Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Tự do đầu tiên và cuối cùng (8) - Phần hai

Phần hai - vấn đề 1 -10
Krishnamurti - Tự do đầu tiên và cuối cùng

Bản dịch Phạm Công Thiện

PHẦN HAI
HỎI VÀ TRẢ LỜI

1. VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG HIỆN TẠI

HỎI : Ngài nói rằng cuộc khủng hoảng hiện tại là không tiền (khoáng hậu). Vậy cuộc khủng hoảng này ngoại lệ như thế nào ?
KRISHNAMURTI : Hiển nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay trên toàn thế giới có tính cách ngoại lệ, chưa từng xảy ra trước kia. Trong quá trình lịch sử, vào những thời đại khác nhau, chúng ta thấy xảy ra đủ loại khủng hoảng khác nhau, trên phương diện xã hội , quốc gia, chính trị. Những cuộc khủng hoảng hiện đến và trôi qua ; những sự sụp đổ phá sản, khủng hoảng kinh tế xảy ra, được biến đổi và tiếp tục trong một hình thức khác. Chúng ta đều biết rõ điều này, chúng ta quá quen thuộc với tiến trình này, cố nhiên cuộc khủng hoảng hiện tại thì hoàn toàn khác hẳn, phải thế không ? Cuộc khủng hoảng này hoàn toàn khác hẳn trước nhất bởi vì chúng ta không phải đối trị với tiền bạc, cũng không phải đối trị với những sự vật hữu hình, mà lại phải đối trị với những ý tưởng . Cuộc khủng hoảng hiện nay có tính cách ngoại lệ, vì nó lệ thuộc vào lãnh vực của sự vận hành ý niệm. Chúng ta tranh luận nhau về những ý tưởng ; chúng ta đều tìm cách biện minh cho sự sát nhân và xem việc ấy như là một phương tiện hướng tới một cứu cánh chính đáng, chính sự kiện này cũng không tiền, chưa từng xảy ra trước kia. Trước kia, điều ác, điều bất thiện được gọi là ác, bất thiện ; sự sát nhân được nhận chân tướng đích thực là sát nhân, nhưng ngày nay, sự sát nhân lại được xem như là một phương tiện để đạt tới một cứu cánh cao thượng. Người ta tìm cách biện minh cho hành động sát nhân, thuộc phạm vi cá nhân hoặc phạm vi đoàn thể, bởi vì kẻ sát nhân hay đoàn thể mà kẻ sát nhân ấy đại diện, đã biện minh hành động mình như là phương tiện cần thiết để đạ tới một cứu cánh gọi là “có lợi” cho loài người. Nói rõ hơn, chúng ta đã hy sinh hiện tại cho tương lai – và bất cứ phương tiện nào được dùng cũng được , miễn là mang đến “lợi ích” cho con người là đủ. Do đó, người ta hiểu ngầm rằng một phương tiện sai lầm có thể tạo tác ra một cứu cánh chính đáng, rồi người ta lại biện minh cho phương tiện sai lầm ấy bằng sự vận hành ý niệm. Trước kia, trong những cuộc khủng hoảng, vấn đề là sự khai thác lợi dụng về sự vật hoặc về nhân sự, nhưng bây giờ lại là sự khai thác lợi dụng về những ý tưởng, như thế lại càng khốc hại nguy hiểm hơn nữa, vì khai thác lợi dụng những ý tưởng thì tàn phá khôn cùng, hủy hoại không cùng. Bây giờ chúng ta đã hiểu rõ về thế lực của sự tuyên truyền, thế lực tuyên truyền là một trong những tai họa lớn nhất đã xảy ra trên đời này : lợi dụng những ý tưởng như là một phương tiện để chuyển hóa con người. Đó là điều hiện nay đang xảy ra trên thế giới. Con người không còn quan trọng nữa – những hệ thống, những ý tưởng đã trở thành quan trọng hơn. Con người không còn có được bất cứ ý nghĩa nào nữa. Chúng ta có thể phá hủy tiêu diệt hàng triệu người khi mà chúng ta còn tạo tác được một kết quả, thành quả nào đó, và thành quả ấy được biện minh bằng những ý tưởng. Chúng ta có cả một cơ cấu đồ sộ về những ý tưởng để biện minh cho sự ác và chắc chắn là điều này không từng xảy ra lần nào trong quá khứ. Điều ác là điều ác ; nó không thể nào tạo ra điều thiện được. Chiến tranh không phải là một phương tiện đưa tới hòa bình. Chiến tranh có thể đem lại một số lợi ích phụ thuộc, chẳng hạn như thêm nhiều phi cơ hữu hiệu tối tân hơn nữa, nhưng chiến tranh sẽ không đem hòa bình đến cho loài người được. Đứng về mặt trí thức, chiến tranh được biện minh như là một phương tiện để đem lại hòa bình nhưng khi mà trí thức được giữ ưu thế thì nó sẽ mang tới cuộc khủng hoảng không tiền (khoáng hậu).
Có nhiều nguyên nhân khác để nói lên cuộc khủng hoảng không tiền này. Một trong những lý do mà con người đã đặt sự quan trọng lạ thường nơi những giá trị giác quan, nơi tài sản, nơi danh tước, giai cấp, xứ sở, nhãn hiệu đặc biệt mà mình mang trong người. Các ngài có thể là người theo đạo Hồi Hồi, hay theo đạo Ấn độ, Thiên Chúa giáo hay theo Cộng Sản, danh hiệu và tài sản giai cấp xứ sở ; đã trở thành quan trọng vô cùng, điều ấy chỉ nói lên rằng con người bị vướng kẹt trong giá trị giác quan, giá trị của những sự vật, sự vật làm bằng óc não hay bằng tay. Những sự vật làm bằng tay hay bằng óc đã trở thành quan trọng đến nỗi chúng ta giết nhau, tàn sát nhau, phá hoại nhau, xâu xé và thanh toán nhau cũng vì những sự vật ấy. Chúng ta đang đi đến cận bờ hố thẳm ; tất cả những hành động của chúng ta đang đưa dẫn chúng ta đến đó, tất cả hành động chính trị, tất cả hành động kinh tế đang đưa chúng ta đến hố thẳm không thể nào tránh được, tất cả những hành động này đang lôi kéo chúng ta vào trong hố thẳm hỗn loạn, hỗn mang. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao cuộc khủng hoảng hiện nay là chưa từng xảy ra trong lịch sử, cuộc khủng hoảng này đòi hỏi chúng ta phải có hành động độc đáo, hành động chưa từng xảy ra trong lịch sử. Muốn lìa bỏ, muốn bước ra ngoài cơn khủng hoảng hiện nay, chúng ta cần phải có hành động vượt ra ngoài thời gian , một hành động không còn xây dựng trên ý tưởng, trên hệ thống, bởi vì bất cứ hành động nào được xây dựng trên một hệ thống trên một ý tưởng, đều nhất định dẫn tới bất lực, tuyệt vọng không thể nào tránh được. Hành động như thế chỉ đưa chúng ta trở lại hố thẳm bằng một đường lối khác thôi. Vì cơn khủng hoảng hiện nay là không tiền, mình cũng cần phải có hành động không tiền, nghĩa là sự hồi phục, hồi sinh của cá thể phải là đột phát chứ không phải là một tiến trình thời gian . Hành động không tiền này phải xảy ra ngay bây giờ, chứ không phải vào ngày mai, vì ngày mai chỉ là một tiến trình phân hóa thôi. Nếu tôi nghĩ rằng sự chuyển hóa bản thân có thể thực hiện được vào ngày mai thì tôi chỉ gọi mời sự hỗn loạn thôi, thì tôi vẫn còn vướng lụt trong lãnh vực phá hoại. Có thể nào thay đổi ngay bây giờ ? Có thể nào thay đổi, chuyển hóa bản thân một cách toàn triệt ngay lập tức, ngay bây giờ, hiện tại ? Tôi cho rằng có thể làm được.
Vấn đề là cuộc khủng hoảng hiện nay có tính cách ngoại lệ, do đó, muốn đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại lệ này, mình phải làm một cuộc cách mạng trong tư tưởng, cuộc cách mạng này không thể xảy ra được qua trung gian của bất cứ tổ chức nào. Chỉ có qua chúng ta, qua mỗi người trong chúng ta, thì cuộc cách mạng ấy mới thành hình được. Chỉ có lúc ấy chúng ta mới có thể tạo ra một xã hội mới, một cơ cấu mới vượt ra ngoài cơn khủng khiếp hiện nay, vượt ra ngoài những sức lực tàn phá dị thường đang được tích trữ, chồng chất và sự chuyển hóa toàn triệt này chỉ có thể thực hiện khi nào đứng trên cương vị của một cá thể, các ngài bắt đầu ý thức , trực thức về bản thân trong mỗi một tư tưởng, trong mỗi một hành động và mỗi một cảm giác.

2. VỀ CHỦ NGHĨA ÁI QUỐC HẠN HẸP

HỎI : Cái gì xảy đến, khi chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp đã mất đi ?
KRISHNAMURTI : Hiển nhiên là sự thông minh hiện đến. Nhưng tôi ngại rằng câu trả lời này không nằm trong thâm ý ẩn tàng của câu hỏi. Thâm ý kín đáo của câu hỏi là : cái gì có thể thay thế cho chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp ? Bất cứ sự thay thế nào cũng là một động tác không đem tới được sự thông minh. Nếu tôi lìa bỏ một tôn giáo và đi theo một tôn giáo khác, hoặc lìa bỏ một đảng phái chính trị , rồi lại đi gia nhập một đảng phái khác, tất cả sự thay thế liên tục này chỉ chứng tỏ một tâm thái thiếu thông minh .
Làm thế nào để chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp mất đi? Chỉ có thể bằng cách hiểu được tất cả những ẩn ý khuất lấp của chủ nghĩa ấy, bằng cách khảo sát nó, bằng cách trực thức về ý nghĩa của nó trong hành động bên ngoài và bên trong. Bên ngoài, chủ nghĩa này đem đến sự phân hóa chia rẽ giữa con người, đem đến sự phân hạng, những cuộc chiến tranh phá hoại, điều này thực là quá hiển nhiên, đối với bất cứ ai chịu quan tâm. Bên trong, đứng về mặt tâm lý , sự đồng hóa, tinh thần đồng hóa với thực thể lớn lao, với quê hương tổ quốc, với một ý tưởng , hiển nhiên chỉ là một hình thức của sự bành trướng bản thân. Lúc sống trong một thôn làng bé nhỏ hoặc trong một thành phố lớn hoặc bất cứ ở đâu, tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, một người không ra gì cả, nhưng nếu tôi tự đồng hóa mình với một thực thể lớn hơn, với quê hương tổ quốc chẳng hạn, thì tôi mới tự gọi mình là một người Ấn độ chẳng hạn ; sự việc ấy vuốt ve tính hợm mình của tôi, nó tạo cho tôi sự thỏa mãn, uy tín, cảm giác lâng lâng khỏe khoắn quân bình ; sự đồng hóa với một thực thể lớn lao, tức là nhu cầu tâm lý thích ứng cho những kẻ nào cảm thấy rằng sự bành trướng bản thân là chính yếu, chính tinh thần đồng hóa ấy cũng đã tạo ra bao nhiêu là xung đột, tương tranh giữa con người với con người. Thế là chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp chẳng những tạo ra xung đột bên ngoài mà còn gây ra những cơn tuyệt vọng phẫn chí nội tâm , khi nào mình hiểu được chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp , hiểu được toàn thể tiến trình của chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp thì nó sẽ rơi mất đi. Chỉ có thể hiểu được chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp bằng sự thông minh của tâm hồn mình, bằng cách quan sát kỹ lưỡng, bằng cách dò sâu vào trọn vẹn tiến trình của chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp , của lòng ái quốc. Nhờ sự dò xét khảo nhận ấy, sự thông minh mới hiện đến và lúc ấy, mình không còn thay thế chủ nghĩa quốc gia bằng một cái gì khác. Khi mình thay thế chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp bằng tôn giáo, lúc ấy tôn giáo sẽ trở thành một phương tiện khác để bành trướng bản ngã , mầm mống nguồn gốc của sự xao xuyến sợ hãi, phương tiện để tự nuôi dưỡng qua tín ngưỡng. Do đó, bất cứ hình thức thay thế nào, dù có cao thượng đi nữa, cũng chỉ là một hình thức mê muội ngu xuẩn. Việc ấy không khác gì người bỏ hút thuốc và thay thế bằng nhai kẹo cao su hoặc ăn trầu hoặc bất cứ cái gì khác, trái lại, thay vì thế, mình thực sự hiểu được toàn thể vấn đề hút thuốc, những thói quen, những cảm giác ; những yêu sách tâm lý và tất cả mọi sự khác đại loại thế, thì thói hút thuốc sẽ rơi mất đi. Các ngài chỉ có thể hiểu được khi sự thông minh được khai triển, khi sự thông minh tác động, và sự thông minh không thể nào tác động được , khi ta vẫn còn tìm cách, thay thế cái này bằng cái khác. Sự thay thế chỉ là một hình thức tự hối lộ, đút lót bản thân mình xui khiến cám dỗ mình tránh làm việc này để rồi làm việc khác. Chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp , cùng với thuốc độc của chủ nghĩa này, cùng với sự thống khổ và tương tranh ở thế giới do nó tạo ra, chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp tai hại này chỉ có thể biến mất khi nào mình có được thông minh, và thông minh không xuất hiện bằng cách thi đậu cấp bằng và bằng cách đọc sách. Sự thông minh chỉ xuất hiện khi nào chúng ta hiểu được những vấn đề khi vấn đề ấy khởi phát. Khi nào mình hiểu được vấn đề trong những cấp độ khác nhau của nó, không những chỉ ở phần hời hợt bên ngoài mà cả phần ẩn tàng sâu kín bên trong tâm tư, chỉ có lúc ấy thì mới có được thông minh xuất hiện ngay trong tiến trình ấy. Thế là thông minh xuất hiện thì không có sự thay thế nào nữa ; và khi thông minh hiện hữu, lúc ấy, chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp , lòng ái quốc, tức là một hình thức của sự ngu đần, tất cả thứ này đều cáo chung tiêu triệt.

3.  TẠI SAO PHẢI CẦN NHỮNG BẬC ĐẠO SƯ ?

HỎI : Ngài nói rằng không cần phải theo bất cứ bậc đạo sư nào cả, nhưng làm thế nào tôi có thể thấy được chân lý nếu không có sự giúp đỡ hướng dẫn khôn ngoan mà chỉ có một vị đạo sư (guru) mới có thể đem đến được?
KRISHNAMURTI : Vấn đề đặt ra là có cần phải có đạo sư (guru) hay không. Chân lý có thể nào được tìm thấy qua trung gian của một người khác ? Người này nói có thể , người kia nói rằng không thể. Chúng ta cần biết sự thực về vấn đề này, chứ không cần ý kiến của tôi để chống lại ý kiến của một người khác. Tôi không có ý kiến trong vấn đề này. Việc ấy có thể là thế hoặc có thể không là thế. Tìm hiểu xem có cần để các ngài phải theo hoặc không phải theo một bậc đạo sư nào đó, tất nhiên đây không phải là vấn đề ý kiến. Chân lý của vấn đề không tùy thuộc vào ý kiến dù ý kiến có thâm sâu, uyên bác, phổ thông, phổ quát. Chân lý của vấn đề phải được thực sự khai phá ra.
Trước hết, tại sao các ngài cần phải theo một bậc đạo sư nào đó ? Chúng ta cho rằng chúng ta cần phải có một bậc đạo sư, vì chúng ta hỗn loạn trong tâm thức, và một bậc đạo sư , có thể giúp đỡ tiếp dẫn ta : vị đạo sư ấy sẽ chỉ cho ta rõ đâu là chân lý, ông ấy sẽ giúp đỡ chúng ta hiểu sự việc, ông ấy hiểu rõ đời sống hơn là ta, ông ấy sẽ tác động ảnh hưởng chúng ta như là một người cha, như là một vị thầy chỉ đường dẫn dạy ta trong đời sống. Ông ấy có nhiều kinh nghiệm thông thạo rộng lớn, còn chúng ta chỉ có chút ít kinh nghiệm thôi ; ông ấy sẽ dẫn dắt giúp đỡ chúng ta qua kinh nghiệm rộng lớn của ông, vân vân và vân vân . Nói gọn lại một cách căn bản hơn, các ngài đi đến một vị đạo sư nào đó bởi vì tâm thức các ngài đang ở trong trạng thái tán loạn. Nếu các ngài trong suốt minh mẫn, các ngài sẽ không đi đến gần bất cứ một vị đạo sư nào cả. Cố nhiên nếu các ngài được hạnh phúc một cách thâm trầm, nếu các ngài không có vấn đề gì cả, nếu các ngài hiểu đời sống một cách hoàn toàn, các ngài sẽ không đi tìm bất cứ bậc đạo sư nào hết. Tôi mong rằng các ngài thấy được ý nghĩa của sự kiện này. Vì tâm tư các ngài tán loạn, cho nên các ngài tìm kiếm một bậc thầy dẫn đạo. Các ngài tìm đến bậc thầy ấy để được ban cho một đường lối sống ở đời, để giải minh sự tán loạn riêng tư của các ngài, để thấy được chân lý. Các ngài chọn thầy đạo là vì các ngài tán loạn, các ngài mong rằng bậc đạo sư sẽ ban cho những gì các ngài đòi hỏi. Nói rõ hơn, các ngài chọn lựa vị đạo sư nào khả dĩ thỏa mãn được sự đòi hỏi của các ngài, các ngài chọn lựa tùy theo sự thỏa nguyện, thỏa mãn mà bậc đạo sư ấy có thể ban đến cho các ngài, sự chọn lựa của các ngài lại lệ thuộc vào sự thỏa mãn của các ngài. Các ngài không chịu chọn lựa vị đạo sư nào dạy như vầy : “Hãy nương tựa vào chính mình” ; các ngài chọn lựa đạo sư tùy thuận theo những thành kiến của các ngài. Thế, vì các ngài chọn lựa đạo sư tùy theo sự thỏa mãn mà vị đạo sư ấy đã mang đến cho các ngài, cho nên các ngài không phải đi tìm chân lý mà chỉ tìm đường để thoát ra ngoài hỗn loạn ; và con đường thoát ra ngoài hỗn loạn được gọi sai lầm là “chân lý”.
Chúng ta hãy khảo sát trước tiên ý tưởng cho rằng bậc đạo sư nào đó có thể giải minh sự tán loạn của mình. Có ai có thể giải minh sự tán loạn của chúng ta ? Sự hỗn loạn chính là thoát thai từ những đáp ứng của chúng ta . Chúng ta đã tạo ra sự hỗn loạn ấy. Các ngài nghĩ rằng kẻ nào khác đã tạo ra sự hỗn loạn ấy ư ? Kẻ nào khác đã tạo ra sự thống khổ khốn cùng, sự tương tranh chiến đấu ở khắp mọi cấp độ của đời sống, bên trong và bên ngoài ? Đó là kết quả của sự thiếu hiểu biết của chính mình về bản thân mình. Vì chúng ta không tự hiểu mình, không hiểu những sự xung đột của chúng ta , những đáp ứng của chúng ta, những thống khổ chúng ta, cho nên chúng ta mới đi tìm một bậc đạo sư nào đó khả dĩ giúp đỡ chúng ta thoát khỏi sự tán loạn kia. Chúng ta chỉ có thể hiểu bản thân trong tương giao quan thiết với hiện tại ; chính tương giao quan thiết ấy là bậc đạo sư rồi, chứ không phải một kẻ nào bên ngoài. Nếu tôi không hiểu tương giao quan thiết với hiện tại thì bất cứ những gì mà bậc đạo sư dạy cho chúng ta đều phù phiếm vô dụng, bởi vì nếu không hiểu được sự tương quan, sự tương giao quan hệ của mình với tài sản, với con người, với những ý tưởng, thì ai có thể giải tan được xung đột trong tôi ? Muốn giải quyết sự xung đột này, tôi phải hiểu sự xung đột bằng chính bản thân mình, nghĩa là tôi phải trực thức về bản thân mình trong mối tương quan giao hệ với đời sống. Muốn có trực thức ấy, không cần phải theo một đạo sư nào cả. Nếu tôi không tự hiểu mình thì bất cứ đạo sư nào đó cũng chẳng làm gì có thể giúp đỡ tôi được, vị đạo sư trở nên vô dụng. Không khác gì một vị lãnh tụ chính trị đã được chọn lựa với những kẻ có tâm thức tán loạn mờ mịt, và sự chọn lựa ấy cũng tán loạn mờ mịt, khi tôi chọn lựa một vị đạo sư thì cũng y như thế, tâm thức tôi cũng tán loạn mờ mịt như thế, vì tâm trạng ấy cho nên mới cầu thầy, cầu chúa. Tôi chỉ có thể chọn lựa bậc đạo sư tùy thuộc vào sự tán loạn mờ mịt trong tâm thức mình, do đó, bậc đạo sư ấy cũng tán loạn mờ mịt, không khác gì vị lãnh tụ chính trị.
Điều quan trọng không phải là ai đúng, ai sai, không phải là tôi có lý hay kẻ chủ trương cần phải có một bậc đạo sư mới có lý hơn tôi ; điều quan trọng vẫn là tìm hiểu tại sao các ngài cần phải có một bậc đạo sư dẫn dắt. Những bậc đạo sư chỉ xuất hiện là vì có sự khai thác lợi dụng đủ lối tinh vi, nhưng vấn đề này chẳng liên hệ đến điều đang trình bày ở đây. Các ngài cảm thấy thỏa mãn thỏa lòng, nếu có kẻ nào tỏ cho các ngài biết các ngài đã tiến bộ như thế nào, nhưng vấn đề vẫn là tìm hiểu tại sao các ngài cần phải có một bậc đạo sư – đó, vấn đề chính yếu là thế. Kẻ khác có thể tỏ đường đi cho các ngài, nhưng chính các ngài , các ngài phải làm tất cả mọi sự , dù là các ngài có bậc đạo sư dẫn dắt đi nữa, chính các ngài cũng phải tự làm lấy mọi sự. Bởi vì các ngài không muốn đối diện với sự kiện ấy, cho nên các ngài đổ trách nhiệm lên vai bậc đạo sư. Đạo sư trở thành vô dụng khi mình có được một chút tự tri, tự hiểu mình một chút thôi thì tất cả đạo sư đều trở nên phù phiếm. Không có bậc đạo sư nào , không có quyển sách nào, không có bất cứ quyển kinh thiêng liêng nào mà có thể mang đến sự tự tri cho các ngài, mang đến sự hiểu biết mình ; sự tự tri xuất hiện khi các ngài có trực thức về bản thân trong tương quan với đời sống. Sống, có nghĩa là sống với, có nghĩa là liên hệ. Không ý thức được tương quan của mình với tài sản là một trong những nguyên nhân gây ra hỗn loạn. Nếu các ngài không biết, không hiểu tương quan thích đáng của các ngài với tài sản thì nhất định phải xảy ra sự xung đột, tăng trưởng thêm sự xung đột ở xã hội. Nếu các ngài không hiểu được tương quan giữa các ngài và vợ con các ngài , thì làm thế nào một kẻ khác có thể giải quyết được sự xung đột phát khởi từ tương quan kia ? Với những ý tưởng cũng thế, với tín ngưỡng cũng thế, vân vân. Vì hỗn loạn mờ mịt trong tương quan của các ngài với tài sản, với con người, với những ý tưởng , cho nên các ngài tìm kiếm một vị minh sư dẫn đạo. Nếu kẻ ấy đúng là một đạo sư, một vị minh sư thì kẻ ấy sẽ dạy rằng các ngài phải tự hiểu các ngài. Chính các ngài là nguồn gốc của tất cả ngộ nhận và hỗn loạn ; và các ngài có thể giải quyết sự xung đột kia, chỉ khi nào các ngài tự hiểu mình trong tương quan với đời sống.
Các ngài không thể tìm thấy chân lý qua trung gian của bất cứ người nào khác. Làm thế nào được. Chân lý không phải là một sự thể tĩnh chết, bất động ; chân lý không có chỗ cư trú nhất định, cố định ; chân lý không phải là cứu cánh, một mục đích. Trái lại chân lý sống động, linh động, linh hoạt, thức tỉnh. Làm thế nào chân lý có thể là một cứu cánh được ? Nếu chân lý là một điểm cố định thì chân lý không còn là chân lý nữa ; đó chỉ là một ý kiến thôi. Chân lý là một cái gì mới lạ, một đầu óc tìm kiếm chân lý không bao giờ có thể tìm được chân lý ; vì đầu óc được tạo thành bởi những gì quen biết , quen thuộc, nó là kết quả của quá khứ, hậu quả của thời gian, các ngài có thể quan sát điều đó. Trí óc là dụng cụ của sự quen biết quen thuộc, do đó, nó không thể nào tìm thấy điều mới lạ được ; đầu óc chỉ có thể vận hành từ sự quen thuộc này đến sự quen thuộc khác thôi. Khi tâm thức đi tìm chân lý, chân lý tìm được trong sách vở, chân lý ấy chỉ là tự phóng hiện từ bản ngã ; lúc ấy, tâm thức chỉ đeo đuổi điều quen thuộc, điều quen thuộc này đem đến thỏa mãn nhiều hơn điều quen thuộc trước kia. Khi tâm trí tìm kiếm chân lý , thực ra tâm trí chỉ đang tìm kiếm sự phóng hiện của chính bản ngã mình thôi, chứ không phải là chân lý thực sự. Tựu chung, Bất cứ một lý tưởng nào chỉ là sự phóng hiện từ bản ngã, nó chỉ là ảo tưởng, không thực. Điều thực là điều đang hiện thể, đang là, chứ không phải ngược lại thế. Nhưng một tâm thức đi tìm kiếm thực tại, tìm kiếm Thượng đế thì vẫn chỉ là tìm kiếm sự quen thuộc, điều quen biết thôi. Khi các ngài nghĩ về Thượng đế, Thượng đế của các ngài chỉ là sự phóng hiện của chính tư tưởng các ngài, kết quả của những ảnh hưởng xã hội. Các ngài chỉ có thể nghĩ về những điều quen thuộc cũ kỹ ; các ngài không thể nghĩ về điều xa lạ ; mới lạ, các ngài không thể tập trung tư tưởng vào chân lý được . Lúc các ngài nghĩ về sự lạ, đó chỉ là quen thuộc được phóng hiện ra từ bản ngã. Không ai có thể nghĩ về Thượng đế hay chân lý. Nếu các ngài nghĩ về chân lý , đó không phải là chân lý. Chân lý không thể nào tìm kiếm được ; chính chân lý đi đến các ngài. Các ngài chỉ có thể đi tìm những gì cũ kỹ, quen thuộc. Khi tâm trí không còn quằn quại bởi điều quen thuộc , bởi những tác động của sự quen thuộc cũ kỹ, lúc ấy chân lý mới có thể tự khai mở. Chân lý nằm trong mỗi một chiếc lá, trong mỗi một giọt lệ, chân lý phải được biết tới trong từng giây phút một. Không ai có thể dẫn dắt các ngài đến chân lý và nếu kẻ nào dẫn dắt các ngài, thì chỉ có thể dẫn dắt đến những gì quen biết, quen thuộc.
Chân lý chỉ có thể xuất hiện trong tâm trí trống rỗng, không còn vướng bận trong những điều quen thuộc cũ kỹ. Chân lý hiện đến trong một tâm thái mà điều quen thuộc đã vắng mất, không còn manh động nữa. Tâm trí là nơi chất chứa điều quen biết, quen thuộc cặn bã của những gì quen biết, quen thuộc, muốn để cho tâm trí đạt tới tâm thái mà điều lạ có thể xuất hiện , tâm trí phải ý thức, trực thức về tự thể, về những kinh nghiệm trước kia, ý thức cũng như vô thức, những đáp ứng, những phản ứng và cơ cấu của chính nó. Khi nào có được sự tự hiểu mình một cách toàn triệt, thì lúc ấy mới chấm dứt được điều quen thuộc, lúc ấy tâm thức mới hoàn toàn trống rỗng, thoát ra ngoài điều quen thuộc thường lệ. Chỉ có lúc ấy chân lý  mới có thể xuất hiện đến các ngài, không cần mời mọc. Chân lý không thuộc về các ngài hoặc về tôi. Các ngài không thể phụng thờ chân lý. Vừa lúc chân lý được biết tới thì chân lý không còn thực nữa. Biểu tượng không thực, hình ảnh, hình tượng không thực, nhưng khi nào mình hiểu được bản ngã, khi nào bản ngã ngừng lại lúc ấy Thiên thu vĩnh cửu xuất hiện.

4.  VỀ KIẾN THỨC

HỎI : Theo những gì tôi được biết rõ về ngài thì ngài cho rằng học vấn và kiến thức là những chướng ngại. Vậy chướng ngại cái gì ?
KRISHNAMURTI :  Cố nhiên kiến thức và học vấn làm chướng ngại cho việc hiểu biết sự mới lạ, điều phi thời gian , sự vĩnh cửu. Phát triển một kỹ thuật hoàn thiện không làm các ngài trở nên sáng tạo được. Các ngài có thể biết cách vẽ vời một cách tuyệt diệu, các ngài có thể học được kỹ thuật nhưng các ngài không thể là một họa sĩ sáng tạo được. Các ngài có thể biết cách làm thơ, về mặt kỹ thuật có thể tuyệt mỹ ; nhưng các ngài không thể là thi sĩ được. Phải chăng muốn là thi sĩ ngụ ngầm ý nghĩa rằng có khả năng đón nhận điều mới lạ ; biết nhạy cảm để đáp ứng lại sự đời mới lạ, tươi tắn. Đối với phần đông chúng ta , kiến thức hoặc học vấn đã trở thành thói quen bén rễ, và, chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ có được tinh thần sáng tạo nhờ sự hiểu biết. Bất cứ một tâm trí nào nhét đầy ứ những sự kiện , nặng nề đóng chẹt trong kiến thức thì tâm trí ấy còn có khả năng đón nhận sự đời một cách mới lạ, bất ngờ, đột phát ? Nếu tâm trí các ngài chỉ nhét đầy những sự vật quen biết ; thì làm gì còn chỗ trống trong ấy để đón nhận sự việc xa lạ ? Chắc chắn kiến thức luôn luôn thuộc về lãnh vực của điều quen biết, chúng ta lại cố gắng tìm hiểu sự lạ qua phạm trù của sự quen thì làm gì có sự thành công được, vì sự lạ là sự thể vượt qua sự đo lường.
Chẳng hạn, hãy lấy một sự vật tầm thường xảy ra trong đời sống phần đông chúng ta : những kẻ tu hành (có thể hiểu nhất thời là “tu hành” – để gọi thế cho tiện việc) , cố gắng hình dung bản chất của Thượng đế hoặc cố gắng nghĩ về bản thể của Thượng đế . Họ tụng vô số sách, họ đọc về những kinh nghiệm của những bậc thánh khác nhau, những bậc đạo sư, những bậc đại thánh vân vân , và họ cố gắng hình dung hoặc cố gắng cảm nghĩ về bản chất của kinh nghiệm kẻ khác, nói rõ hơn, qua phạm trù của sự vật quen biết, các ngài lại cố gắng đi tới sự mới lạ. Các ngài có thể làm thế ? Các ngài có thể nghĩ về một sự thể bất khả tri ? Các ngài chỉ có thể nghĩ về điều gì các ngài quen biết thôi. Nhưng hiện nay ở thế giới đang lan tràn hiện tượng sa đọa lạ thường : chúng ta quan niệm rằng chúng ta sẽ hiểu biết nếu chúng ta thâu lượm được nhiều kiến thức, nhiều sách vở, nhiều sự kiện, nhiều ấn phẩm.
Muốn có trực thức về một cái gì mà không là sự phóng hiện của điều quen biết , mình phải xóa bỏ tiến trình của sự quen thuộc bằng sự giao cảm. Tại sao tâm trí vẫn bám víu vào điều quen thuộc ? Phải chăng bởi vì tâm trí vẫn thường xuyên tìm kiếm sự nhất định, chắc chắn, an ninh ? Chính bản chất của tâm trí đã được cố định trong điều quen thuộc, trong thời gian ; làm thế nào một tâm trí như thế có thể có kinh nghiệm về điều phi thời gian, khi chính nền tảng của tâm trí vẫn được đặt trên quá khứ , trên thời gian , tâm trí có thể ý niệm, tạo dựng, hình dung về điều mới lạ, nhưng việc ấy quả thực là phi lý. Điều mới lạ chỉ có thể thành hình khi mình hiểu được, giải tan, xua qua một bên tất cả những gì mình quen biết, quen thuộc. Điều này vô cùng khó khăn, bởi vì vừa lúc các ngài có được kinh nghiệm về bất cứ việc gì thì ngay lúc ấy trí óc liền diễn dịch kinh nghiệm ấy qua phạm trù quen biết và giản lược nó vào trong quá khứ. Tôi chẳng biết các ngài có bao giờ để ý rằng tất cả mọi kinh nghiệm đều lập tức bị diễn dịch lại bằng những gì mình quen biết , bị đặt tên, sắp loại và ghi lại. Vì thế sự vận hành của điều quen biết chính là kiến thức, và cố nhiên kiến thức , học vấn theo loại ấy thì đúng là một chướng ngại.
Giả thử như các ngài chưa từng đọc bất cứ quyển sách nào về tôn giáo hoặc về tâm lý , và các ngài lại phải tìm ý nghĩa của đời sống. Vậy các ngài sẽ bắt đầu thế nào ? Giả thử như không có bất cứ vị đạo sư nào hiện hữu trên đời, không có bất cứ tổ chức tôn giáo nào, không có Phật, không có Chúa, và các ngài lại phải bắt đầu lại ngay từ đầu. Vậy các ngài sẽ làm sao ? Trước tiên, các ngài phải hiểu tiến trình tư tưởng của các ngài, phải thế không ? Chứ không phải tự vẽ vời phóng ảnh, tự phóng hiện bản thân mình ra bên ngoài , phóng ngoại tư tưởng các ngài trong tương lai và tạo ra một thượng đế khả dĩ thỏa mãn được mình, làm như vậy thì quá trẻ con. Trước tiên các ngài phải lý hội tiến trình suy tư của các ngài. Đó là đường lối duy nhất để khám phá bất cứ sự mới lạ nào. Phải thế không ?
Khi chúng ta nói rằng học vấn hoặc kiến thức là một trở lực, một sự chướng ngại, chúng ta không kể cả kiến thức có tính cách kỹ thuật chuyên môn – như việc học cách lái xe, học cách sử dụng máy móc – hoặc không kể đến hiệu năng mà kiến thức ấy đã mang đến cho con người. Lúc nói về kiến thức và học vấn , chúng ta muốn nói đến mộc điều khác hẳn : chúng ta muốn nói đến cảm thức về một thứ hạnh phúc sáng tạo mà dù có kiến thức thông thái uyên bác tới đâu đi nữa cũng không thể mang đến niềm hạnh phúc ấy cho ta được. Có được tinh thần sáng tạo, đúng nghĩa là sáng tạo, là giải thoát khỏi quá khứ trong từng giây phút một, từ giây phút này đến giây phút khác, vì chính quá khứ đã thường xuyên ám bóng hiện tại. Chỉ đeo bám vào tin tức, vào kiến thức thông tin, vào những kinh nghiệm của kẻ khác, vào những gì người ta nói, dù người ta có vĩ đại đến đâu đi nữa ; đeo bám vào lời nói của họ, rồi cố gắng qui hướng hành động mình y theo lời nói, lời dạy ấy – tất cả những thứ này là kiến thức phải thế không ? Nhưng muốn khám phá bất cứ sự mới lạ nào, các ngài phải bắt đầu ngay tại bản thân ; các ngài phải lên đường hoàn toàn trần truồng trơ trụi, nhất là trơ trụi về kiến thức, bởi vì muốn có kinh nghiệm qua kiến thức và tín ngưỡng là một việc quá dễ dàng ; nhưng những kinh nghiệm này chỉ là sản phẩm của sự phóng hiện bản thân, do đó không thực và sai lầm. Nếu các ngài phải tự khám phá cho chính mình để hiểu bản chất của sự mới lạ, việc tích trữ chồng chất những điều quen cũ kỹ, nhất là kiến thức, là một việc vô ích phù phiếm, dù đó là kiến thức của ai đi nữa, của vĩ nhân đi nữa thì cũng hoàn toàn phù phiếm. Các ngài đã dùng kiến thức như là một phương tiện để tự phòng vệ, tìm an ninh, và các ngài muốn vững tâm rằng các ngài cũng có những kinh nghiệm y hệt đức Phật hoặc đấng Christ hoặc đấng X nào đó. Nhưng kẻ nào cứ mải miết tự phòng thủ bảo vệ bằng kiến thức thì kẻ ấy tất nhiên không phải là kẻ tìm chân lý.
Không có con đường nào dẫn đến sự khám phá chân lý. Các ngài phải lao vào trùng dương xa lạ, chưa ai thám hiểm, hành động như thế mà không ngã lòng, không phiêu lưu ngớ ngẩn. Khi các ngài muốn tìm đến sự lạ, khi các ngài đang hiện nghiệm bất cứ điều gì, tâm trí các ngài phải rất trầm lặng phải thế không ? Nếu tâm trí các ngài chen chúc đầy ứ những sự kiện , kiến thức thì chính những thứ ấy sẽ tác động làm chướng ngại , không cho sự lạ xuất hiện ; đối với phần đông chúng ta , điều khó khăn không thể vượt qua hiện nay là trí óc đã trở nên quá quan trọng , quá trọng đại đến nỗi trí óc luôn luôn có thể thiệp quấy rối bất cứ điều gì mới lạ, với điều lạ nào có thể xảy ra đồng lúc với điều quen thuộc. Thế là kiến thức và học vấn là những chướng ngại đối với những kẻ thiết tha đi tìm sự lạ, đối với những kẻ thao thức muốn hiểu sự thể vượt ra bên ngoài thời gian.
5.  VỀ KỶ LUẬT

HỎI : Tất cả mọi tôn giáo đều chú trọng về kỷ luật và thường nhấn mạnh rằng kỷ luật có khả năng chuyển hóa thú tính trong con người. Những bậc thánh và những nhà đạo sĩ cũng quả quyết rằng chính kỷ luật tự thân đã đưa họ đến đời sống thánh thể tối thượng. Vậy mà dường như ngài cho rằng những loại kỷ luật như thế chỉ làm chướng ngại trên đường thể hiện Thượng đế ? Đầu óc tôi rối rắm quá, không biết ai có lý trong vấn đề này ?
KRISHNAMURTI : Đây không phải là vấn đề ai có lý hay vô lý. Điều quan trọng là tìm thấy cho chính mình, chứ không phải lệ thuộc vào một bậc thánh nào đó hoặc một người nào đó ở từ Ấn độ sang tới đây hay bất cứ một nơi nào khác xa xôi trùng điệp.
Người nào đó nói rằng kỷ luật cần thiết, một người khác nói rằng kỷ luật không cần thiết ; rồi ngài lại bị vướng kẹt giữa hai thái độ ấy. Việc thông thường xảy ra là lúc ấy ngài lại lựa thái độ nào thuận tiện nhất cho ngài, thái độ khả dĩ thỏa mãn ngài nhất : chẳng hạn như ngài có cảm tình với thái độ của người có dáng dấp khả ái, có dị chất riêng biệt, có phong độ dễ gây thiện cảm vân vân . Chúng ta phải xua mọi thứ ấy qua một bên và thử tìm hiểu vấn đề một cách trực tiếp, tự tìm thấy chân lý cho chính mình. Bao nhiêu điều ẩn ý ngụ ngầm trong vấn đề này ; chúng ta phải đi đến vấn đề một cách vô cùng cẩn thận, một cách dò dẫm.
Hầu hết chúng ta đều muốn người nào đó đầy uy thế dạy bảo chúng ta cách thức hành động sinh sống. Chúng ta tìm kiếm hướng đi, đường lối ăn ở với đời, vì bản năng chúng ta là muốn được an ninh an toàn và không muốn đau khổ nhiều hơn nữa. Người ta đồn đãi rằng một kẻ nào đó đã thể hiện được sự hạnh phúc trọn vẹn hay thanh bình cực lạc, rồi chúng ta lại mong muốn rằng kẻ ấy phải dạy bảo chúng ta làm sao để đạt tới được trạng thái ấy. Đó là điều chúng ta thèm muốn : chúng ta cũng muốn được hạnh phúc như vậy, cũng muốn hưởng sự thanh thản nội tâm , niềm vui nội tâm như vậy ; giữa thời điên loạn này, chúng ta muốn kẻ nào đó dạy bảo chúng ta phải làm gì để có thể sống thoải mái như vậy. Đó thực ra là bản năng căn bản đối với phần đông chúng ta , rồi chúng ta rập khuôn hành động của chúng ta y theo bản năng ấy. Có thể nào dùng kỷ luật, có thể nào tuân theo một mẫu mực hành động nào đó để vươn tới Thượng đế, thực thể tối cao, vô danh và bất khả lượng bằng ngôn ngữ ? Chúng ta muốn đạt đến một mục đích đặc biệt , một cứu cánh đặc biệt, rồi chúng ta nghĩ rằng có thể thực hành rèn luyện, có thể dùng kỷ luật, có thể đàn áp hoặc thay thế cái này bằng cái khác, chúng ta tưởng rằng có thể làm như thế mới tìm thấy được điều mình đang tìm kiếm.
Kỷ luật có ngụ ngầm ý nghĩa nào ? Tại sao chúng ta dùng kỷ luật để tự chế phục, tại sao chúng ta áp dụng kỷ luật ? Kỷ luật và sự thông minh có thể đi đôi với nhau ? Phần đông mọi người có cảm tưởng rằng chúng ta phải áp dụng một hình thức kỷ luật nào đó để chế ngự hoặc kiểm soát thú tính ác độc trong lòng mình. Nhưng có thể dùng kỷ luật để chế ngự thú tính ác độc ? Kỷ luật có nghĩa là gì ? Một đường lối hành động hứa hẹn phần thưởng, nếu mình chịu khó đeo đuổi đường lối hành động ấy cho tới nơi thì mình sẽ được hưởng điều mong muốn, điều ấy có thể tích cực hay tiêu cực ; nếu mình áp dụng thực hành đường lối ấy một cách cần mẫn siêng năng, chăm chú, chuyên cần, say sưa, thì sau cùng mình sẽ được hưởng điều mình muốn hưởng. Kỷ luật có thể khắt khe đau đớn , nhưng nếu tôi chịu được kỷ luật ấy cho đến cùng thì tôi sẽ hưởng được điều mong muốn. Các ngài thừa hiểu rằng bản ngã hiếu thắng, hiếu chiến, ích kỷ, giả đạo đức, lo âu, sợ hãi, bản ngã ấy chính là nguyên nhân của thú tính nham hiểm trong lòng người, chúng ta muốn chuyển hóa, chế phục, tiêu diệt bản ngã này. Nhưng phải làm sao ? Có phải dùng kỷ luật mới trị được bản ngã hay phải tìm hiểu nó một cách thông minh , tìm hiểu quá trình của bản ngã , thực chất của bản ngã, thể cách vận hành của bản ngã, vân vân ? Chúng ta có thể dùng áp lực để trị thú tính hay dùng thông minh ? Thông minh có phải là một vấn đề kỷ luật ? Bây giờ chúng ta hãy quên hết những lời dạy của thánh hiền, những gì người khác nói về vấn đề này ; chúng ta hãy cố gắng tra xét vấn đề bằng tự lực , tự thân. Nhìn vấn đề như là mới nhìn lần đầu tiên, chỉ có thế mới mong thu gặt một chút gì sáng tạo ở cuối lộ trình, chứ không phải chỉ lo trích dẫn dài dòng, trích dẫn thánh hiền hay trích dẫn lời lẽ của kẻ khác về vấn đề này chẳng đưa chúng ta đến đâu cả, đó chỉ là vô ích và phù phiếm.
Thoạt tiên chúng ta nói rằng tâm tư ta chứa đựng sự giao tranh xung đột, đen xung đột với trắng, lòng tham xung đột với tính không tham, vân vân. Tôi tham lam, tính tham lam này gây ra đau đớn, để tiêu trừ lòng gian tham này, tôi phải rèn luyện kỷ luật chế ngự tự thân. Nghĩa là tôi phải chống chế lại bất cứ hình thức xung đột nào khả dĩ gây đau đớn, mà tôi gọi hình thức xung đột đau đớn ấy là tính gian tham. Rồi tôi cho rằng tính gian tham ấy có phương hại đến xã hội tính, phi luân, vô đạo đức, không thánh thiện, vân vân và vân vân, đó là bao nhiêu lý lẽ tôn giáo, xã hội do tôi viện ra để chống chế tính tham lam. Nhưng có thể dùng bạo lực, áp lực bức bách để tiêu trừ lòng gian tham ? Trước hết chúng ta hãy khảo sát tiến trình vận hành liên quan với sự đàn áp bức bách này, với sự chống chế tiêu trừ này. Khi ngài chống chế lòng gian tham, khi ngài làm thế thì cái gì xảy đến ? Cái gì đang chống chế lòng gian tham ? Phải chăng đây là câu hỏi trước nhất ? Tại sao ngài lại chống chế lòng gian tham và thực thể muốn giải thoát khỏi lòng tham ấy là thực thể nào , là ai ? Thực thể muốn giải thoát khỏi lòng tham cũng chính là sự tham lam rồi , phải thế ? Lòng gian tham đã đem đến lợi lộc cho hắn từ lâu nay bỗng nhiên hôm nay lòng gian tham ấy gây ra đau đớn, thế là hắn nói : “tôi phải tiêu trừ lòng gian tham “. Nhưng nguyên động lực của việc tiêu trừ này cũng là một biến trình của lòng gian tham, vì hắn muốn là một cái gì đó trong lý tưởng mà thực tại không phải thế. Lòng không gian tham có lợi, cho nên tôi đeo đuổi dức tính không gian tham này ; nhưng chú tâm, nguyên động lực vẫn là muốn  một cái gì đó, muốn không tham – nhưng muốn không tham vẫn có nghĩa là tham lam, cố nhiên là thế, đó chỉ là vòng lẩn quẩn hình thức tiêu cực của sự khoa trương bản ngã.
Chúng ta thấy rằng sự gian tham gây ra đau đớn, những lý do của việc ấy là quá hiển nhiên rồi. Nhưng khi mà tôi còn thụ hưởng, còn được lợi lộc nhờ sự gian tham thì không có vấn đề gì xảy ra cả. Xã hội lại khuyến khích chúng ta gian tham bằng nhiều cách khác nhau, tôn giáo cũng khuyến khích chúng ta gian tham qua nhiều đường lối tế nhị lấp lửng khác. Khi mà sự gian tham còn đem đến lợi lộc cho mình thì mình không cảm thấy đau đớn gì cả, mình lại đeo đuổi chạy vạy theo sự gian tham, nhưng lúc sự gian tham ấy trở nên đau đớn thì mình lại trở đũa và chống chế nó, sự chống chế ấy, chúng ta gọi là kỷ luật, để chống lại sự gian tham ; nhưng thực sự chúng ta có thoát khỏi sự gian tham bằng cách chống đối bằng cách cao thượng hóa, bằng cách chế ngự đàn áp ? Dù tôi làm gì đi nữa để thoát khỏi gian tham thì hành động của tôi vẫn là gian tham. Do đó, bất cứ hành động nào, bất cứ tác động nào của bản ngã đáp ứng lại sự gian tham thì cố nhiên chẳng đem lại một giải pháp nào cả.
Trước hết mình phải có một đầu óc trầm lặng không bị xao động lung lạc, nhờ thế mới có thể tìm hiểu những gì mình không biết được, những gì mà trí óc không thể dò dẫm được, điều mà người đặt câu hỏi vừa rồi gọi là Thượng Đế. Muốn hiểu biết bất cứ sự việc nào, bất cứ vấn đề rối rắm nào, về đời sống hay tương quan , bất cứ vấn đề nào đi nữa, mình cũng cần phải có một đầu óc trầm lặng sâu thẳm. Sự sâu thẳm trầm lặng ấy không thể đạt tới được bằng bất cứ hình thức đàn áp bức bách nào, phải thế không ? Trí óc nông cạn hời hợt có thể tự ép buộc cưỡng bức để được im lặng, nhưng chắc chắn sự im lặng như thế là sự im lặng của sự suy tàn thối hóa, của sự chết. Sự im lặng như thế không thể nào thích ứng uyển chuyển nhịp nhàng và nhạy cảm. Thế là chúng ta đã thấy rõ rằng sự chống chế không phải là đường lối thích ứng được.
Muốn thấy được như thế mình phải cần thông minh, phải thế không ? Ý thức được rằng sự đàn áp cưỡng bách đã làm trí óc trở nên đần độn, ý thức được như vậy đã là bước đầu của sự thông minh, phải thế không ? Ý thức rằng kỷ luật chỉ là khuôn rập theo một mẫu mực hành động do sợ hãi gây ra. Khi mình áp dụng kỷ luật cho chính mình, thì sự áp dụng ấy ngụ ý nghĩa gì ? Việc ấy ngụ ý rằng chúng ta sợ không được điều mình muốn được. Khi ngài chế phục tâm trí, dùng kỷ luật để tự ép bản thân thì cái gì xảy đến ? Tâm trí bản thân trở nên chai lì cứng rắn, không còn biết uyển chuyển , không lanh, không biết thích ứng, phải thế không ? Ngài đã thấy những người tinh luyện kỷ luật rồi chứ, nếu một mai ngài có thể gặp thấy hạng người đó trên đường đời ? Họ thế nào ? Kết quả của sự tinh luyện kỷ luật kia hiển nhiên chỉ là một quá trình suy đồi thảm hại. Họ xua bỏ cơn xung đột nội tâm, giấu kín sự xung đột ấy ; nhưng nỗi dày vò xé nát vẫn còn đó, âm uất hừng hực bốc cháy.
Thế là chúng ta đã thấy rằng kỷ luật, tức là sự chống chế đối phó, chỉ tạo ra thói quen và cố nhiên thói quen không thể nào khai tạo được sự thông minh, thói quen không bao giờ là sự thông minh được, sự tôi luyện thực hành cũng không bao giờ là sự thông minh được. Ngài có thể trở nên tinh luyện sắc sảo khéo tay bằng cách thực hành dương cầm suốt ngày, ngài có thể điêu luyện bằng mấy ngón tay, nhưng sự thông minh là điều cần phải có để điều khiển hai bàn tay, và hiện giờ chúng ta đang đi sâu vào vấn đề thông minh đây.
Ngài thấy một người nào đó mà ngài cho rằng kẻ ấy hạnh phúc hay đã đạt đạo, kẻ ấy xử sự thế nào đó, rồi ngài lại bắt chước xử sự giống hệt kẻ ấy, vì ngài cũng muốn được hạnh phúc như vậy. Sự bắt chước mô phỏng này được gọi là kỷ luật, phải thế không ? Chúng ta bắt chước mô phỏng để thu hái những gì kẻ khác đã thu hái được ; chúng ta mô phỏng nhại theo để được hạnh phúc giống như kẻ khác mà ta cho rằng kẻ ấy đã được hạnh phúc. Kỷ luật có thể đem đến hạnh phúc hay không ? Ngài có bao giờ được tự do giải thoát vì đã thực hành một qui luật nào đó, áp dụng một kỷ luật nào đó, một đường lối xử sự nào đó ? Hiển nhiên mình phải cần có tự do để khám phá, phải thế không ? Điều hiển nhiên rõ ràng là mình phải được tự do trong tâm tư thì mới có thể khám phá được bất cứ sự gì trên đời này. Nhưng ngài có thể được tự do không , khi mà ngài chỉ uốn nắn tâm trí ngài trong một khuôn khổ nào đó mà ngài gọi là kỷ luật ? Hiển nhiên là ngài không được tự do gì cả. Ngài chỉ là một cái máy nhai đi lặp lại, chống chế đối phó rập theo một sự kỷ luật nào đó, rập theo một đường lối cư xử nào đó. Tự do không thể xuất hiện bằng kỷ luật. Tự do chỉ thành hình với sự thông minh tâm hồn, sự thông minh ấy chỉ được đánh thức dậy  hay ngài chỉ đạt được sự thông minh ấy ngay khoảnh khắc ngài ý thức được rằng bất cứ hình thức đàn áp cưỡng ép nào đi nữa cũng đều phủ nhận tự do, tự do bên trong hoặc bên ngoài.
Điều kiện cần thiết thứ nhất và không thể coi như kỷ luật, điều đó nhất định là tự do, chỉ có nhân đức mới tạo ra tự do. Sự gian tham chính là sự hỗn loạn ; sự giận dữ nóng tính cũng là hỗn loạn ; sự chua chát cay đắng của lòng người cũng chính là hỗn loạn. Khi ngài thấy được sự việc như thế, hiển nhiên ngài thoát ra được những điều ấy, ngài không chống chế những điều ấy, nhưng ngài thấy được rằng ngài chỉ có thể khám phá được sự đời trong tự do và bất cứ hình thức cưỡng ép nào cũng là nô lệ, và không cho phép mình khám phá được gì trong đời sống. Nhân đức có thể mang lại một điều cho ngài, điều đó là tự do. Người thất đức là người loạn tâm ; khi bị loạn lạc tâm thần như vậy, làm thế nào ngài có thể khám phá được điều gì nữa bây giờ ? Làm thế nào được ? Do đó, nhân đức không phải là xuất phát từ một kỷ luật, mà nhân đức chính là tự do, tự do không thể xuất hiện bởi bất cứ hành động nào có tính cách thất đức, bất trung chính. Nỗi khó khăn, đối với phần đông chúng ta, là chúng ta đọc sách quá nhiều, phần đông chúng ta đeo đuổi rèn luyện quá nhiều kỷ luật, đeo đuổi tôi luyện một cách hời hợt thiển cận, chẳng hạn như mỗi buổi sáng thức dậy lúc mấy giờ, ngồi tham thiền theo điệu bộ nào đó, cố gắng ghì giữ tâm trí theo một đường lối nào đó, cứ mải miết rèn luyện, rèn luyện, cứ mải miết tu luyện tu chứng tự kiềm chế bằng giới luật, bởi vì người ta dạy bảo ngài rằng ngài phải chuyên cần thực hành tu luyện như thế trong nhiều năm thì ngài sẽ gặp Thượng đế ở cuối ngõ đường tu luyện. Tôi có thể nói năng táo bạo khó nghe, nhưng điều ấy chính là cơ sở của tư tưởng chúng ta . Hiển nhiên Thượng đế không thể nào xuất hiện dễ dàng như thế đâu . Thượng đế không phải chỉ là một sự vật có thể đổi chác mua bán được : tôi làm như vầy và ngài ban cho tôi cái kia.
Phần đông chúng ta bị lấn át bởi những hoàn cảnh bên ngoài, bởi những lý thuyết tôn giáo, những tín ngưỡng , và bởi sự thôi thúc nội tâm đòi hỏi mình phải đi tới nơi, đạt tới cái gì đó ; do đó, chúng ta khó lòng nghĩ về vấn đề này một cách mới mẻ, nghĩ về nó mà không phải lệ thuộc vào phạm trù kỷ luật. Trước nhất mình phải thấy vấn đề kỷ luật một cách rõ ràng minh bạch, thấy hết những ẩn ý nằm trong kỷ luật như kỷ luật đã làm trí óc trở nên hẹp hòi thế nào, giới hạn trí óc như thế nào, cưỡng bức trí óc hoạt động như thế nào bằng tác động của lòng khao khát, bằng ảnh hưởng và mọi sự đại loại như thế ; một trí óc nô lệ, bị qui định ràng buộc , dù có “nhân đức” đi nữa thì cũng không thể nào tự do được, do đó, không thể nào lý hội được thực tại. Thượng đế, thực tại hay bất cứ danh từ nào, gọi gì thì gọi, danh từ không quan trọng. “Thượng đế”, “thực tại” ấy chỉ có thể xuất hiện khi mình được tự do ; và tự do không thể nào xuất hiện được nếu sự cưỡng bức đàn áp hiện hữu một cách tiêu cực hay tích cực, do sợ hãi gây ra. Không thể có tự do được nếu ngài vẫn còn tìm kiếm một cứu cánh, vì ngài bị ràng buộc vào cứu cánh ấy. Ngài có thể thoát khỏi quá khứ nhưng tương lai ghì giữ ngài lại, và đó không thể là tự do được. Chỉ có trong tự do mình mới có thể khám phá được bất cứ sự thể nào : một ý tưởng mới, một cảm giác mới, một trực kiến mới. Bất cứ hình thức kỷ luật nào được xây dựng trên sự đàn áp cưỡng bức đều phủ nhận mọi sự tự do ; tự do chính trị hay tự do tôn giáo ; tâm trí không bao giờ có thể giải thoát được , bởi vì kỷ luật có nghĩa là qui thuận theo một hành động với cứu cánh đằng trước mặt, kỷ luật theo nghĩa ấy chỉ là ràng buộc thôi. Tâm trí chỉ có thể hoạt động vận hành trong đường mòn lối cũ kia, không khác gì một đĩa hát.
Thế đấy, nhờ tu luyện, nhờ thói quen, nhờ rèn luyện thực hành một khuôn mẫu, tâm trí chỉ đạt được những gì tâm trí đặt thành cứu cánh trước mặt. Do đó, tâm trí không thể nào tự do được ; do đó, tâm trí không thể nào thực hiện được sự vô hạn, vô lượng. Khi ý thức được trọn vẹn tiến trình kia – tại sao ngài vẫn thường hay tự áp dụng kỷ luật cho bản thân để ăn rập theo dư luận ; ăn rập theo một vài thánh nhân nào đó ; tất cả sự việc qui thuộc nô lệ vào ý kiến , dù là ý kiến của thánh hiền hay là ý kiến của người láng giềng thì cũng y hệt như nhau, cũng là một tiến trình duy nhất – khi ý thức được tất cả sự nô lệ vào công thức kia, nô lệ qua sự tu luyện thực hành, nô lệ bằng những đường lối tế nhị trong việc tự khắc phục, trong việc phủ nhận, chấp nhận, đàn áp, cao thượng hóa, tất cả sự việc này đều ngụ ý sự tuân phục theo công thức, theo mẫu mực ; khi ý thức được như thế thì đó đã là sự bắt đầu của tự do, và chính từ đây mới phát xuất ra nhân đức. Nhân đức chắc chắn không thể là sự rèn luyện một ý tưởng đặc thù nào đó. Chẳng hạn như khi mình đeo đuổi rèn luyện lòng không gian tham như là cứu cánh thì tính không tham ấy không thể là nhân đức được, phải thế không ? Nói rõ hơn, khi ngài ý thức được rằng ngài không tham lam thì ngài có còn nhân đức nữa đâu ? Dù thế, ngài vẫn rèn luyện nhân đức bằng cách áp dụng kỷ luật.
Kỷ luật, công thức, tu hành rèn luyện chỉ tăng trưởng khoa trương ý thức tự ngã ; mình tự ý thức rằng mình một cái gì đó. Tâm trí rèn luyện tính không gian tham ; do đó, tâm trí không thoát được ý thức rằng mình là kẻ không gian tham ; thế là tâm trí vẫn không thực sự hết gian tham. Nó chỉ mang một chiếc áo mới mà nó gọi là “tính không gian tham”. Chúng ta có thể thấy được trọn vẹn tiến trình này : duyên do động lực khao khát một mục đích cứu cánh , qui thuận ăn rập theo một khuôn mẫu, tất cả sự vận hành nội tâm này chỉ là chuyển hành từ sự quen thuộc này đến sự quen thuộc khác, chỉ chuyển hành trong vòng giới hạn của tiến trình lao lung bưng bít do tâm trí gây ra. Thấy được mọi sự này ý thức được mọi việc này là sự khởi phát của thông minh, và thông minh không phải có tính cách nhân đức hoặc thất đức ; mình không thể lồng sự thông minh vào khuôn khổ như là nhân đức hay thất đức. Thông minh đem đến tự do, tự do ở đây không có nghĩa là phóng đãng bừa bãi, cũng không có nghĩa là rối loạn hỗn độn. Không có sự thông minh này thì không thể nào có nhân đức được ; nhân đức đem đến tự do và chỉ trong tự do thì thực tại mới thành hình. Nếu ngài thấy được trọn vẹn tiến trình một cách toàn triệt, trong toàn diện khía cạnh, lúc ấy ngài sẽ thấy rằng không còn sự xung đột nào hiện hữu nữa. Vì chúng ta xung đột tương tranh, vì chúng ta muốn thoát ra ngoài sự xung đột tương tranh ấy cho nên chúng ta mới chạy tìm đến những hình thức kỷ luật khác nhau đủ mọi hình thức phủ nhận và điều chỉnh . Khi chúng ta thấy được bản chất của tiến trình xung đột thì không còn vấn đề kỷ luật nữa, bởi vì lúc ấy chúng ta hiểu được những đường lối của xung đột từ giây phút này đến giây phút khác. Điều ấy đòi hỏi mình phải linh hoạt thức tỉnh liên tục, ngắm nhìn bản thân trong mọi lúc, điều đáng lưu ý là dù ngài không chăm chú đi nữa thì tiến trình ghi chép ở nội tâm vẫn được vận hành, mỗi khi có ý định ở đó – cảm thức bén nhạy của nội tâm vẫn ghi giữ lại hình ảnh ấn tượng trong mọi lúc, đợi đến lúc ngài tĩnh lặng thì cảm thức nội tại ấy sẽ phóng rọi hình ảnh ấy ra ngoài.
Thế thì đó không phải là vấn đề kỷ luật. Cảm thức bén nhạy không thể nào xuất hiện do sự đàn áp cưỡng bức được. Ngài có thể ép buộc trẻ con làm một việc gì đó, phạt nó trong xó nhà, và đứa trẻ ấy có thể im lặng nhưng trong lòng nó có lẽ vẫn sôi sục, ngó ra ngoài cửa sổ, cố gắng tìm cách lẩn trốn. Chúng ta vẫn thường xử sự như vậy luôn. Do đó, vấn đề kỷ luật vấn đề ai có lý, ai vô lý chỉ có thể giải quyết do chính ngài thôi.
Trường hợp sau đây cũng thế, chúng ta sợ sai lầm vì chúng ta muốn được thành công. Sở dĩ mình muốn có kỷ luật là vì sự sợ hãi nằm ngay tận đáy lòng mình, nhưng mình không thể nào bắt được sự mới lạ bằng vòng lưới kỷ luật được. Trái lại, sự mới lạ chỉ xuất hiện là nhờ tự do, chứ không phải do lề lối khuôn định của tâm trí ngài. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao mình cần phải được tâm trí tĩnh lặng. Khi tâm trí ý thức rằng nó tĩnh lặng thì nó không còn tĩnh lặng nữa ; khi tâm trí ý thức rằng nó không gian tham và thoát khỏi sự tham lam khao khát thì nó chỉ tự tri nhận qua chiếc áo mới với một danh tính mới mang tên là “tính không tham”, nhưng thực ra đó vẫn không là sự tĩnh lặng. Do đó, mình cũng cần phải hiểu vấn đề về người kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát. Cả hai không phải là những hiện tượng cách biệt mà chỉ là một hiện tượng liên kết : người kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát chỉ là một thôi.

6.  VỀ NỖI CÔ ĐƠN

HỎI :  Tôi bắt đầu ý thức rằng tôi rất cô đơn. Tôi phải làm gì ?
KRISHNAMURTI :  Người hỏi muốn biết tại sao ông ấy cảm thấy cô đơn . Ngài có biết cô đơn có nghĩa là gì và ngài có ý thức về cô đơn ? Tôi không tin lắm, vì chúng ta tự chôn vùi ngột ngạt trong bao nhiêu sinh hoạt, trong sách vở, trong tương giao liên hệ , trong những ý tưởng , và tất cả những thứ ấy thực ra đã ngăn chận chúng ta lại không thể để cho chúng ta ý thức về nỗi cô đơn. Chúng ta hiểu cô đơn thế nào ? Đó là cảm thức về một nỗi hoang trống cảm thấy không có gì cả, cảm thấy vô định, không có gì chắc chắn, không có nơi nào cố định. Đó không phải là thất vọng, cũng không phải tuyệt vọng, mà lại là cảm thức về một nỗi trống trải rỗng không , rỗng tuếch, cảm thấy phẫn chí vô vọng. Tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều cảm thấy nỗi cô đơn này, không phân biệt kẻ hạnh phúc và kẻ bất hạnh, kẻ hoạt động hăng hái và kẻ say mê chìm đắm trong kiến thức . Ai cũng như ai đều từng trải qua nỗi cô đơn đìu hiu trong đời sống. Đó là cảm thức về một nỗi đau khổ khôn vơi, một nỗi niềm không thể vùi lấp được, dù chúng ta có cố gắng hết sức để khuất lấp nó.
Chúng ta hãy đi vào vấn đề này , tìm hiểu hiện trạng, tìm hiểu xem mình làm gì khi mình cảm thấy cô đơn. Mình cố gắng chạy trốn cảm giác cô đơn của mình bằng cách tiếp tục đọc sách, bằng cách đi theo một vị lãnh tụ nào đó, hoặc đi xem chiếu bóng, hoặc trở nên kẻ hoạt động ráo riết trong sinh hoạt xã hội, hoặc thờ lạy đọc kinh, hoặc vẽ vời viết lách, làm thơ tả nỗi cô đơn. Đó là hiện trạng của tâm thức. Khi vừa ý thức về nỗi cô đơn, nỗi khổ đau của sự cô đơn, nỗi sợ hãi lạ thường khôn cùng về sự cô đơn này, khi vừa ý thức như vậy, ngài liền tìm cách chạy trốn và sự chạy trốn ấy trở nên quan trọng, do đó, tất cả hình thức để chạy trốn cô đơn, như những hoạt động của ngài, kiến thức của ngài, những thần thánh của ngài, máy phát thanh của ngài, tất cả những hình thức để chạy trốn này đều trở nên quan trọng, phải thế không ? Khi ngài đặt sự quan trọng vào những giá trị phụ thuộc thì những giá trị phụ thuộc ấy sẽ đưa ngài đến sự khốn khổ và hỗn loạn ; những giá trị phụ thuộc cố nhiên là những giá trị của giác quan ; nền văn minh hiện nay đã được đặt nền tảng trên những giá trị giác quan này và nền văn minh ấy đã đưa ra một lối chạy trốn cho ngài – chạy trốn bằng công ăn việc làm, chạy trốn bằng gia đình, bằng tên tuổi, bằng học vấn, bằng vẽ vời, vân vân ; tất cả nền văn hóa của chúng ta đã được xây dựng trên sự chạy trốn ấy. Nền văn minh của chúng ta đã được đặt trên sự chạy trốn ấy, đó là một sự kiện dễ nhận.
Ngài có bao giờ thử sống cô đơn ? Khi ngài thử sống như thế, ngài sẽ cảm thấy sống như thế quả thực khó khăn vô cùng, sống như thế đòi hỏi mình phải thông minh vô cùng, bởi vì tâm trí sẽ không bao giờ để cho ta sống một mình. Tâm trí trở nên động đậy bất an, tâm trí cứ mải miết tìm cách chạy trốn , thế thì chúng ta làm gì ? Chúng ta lại chỉ tìm cách lấp đầy khoảng trống vô hạn trong tâm hồn bằng những gì mình thường quen thuộc. Chúng ta tìm cách hoạt động, tìm cách hội hè đình đám, mang tinh thần xã hội, chúng ta biết cách học hành để chạy trốn cô đơn, biết cách vặn máy thâu thanh. Chúng ta tìm cách lấp đầy điều mình không biết bằng điều mình đã biết. Chúng ta cố gắng lấp đầy nỗi trống rỗng bằng đủ loại kiến thức, đủ loại tương giao, đủ loại sự vật. Phải thế không ? Đó là tiến trình vận hành của tâm tư chúng ta, tiến trình của đời sống. Khi ngài ý thức được những gì ngài đang làm, ngài có còn nghĩ rằng ngài có thể lấp đầy nỗi trống không ấy ? Ngài đã tìm mọi cách để lấp đầy nỗi trống rỗng của sự cô đơn, nhưng ngài có lấp được không ? Ngài đã tìm cách đi xem chiếu bóng, nhưng ngài vẫn không lấp được nỗi hiu quạnh, thế rồi ngài lại đi tìm những bậc minh sư đạo sĩ, đi tìm sách vở, hoặc trở nên hăng hái hoạt động xã hội. Ngài có lấp đầy được nỗi cô đơn hay chỉ khuất lấp tạm thời thôi ? Nếu ngài chỉ khuất lấp tạm thời thôi thì nỗi cô đơn vẫn còn ở đó, rồi nó sẽ khuấy động lại chẳng sớm thì muộn. Nếu ngài có thể chạy trốn nỗi cô đơn một cách toàn triệt thì lúc ấy ngài đã bị nhốt trong dưỡng trí viện hoặc là ngài trở nên một kẻ chán chường đần độn khôn cùng. Đó là hiện trạng ở thế giới bây giờ.
Mình có thể nào lấp đầy được nỗi hoang trống , sự rỗng tuếch này ? Nếu không thể lấp đầy được thì mình có thể chạy trốn nó không ? Nếu chúng ta đã thí nghiệm và thấy rõ rằng sự chạy trốn của mình chẳng có giá trị gì cả thì phải chăng mình cũng nên hiểu rằng tất cả mọi hình thức chạy trốn khác cũng đều không có giá trị gì cả ? Không cần phân biệt hình thức lấp đầy này với hình thức lấp đầy kia, tất cả mọi sự lấp đầy đều như nhau. Ngay cả việc tham thiền tĩnh tọa cũng chỉ là một sự chạy trốn. Thay đổi đường lối chạy trốn thì cũng vẫn là chạy trốn.
Ngài làm thế nào để đối phó với sự cô đơn này ? Ngài chỉ có thể biết cách đối phó , khi nào ngài không còn chạy trốn nữa. Phải thế không ? Khi ngài thực sự muốn đối diện với hiện thể, đối mặt với cái đang , nghĩa là ngài không phải vặn máy phát thanh, nghĩa là ngài phải quay lưng chối bỏ nền văn minh này, thì lúc ấy nỗi cô đơn ấy sẽ chấm dứt, vì nó đã được chuyển hóa toàn triệt. Nó không còn là sự cô đơn nữa. Nếu ngài hiểu được hiện thể thì hiện thể ấy chính là thực thể. Tâm trí tự tạo chướng ngại cho nó, bởi vì tâm trí cứ mải miết trốn tránh thoát ly, chạy trốn, không chịu nhìn hiện thể. Chúng ta không hiểu hiện thể, vì chúng ta bị quá nhiều chướng ngại ngăn trở không cho chúng ta nhìn thấy, do đó, chúng ta thường xa lìa thực tại ; tất cả mọi sự chướng ngại trắc trở đều do tâm trí tạo ra để mà không chịu nhìn hiện thể. Muốn nhìn thấy hiện thể, chẳng những mình phải có nhiều khả năng và ý thức về hành động mà mình cần phải quay lưng chối bỏ mọi sự mình đã xây dựng, như ngân khoản ở nhà băng, tên tuổi mình và tất cả mọi sự mà mình gọi là văn minh. Khi ngài nhìn thấy được hiện thể thì ngài sẽ thấy được cách chuyển hóa của nỗi cô đơn.

7.  VỀ NỖI ĐAU KHỔ

HỎI :  Ý nghĩa của đau đớn và đau khổ là gì ?
KRISHNAMURTI :  Khi ngài đau khổ , khi ngài đau đớn, ý nghĩa của đau khổ và đau đớn ấy là gì ? Sự đau đớn thể xác có một ý nghĩa nhất định, nhưng có lẽ ngài muốn nói đến sự đau đớn và đau khổ thuộc phạm vi tâm lý , và sự đau đớn đau khổ tâm lý này có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn trong những bình diện khác nhau. Ý nghĩa của đau khổ là gì ? Tại sao ngài lại muốn tìm thấy ý nghĩa của đau khổ ? Nói thế không có nghĩa là đau khổ không có ý nghĩa ; chúng ta đang tìm hiểu đây. Nhưng tại sao ngài lại muốn tìm hiểu ý nghĩa của đau khổ ? Tại sao ngài lại muốn tìm hiểu lý do đau khổ của mình ? Khi ngài tự hỏi như vậy, “tại sao tôi đau khổ ?”, và tìm hiểu lý do đau khổ , thì ngài có thoát được đau khổ không ? Khi tôi tìm kiếm ý nghĩa của đau khổ, có phải tôi trốn tránh, thoát ly, chạy trốn nó không ? Sự kiện là : tôi đang đau khổ nhưng vừa lúc tôi dùng tâm trí để tác động trên sự đau khổ và nói “ tại sao vậy ?”, thì lúc ấy tôi đã làm loãng cường độ của sự đau khổ . Nói khác đi, chúng ta muốn nỗi đau khổ loãng tan đi, vơi bớt đi, tiêu ma đi ; chúng ta muốn giải thích cho qua đi nỗi khổ ấy. Hiển nhiên làm thế thì không thể nào hiểu được sự đau khổ. Nếu tôi thoát được lòng ham muốn chạy trốn sự đau khổ, lúc ấy tôi mới bắt đầu hiểu bản chất nội dung của đau khổ.
Đau khổ là gì ? Phải chăng đó là sự phiền não quấy rối trên nhiều cấp độ khác nhau - ở cấp độ thể chất và ở những cấp độ khác nhau của tiềm thức. Đó là một hình thức phiền não sắc sảo mà tôi không ưa thích. Con tôi chết, chẳng hạn. Tôi đã xây dựng bao nhiêu hy vọng chung quanh đứa con trai tôi hay chung quanh đứa con gái tôi, chồng tôi, hay bất cứ ai, bất cứ cái gì. Tôi đã xây bao nhiêu mộng ảo, bao nhiêu đền điện tôn quí chung quanh đứa con ấy, tôi coi nó như người bạn đường, vân vân. Thế rồi bỗng nhiên nó chết đi. Thế là sự phiền não xuất hiện, phải thế không ? Và tôi gọi sự phiền não ấy là sự đau khổ.
Nếu tôi không thích sự đau khổ ấy, tôi liền nói đại khái như vầy “ tại sao tôi đau khổ ?”, “tôi yêu thương nó quá sức”, “Nó là thế này”. “tôi có thế kia”. Tôi cố gắng tìm cách chạy trốn trong những lời tiếng, trong những nhãn hiệu, trong những tín ngưỡng, như phần đông mọi người đều làm thế. Những thứ ấy tác động trên tâm thức tôi như là những thuốc mê. Nếu tôi không làm thế thì cái gì xảy ra ? Tôi chỉ ý thức về sự đau khổ. Tôi không kết án nó, tôi không biện minh nó – tôi chỉ đau khổ. Rồi lúc ấy tôi có thể theo dõi sự vận hành của nỗi đau khổ ấy, phải thế không ? Rồi tôi có thể theo dõi trọn vẹn nội dung ý nghĩa của sự đau khổ - “Tôi theo dõi” ở đây có nghĩa là cố gắng tìm hiểu một sự thể gì đó.
Đau khổ có nghĩa là gì ? Cái gì đang đau khổ ? Không nên hỏi tại sao có đau khổ, không nên hỏi lý do của sự đau khổ, mà phải hỏi cái gì thực sự đang xảy ra ? Tôi chẳng rõ các ngài có phân biệt được không . Lúc ấy, tôi chỉ ý thức về sự đau khổ không phải ý thức về một sự thể tách lìa cách biệt với tôi, không phải ý thức như một người quan sát đang ngó nhìn sự đau khổ - tôi ý thức về sự đau khổ ý thức rằng sự đau khổ là thành phần của tôi, nghĩa là toàn thể người tôi đang đau khổ. Lúc ấy tôi có thể theo dõi sự vận hành của nỗi đau khổ, tìm xem sự đau khổ sẽ dẫn mình đi đến đâu. Hiển nhiên nếu tôi làm thế thì sự đau khổ sẽ mở bật ra, phải thế không ? Lúc ấy tôi thấy rằng tôi đã đặt sự quan trọng vào bản ngã, chứ không phải đứa con tôi yêu thương. Đứa con ấy chỉ được dùng để che đậy khuất lấp tôi để tôi trốn thoát khỏi nỗi khốn khổ, nỗi cô đơn, nỗi bất hạnh vô phúc. Vì tôi không là gì cả, cho nên tôi muốn đứa con tôi phải là gì đó. Nhưng điều ấy không còn thực hiện được, vì đứa con đã mất đi và chỉ còn tôi ở lại, tôi cảm thấy mất mát, tôi cảm thấy cô đơn hiu quạnh. Không còn đứa con của tôi nữa thì tôi không là gì hết. Thế là tôi khóc. Không phải khóc vì đứa con đã đi mất mà vì tôi phải ở lại. Tôi cô độc. Đạt tới được điểm này là một điều rất khó, phải thế không ? Thực ra rất khó tri nhận điều ấy mà không phải nói, “tôi cô độc và làm thế nào để diệt mất sự cô đơn này ?”, khi nói như vậy thì đó cũng đã là một hình thức chạy trốn ; khi tri nhận điều ấy, thay vì nói như vậy, mình phải ý thức về nó, lưu trú trong nó, nhìn thấy sự vận hành của nó. Tôi chỉ lấy trường hợp vừa nêu như một thí dụ. Lần hồi, nếu tôi cứ để cho sự đau khổ phơi bày ra, mở ra, thì tôi thấy rằng tôi đau khổ . Bởi vì tôi mất mát ; tôi bị ép buộc để ý vào một sự việc mà tôi không muốn nhìn tới, tôi bị cưỡng ép lưu ý đến sự việc mà tôi không muốn hiểu. Biết bao nhiêu người trên đời này giúp đỡ tôi chạy trốn, hàng ngàn những kẻ tu hành với những tín ngưỡng , tín điều của họ, những hy vọng và ảo giác kỳ quặc của họ, họ có thể nói như vầy : đó là nghiệp, là karma, là thiên ý, vân vân, họ đều có sẵn lối thoát cho tôi. Nhưng nếu tôi có thể lưu trú với nỗi đau khổ của tôi và không xua đuổi nó, không tìm cách giới hạn hay phủ nhận nó thì lúc ấy cái gì xảy ra ? Tâm trạng của tôi là gì, khi tâm trí tôi dõi theo sự vận hành của đau khổ ?
Phải chăng đau khổ chỉ là một danh từ hay là một thực thể, một sự kiện ? Nếu đau khổ là một thực thể, chứ không phải chỉ là một danh từ, thì danh từ chẳng có ý nghĩa gì cả, và lúc ấy, chỉ còn lại cảm giác đau đớn dữ dội. Đau đớn đối với cái gì ? Đau đớn đối với một hình ảnh, đối với một kinh nghiệm đối với một sự thể mà ngài có hay không có. Nếu ngài có sự thể ấy, ngài gọi đó là sung sướng, nếu ngài không có nó, ngài cho là đau đớn. Do đó, sự đau đớn, sự phiền muộn chỉ là tương quan với một sự thể nào đó. Phải chăng sự thể ấy chỉ là một ngôn thức hay là một thực thể ? Sự đau buồn chỉ hiện hữu khi có tương giao với một sự thể nào đó. Sự đau buồn không thể hiện hữu đơn phương một mình, cũng như sự sợ hãi cũng không thể hiện hữu đơn phương, nhưng chỉ hiện hữu trong tương giao với một sự thể nào đó : với một cá thể, cá nhân, với một sự việc xảy ra, với một cảm giác. Ngài đã ý thức trọn vẹn về sự đau khổ rồi. Phải chăng sự đau khổ ấy tách lìa ly cách với ngài và ngài chỉ là kẻ quan sát trực nhận sự đau khổ, hay sự đau khổ kia chính là ngài.
Khi không còn kẻ quan sát đang đau khổ thì sự đau khổ có còn khác biệt với ngài ? Chính ngài sự đau khổ, phải thế không ? Ngài không phải tách lìa với sự đau đớn – ngài chính sự đau đớn . Cái gì xảy ra ? Lúc ấy, không còn nhãn hiệu nữa, không còn đặt tên cho sự đau khổ, rồi xua đuổi nó đi, và chính ngài chỉ là sự đau đớn kia, cảm giác kia, cảm thức về nỗi quằn quại kia. Khi ngài chính là những thứ ấy thì cái gì xảy ra ? Khi ngài không còn đặt tên cho sự đau khổ, khi không còn sự sợ hãi nào đối với nỗi đau khổ ấy thì tâm điểm của cảm thức có còn liên hệ với nỗi khổ ấy ? Nếu tâm điểm của cảm thức còn liên hệ với nỗi khổ ấy thì lúc ấy cảm thức vẫn còn sợ hãi đau khổ. Thế là cảm thức phải tác động và làm một việc gì đó để đối phó sự việc. Nhưng nếu tâm điểm của cảm thức là nỗi đau khổ ấy thì lúc ấy ngài làm gì ? Không làm gì cả, phải thế không ? Nếu ngài chính sự đau khổ và ngài không chấp nhận nó, không đặt nhãn hiệu cho nó, không xua đuổi nó, nếu ngài nó, thì cái gì xảy đến ? Ngài còn nói rằng ngài đau khổ nữa thôi ? Cố nhiên là một sự chuyển hóa toàn triệt xảy ra. Lúc ấy không còn ai nói, “tôi đau khổ”, bởi vì không còn tâm điểm nào của cảm thức để mà đau khổ ; tâm điểm của cảm thức chỉ đau khổ bởi vì chúng ta không bao giờ khảo sát bản chất của tâm điểm ấy. Chúng ta chỉ sống từ danh từ này sang đến danh từ khác, từ phản ứng này đến phản ứng khác. Chúng ta không bao giờ nói, “Hãy để cho tôi nhìn thấy sự thể đau khổ kia là sự thể gì”. Ngài không thể nhìn thấy bằng sự cưỡng ép, bằng kỷ luật. Ngài phải nhìn một cách chú tâm, với sự thông cảm tự nhiên. Lúc ấy, ngài sẽ thấy rằng điều mình gọi là đau khổ, đau đớn, điều mình trốn tránh, và kỷ luật giới luật, tất cả những thứ này tiêu ma đi mất. Khi nào tôi không còn dính líu liên hệ với một sự thể như là một thực thể tách biệt bên ngoài thì vấn đề không còn đó nữa ; lúc nào tôi lại có có thể hệ liên quan với sự thể như là thực thể bên ngoài tôi thì lúc ấy vấn đề lại xuất hiện. Khi nào tôi còn coi sự đau khổ như là một cái gì ở bên ngoài, như tôi đau khổ vì tôi mất người anh, vì tôi không có tiền, vì thế này hay thế kia, khi tôi còn coi sự đau khổ như thực thể bên ngoài như vậy thì tôi đã đặt liên quan giao hệ với nó và chính liên hệ ấy chỉ là giả tưởng. Nhưng nếu tôi chính là nó, nếu tôi nhìn thấy sự kiện ấy, lúc ấy mọi sự sẽ được chuyển hóa, mọi sự mang một ý nghĩa khác biệt. Lúc ấy mình chú tâm trọn vẹn, chú tâm nguyên vẹn và điều được chú ý hoàn toàn thì được hiểu và được giải tan, lúc ấy mình không còn sợ hãi nữa ; do đó, chữ “đau khổ sầu muộn” cũng không hiện hữu nữa.

8.  VỀ TRỰC THỨC

HỎI : Sự khác nhau giữa trực thức và nội quan là gì ? Ai có trực thức trong sự trực thức ?
KRISHNAMURTI :  Chúng ta hãy khảo sát trước tiên về ý nghĩa của sự nội quan. Nói về nội quan, chúng ta muốn nói về sự nhìn lại nội tâm mình, khảo sát nội tâm mình. Tại sao mình lại khảo sát bản thân ? Để mà cải thiện thăng tiến, để mà thay đổi, để mà biến đổi. Ngài khảo sát nội tâm để mà trở nên một cái gì đó, nếu không thế thì ngài sẽ không mải miết bận bịu với việc nội quan ấy. Ngài sẽ không khảo sát bản thân nếu ngài không có khát vọng biến đổi, chuyển hóa, trở nên một cái khác hẳn hiện thể của ngài. Đó là lý do dễ thấy cắt nghĩa tại sao có việc nội quan. Tôi nổi giận và tôi khảo sát nội tâm, khảo sát bản thân, để mà phá tan giải trừ cơn giận hoặc để mà biến đổi hoặc biến chuyển sự giận dữ. Khi nào mình còn khát vọng biến đổi hoặc biến chuyển những đáp ứng, những phản ứng của bản ngã, nghĩa là khi nào mình còn muốn nội quan thì khi đó mình luôn luôn còn có cứu cánh trước mặt, rồi lúc nào cứu cánh ấy không đạt tới được thì lúc ấy mình cảm thấy buồn bực chán mứa phiền muộn. Do đó, sự nội quan thường khi hay đi đôi với nỗi buồn bực chán chường. Tôi không biết rằng ngài có để ý mỗi khi ngài khảo sát nội tâm , khi ngài nhìn vào tâm khảm mình để thay đổi chuyển hóa bản thân thì ngay lúc ấy một cơn buồn chán đã dâng tràn lấn áp tâm tư mình. Mình phải cầm cự chiến đấu với đợt sóng buồn chán lấn tràn nội tâm ; ngài phải tự khám xét nội tâm luôn luôn để vượt qua tâm thái sầu muộn của mình vân vân. Sự nội quan là một tiến trình liên tục không ngừng vì đó là một tiến trình chuyển hóa hiện thể thành ra một sự thể khác hẳn hiện tại. Hiển nhiên đây đúng là những gì xảy ra mỗi khi chúng ta khảo sát nội tâm , mỗi khi chúng ta cắm cúi chìm ngập trong hành động ấy. Tiến trình tích lũy luôn luôn hiện hữu trong hành động ấy. , bản ngã khảo sát một sự thể nào đó để biến chuyển sự thể ấy, do đó sự xung đột lưỡng nguyên luôn luôn xuất hiện và tạo ra tiến trình vô vọng phẫn chí. Không bao giờ có được một lối thoát nào cả ; và khi ý thức được sự phẫn chí vô vọng ấy, mình lại bị phiền muộn chán chường lấn áp tâm tư.
Trực thức thì hoàn toàn khác hẳn. Trực thức là quan sát mà không kết án qui trách. Trực thức đem đến sự giao cảm, bởi vì lúc ấy không còn sự kết án phán xét, không còn tinh thần đồng hóa mà chỉ còn sự quan sát im lặng. Nếu tôi muốn hiểu bất cứ việc gì thì tôi phải quan sát , tôi không nên chỉ trích phê phán, tôi không nên kết án , tôi không nên đeo đuổi nó vì nó đem đến sự khoái lạc sung sướng hoặc tôi không nên tránh nó vì nó đem đến sự phiền muộn . Lúc ấy mình chỉ nên quan sát sự kiện một cách im lặng. Không nên đặt cứu cánh nào trước mặt mà chỉ nên có trực thức về mọi sự đúng như là lúc phát khởi xuất hiện. Sự quan sát ấy và sự thông hiểu việc quan sát ấy sẽ chấm dứt mỗi khi mình phê phán kết án, đồng hóa, hoặc biện minh . Sự nội quan là tự cải thiện, do đó nội quan chỉ là tính cách duy ngã, vị kỷ. Trực thức không phải là tự cải thiện. Trái lại, đó là sự chấm dứt của bản ngã, cái "tôi" , chấm dứt luôn tất cả những di tích đặc thù của bản ngã, những kỷ niệm hồi tưởng, những yêu sách đòi hỏi và những khát vọng đeo đuổi . Trong sự nội quan lại có cả tinh thần đồng hóa và sự phê phán kết án. Trong sự trực thức không hề có tinh thần đồng hóa và phê phán kết án, do đó, không hề có sự tự cải thiện. Có sự khác nhau rõ rệt giữa nội quan và trực thức.
Kẻ nào muốn cải thiện bản thân thì không thể nào có thể ý thức được, có thể trực thức được, bởi vì sự cải thiện ngụ ý là sự phê phán kết án và đạt tới một kết quả nào đó. Trái lại trong khi trực thức thì chỉ có sự quan sát mà không kết án phê phán, không phủ nhận hoặc chấp nhận. Sự trực thức kia bắt đầu khởi phát với những sự vật ngoại giới, khi ý thức trực tiếp với những sự vật, với thiên nhiên. Trước tiên trực thức về những sự vật chung quanh mình khi nhạy cảm đối với những sự vật, với thiên nhiên, rồi với con người tức là giao cảm trong tương quan liên hệ, rồi đến trực thức về những ý tưởng . Trực thức là nhạy cảm trước những sự vật , trước thiên nhiên, trước con người, trước những ý tưởng, sự trực thức này không phải gồm có những tiến trình ly cách nhau mà chỉ là một tiến trình duy nhất. Đó là sự quan sát thường xuyên đối với mọi sự vật, đối với mọi tư tưởng, cảm giác và hành động, mỗi khi những thứ ấy phát hiện trong nội tâm mình. Vì sự trực thức không có tính cách kết án phê phán, cho nên không có sự tích lũy tâm thức. Ngài chỉ phê phán khi ngài có một tiêu chuẩn, nghĩa là có sự tích lũy tâm thức, do đó, có cả sự cải thiện bản ngã.
Trực thức là hiểu những sinh hoạt của bản ngã, của cái "tôi", trong tương giao với con người, với những ý tưởng và với những sự vật . Trực thức ấy xảy ra từ giây phút này đến giây phút khác, vì thế mình không thể thực hành tôi luyện trực thức được. Khi ngài thực hành tôi luyện một điều gì đó thì điều ấy trở nên một thói quen, và trực thức không phải là thói quen. Trí óc kẻ nào bị vướng trong thói quen thì không thể nào nhạy cảm được, trí óc ấy chỉ tác động sinh hoạt trong khuôn mòn lối cũ của một hành động đặc thù nào đó, trí óc ấy trở nên nhạt nhẽo, đần độn không uyển chuyển, trái lại trực thức đòi hỏi mình phải uyển chuyển linh động thường xuyên . Điều này không hẳn khó hiểu. Mình thường uyển chuyển linh động thức tỉnh mỗi khi mình thực sự lưu tâm say mê một sự việc gì đó, như mỗi khi mình chú tâm ngắm nhìn đứa con của mình, vợ mình, cây cỏ, cây lá, chim chóc. Mình quan sát mà không kết án, không có tinh thần đồng hóa ; do đó, trong sự quan sát ấy, mình đạt tới sự giao cảm trọn vẹn ; người quan sát và vật được quan sát đều hoàn toàn nằm trong sự giao cảm. Sự kiện này thường xảy ra trong thực tế mỗi khi mình để ý chú tâm đến một việc gì một cách thâm trầm sâu thẳm.
Vì thế có một sự khác nhau triệt để giữa trực thức và sự cải thiện phóng ngã của nội quan. Sự nội quan chỉ dẫn đến sự phẫn chí tuyệt vọng, đưa đến nhiều xung đột sâu xa rộng lớn hơn nữa ; trái lại trực thức là một tiến trình giải phóng khỏi tác động của bản ngã ; đó là ý thức trực tiếp về những cử chỉ vận hành của mình trong đời sống thường nhật, về tư tưởng của mình, về hành động của mình và ý thức trực tiếp về người khác, quan sát hắn, để ý chú tâm đến hắn. Mình chỉ có thể làm được như vậy khi mình yêu một người nào đó, khi mình để ý chú tâm sâu sắc đến một việc gì đó ; khi mình muốn tự hiểu mình, toàn thể hiện tính của mình, trọn vẹn nội dung của bản thể, chứ không phải chỉ một đôi tầng lớp ý thức nông cạn, lúc ấy thì hiển nhiên không thể còn có sự kết án qui trách nữa. Lúc ấy, tôi phải cởi mở đón nhận tất cả tư tưởng , cởi mở đón nhận tất cả mọi cảm giác xúc động , cởi mở đón nhận tất cả mọi cảm trạng tâm thức , cởi mở đón nhận tất cả mọi sự áp chế bức bách tinh thần, và khi mình có được trực thức phát rộng ra bao la, mình lại càng được tự do rộng rãi hơn nữa để thoát khỏi sự vận hành kín đáo của những tư tưởng, của những động lực và của những sự truy cầu tìm kiếm. Trực thức là tự do, trực thức đem đến tự do, tạo tác ra tự do trái lại sự nội quan chỉ tăng trưởng sự xung đột , tiến trình của sự đóng nhốt bản thân, do đó, luôn luôn vẫn là sự phẫn chí và sợ hãi hiện hữu trong tiến trình ấy. Người đặt câu hỏi cũng muốn biết chủ thể của sự trực thức là ai. Khi ngài trải qua bất cứ kinh nghiệm nào sâu thẳm, thì cái gì xảy ra ? Khi ngài trải qua kinh nghiệm như thế, ngài có ý thức trực tiếp rằng ngài đang trải qua kinh nghiệm ? Khi ngài nổi giận ngay trong khoảnh khắc nổi giận ấy hoặc ghen tuông hoặc vui sướng ngài có ý thức trực tiếp rằng ngài đang vui hoặc ngài đang giận ? Chỉ đến lúc nào kinh nghiệm đã chấm dứt rồi thì mới hiện hữu người kinh nghiệm và điều kinh nghiệm. Rồi lúc ấy, người kinh nghiệm quan sát điều kinh nghiệm, đối tượng của kinh nghiệm. Ngay vào lúc kinh nghiệm không hề có người quan sát và cũng không có điều quan sát ; chỉ có sự hiện nghiệm thôi. Phần đông chúng ta không hề hiện nghiệm. Chúng ta luôn luôn đứng bên ngoài trạng thái hiện nghiệm ; do đó, chúng ta mới đặt câu hỏi về chủ thể của người quan sát, như câu hỏi “ai có trực thức ?”. Hiển nhiên câu hỏi như vậy là một câu hỏi sai, phải thế không ? Vào lúc xảy ra hiện nghiệm, không có người ý thức, cũng không có đối tượng mà hắn ý thức. Không có người quan sát và cũng không có đối tượng quan sát mà chỉ có trạng thái hiện nghiệm. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy vô cùng khó khăn khi sống trong trạng thái hiện nghiệm, bởi vì việc ấy đòi hỏi mình phải uyển chuyển phi thường, nhanh nhẹn, đạt tới một cấp độ nhạy cảm cao sâu ; và điều này không thể thực hiện được khi mà chúng ta đang đeo đuổi một kết quả nào đó, khi chúng ta muốn thành công, khi chúng ta có một cứu cánh trước mặt, khi chúng ta đang tính toán – tất cả những thứ này đều đem đến sự phẫn chí tuyệt vọng. Kẻ nào không đòi hỏi bất cứ điều gì cả, kẻ nào không tìm kiếm một cứu cánh , không đi tìm cầu cạnh một thành quả với tất cả ngụ nghĩa chứa đựng trong thành quả ấy, kẻ ấy mới sống trong trạng thái hiện nghiệm thường xuyên. Lúc ấy, mọi sự mới vận chuyển mới mang một ý nghĩa ; không có gì cũ kỹ cả, không có gì là lặp lại nhàm chán cả, bởi vì hiện thể thì không bao giờ cũ cả. Sự thách thức của đời sống vẫn luôn luôn mới lạ. Chỉ có sự đáp ứng của mình đối với thách thức kia là cũ thôi ; sự cũ kỹ kia tạo ra dấu vết còn lại, tức là ký ức người quan sát, kẻ tự phân cách mình ra ngoài điều quan sát, phân cách mình ra ngoài sự thách thức, ngoài kinh nghiệm. Ngài có thể thí nghiệm điều này, tự thể nghiệm lấy một cách rất giản dị và một cách rất dễ dàng. Lần sau, mỗi khi ngài nổi giận hay ghen tuông hay gian tham hay bạo động hay bất cứ trong tâm trạng nào, ngài hãy ngắm nhìn bản thân , tự ngắm nhìn mình. Trong trạng thái ấy, “ngài” không hiện hữu. Lúc ấy, chỉ có trạng thái hiện thể thôi. Sau đó, một giây phút sau, khi ngài đặt tên , gọi danh tâm trạng mình, ngài gọi nó là sự ghen tuông, sự giận dữ, lòng gian tham ; thế là ngài đã lập tức tạo ra người quan sát và điều được quan sát, người thể nghiệm và điều được thể nghiệm. Khi có người kinh nghiệm và điều được kinh nghiệm thì lúc ấy người kinh nghiệm cố gắng biến chuyển kinh nghiệm, thay đổi nó, nhớ tưởng bao nhiêu việc về kinh nghiệm ấy vân vân, do đó, mình đã duy trì giữ lại sự phân chia giữa bản thân và điều được thể nghiệm. Nếu ngài không gọi tên cảm giác ấy – có nghĩa là ngài không tìm kiếm một kết quả , ngài không kết án phê phán, ngài chỉ im lặng ý thức trực tiếp về cảm giác kia – lúc ấy ngài sẽ thấy rằng không có người quan sát và điều quan sát trong cảm trạng ấy, bởi vì người quan sát và điều quan sát chỉ là một hiện tượng đồng nhất liên hợp vì thế chỉ có sự hiện nghiệm thôi.
Thế là sự nội quan và sự trực thức đều hoàn toàn khác nhau. Sự nội quan dẫn đến sự phẫn chí tuyệt vọng, dẫn đến thêm nhiều xung đột tranh chấp, vì sự nội quan ngụ đựng ý nghĩa của lòng thèm khát thay đổi và sự thay đổi chỉ là sự liên tục biến dạng. Trực thức là trạng thái không còn sự phê phán, sự biện minh hay đồng hóa, do đó, mới thực hiện được sự giao cảm trong trạng thái trực thức tiêu cực linh động, không còn có người thể nghiệm, cũng chẳng có điều được thể nghiệm.
Sự nội quan chính là một hình thức của sự tăng trưởng bản ngã, bành trướng bản ngã và không bao giờ có thể dẫn tới chân lý, bởi vì đó luôn luôn là một tiến trình bưng bít bản thân ; trái lại, trực thức là một trạng thái mà chân lý có thể thành hình được, chân lý của hiện thể, chân lý đơn giản của cuộc hiện hữu thường nhật. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được chân lý đời sống thường nhật thì chúng ta mới có thể đi xa được. Ngài phải bắt đầu ngay những gì gần bên mình thì mới đi xa được, nhưng phần đông chúng ta đều muốn nhảy vọt thật nhanh, muốn đi thật xa mà không hiểu được những gì gần nhất bên mình. Khi chúng ta hiểu được những gì gần gũi nhất bên mình thì chúng ta sẽ thấy rằng không có khoảng cách giữa xa và gần. Không có khoảng cách – sự bắt đầu và sự chấm dứt chỉ là một thôi.

9. VỀ SỰ TƯƠNG GIAO

HỎI :  Ngài thường nói về tương giao, nhưng đối với ngài, tương giao có nghĩa là gì ?
KRISHNAMURTI :  Trước tiên hết, không có cái gì gọi là biệt lập cả. Ở đời là liên hệ với mọi sự, không có liên hệ tương giao thì không có sự hiện hữu. Đối với chúng ta , tương giao có nghĩa là gì ? Đó là sự thách thức và đáp ứng liên giao giữa hai người, giữa các ngài và tôi, ngài ném ra sự thách thức và tôi đón nhận sự thách thức ấy hoặc tôi đáp ứng sự thách thức ấy ; đồng thời tôi cũng quăng ném ra sự thách thức cho các ngài . Sự tương quan giữa hai người tạo ra xã hội ; xã hội không đứng riêng biệt bên ngoài các ngài và tôi ; đám đông quần chúng không là một thực thể ly khai riêng biệt, nhưng chính các ngài và tôi trong tương quan của chúng ta đối với nhau đã tạo ra đám đông quần chúng, đoàn thể, xã hội. Sự tương quan là sự trực thức về hỗ tương liên hệ giữa hai người. Tương giao kia thường được xây dựng trên nền tảng nào ? Có phải nó thường được xây dựng trên sự viên dung liên kết, sự giúp đỡ hỗ tương ? Ít nhất, chúng ta cho rằng đó là sự tương trợ tương thân, vân vân, nhưng trong thực tế, bên ngoài lời lẽ ngôn từ, bên ngoài bức màn tình cảm mà chúng ta ném cho nhau qua lại, tương giao kia thực sự đã được đặt trên căn bản nào ? Phải chăng trên sự thỏa mãn hỗ tương ? Nếu tôi không làm vui lòng ngài, ngài bỏ rơi tôi ; nếu tôi làm vui lòng ngài, ngài chấp nhận tôi như vợ ngài hoặc như người láng giềng của ngài hoặc như bạn của ngài. Đó là sự kiện dễ thấy.
Gia đình, ngài gọi gia đình là gì ? Hiển nhiên đó là tương giao thâm thiết, tương giao thâm cảm. Trong gia đình ngài, trong mối tương giao của ngài với vợ ngài, với chồng ngài, có giao cảm trong mối tương giao ấy không ? Nhất định đó là điều chúng ta muốn nói trong tương giao, phải thế không ? Tương giao có nghĩa là giao cảm, đồng điệu, thanh ứng khí cầu, tâm đầu ý hợp mà không có sự sợ hãi nào cả, được tự do phóng khoáng hiểu biết lẫn nhau, giao tiếp, trao đổi chia sẻ, thông đạt một cách trực tiếp. Cố nhiên tương giao có nghĩa là đồng điệu tâm ý với người khác. Ngài có thế không ? Ngài có thông cảm, tâm đầu ý hợp với vợ ngài ? Có lẽ ngài thông cảm trên bình diện thân xác , nhưng đó không phải là tương giao. Ngài và vợ ngài sống mỗi người mỗi bên đối nghịch bị chắn ngang bởi bức tường quạnh quẽ cô lập, có phải thế không chứ ? Ngài có những sự truy cầu đeo đuổi, những tham vọng của ngài và bà thì có những truy cầu tham vọng của bà. Ngài sống đằng sau bức tường và thỉnh thoảng nhìn qua đầu tường ngó qua bên kia – và ngài gọi đó là tương giao quan thiết. Đó là một sự kiện , phải thế không ? Ngài có thể phóng đại sự kiện ấy, thoa dịu, dùng nhiều lời lẽ đẹp đẽ để diễn tả sự kiện ấy nhưng đó vẫn là sự kiện – nghĩa là ngài và kẻ khác kia đều sống trong tâm trạng cô lập quạnh quẽ, và nàng gọi đời sống cô quạnh kia là tương giao quan thiết.
Khi có tương giao thực thụ giữa hai người, nghĩa là chỉ có sự đồng tâm ý, sự giao cảm giữa hai người thì sự kiện này mang nhiều ngụ nghĩa phong phú. Lúc ấy, không còn sự cô lập nữa ; chỉ có tình thương và không có trách nhiệm hay bổn phận. Chỉ có những kẻ bị cô lập đàng sau bức tường ngăn cách mới nói đến bổn phận và trách nhiệm. Một người thương yêu không nói về trách nhiệm – hắn thương yêu thôi. Do đó, hắn chia sẻ với người khác niềm vui, nỗi buồn, tiền bạc. Gia đình của các ngài có thế không ? Ngài có giao cảm trực tiếp với vợ ngài, với con cái ngài ? Cố nhiên là không. Vì thế gia đình chỉ là một cớ để duy trì tên tuổi hoặc truyền thống của ngài, ban cho ngài những điều ngài muốn, về phương diện tình dục hay tâm lý, thế là gia đình trở nên một phương tiện duy trì bản thân, duy trì dòng họ tên tuổi ngài. Đó là hình thức của sự bất tử và trường cửu. Gia đình cũng được dùng như một phương tiện để thỏa mãn mình. Tôi lợi dụng khai thác những kẻ khác một cách tàn nhẫn trong thương trường doanh nghiệp, trong chính trường hay trong xã hội, nhưng về nhà tôi lại cố gắng nhân từ, rộng lượng, hiền hòa. Thực là phi lý ! Hoặc tôi không thể sống nổi với thế giới bên ngoài, tôi muốn được thanh bình bên trong, cho nên tôi rút lui về nhà, về với gia đình. Tôi cảm thấy đau đớn trong thế giới bên ngoài, và tôi về nhà, cố gắng tìm tiện nghi an ủi. Thế là tôi dùng sự tương giao như một phương tiện để thỏa mãn, nghĩa là tôi không muốn bị quấy rầy trong tương giao của tôi với người đời.
Do đó, người ta chỉ tìm tương giao để được thỏa mãn với nhau ; khi ngài không tìm được thỏa mãn, ngài liền thay đổi tương giao ; hoặc ngài ly dị hoặc ngài sống chung với nhau nhưng tìm thỏa mãn nơi khác hoặc ngài đi tìm từ tương giao này đến tương giao khác cho đến lúc ngài thấy được những gì ngài tìm kiếm – tức thỏa lòng thỏa mãn, và cảm giác được che chở, bảo bọc bản thân, được tiện nghi ấm cúng. Tựu chung, đó là ý nghĩa của tương giao chúng ta ở đời, và đó là sự thực. Người ta tìm tương giao để có thể có được an ninh bảo đảm, để cá nhân mình được sống trong trạng thái an lành, trong trạng thái thỏa mãn, trong trạng thái ngu si đần độn – tất cả thứ này luôn luôn gây ra xung đột tranh chấp, phải thế không ? Nếu ngài không thỏa mãn được tôi và tôi lại đi tìm kiếm thỏa mãn thì hiển nhiên phải xảy ra xung đột tranh chấp, bởi vì chúng ta đều tìm kiếm an ninh với nhau ; khi mà sự an ninh ấy trở nên bấp bênh thì ngài trở thành ghen tuông , trở thành bạo động, trở thành chiếm hữu, vân vân. Vì thế tương giao luôn luôn đưa đến kết quả là sự chiếm hữu, sự phê phán kết án, những đòi hỏi chấp hữu của bản ngã trong việc tìm kiếm sự an ninh, sự tiện nghi và sự thỏa mãn và hiển nhiên tình thương không thể nào hiện hữu trong những tâm thái như vậy.
Chúng ta nói về tình yêu , chúng ta nói về trách nhiệm, bổn phận, nhưng sự thực không có tình yêu ; sự tương quan chỉ được xây dựng trên sự thỏa mãn, tác dụng của việc ấy có thể thấy được trong nền văn minh hiện nay. Trong tư cách đối xử của chúng ta với vợ, con cái, láng giềng, bạn bè là điều chứng tỏ rằng thực sự không có tình thương gì cả trong mối tương giao của chúng ta . Đó chỉ là chung nhau tìm kiếm sự thỏa mãn. Vì sự kiện như thế, mục đích của tương giao là gì ? Ý nghĩa tối thượng của tương giao là gì ? Nếu ngài tự quan sát mình trong tương giao với những kẻ khác, ngài có thấy rằng tương giao chỉ là một tiến trình mở bày bản thân ? Có phải sự tiếp xúc của tôi với ngài đã hé mở trạng thái hiện thể riêng lẻ của tôi, nếu tôi đủ linh động tỉnh thức để ý thức về phản ứng riêng lẻ của tôi trong tương giao ? Sự tương giao thực ra là một tiến trình vén bày bản thân tức là một tiến trình tự tri ; trong sự vén mở kia mình thấy bao nhiêu là sự việc không đẹp, những tư tưởng bất an khó chịu, những hành vi không tốt. Vì tôi không thích những gì tôi khám phá ra, cho nên tôi chạy trốn tương giao nào khó chịu đựng nổi, để tìm tương giao nào khả dĩ dễ thở, dễ chịu. Do đó, tương giao không có ý nghĩa gì đáng kể mỗi khi chúng ta chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn hỗ tương , nhưng sự tương giao trở nên có ý nghĩa phi thường mỗi khi tương giao là một phương tiện để vén mở bản thân và tìm hiểu bản thể.
Tựu trung, không có tương giao trong tình thương, phải thế không ? Chỉ khi nào ngài yêu thương và mong mỏi sự đáp trả cho tình thương của mình thì lúc ấy mới có tương giao. Khi ngài yêu thương nghĩa là khi ngài dâng hiến bản thể trọn vẹn của mình cho một đối tượng một cách hoàn toàn, toàn diện, thì lúc ấy không có tương giao nào cả.
Nếu ngài thực sự yêu thương, nếu thực sự có một tình thương như vậy, lúc ấy thực là một điều tuyệt vời. Trong tình thương như vậy không hề có sự bất hòa va chạm, không có người này người kia, mà chỉ có sự đồng nhất toàn triệt. Đó là một trạng thái nguyên tính, hiện thể toàn diện. Có những khoảnh khắc như vậy, những giây phút hy hữu, hạnh phúc, đầy niềm vui chan chứa tràn trề, khi mà có tình yêu trọn vẹn , cảm thông toàn diện. Điều thường xảy ra là tình yêu không được mình chú trọng mà chỉ chú trọng đến người yêu, đối tượng của tình yêu trở nên quan trọng , người mình yêu trở nên quan trọng, chứ không phải chính tình yêu. Lúc ấy đối tượng của tình yêu trở nên quan trọng vì nhiều lý do khác nhau, hoặc sinh lý, ngôn từ, hoặc lòng thèm khát, muốn được thỏa mãn, muốn được thư thái tiện nghi, vân vân, khi đối tượng của tình yêu trở nên quan trọng thì tình yêu phải lùi đi. Lúc ấy sự chiếm hữu, sự ghen tuông, và những yêu sách tạo ra xung đột, và tình yêu càng lúc càng lùi xa ; tình yêu càng lùi xa thì vấn đề tương quan càng mất vị thế quan trọng, giá trị và ý nghĩa. Vì thế tình yêu, tình thương là một trong những điều khó hiểu nhất. Tình yêu không thể đến do sự cưỡng bức đòi hỏi của tri thức, tình yêu không thể được tạo thành bởi những phương sách, phương tiện và kỷ luật. Đó là một trạng thái hiện thể mỗi khi những sinh hoạt của bản ngã đã chấm dứt ; nhưng những sinh hoạt của bản ngã sẽ không chấm dứt nếu ngài chỉ đàn áp những sinh hoạt ấy, cố ý lẩn tránh hoặc khắc phục những sinh hoạt ấy. Ngài phải hiểu những sinh hoạt của bản ngã trong tất cả giai tầng của ý thức. Chúng ta được trải qua những khoảnh khắc mà chúng ta thực sự yêu thương, khi không có tư tưởng, không có nguyên động lực gì cả, nhưng những khoảnh khắc như vậy thực là hiếm. Vì những giây phút như vậy quá hiếm hoi, cho nên chúng ta đeo níu bám víu vào những giây phút ấy trong trí nhớ và vì thế mới tạo ra bức rào ngăn cách giữa thực tại sống động và hành động của đời sống thường nhật.
Để hiểu được tương giao, điều quan trọng là trước tiên phải hiểu được hiện thể, những gì đang xảy ra trong thực tế đời sống chúng ta trong những hình thức tế nhị khác nhau ; đồng thời cũng hiểu luôn ý nghĩa thực sự của tương giao. Tương giao là khai thị cho bản thể ; chính vì chúng ta không muốn tự khai mở cho mình, cho nên chúng ta mới trốn ẩn trong tiện nghi an lạc và lúc ấy tương giao mất hết chiều sâu thẳm lạ thường , mất hết ý nghĩa quan trọng và vẻ đẹp tuyệt vời. Chỉ có tương giao chân chính mỗi khi có tình yêu, tình thương, nhưng tình thương không phải là sự tìm kiếm điều thỏa mãn. Tình yêu, tình thương chỉ hiện hữu mỗi khi mình quên mất tự ngã, mỗi khi có sự cảm thông truyền đạt trọn vẹn, không phải giữa một hoặc hai điều, mà là cảm thông giao kết với thực tại tối thượng ; việc này chỉ xảy ra khi nào mình quên mất bản ngã.

10. VỀ CHIẾN TRANH

HỎI:  Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết sự hỗn loạn chính trị hiện nay và cơn khủng hoảng trên thế giới bây giờ ? Có điều gì một cá nhân có thể làm được để chấm dứt trận chiến tranh đang đe dọa hiện nay ?
KRISHNAMURTI:  Chiến tranh là sự phóng hiện ngoạn mục và đẫm máu, phóng hiện ra bên ngoài những gì chứa đựng trong đời sống thường nhật của chúng ta , phải thế không ? Chiến tranh chỉ là sự phát biểu bên ngoài của trạng thái nội tại trong tâm hồn chúng ta , sự phóng đại của đời sống thường nhật chúng ta . Chiến tranh phát hiện ngoạn mục hơn, đẫm máu hơn, tàn khốc hơn mọi sự, bởi vì đó là kết quả tập thể của những sinh hoạt cá thể. Do đó ngài và tôi là kẻ chịu trách nhiệm cho trận chiến tranh hiện nay, và chúng ta làm gì để chấm dứt chiến tranh ? Cố nhiên, các ngài và tôi không thể nào ngăn chận được trận chiến tranh vẫn luôn luôn đe dọa khắp nơi, vì trận chiến tranh đã diễn tiến lan tràn rồi, chiến tranh đã xảy ra rồi, dù hiện tại chỉ rõ rệt nhất là trên bình diện tâm lý , trận chiến lại dễ thấy có ảnh hưởng khốc hại hơn hết. Vì chiến tranh đã diễn biến vận hành rồi, không ai có thể ngăn chận chiến tranh được nữa – những vấn sự quá to tát, quá nhiều, quá dan díu và mọi sự đã bị đưa vào cuộc rồi. Tuy nhiên, các ngài và tôi, lúc thấy rằng ngôi nhà đang cháy, có thể hiểu được những lý do gây ra hỏa hoạn, chúng ta có thể dời đi nơi khác để tránh lửa và xây dựng ở một nơi khác với những vật liệu khác, những vật liệu không dẫn hỏa, những vật liệu nào khả dĩ không gây ra những trận chiến tranh khác. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm được. Các ngài và tôi, có thể nhìn thấy những gì tạo ra chiến tranh và nếu chúng ta thực sự để tâm muốn ngăn chận chiến tranh , lúc ấy, chúng ta có thể bắt đầu tự chuyển hóa bản thân, vì bản thân chúng ta chính là nguyên nhân của chiến tranh.
Một bà thiếu phụ người Mỹ đến thăm tôi cách đây vài năm vào thời chiến tranh. Bà nói rằng, bà đã mất đứa con trai bà ở trận chiến tại Ý đại lợi và bà còn một đứa con trai kế được mười sáu tuổi mà bà muốn đứa con trai này không phải chết như anh nó vì thế bà muốn bàn bạc với tôi về vấn đề này. Tôi đưa ý rằng nếu bà muốn cứu sống đứa con trai thứ của bà thì phải bỏ quốc tịch của bà đi ; bà phải bỏ gian tham bỏ việc tích trữ chồng chất tài sản tìm kiếm quyền thế , thống trị và phải có tinh thần đơn giản – chẳng phải chỉ đơn giản trong cách ăn mặc , không phải chỉ đơn giản ở hình thức bên ngoài, mà phải đơn giản trong tư tưởng của bà, trong cảm giác và trong tương giao. Bà ấy trả lời, “Như thế thì quá sức tôi. Ngài đòi hỏi nhiều quá. Tôi không thể làm được như vậy, bởi vì tôi không đủ sức để biến chuyển những hoàn cảnh”. Thế là chính bà ấy đã chịu trách nhiệm về sự hủy diệt của đứa con bà.
Chúng ta có thể chế ngự những hoàn cảnh bởi vì chúng ta đã tạo ra những hoàn cảnh. Xã hội là sản phẩm của tương giao, của tương giao ngài và tương giao tôi cùng chung với nhau. Nếu chúng ta biến đổi tương giao của chúng ta thì xã hội biến đổi ; chỉ dựa trên pháp luật , trên sự cưỡng bức để mà thay đổi xã hội bên ngoài, trong khi ấy mình vẫn thối nát bên trong tâm tư, nội tâm mình vẫn tiếp tục tìm kiếm quyền thế , địa vị, thống trị, như thế có nghĩa là phá hủy thế giới bên ngoài, dù thế giới bên ngoài này có thể được xây dựng một cách kỹ lưỡng, một cách khoa học đi nữa thì cũng chỉ là phù phiếm. Thế giới nội tâm vẫn luôn luôn chiến thắng thế giới bên ngoài.
Những gì tạo ra chiến tranh- trên phương diện tôn giáo, chính trị hoặc kinh tế ? Cố nhiên những nguyên nhân của chiến tranh là tín ngưỡng , tín ngưỡng vào chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp , vào một ý thức hệ hoặc vào một tín điều đặc thù nào đó. Nếu chúng ta không có tín ngưỡng mà chỉ có thiện chí, tình thương và kính trọng lẫn nhau thì lúc ấy không thể nào có chiến tranh được. Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng những tín ngưỡng những ý tưởng và những tín điều, do đó, chúng ta chỉ nuôi dưỡng sự bất hòa. Cơn khủng hoảng hiện nay có tính cách ngoại lệ, và đứng trên cương vị con người, chúng ta bắt buộc chọn lựa : hoặc đeo đuổi con đường xung đột thường trực và chiến tranh liên tục tức là kết quả của tất cả hành động thường nhật của chúng ta , hoặc tìm thấy những nguyên nhân của chiến tranh và quay lưng lại với những nguyên nhân ấy.
Cố nhiên nguyên nhân của chiến tranh là lòng khát vọng quyền hành , địa vị, uy tín, tiền bạc ; nguyên nhân của chiến tranh cũng là chứng bệnh mang tên là chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, sùng bái một lá cờ, chứng bệnh của tương giao tổ chức , sự sùng bái một tín điều. Tất cả những thứ này là những nguyên nhân của chiến tranh ; nếu đứng trên cương vị của một cá thể, ngài lại thuộc vào bất cứ một tương giao tổ chức nào, nếu ngài tham quyền cố vị, nếu ngài ghen ghét đố kỵ, nhất định ngài sẽ tạo ra một xã hội đi đến sự phá hoại diệt vong. Vì thế mọi sự là tùy thuộc vào các ngài, chứ không phải tùy thuộc vào những vị lãnh tụ, không phải tùy thuộc vào những kẻ gọi là chính khách và những hạng người đại loại như vậy. Mọi sự đều tùy thuộc vào ngài và tôi, nhưng dường như chúng ta không ý thức được điều ấy. Nếu chúng ta chỉ thực sự một lần cảm thấy được trách nhiệm của những hành động mình, thì chúng ta có thể chấm dứt nhanh chóng tất cả chiến tranh, tất cả thống khổ kinh hoàng, chấm dứt một cách nhanh chóng biết bao ! Tuy nhiên, các ngài đã thấy rõ rằng chúng ta quá hững hờ lãnh đạm. Chúng ta có được ba bữa ăn mỗi ngày, chúng ta có công ăn việc làm, chúng ta có những ngân khoản ở nhà băng, ngân khoản nhỏ, ngân khoản to, và chúng ta lại nói “cầu trời, xin đừng phiền rầy chúng tôi, hãy để chúng tôi yên thân”. Chúng ta càng leo cao, chúng ta lại càng muốn được thêm nhiều an ninh, trường tồn, an tâm, chúng ta lại càng muốn yên thân, muốn mọi sự cố định như thường lệ ; nhưng mọi sự không thể nào cố định được như thường lệ, bởi vì không có gì lưu tồn. Mọi sự đều đang phân tán. Chúng ta không muốn đối mặt với những sự việc này, chúng ta không muốn đối diện với sự kiện rằng các ngài và tôi phải chịu trách nhiệm đối với cuộc chiến tranh này. Các ngài và tôi có thể nói về hòa bình, hội nghị, hội thảo chung quanh bàn tròn và luận bàn mọi sự, nhưng trong tâm thức, đứng về mặt tâm lý, chúng ta lại thèm muốn quyền hành, địa vị, chúng ta bị thôi thúc bởi lòng gian tham. Chúng ta gây sự, chúng ta chạy theo lòng ái quốc hẹp hòi, chúng ta bị buộc trong những tín ngưỡng, những tín điều, mà chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mạng, sẵn sàng tàn sát lẫn nhau. Các ngài có nghĩ rằng những hạng người như vậy, các ngài và tôi, có thể đem đến hòa bình trên thế giới ? Muốn có được hòa bình, chúng ta phải hòa bình nơi tâm thức ; sống một cách hòa bình, thanh bình, có nghĩa là không tạo ra sự chống đối hiềm khích. Hòa bình không phải là một ý tưởng. Đối với tôi một lý tưởng chỉ là một lối thoát ly, trốn tránh hiện thể, mâu thuẫn với hiện thể. Bất cứ một lý tưởng nào cũng đều ngăn chặn lại hành động trực tiếp đối với hiện thể. Muốn có hòa bình, chúng ta phải thương yêu, chúng ta không phải sống một cuộc đời lý tưởng mà phải nhìn sự thể như là sự thể, thực sự như là thế, và tác động trên sự thể, chuyển hóa sự thể. Khi mà mỗi một người trong chúng ta lại đi tìm sự an ninh tâm lý ; sự an ninh thể xác cần thiết như cơm, áo, chỗ ở, nhu cầu vật chất phải bị phá hủy. Chúng ta đều tìm kiếm sự an ninh tâm lý , sự an ninh tâm lý này không hiện hữu, thế mà chúng ta vẫn tìm kiếm nó, cố sức tìm kiếm nó qua quyền thế, địa vị, chức tước, tên tuổi – tất cả những thứ này đang phá hủy sự an ninh vật chất. Đó là một sự kiện dễ thấy, nếu các ngài chịu khó để tâm vào vấn đề.
Muốn đem đến hòa bình trên thế giới, muốn chấm dứt chiến tranh, mình phải thực hiện cuộc cách mạng trong cá thể, trong các ngài và tôi. Cuộc cách mạng kinh tế chỉ là vô nghĩa, nếu cuộc cách mạng kinh tế này thiếu mất cuộc cách mạng nội tâm, vì sự đói kém là kết quả của sự bất tương ứng giữa những điều kiện kinh tế và sự bất tương ứng của những điều kiện kinh tế này phát sinh từ những trạng thái tâm lý của chúng ta như lòng tham, lòng đố kỵ, ghen ghét, thiếu thiện chí và lòng chiếm hữu. Muốn chấm dứt đau đớn thống khổ, đói kém, chiến tranh thì mình phải làm một cuộc cách mạng tâm thức, nhưng rất ít người chịu đối mặt với sự thật này. Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục bàn cãi về hòa bình, đặt kế hoạch lập pháp, tạo ra những liên minh mới, Liên Hiệp quốc, vân vân và vân vân, nhưng chúng ta sẽ không đạt được hòa bình, bởi vì chúng ta sẽ không chịu bỏ địa vị chúng ta , quyền thế của chúng ta , tiền bạc, tài sản, đời sống ngu xuẩn của chúng ta . Chỉ nương cậy vào những kẻ khác, là một việc hoàn toàn phù phiếm, những kẻ khác không thể nào đem đến hòa bình cho chúng ta, không có vị lảnh tụ nào sắp mang hòa bình tới cho chúng ta , không có chính quyền nào, không có quân đội nào, không có quốc gia nào có thể làm được việc ấy. Chỉ là một điều khả dĩ mang đến hòa bình là sự chuyển hóa nội tâm, chính sự chuyển hóa nội tại này sẽ đưa tới hành động ở ngoại giới. Sự chuyển hóa nội tâm không phải là sự cô lập. không phải là lùi tránh hành động ngoại giới. Trái lại, chỉ có hành động chính đáng khi nào có sự suy tư chính đáng, và chỉ có sự suy tư chính đáng là khi nào có sự tự tri. Không thể nào có hòa bình được nếu mình không tự hiểu mình.
Muốn chấm dứt chiến tranh bên ngoài, các ngài phải bắt đầu chấm dứt chiến tranh bên trong tâm hồn các ngài . Một số người ngồi đây sẽ gật đầu và nói, “tôi đồng ý” và bước ra về, rồi cũng tiếp tục làm lại y hệt những gì mình đã làm từ mười hoặc hai mươi năm nay. Sự đồng ý của các ngài chỉ có tính cách ngôn từ và không có ý nghĩa gì cả, vì sự đồng ý hờ hững của các ngài không thể chận đứng được nỗi thống khổ và chiến tranh của nhân loại hiện nay. Chỉ có thể chận đứng được mọi nỗi khốn khổ đao binh này khi nào các ngài ý thức được nỗi hiểm họa, khi các ngài ý thức được trách nhiệm của các ngài khi ngài không để trách nhiệm ấy cho một kẻ nào khác. Nếu các ngài ý thức được nỗi đau đớn hiện nay, nếu các ngài thấy được sự đòi hỏi cấp bách hành động trực tiếp không trì hoãn thì lúc ấy các ngài sẽ tự chuyển hóa bản thân ; hòa bình chỉ có thể xuất hiện khi nào chính các ngài đã hòa bình trong bản thân , khi nào chính các ngài sống hòa thuận với người láng giềng của các ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét