Việc ấy giống như mặt hồ trở nên tĩnh lặng khi gió ngừng thổi. Tâm trí chúng ta bị xao động vì chúng ta có những vấn đề ; và muốn tránh những vấn đề, chúng ta làm cho tâm trí trầm lặng. Chính tâm trí đã phóng hiện những vấn đề và không có vấn đề nào tách biệt với tâm trí ; khi mà tâm trí phóng rọi bất cứ quan niệm nào về cảm tính, thực hành bất cứ hình thức im lặng nào thì nó không bao giờ có thể im lặng được. Khi tâm trí ý thức rằng chỉ có sự trầm lặng mới có sự giao cảm hiểu biết – lúc ấy, tâm trí trở nên rất trầm lặng. Sự trầm lặng ấy không phải xuất hiện do sự cưỡng ép, do kỷ luật ; đó là một sự trầm lặng mà một trí óc dao động không bao giờ hiểu được.
Nhiều người tìm kiếm sự an tĩnh tâm trí bằng cách rút lui khỏi đời sống hoạt động và trở về thôn làng, đi vào một tu viện, đi vô núi hoặc họ rút lui vào trong những ý tưởng, tự đóng nhốt với một tín ngưỡng, hoặc tránh những kẻ gây phiền rầy cho họ. Sự cô lập như thế không phải là sự an tĩnh trầm lặng của tâm trí. Đóng nhốt vây bọc tâm trí trong một ý tưởng hoặc trốn tránh những kẻ gây phiền não thì không tạo ra được sự an tĩnh tâm trí. Sự an tĩnh tâm trí chỉ hiện đến khi không còn tiến trình cô lập qua sự tích lũy mà là hiểu trọn vẹn toàn thể tiến trình tương giao. Sự tích lũy làm cho tâm trí già nua ; chỉ khi nào tâm trí được mới lạ, tươi tắn, không có tiến trình tích lũy – chỉ có lúc ấy mới có được sự trầm lặng tâm thức. Tâm trí trầm lặng không phải là tâm trí chết, tâm trí trầm lặng là tâm trí hoạt động nhất. Tâm trí an tĩnh là tâm trí linh hoạt nhất nhưng nếu ngài thể nghiệm sự trầm tĩnh ấy, khảo sát tâm trí an tĩnh ấy một cách sâu thẳm thì ngài sẽ thấy rằng trong sự trầm tĩnh ấy không có sự phóng hiện của tư tưởng nữa. Hiển nhiên trong tất cả mọi cấp độ, tư tưởng là phản ứng của trí nhớ và tư tưởng không bao giờ có thể hiện hữu trong trạng thức sáng tạo. Tư tưởng có thể diễn tả sự sáng tạo nhưng trong tự thể , tư tưởng không bao giờ có thể có tính cách sáng tạo. Khi có sự im lặng, sự trầm lặng tâm thức ấy không phải là một kết quả, lúc có sự trầm lặng như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng trong sự trầm lặng ấy mới hiện hữu sinh hoạt phi thường, hành động phi thường mà tâm trí xao động bởi tư tưởng không bao giờ có thể biết được. Trong sự trầm lặng ấy, không còn thể thức phương trình, không còn ý tưởng, không còn ký ức ; sự trầm tĩnh là một trạng thức sáng tạo mà chỉ có thể được sở nghiệm khi nào có sự hiểu biết trọn vẹn về toàn thể biến trình của cái “tôi”. Nếu không thế, sự trầm tĩnh không có ý nghĩa gì cả. Chỉ trong sự trầm tĩnh ấy – không phải một kết quả – trong sự trầm lặng kia, sự vĩnh cửu mới được khám phá, sự vĩnh cửu ấy siêu việt lên trên thời gian.

36.  VỀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC ĐỜI

HỎI :  Chúng ta sống mà không hiểu lý do tại sao phải sống. Đối với nhiều người chúng tôi, cuộc sống dường như chẳng có ý nghĩa gì cả. Ngài có thể cho chúng tôi biết ý nghĩa và mục đích của cuộc hiện sinh chúng tôi?
KRISHNAMURTI :  Tại sao ngài hỏi như vậy ? Tại sao ngài bảo tôi cho ngài biết về ý nghĩa của cuộc đời, mục đích của cuộc sống ? Đối với chúng ta , cuộc đời có nghĩa là gì ? Có phải đời sống có một ý nghĩa, một mục đích ? Chẳng phải chính sự sống trong hiện tại này là mục đích của chính nó, ý nghĩa của chính nó rồi sao ? Tại sao chúng ta lại muốn thêm nữa ? Bởi vì chúng ta quá bất mãn với đời sống chúng ta, đời sống chúng ta quá trống rỗng, quá rẻ mạt, quá nhàm chán, làm đi làm lại, lặp đi lặp lại bao nhiêu việc như cũ, cho nên chúng ta muốn có một cái gì hơn nữa, một cái gì vượt hẳn lên trên những việc làm thông thường của chúng ta hiện nay. Bởi vì đời sống thường nhật của chúng ta quá rỗng tuếch, quá đần độn, quá vô nghĩa, quá chán chường, ngu xuẩn đến độ không thể chịu đựng nổi, cho nên chúng ta cho rằng cuộc đời phải có một ý nghĩa trọn vẹn hơn và đó là lý do cắt nghĩa tại sao ngài đặt câu hỏi này. Nhất định một người nào sống phong phú, nhìn thấy sự vật đúng như hiện thể của chúng, cảm thấy tự tại, tự túc với những gì hắn có được, người ấy không có tâm trí tán loạn gì cả ; hắn sáng suốt minh mẫn, vì thế hắn không hỏi về mục đích của cuộc đời. Đối với hắn, chính sự sống hiện tại là sự bắt đầu và sự chấm dứt. Nỗi khó khăn của chúng ta là ; bởi vì đời sống chúng ta trống rỗng, cho nên chúng ta muốn tìm thấy mục đích cho cuộc đời và dụng công cố sức để đạt tới mục đích ấy. Mục đích của đời sống như vậy chỉ có thể là sự trí thuật trừu tượng, chẳng có thực tại gì cả ; khi mục đích của cuộc đời được đeo đuổi bởi một trí óc đần độn , chán chường, bởi một trái tim trống rỗng thì mục đích ấy cũng sẽ trống rỗng thôi. Do đó, mục đích của chúng ta là làm thế nào cho đời sống chúng ta trở nên phong phú giàu sang, không phải phong phú giàu sang với tiền bạc, của cải mà phong phú ở nội tâm – đây không phải là điều bí ẩn gì cả. Khi ngài cho rằng mục đích của cuộc đời là hạnh phúc, rằng mục đích của cuộc đời là tìm thấy Thượng đế, chắc chắn lòng khao khát tìm thấy Thượng đế kia chỉ là một sự thoát ly trước đời sống và Thượng đế của ngài chỉ là một sự thể mà ngài có thể biết được. Ngài chỉ có thể lên đường hướng về một đối tượng mà ngài biết được ; nếu ngài xây lên một cầu thang dẫn tới sự thể mà ngài gọi là Thượng đế thì chắc chắn đó không phải là Thượng đế. Chỉ có thể hiểu được thực tại trong sự sống hiện tại, chứ không phải trong sự đào thoát chạy trốn. Khi ngài tìm kiếm một mục đích của đời sống, thực ra ngài đang chạy trốn và không hiểu cuộc đời là gì. Cuộc đời là mối tương quan, cuộc đời là hành động trong tương quan ; khi tôi không hiểu được tương quan, hoặc khi mối tương quan có tính cách tán loạn thì lúc ấy tôi tìm kiếm một ý nghĩa trọn vẹn tràn đầy hơn. Tại sao đời sống của chúng ta quá trống rỗng ? Tại sao chúng ta cảm thấy quá cô đơn, quá thất vọng, phẫn chí ? Bởi vì chúng ta không bao giờ nhìn vào bản thân chúng ta và không bao giờ tự hiểu mình. Chúng ta không bao giờ tự nhận với lòng mình rằng cuộc đời này là tất cả những gì mình biết được và rằng cuộc đời này do đó cần phải được hiểu một cách trọn vẹn hoàn toàn. Chúng ta vẫn thích chạy trốn bản thân và đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta tìm kiếm mục đích của cuộc đời bên ngoài sự tương giao. Nếu chúng ta bắt đầu hiểu được hành động, tức là tương giao của chúng ta với người đời, với tài sản, với những tín ngưỡng, và với những ý tưởng, lúc ấy chúng ta sẽ thấy rằng chính mối tương giao ấy đem đến phần thưởng của riêng nó. Ngài không phải tìm kiếm gì cả. Việc đó cũng giống như việc tìm kiếm tình yêu. Ngài có thể tìm thấy tình yêu bằng cách tìm kiếm nó ? Tình yêu không thể rèn luyện được. Ngài sẽ chỉ tìm thấy tình yêu trong tương giao mà thôi, chứ không phải bên ngoài tương giao, và chính vì chúng ta không có tình yêu, cho nên chúng ta mới muốn có một mục đích trong đời sống. Ở đâu có tình yêu, tức là sự vĩnh cửu tự tính, thì ở đó không có sự đi tìm Thượng đế, bởi vì tình yêu là Thượng đế.
Chính bởi vì tâm trí của chúng ta nhét đầy mớ thuật ngữ bí hiểm và mớ lải nhải nhảm nhí, cho nên đời sống của chúng ta mới trống rỗng như thế và đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta tìm kiếm một mục đích vượt bên ngoài bản thân chúng ta . Muốn tìm thấy mục đích của đời sống, chúng ta phải đi qua khung cửa bản thân chúng ta ; một cách ý thức hoặc vô thức, chúng ta tránh đối mặt với những sự vật trong hiện tướng của chúng và vì thế chúng ta muốn Thượng đế mở cửa cho chúng ta, một cánh cửa bên kia trời. Câu hỏi về mục đích của đời sống chỉ được đặt ra từ những kẻ nào không thương yêu. Tình yêu chỉ có thể tìm thấy trong hành động, tức là mối tương quan giữa lòng đời.

37.  VỀ SỰ TÁN LOẠN TÂM THỨC

HỎI :  Tôi đã nghe tất cả buổi nói chuyện của ngài và tôi đã đọc hết tất cả những quyển sách của ngài . Tôi xin hỏi ngài một cách đứng đắn, chân thành nhất, mục đích của cuộc đời tôi có thể là gì, nếu theo lời ngài nói, tất cả tư tưởng phải chấm dứt, tất cả kiến thức phải triệt tiêu đi, tất cả trí nhớ phải mất đi ? Làm thế nào ngài giữ lại tương quan của trạng thể ấy với thế giới mà chúng ta đang sống, dù trạng thể ấy là gì đi nữa như ngài nói ? Trạng thể như vậy còn tương quan liên hệ gì với cuộc hiện hữu thê thảm đau đớn của chúng tôi ?
KRISHNAMURTI :  Chúng ta muốn biết trạng thể này là gì , một trạng thể chỉ hiện hữu khi nào tất cả kiến thức , khi nào thực thể tri nhận, không còn đó nữa ; chúng ta muốn biết trạng thể này có tương quan liên hệ với thế giới của chúng ta, thế giới sinh hoạt thường nhật, những đeo đuổi hàng ngày. Chúng ta biết rằng đời sống chúng ta hiện nay như thế nào – buồn bã, đau đớn, thường xuyên sợ hãi lo âu, không có gì hằng cửu ; chúng ta quá biết rõ điều ấy, chúng ta muốn biết trạng thái kia có liên quan tương hệ gì với trạng thái này – và nếu chúng ta xua bỏ kiến thức, giải thoát khỏi những kỷ niệm của chúng ta, vân vân, thì mục đích của sự hiện hữu là gì.
Mục đích của cuộc sống là gì như chúng ta được biết hiện nay ? – biết được sát với thực tế, chứ không phải lý thuyết trừu tượng thôi ? Mục đích của cuộc sống thường nhật chúng ta là gì ? Phải chăng chỉ là sống còn ? Sống còn với tất cả sự khốn đốn, tất cả sự trầm thống, hỗn loạn, chiến tranh, tàn phá, vân vân. Chúng ta có thể tạo tác ra những lý thuyết, chúng ta có thể nói :” Cái này không như vầy mà phải là một cái khác”. Nhưng tất cả những thứ này đều là lý thuyết, không phải là những sự kiện dữ kiện. Chúng ta chỉ biết sự tán loạn, đau đớn, giày vò, những mối thù hận hiềm khích khôn cùng. Nếu chúng ta tỉnh thức hơn, chúng ta cũng biết được những sự tình ấy đã xảy ra như thế nào. Mục đích của đời sống từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, trong mỗi ngày một, là phá hoại tiêu diệt lẫn nhau, trục lợi lẫn nhau, đứng về mặt cá thể hoặc về về mặt tập thể loài người. Trong cơn cô đơn, trong nỗi điêu đứng thống khổ, chúng ta đã cố gắng chạy trốn bản thân – bằng những cuộc giải trí, bằng những thần thánh thần tượng, bằng trí thức kiến thức, bằng đủ mọi hình thức tín ngưỡng, bằng tinh thần đồng hóa. Đó là mục đích hữu thức hoặc vô thức trong đời sống hiện tại của chúng ta . Có một mục đích nào sâu thẳm hơn, rộng rãi hơn ; một tiêu đích siêu việt, không lệ thuộc vào cơn hỗn loạn, không thuộc vào sự thâu hái lời lãi, chiếm hữu ? Trạng thái vô vi, không cần nỗ lực kia có tương quan liên hệ gì với đời sống thường nhật của chúng ta ?
Chắc chắn trạng thái kia không có tương quan dính líu gì với đời sống của chúng ta . Làm thế nào dính líu được ? Nếu tâm thức tôi tán loạn, hấp hối, cô đơn, làm thế nào tâm thức ấy có dính líu quan thiết với một sự thể không phải thuộc vào chính nó ? Làm thế nào chân lý có thể liên quan tương hệ với sự giả dối, với ảo tưởng ? Chúng ta không muốn nhận điều ấy, vì những hoài vọng của chúng ta, những sự tán loạn của chúng ta, đã làm chúng ta tin tưởng vào một thực thể vĩ đại hơn, tôn quí hơn, mà chúng ta cho rằng có liên quan với w. Trong cơn thất vọng, chúng ta tìm kiếm chân lý, mong mỏi rằng khi khám phá được chân lý thì nỗi thất vọng ủa chúng ta sẽ tiêu tan đi.
Vì lẽ đó, chúng ta có thể thấy rằng một tâm thức tán loạn, một tâm hồn quằn quại đau đớn u sầu, một tâm trí ý thức được nỗi hoang trống cô liêu của nó thì không bao giờ có thể tìm thấy những gì vượt ra ngoài nó. Những gì siêu việt, vượt ra ngoài trí óc chỉ có thể xuất hiện khi nào những lý do của sự hỗn mang, thống khổ, cùng bách, đã được triệt tiêu hoặc được lãnh hội. Tất cả những gì tôi đã nói, đã đề cập đều là cách tìm hiểu bản thân, vì không có sự tự tri thì trạng thể kia không xuất hiện được, có xuất hiện đi nữa thì đó chỉ là ảo tưởng. Nếu chúng ta có thể hiểu được trọn vẹn tiến trình bản thân chúng ta từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác , lúc ấy chúng ta sẽ thấy rằng trong việc quét sạch sự hỗn loạn của nội tâm thì trạng thể kia mới xuất hiện. Lúc ấy, sự hiện nghiệm về trạng thể kia mới có sự tương quan liên hệ với trạng thể này. Nhưng trạng thể này sẽ không bao giờ có tương quan liên hệ với trạng thể kia được. Đứng bên này bình phong, đứng bên này trong bóng tối, ở trong bóng tối, làm thế nào mình có thể kinh nghiệm về ánh sáng, về sự tự do ? Nhưng một lần mình có kinh nghiệm về chân lý thì lúc ấy ngài có thể đặt tương quan kinh nghiệm ấy với trần gian này, thế giới mà chúng ta đang sống.
Nếu chúng ta chưa bao giờ biết tình yêu là gì, nhưng chỉ biết sự cãi lẫy, khốn khó, xung đột, tương tranh thì làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được tình yêu kia, vì tình yêu chẳng phải thuộc về tất cả những trạng huống đối nghịch kia ? Nhưng một lần nào đã thể nghiệm tình yêu kia rồi, lúc ấy, chúng ta sẽ không phải bận tâm tìm kiếm sự tương quan nào cả. Lúc ấy, tình yêu, sự thông minh, tác động xuất sinh. Nhưng muốn thể nghiệm trạng thái ấy, tất cả kiến thức, những kỷ niệm tích trữ, những sinh hoạt duy ngã phải chấm dứt, để cho tâm trí không còn khả năng phóng ảnh ngoại hiện bất cứ cảm giác nào. Lúc ấy, khi sở nghiệm như vậy, hành động mới xuất sinh giữa lòng đời.
Chắc chắn đó là mục đích của cuộc hiện hữu – nghĩa là vượt qua sinh hoạt vị ngã của tâm trí . Khi sở nghiệm trạng thể ấy, một trạng thể mà tâm trí không thể đo lường được, lúc ấy, chính sự sở nghiệm ấy về trạng thể kia sẽ tạo ra một cuộc cách mệnh nội tại. Lúc ấy, nếu tình yêu hiện hữu thì không còn vấn đề xã hội nữa. Khi tình yêu giáng thế thì không còn bất cứ vấn đề nào nữa. Vì chúng ta không biết yêu thương, cho nên chúng ta mới có những vấn đề xã hội và những hệ thống triết lý để đối phó với những vấn đề của chúng ta . Tôi bảo rằng những vấn đề này không bao giờ có thể giải quyết được bằng bất cứ hệ thống ý thức nào, dù là ý thức của tả phái hoặc của hữu phái hoặc của trung phái. Những vấn đề ấy có thể giải tan được sự tán loạn của chúng ta, sự thống khổ, sự tự diệt chỉ có thể giải tan được là khi nào chúng ta có thể thực hiện trạng thể mà không còn tự phóng ảnh ngoại hiện nữa.

38.  VỀ SỰ CHUYỂN HÓA TÂM THỨC

HỎI :  Đối với ngài, sự chuyển hóa tâm thức có nghĩa là gì ?
KRISHNAMURTI :  Cố nhiên, phải cần có một cuộc cách mệnh triệt để. Cuộc khủng hoảng ở thế giới đòi hỏi điều ấy. Đời sống chúng ta đói hỏi điều ấy. Những biến sự hàng ngày, những thao thức đeo đuổi, những lo âu xao xuyến của chúng ta, đòi hỏi điều ấy. Phải cần có một cuộc cách mạng tận nền tảng, cơ sở, tận gốc rễ, bởi vì mọi sự chung quanh ta đã sụp đổ. Dường như vẫn còn trật tự, thực ra thì sự suy đồi đang rã dần, sự phá hoại vẫn đang ăn rũa dần hồi, chầm chậm : ngọn sóng phá hoại đang thường xuyên nhảy tràn qua ngọn sóng cuộc đời.
Vì thế phải cần có một cuộc cách mệnh, một sự chuyển y – không phải một cuộc cách mệnh được xảy ra trên một ý tưởng, ý niệm. Một cuộc cách mệnh như vậy chỉ là sự lưu diễn của ý tưởng, chứ không phải một cuộc chuyển hóa biến thiên tận gốc rễ, tận căn để. Bất cứ cuộc cách mệnh nào xây dựng trên một ý tưởng đều đem đến sự đẫm máu tương tàn, phân tán, đổ vỡ, hỗn mang. Ngài không thể tạo ra trật tự từ sự hỗn mang và mong mỏi thiết lập trật tự lại từ sự hỗn mang ấy. Ngài không phải là những phần tử được Trời chọn để tạo ra trật tự thoát từ sự hỗn mang, tán loạn. Đó là luận điệu suy tưởng sai lầm bên phía những người muốn gây ra thêm nhiều hỗn loạn để mà tạo ra sự trật tự. Vì trong khoảnh khắc nhất thời, khi họ chiếm giữ quyền hành, họ tự cho là họ biết đủ cách để đem lại trật tự. Khi nhìn thấy toàn thể tai họa – những trận chiến tranh tiếp diễn trở đi trở lại luôn luôn : sự xung đột không dứt giữa những giai cấp, giữa những dân tộc, sự bất bình đẳng khủng khiếp về mặt xã hội và kinh tế, sự bất bình đẳng về khả năng và tài năng, hố ngăn cách đào sâu giữa những kẻ quá hạnh phúc , tâm thức trơ lỳ bất lay động , và những kẻ bị vướng kẹt nghiền nát trong căm hờn, hận thù, xung đột, tranh chấp và khốn cùng – khi nhìn thấy tất cả mọi sự này, thì cần phải có một cuộc cách mệnh , cần phải có một cuộc chuyển thức toàn triệt, phải thế không ?
Có phải sự chuyển thức này, cuộc cách mệnh triệt để này là một việc tối hậu, xảy ra sau cùng hoặc xảy ra từ giây phút này đến giây phút khác. Tôi biết rằng chúng ta vẫn thích đó là việc xảy ra sau cùng ; vì suy nghĩ qua phạm trù của khoảng cách xa xôi thì dễ dàng hơn. Sau cùng rồi chúng ta sẽ được chuyển hóa, sau cùng rồi chúng ta sẽ được hạnh phúc, sau cùng rồi chúng ta sẽ tìm thấy chân lý ; trong khoảng thời gian ấy, trong thời gian chờ đợi thì chúng ta vẫn tiếp tục lưu diễn sinh hoạt cũ. Hiển nhiên một tâm thức như vậy , suy tư qua phạm trù của tương lai, thì vẫn không thể nào tác động ngay vào hiện tại ; do đó, tâm trí ấy không tìm kiếm sự chuyển hóa tâm thức mà chỉ trốn tránh sự chuyển hóa ấy. Đối với chúng ta, sự chuyển hóa có nghĩa là gì ?
Sự chuyển hóa không phải trong tương lai, không bao giờ có thể xảy ra trong tương lai. Sự chuyển hóa chỉ có thể xảy ra ngay bây giờ , từng giây phút một, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Vì thế đối với chúng ta, sự chuyển hóa có nghĩa là gì ? Dĩ nhiên là rất giản dị : nhìn thấy sự sai lầm như là sai lầm và sự đúng thật như là đúng thật. Nhìn thấy sự thật trong điều sai và nhìn thấy điều sai trong những gì đã được nhận như là sự thật. Nhìn thấy điều sai như là sai và sự thật như thật là sự chuyển hóa tâm thức , vì lúc ngài thấy rõ ràng điều gì đó như là sự thật thì chính sự thật ấy giải phóng ngài ; khi ngài nhìn thấy điều gì là sai lầm thì điều sai lầm ấy rơi mất đi. Khi ngài thấy rằng những nghi lễ chỉ là sự lặp lại phù phiếm, khi ngài thấy sự thật của điều ấy và không biện minh nó thì lúc ấy sự chuyển biến hiện đến, phải thế không ? Vì một sự triền phược khác đã biến mất. Khi ngài thấy sự phân chia giai cấp là sai lầm, rằng điều ấy đã gây ra sự xung đột thống khổ, gây ra sự phân hóa giữa loài người, khi ngài thấy sự thật của điều ấy thì chính sự thật ấy giải phóng ngài. Chính sự trực nhận về sự thật ấy đã là sự chuyển hóa, phải thế không ? Vì chúng ta bị bao vây bởi quá nhiều điều sai lầm, cho nên sự trực nhận điều sai lầm ấy từ giây phút này đến giây phút khác chính là sự chuyển hóa rồi. Chân lý không có tính cách chồng chất, tích trữ. Chân lý nằm ngay trong từng giây phút một, từng khoảnh khắc, từng thoáng chốc. Những gì được chồng chất, tích lũy, chính là trí nhớ, và với trí nhớ, các ngài không bao giờ có thể tìm thấy chân lý, vì trí nhớ thuộc vào thời gian – và thời gian là quá khứ , hiện tại và tương lai. Thời gian, tức là sự kế tục, thời gian không bao giờ có thể tìm thấy sự thiên thu vĩnh cửu ; sự thiên thu vĩnh cửu không phải là sự kế tục. Những gì trường tồn không phải là vĩnh cửu ; sự vĩnh cửu nằm ngay trong khoảnh khắc này. Sự thiên thu là ở ngay bây giờ. Hiện tính không phải là suy tưởng về quá khứ cũng không phải sự kế tục của quá khứ xuyên qua hiện tại để đi đến tương lai.
Bất cứ tâm trí nào thèm khát một cuộc chuyển hóa ở tương lai, hoặc mong mỏi sự chuyển hóa như là một cứu cánh xảy ra ở cuối đường thì không bao giờ có thể tìm thấy được chân lý, vì chân lý là sự thể thoáng hiện trong từng giây phút, chân lý phải được khám phá một cách mới lạ luôn ; không thể nào có được sự khám phá bằng việc tích lũy. Làm thế nào ngài có thể khám phá điều mới lạ nếu ngài còn đeo nặng gánh cũ ? Chỉ khi nào bỏ đi gánh nặng cũ kỹ của tâm thức thì ngài mới khám phá được điều mới lạ. Muốn khám phá điều mới lạ , điều vĩnh cửu, trong hiện tại, trong từng giây phút từng khoảnh khắc, mình cần phải có một tâm trí linh hoạt mẫn tiệp lạ thường, một tâm trí không tìm kiếm một kết quả nào, không muốn trở nên thành đạt. Một tâm thức muốn trở nên thành đạt thì không bao giờ có thể biết được sự khoái cảm ngây ngất trọn vẹn của lòng tự tại ; không phải sự mãn nguyện của lòng thỏa mãn tự phụ ; không phải sự mãn nguyện của một kết quả đạt được mà là sự mãn nguyện hiện đến khi tâm trí thấy được điều sai trong hiện thể , trong “cái đang là” . Sự trực nhận về sự thật ấy là từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác ; và sự trực nhận ấy sẽ bị triển hoãn lại nếu mình diễn dịch khoảnh khắc kia thành ra ngôn từ, chữ nghĩa.
Sự chuyển thức không phải là một cứu cánh, một kết quả. Sự chuyển hóa không phải là một thành quả. Sự kết quả, thành quả ngụ ý về sự cặn bã, dư tích, một nhân và một quả. Ở đâu có nhân thì nhất định ở đấy có quả. Quả chỉ là kết quả của lòng dục vọng thèm khát muốn được chuyển hóa. Khi ngài thèm muốn được chuyển hóa thì ngài vẫn còn suy tư trong phạm trù biến dịch, vô thường, thành đạt, trở nên, dịch hóa ; vô thường không bao giờ có thể hiểu được sự thường còn. Chân lý là hiện tính trong từng giây phút, trong từng khoảnh khắc và sự hạnh phúc nào được lưu diễn liên tục thì không phải là hạnh phúc. Hạnh phúc là trạng thái hiện thể, phi thời gian. Trạng thái phi thời gian ấy chỉ có thể hiện đến khi mình bất mãn cùng độ - không phải sự bất mãn cố tìm ngõ thoát để chạy trốn, mà phải là nỗi bất mãn khôn nguôi, không ngõ thoát, không chạy trốn, không còn tìm kiếm sự thành đạt, thành thân nữa. Chỉ lúc ấy, chỉ trong trạng thái bất mãn tối thượng ấy thì thực tại mới xuất hiện. Thực tại ấy không thể mua chác được , không thể bán buôn được, không thể lặp đi nhắc lại được ; thực tại ấy không thể bắt gặp được trong những sách vở. Thực tại ấy phải được tìm thấy trong từng khoảnh khắc, trong nụ cười, trong giọt lệ, dưới một chiếc lá chết, trong những tư tưởng phiêu lãng bâng quơ, trong sự tràn đầy sung mãn của tình yêu.
Tình yêu không khác chân lý. Tình yêu là trạng thái mà tiến trình tư tưởng như là thời gian đã chấm dứt toàn triệt. Ở đâu có tình yêu thì ở đó có sự chuyển hóa, chuyển thức. Không có tình yêu thì sự cách mệnh sẽ vô nghĩa, vì lúc ấy cách mệnh chỉ là phá hoại, suy đồi, gây thêm nhiều thống khổ tràn ngập. Ở đâu có tình yêu, ở đó có cách mệnh, bởi vì tình yêu là chuyển hóa trong từng giây phút.

---------------------------- HẾT --------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét