Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG - IV GIÁO DỤC VÀ HÒA BÌNH THẾ GIỚI



GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

EDUCATION AND THE SIGNIFICANCE OF LIFE
J.KRISHNAMURTI

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
Chương IV
GIÁO DỤC VÀ HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Muốn khám phá giáo dục có thể đảm trách vai trò gì trong sự khủng hoảng hiện nay của thế giới, chúng ta phải hiểu rõ làm thế nào sự khủng hoảng đó đã xảy ra. Chắc chắn nó là kết quả của những giá trị sai lầm trong sự liên hệ của chúng ta với con người, với tài sản và với những ý tưởng. Nếu sự liên hệ của chúng ta với những người khác được đặt nền tảng trên sự phóng đại của chính chúng ta, và sự liên hệ của chúng ta với tài sản là tham lợi, chắc chắn cấu trúc của xã hội là ganh đua và tự cô lập. Nếu trong sự liên hệ của chúng ta với những ý tưởng, chúng ta bênh vực một học thuyết đối nghịch với một học thuyết khác, ý muốn xấu xa và không tin cậy lẫn nhau là những kết quả không tránh khỏi.
Một nguyên nhân khác của sự hỗn loạn hiện nay là sự phụ thuộc vào uy quyền, vào những người lãnh đạo, dù trong sống hàng ngày, trong trường học nhỏ bé hay trong trường đại học rộng lớn. Những người lãnh đạo và uy quyền của họ là những nhân tố thoái hóa trong bất kỳ tôn giáo nào. Khi chúng ta theo sau một người khác, thì không có sự hiểu biết rõ chỉ có sự sợ hãi và tuân phục, cuối cùng dẫn đến sự tàn nhẫn của chính thể độc tài và những tín điều của tôn giáo có tổ chức.
 Phụ thuộc vào những chính phủ, hướng về những tổ chức và những uy quyền cho hòa bình ấy, mà lẽ ra phải bắt đầu bằng sự hiểu rõ về chính chúng ta, là tạo ra xung đột nhiều thêm và cuộc tranh chấp vẫn còn nghiêm trọng hơn nữa; và không thể có hạnh phúc vĩnh cửu chừng nào chúng ta còn chấp nhận một trật tự xã hội trong đó có đấu tranh và đối lập vô tận giữa con người và con người. Nếu chúng ta muốn thay đổi những điều kiện đang tồn tại, trước hết chúng ta phải tự thay đổi chính chúng ta, có nghĩa chúng ta phải nhận biết được những hành động, những tư tưởng suy nghĩ và những cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.  
Nhưng chúng ta thực sự không muốn hòa bình, chúng ta không muốn kết thúc sự trục lợi. Chúng ta sẽ không cho phép sự tham lam của chúng ta bị can thiệp, hay những nền tảng của cấu trúc xã hội hiện nay bị thay đổi; chúng ta muốn những sự việc tiếp tục như vậy với chỉ những canh tân bổ sung trên bề mặt, và thế là chắc chắn những uy quyền sức mạnh, sự xảo quyệt, không thể tránh được khống chế cai trị cuộc sống chúng ta.
 Hòa bình không thành tựu qua bất kỳ học thuyết nào, nó không phụ thuộc vào lập pháp; nó hiện diện chỉ khi nào chúng ta, như những cá thể, bắt đầu hiểu rõ qui trình tâm lý riêng của chúng ta. Nếu chúng ta lẩn tránh trách nhiệm hành động một cách cá thể và chờ đợi hệ thống mới nào đó để thiết lập hòa bình, thì chúng ta sẽ chỉ trở thành những nô lệ của hệ thống đó mà thôi.
 Khi những chính phủ, những người độc tài, những công ty lớn và những giáo sĩ quyền uy bắt đầu thấy rằng sự đối nghịch gia tăng này giữa con người chỉ dẫn đến sự phá hoại bừa bãi và vì vậy không còn gây lợi lộc nữa, họ có thể ép buộc chúng ta, qua lập pháp và những phương tiện cưỡng bức khác, để kiềm chế những khao khát và những tham vọng cá nhân của chúng ta và để đồng hợp tác cho hạnh phúc của nhân loại. Giống như lúc này chúng ta được giáo dục và được khuyến khích để ganh đua và tàn nhẫn, vì vậy lúc đó chúng ta sẽ bị buộc phải tôn kính lẫn nhau và để làm việc cho thế giới như một tổng thể.
 Và mặc dù tất cả chúng ta có lẽ được ăn mặc đầy đủ và có nơi trú ngụ ấm cúng, chúng ta sẽ không được tự do khỏi những xung đột và những đối nghịch của chúng ta, mà sẽ chỉ chuyển hướng đến một mức độ khác, nơi chúng sẽ vẫn còn quỷ quyệt và tàn ác hơn. Hành động chân thật và luân lý đạo đức duy nhất thì tự nguyện, và chính sự hiểu biết, tự nó có thể sáng tạo hòa bình và hạnh phúc cho con người. 
Những niềm tin, những học thuyết và những tôn giáo có tổ chức đang xếp đặt chúng ta chống đối những người hàng xóm của chúng ta; có xung đột, không chỉ giữa những xã hội khác nhau, nhưng còn cả nơi những nhóm người trong cùng xã hội. Chúng ta phải nhận ra rằng chừng nào chúng ta còn đồng hóa chính chúng ta cùng một quốc gia, chừng nào chúng ta còn bám vào sự an toàn, chừng nào chúng ta còn bị quy định bởi những giáo điều, sẽ còn có đấu tranh và đau khổ cả trong chính chúng ta và trong thế giới.
 Vậy thì, toàn thể có câu hỏi về của lòng ái quốc được đặt ra. Khi nào chúng ta cảm thấy thương yêu tổ quốc? Chắc chắn nó không là một cảm xúc hàng ngày. Nhưng chúng ta được kiên trì khuyến khích để thương yêu tổ quốc qua những quyển sách giáo khoa, qua báo chí và những phương tiện tuyên truyền khác, mà khích động cái tôi chủng tộc bằng cách ca tụng những anh hùng quốc gia và bảo cho chúng ta rằng quốc gia và cách sống riêng của chúng ta là tốt đẹp hơn những quốc gia khác. Tinh thần ái quốc này nuôi dưỡng sự kiêu ngạo của chúng ta từ niên thiếu đến tuổi già.
 Sự khẳng định được lặp lại liên tục rằng chúng ta phụ thuộc vào một nhóm tôn giáo hay chính trị nào đó, rằng chúng ta thuộc quốc gia này hay quốc gia kia, nịnh nọt những cái tôi nhỏ xíu của chúng ta, thổi phồng chúng ra giống như những cánh buồm, cho đến khi chúng ta sẵn sàng giết chết hay bị giết chết vì quốc gia, chủng tộc hay học thuyết của chúng ta. Tất cả đều quá dốt nát và không tự nhiên. Chắc chắn, những con người còn quan trọng hơn những biên giới của quốc gia và học thuyết.
 Tinh thần tách rời của chủ nghĩa quốc gia đang lan tràn giống như lửa khắp thế giới. Ái quốc được nuôi dưỡng và trục lợi đầy khôn ngoan bởi những người đang tìm kiếm sự bành trướng thêm nữa, những quyền hành to tát hơn, sự giàu có nhiều thêm; và mỗi người chúng ta tham gia vào qui trình này, bởi vì chúng ta cũng ham muốn những việc này. Chinh phục những đất đai khác và những con người khác cung cấp những thị trường mới cho hàng hóa cũng như cho những học thuyết tôn giáo và chính trị.
 Người ta phải quan sát tất cả những diễn tả này của bạo lực và đối nghịch bằng một cái trí không thành kiến, đó là, bằng một cái trí không đồng hóa chính nó cùng bất kỳ quốc gia, chủng tộc hay học thuyết nào, nhưng cố gắng tìm ra điều gì là sự thật. Có niềm vui vô cùng lớn lao khi thấy một vấn đề rõ ràng mà không đang bị ảnh hưởng bởi những nhận thức ý niệm và những hướng dẫn sai sử của những người khác, dù họ là chính phủ, những người chuyên môn hay những người rất có học thức. Một lần chúng ta thực sự nhận ra rằng tinh thần ái quốc là một cản trở đối với hạnh phúc của con người, chúng ta không phải đấu tranh chống lại cảm xúc giả tạo này trong chính chúng ta, nó đã vĩnh viễn biến mất khỏi chúng ta.
 Chủ nghĩa quốc gia, tinh thần ái quốc, ý thức giai cấp và chủng tộc, luôn luôn của cái tôi, và thế là gây tách rời. Rốt cuộc, một quốc gia là gì ngoại trừ một nhóm của những cá thể đang sống cùng nhau vì những lý do tự phòng vệ và kinh tế? Từ sự sợ hãi và tự phòng vệ tham lợi sinh ra ý tưởng của ‘quốc gia của tôi’, cùng những biên giới và hàng rào thuế quan của nó, đang khiến cho tình huynh đệ và sự thống nhất của con người không thể xảy ra được.
 Sự ham muốn để kiếm được và giữ được, sự khao khát để được đồng hóa cùng cái gì đó to tát hơn chúng ta, tạo ra tinh thần của chủ nghĩa quốc gia; và chủ nghĩa quốc gia nuôi dưỡng chiến tranh. Trong mọi quốc gia, chính phủ, được khuyến khích bởi tôn giáo có tổ chức, đang ủng hộ chủ nghĩa quốc gia và tinh thần tách rời. Chủ nghĩa quốc gia là một căn bệnh và nó không bao giờ có thể tạo ra sự thống nhất của nhân loại. Chúng ta không thể có được sức khỏe nhờ vào bệnh tật, trước hết chúng ta phải giải thoát chúng ta khỏi bệnh tật.
 Do bởi chúng ta là những người ái quốc, sẵn sàng bảo vệ những Chính thể cai trị của chúng ta, những niềm tin và những tham lợi của chúng ta, nên chúng ta mới phải liên tục trang bị vũ khí. Đối với chúng ta, tài sản và những ý tưởng đã trở thành quan trọng hơn cuộc sống của con người, thế là có bạo lực và đối nghịch liên tục giữa chúng ta và những người khác. Bằng cách duy trì chủ quyền của quốc gia chúng ta, chúng ta đang hủy diệt con cái của chúng ta; bằng cách tôn sùng Chính thể, mà không là gì cả ngoại trừ một phóng chiếu của chính chúng ta, chúng ta đang hy sinh con cái của chúng ta cho sự thỏa mãn riêng của chúng ta. Chủ nghĩa quốc gia và những chính phủ cầm quyền là những nguyên nhân và những dụng cụ của chiến tranh.
 Những tổ chức hiện nay của xã hội chúng ta không thể phát triển thành một hợp nhất thế giới, bởi vì chính những nền tảng của nó là tách rời. Những nghị viện và những hệ thống giáo dục mà bảo vệ chủ quyền quốc gia và nhấn mạnh vào sự quan trọng của nhóm người sẽ không bao giờ kết thúc chiến tranh. Mỗi nhóm tách rời của con người, cùng những người cai trị của nó và những người bị cai trị của nó, là một nguồn của chiến tranh. Chừng nào tại cơ bản chúng ta còn không thay đổi sự liên hệ hiện nay giữa con người và con người, chắc chắn công nghiệp sẽ dẫn đến sự hỗn loạn và trở thành một dụng cụ của hủy diệt và đau khổ; chừng nào còn có bạo lực và chuyên chế, dối gạt và tuyên truyền, tình than hữu của con người không thể được thực hiện.
 Chỉ giáo dục con người thành những kỹ sư xuất sắc, những người khoa học sáng chói, những người điều hành hiệu quả, những công nhân khéo léo, sẽ không bao giờ hợp nhất những người đàn áp và những người bị đàn áp lại cùng nhau; và chúng ta có thể thấy rằng hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta, mà duy trì nhiều nguyên nhân nuôi dưỡng đối nghịch và hận thù giữa những con người, đã không ngăn cản sự giết người tập thể nhân danh quốc gia của người ta hay nhân danh Thượng đế.
 Những tôn giáo có tổ chức, cùng uy quyền tinh thần và thế tục của chúng, cũng không thể mang lại hòa bình cho con người, bởi vì chúng cũng là kết quả của sự dốt nát và sợ hãi của chúng ta, của sự ích kỷ và giả tạo của chúng ta.
 Bởi vì khao khát sự an toàn ở đây hay trong đời sau, chúng ta tạo ra những tổ chức và những học thuyết mà bảo đảm sự an toàn đó; nhưng chúng ta càng đấu tranh cho sự an toàn nhiều bao nhiêu, chúng ta càng ít nhận được nó bấy nhiêu. Sự khao khát an toàn chỉ nuôi dưỡng phân chia và gia tăng đối nghịch. Nếu chúng ta cảm thấy sâu thẳm và hiểu rõ sự thật của điều này, không chỉ bằng từ ngữ hay trí năng, nhưng bằng toàn thân tâm của chúng ta, vậy thì chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi một cách cơ bản sự liên hệ của chúng ta với những người bạn của chúng ta trong thế giới tức khắc quanh chúng ta; và chỉ lúc đó mới có một khả năng thành tựu sự thống nhất và tình thân hữu.
 Hầu hết chúng ta đều bị nuốt trọn bởi tất cả mọi loại sợ hãi, và đều quan tâm đến sự an toàn riêng của chúng ta. Chúng ta hy vọng rằng, bởi điều kỳ diệu nào đó, những cuộc chiến tranh sẽ kết thúc, luôn luôn buộc tội những nhóm quốc gia khác là những nhóm khích động chiến tranh, khi luân phiên họ chỉ trích chúng ta về thảm họa đó. Mặc dù chiến tranh chắc chắn gây thiệt hại cho xã hội, chúng ta chuẩn bị cho chiến tranh và phát triển tinh thần quân đội trong những người trẻ.
 Nhưng liệu sự đào tạo quân đội có bất kỳ vị trí nào trong giáo dục? Tất cả nó phụ thuộc chúng ta muốn con cái của chúng ta là loại người nào. Nếu chúng ta muốn chúng là những kẻ giết người hiệu quả, vậy thì sự đào tạo quân đội là cần thiết. Nếu chúng ta muốn kỷ luật chúng và định hình những cái trí của chúng, nếu mục đích của chúng ta là khiến cho chúng thành những người ái quốc và thế là vô trách nhiệm với xã hội như một tổng thể, vậy thì sự đào tạo quân đội là một cách hay ho để thực hiện nó. Nếu chúng ta thích chết chóc và hủy diệt, chắc chắn sự đào tạo quân đội là cần thiết. Chính chức năng của những vị tướng là phải lên kế hoạch và tiếp tục chiến tranh; và nếu ý định của chúng ta là có sự đấu tranh liên tục giữa chúng ta và những người láng giềng của chúng ta, vậy thì tất nhiên chắc chắn chúng ta hãy cho phép có thêm nhiều vị tướng.  
Nếu chúng ta đang sống chỉ để có sự đấu tranh liên tục trong bản thân chúng ta và với những người khác, nếu sự ham muốn của chúng ta là tiếp tục đổ máu và đau khổ, vậy thì phải có nhiều lính tráng hơn, nhiều người chính trị hơn, nhiều kẻ thù hơn – mà thực sự là việc gì đang xảy ra. Văn minh hiện đại được đặt nền tảng trên bạo lực, và vì vậy đang chuốc lấy chết chóc. Chừng nào chúng ta còn tôn sùng uy quyền, thì bạo lực sẽ là phương cách sống của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn hòa bình, nếu chúng ta muốn sự liên hệ đúng đắn giữa những con người, dù là người Thiên chúa giáo hay người Ấn giáo, người Nga hay người Mỹ, nếu chúng ta muốn con cái của chúng ta là những con người tổng thể, vậy thì sự đào tạo quân đội là một cản trở tuyệt đối, đó là phương cách sai lầm khi tiến hành nó.
 Một trong những nguyên nhân chính của hận thù và đấu tranh là niềm tin rằng một giai cấp hay chủng tộc đặc biệt là cao cấp hơn một giai cấp hay chủng tộc khác. Đứa trẻ không có ý thức giai cấp cũng như chủng tộc; do bởi môi trường sống ở nhà hay ở trường, hay cả hai, mới khiến cho em cảm thấy tách rời. Trong chính đứa trẻ, em không lưu tâm liệu người bạn chơi đùa của em là một người da đen hay một người Do thái, một người Ba la môn hay không Ba la môn; nhưng sự ảnh hưởng của toàn cấu trúc xã hội liên tục đang khắc sâu vào cái trí của em, đang ảnh hưởng và đang định hình nó.
Lại ở điểm này, vấn đề không phải với đứa trẻ nhưng với những người lớn, người đã tạo ra một môi trường sống vô nghĩa của chủ nghĩa tách rời và những giá trị giả tạo.
 Liệu có nền tảng thực sự nào để chỉ rõ sự khác biệt giữa những con người? Những thân thể của chúng ta có lẽ khác biệt trong cấu trúc và màu sắc, những khuôn mặt của chúng ta có lẽ không giống nhau, nhưng phía bên trong làn da chúng ta đều giống hệt nhau: kiêu ngạo, tham vọng, ganh tị, bạo lực, tình dục, tìm kiếm quyền hành và vân vân. Lột bỏ cái nhãn hiệu và chúng ta rất trơ trụi; nhưng chúng ta không muốn đối diện sự trơ trụi của chúng ta, và thế là chúng ta cố chấp vào cái nhãn hiệu – mà thể hiện rằng chúng ta không chín chắn biết chừng nào, chúng ta thực sự ấu trĩ ra sao.
 Muốn khiến cho đứa trẻ lớn lên được tự do khỏi thành kiến, trước hết người ta phải phá vỡ tất cả những thành kiến bên trong chính bản thân, và kế tiếp trong môi trường sống xung quanh – điều đó có nghĩa phá vỡ cấu trúc của xã hội vô nghĩa này mà chúng ta đã tạo ra. Ở nhà, chúng ta có lẽ dạy bảo đứa trẻ rằng, rất vô lý khi ý thức về giai cấp và chủng tộc của một người, và nó có thể sẽ đồng ý với chúng ta; nhưng khi đến trường và chơi đùa cùng những đứa trẻ khác, nó bị vấy bẩn bởi tinh thần phân chia. Hoặc nó có lẽ là cách ngược lại: ở nhà có lẽ là truyền thống, chật hẹp, và sự ảnh hưởng của trường học có lẽ phóng khoáng hơn. Trong cả hai trường hợp đều có một đấu tranh liên tục giữa tổ ấm và trường học, và đứa trẻ bị kẹt cứng giữa hai nơi.
 Muốn nuôi nấng đứa trẻ một cách thông minh, muốn giúp đỡ nó nhận biết để thấy những thành kiến xuẩn ngốc này, chúng ta phải liên hệ mật thiết với nó. Chúng ta phải nói chuyện về những sự việc và cho phép nó lắng nghe cuộc nói chuyện thông minh này; chúng ta phải khuyến khích tinh thần của tìm hiểu và bất mãn mà sẵn có trong nó, nhờ vậy giúp đỡ nó khám phá cho chính mình điều gì là thực sự và điều gì là sai lầm giả dối.
 Chính là sự thâm nhập liên tục, sự không bằng lòng thực sự mới mang lại sự thông minh sáng tạo; nhưng để duy trì sự thâm nhập và sự bất mãn luôn luôn tỉnh thức là điều gian nan vô cùng, và hầu hết mọi người đều không muốn con cái của họ có loại thông minh này, bởi vì quả là rất khó chịu khi sống cùng một người luôn luôn nghi ngờ những giá trị đã được chấp nhận. 
Tất cả chúng ta đều bất mãn khi chúng ta còn trẻ, nhưng bất hạnh thay chẳng mấy chốc sự bất mãn của chúng ta tan dần đi, bị bóp nghẹt bởi những khuynh hướng bắt chước và sự tôn sùng uy quyền của chúng ta. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta bắt đầu cố định, thỏa mãn và sợ hãi. Chúng ta trở thành những người điều hành, những giáo sĩ, những thư ký ngân hàng, những giám đốc nhà máy, những kỹ thuật viên, và dần dần cố định. Bởi vì chúng ta ham muốn duy trì những vị trí của chúng ta, chúng ta ủng hộ xã hội thoái hóa mà đã xếp đặt chúng ta ở đó và đã cho chúng ta tiêu chuẩn nào đó của sự an toàn.
 Sự kiểm soát giáo dục của chính phủ là một tai họa. Không có hy vọng của hòa bình và trật tự trong thế giới chừng nào giáo dục còn là nô bộc của Chính thể hay của tôn giáo có tổ chức. Tuy nhiên càng ngày càng nhiều chính phủ đang đảm đương phụ trách trẻ em và tương lai của chúng; và nếu đó không là chính quyền, vậy thì là những tổ chức tôn giáo lại tìm kiếm để kiểm soát sự giáo dục.
 Tình trạng quy định trí óc đứa trẻ để phù hợp vào một học thuyết, dù là chính trị hay tôn giáo, nuôi dưỡng sự thù địch giữa con người và con người. Trong một xã hội ganh đua, chúng ta không thể có tình thân hữu, và không sự đổi mới nào, không độc tài nào, không phương pháp giáo dục nào có thể tạo ra nó.
 Chừng nào bạn vẫn còn là người New Zealand và tôi là một người Ấn độ, quả là vô lý khi nói về sự thống nhất của con người. Làm thế nào chúng ta có thể hòa hợp cùng nhau như những con người nếu bạn trong quốc gia của bạn, và tôi trong quốc gia của tôi, còn duy trì những thành kiến tôn giáo và những hệ thống kinh tế riêng biệt của chúng ta? Làm thế nào có thể có tình huynh đệ chừng nào chủ nghĩa ái quốc còn đang tách rời con người và con người, và hàng triệu người còn bị giới hạn bởi những điều kiện kinh tế giới hạn trong khi những người khác lại sung túc? Làm thế nào có thể có sự thống nhất của con người khi những niềm tin còn phân chia chúng ta, khi có sự thống trị của một nhóm người bởi một nhóm người khác, khi những người giàu có đầy quyền hành và những người nghèo khổ đang tìm kiếm cùng quyền hành đó, khi có sự phân phối sai lầm của đất đai, khi những người nào đó được nuôi ăn dư thừa và vô số người lại đang thiếu thốn?
 Một trong những khó khăn của chúng ta là chúng ta thực sự không khẩn thiết về những vấn đề này, bởi vì chúng ta không muốn bị xáo trộn nhiều. Chúng ta ưa thích thay đổi những sự việc chỉ trong cung cách gây lợi lộc cho chính bản thân mình mà thôi, và thế là chúng ta không quan tâm đến sự trống rỗng và tàn bạo độc ác riêng của chính mình.
 Liệu có khi nào chúng ta có thể đạt được hòa bình qua bạo lực? Liệu hòa bình sẽ đạt được lần hồi, qua một qui trình từ từ của thời gian? Chắc chắn, tình yêu không là một vấn đề của sự huấn luyện đào tạo hay thời gian. Hai cuộc thế chiến vừa qua được chiến đấu vì dân chủ, tôi tin thế; và lúc này, chúng ta đang chuẩn bị cho một chiến tranh còn to lớn hơn và hủy diệt hơn, và con người ít được tự do hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta xóa sạch những cản trở rõ ràng đối với sự hiểu biết như uy quyền, niềm tin, chủ nghĩa quốc gia và toàn tinh thần của thứ bậc? Chúng ta sẽ là những con người không có uy quyền, những con người hiệp thông lẫn nhau trong tương giao trực tiếp với nhau – và vậy thì, có lẽ, sẽ có tình yêu, lòng trắc ẩn và từ bi.
 Điều gì cần thiết trong giáo dục, như trong mọi lãnh vực khác, là phải có những con người hiểu biết và có từ tâm, mà tâm hồn của họ không chất đầy những cụm từ sáo rỗng, cùng những vấn đề của cái trí.
 Nếu đời sống được giành cho cách sống cùng hạnh phúc, cùng tế nhị, cùng ân cần, cùng tình yêu, vậy thì hiểu rõ về chính chúng ta là điều rất quan trọng; và nếu chúng ta ao ước sáng tạo một xã hội khai sáng thực sự, chúng ta phải có những người giáo dục mà hiểu rõ những phương cách của sự hợp nhất và thế là ngưới có khả năng có thể chuyển tải sự hiểu biết rõ đó sang đứa trẻ.
 Những người giáo dục như thế sẽ là một hiểm họa cho cấu trúc xã hội hiện nay. Nhưng chúng ta thực sự không muốn sáng tạo một xã hội khai sáng; và bất kỳ người giáo dục nào mà, bởi vì nhận biết được những hàm ý đầy đủ của hòa bình, bắt đầu vạch ra ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa quốc gia và sự ngu xuẩn của chiến tranh, chẳng mấy chốc sẽ mất luôn chức vụ của họ. Vì biết rõ điều này, hầu hết những giáo viên đều đồng lõa, và thế là giúp đỡ duy trì hệ thống hiện nay của sự trục lợi và bạo lực.  
Chắc chắn, muốn khám phá sự thật, phải có sự tự do khỏi đấu tranh, cả trong bản thân và người láng giềng của chúng ta. Khi chúng ta không xung đột bên trong, chúng ta không xung đột bên ngoài. Do bởi sự đấu tranh bên trong mà, được chiếu rọi ra bên ngoài, trở thành xung đột của thế giới.
 Chiến tranh là sự chiếu rọi đổ máu và qui mô của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta tiếp tục chiến tranh từ cuộc sống hàng ngày của chúng ta; và nếu không có một thay đổi trong chính chúng ta, chắc chắn phải có những hận thù thuộc chủng tộc và quốc gia, những cãi cọ ngô nghê về những học thuyết, gấp bội những lính tráng, chào mừng những lá cờ, và tất cả những tàn bạo mà sẽ tiến tới để tạo ra những giết chóc có tổ chức. 
Sự giáo dục khắp thế giới đã thất bại, nó đã sản sinh sự hủy diệt và đau khổ chất chồng. Những chính phủ đang đào tạo những người trẻ để trở thành những lính tráng và những chuyên viên kỹ thuật hiệu quả mà họ cần; tổ chức thành đội ngũ và thành kiến đang được vun đắp và ép buộc. Bởi vì đang suy nghĩ về những sự kiện này, chúng ta phải thâm nhập ý nghĩa của sự sinh tồn và tính chất trọng đại và mục đích của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải khám phá những phương cách từ bi của việc sáng tạo một môi trường sống mới mẻ; bởi vì môi trường sống có thể khiến cho đứa trẻ thành một người tàn ác, một người chuyên môn vô cảm, hay giúp đỡ em trở thành một người thông minh, nhạy cảm. Chúng ta phải sáng tạo một chính phủ thế giới mà khác hẳn tại cơ bản, mà không bị đặt nền tảng trên chủ nghĩa quốc gia, trên những học thuyết, trên vũ lực.
Tất cả điều này hàm ý sự hiểu biết rõ về trách nhiệm của chúng ta với người khác lẫn nhau trong sự liên hệ tương giao; nhưng muốn hiểu rõ trách nhiệm của chúng ta, phải có tình yêu trong tâm hồn của chúng ta, mà không chỉ học vấn hay kiến thức hiểu biết. Nhưng tất cả chúng ta chỉ là những bộ não và không có trái tim; chúng ta trao giồi vun quén mảnh trí năng và khinh miệt lòng từ tốn khiêm nhượng. Nếu chúng ta thực sự thương yêu con cái của chúng ta, chúng ta sẽ muốn cứu thoát và bảo vệ chúng, chúng ta sẽ không cho phép chúng bị hy sinh trong những cuộc chiến tranh.
Tôi nghĩ chúng ta thực sự đều muốn vũ khí; chúng ta thích sự biểu diễn của uy quyền quân đội, những bộ đồng phục, những nghi thức, nhậu nhẹt, náo động, bạo lực. Sống hàng ngày của chúng ta là một phản ảnh trong sự thu nhỏ lại của cùng bề mặt tàn ác này, và chúng ta đang hủy diệt lẫn nhau qua ganh ghét, đố kỵ và vô tâm.
Chúng ta muốn giàu có; và chúng ta càng giàu có bao nhiêu, chúng ta càng trở nên tàn nhẫn bấy nhiêu, mặc dù chúng ta có lẽ đóng góp những số tiền to lớn cho từ thiện và giáo dục. Vì đã cướp bóc của nạn nhân, chúng ta đền bù cho người ấy một chút ít hàng ăn cướp, và điều này chúng ta gọi là công việc nhân đức. Tôi không nghĩ chúng ta nhận ra những thảm họa nào mà chúng ta đang chuẩn bị. Hầu hết chúng ta đều sống mỗi ngày càng vội vã và càng không suy nghĩ bao nhiêu càng tốt, và cho phép những chính phủ, những người chính trị ranh mãnh, xếp đặt điều hướng cuộc sống của chúng ta. 
Tất cả những chính phủ cầm quyền phải chuẩn bị cho chiến tranh, và chính phủ riêng của  ta không là một ngoại lệ. Muốn khiến cho những công dân của nó có hiệu quả cho chiến tranh, muốn chuẩn bị họ thi hành những bổn phận có hiệu quả, chắc chắn chính phủ phải kiểm soát và điều phối họ. Họ phải được giáo dục và hành động như những cái máy, để có hiệu quả một cách tàn nhẫn. Nếu mục đích và cứu cánh của sống là hủy diệt và bị hủy diệt, vậy thì giáo dục phải khuyến khích sự tàn ác; và tôi không chắc rằng ít ra đó không phải là điều gì mà chúng ta mong muốn bên trong của chúng ta hay sao, bởi vì sự tàn ác gắn liền với sự tôn sùng thành công.
Chính phủ cầm quyền không muốn những công dân của nó được tự do, được suy tưởng  cho riêng họ, và nó kiểm soát họ qua sự tuyên truyền, qua những diễn giải lịch sử biến dạng và vân vân. Đó là lý do tại sao giáo dục đang trở nên càng ngày càng trở thành một phương tiện của suy tưởng cái gì chứ không phải suy tưởng thế nào. Nếu chúng ta muốn suy tưởng một cách độc lập khỏi hệ thống chính trị đang bành trướng, chúng ta sẽ là những người nguy hiểm; những tổ chức tự do có lẽ sản sinh những người hòa bình hay những người suy tưởng trái ngược với chế độ đang tồn tại.
Chắc chắn, giáo dục đúng đắn là một hiểm họa cho những chính phủ cầm quyền – và thế là nó bị ngăn cản bởi những phương tiện tinh vi và độc ác. Giáo dục và lương thực trong bàn tay của một ít người đã trở thành phương tiện của kiểm soát con người; và những chính phủ, dù của phe tả hay phe hữu, không quan tâm chừng nào chúng ta còn là những cái máy hiệu quả dành cho sự sản xuất hàng hóa và những viên đạn.
Lúc này, sự kiện này đang xảy ra khắp thế giới có nghĩa là chúng ta, những công dân và những người giáo dục, đang chịu trách nhiệm cho những chính phủ đang tồn tại, cơ bản không quan tâm liệu có tự do hay nô lệ, hòa bình hay chiến tranh, hạnh phúc hay đau khổ cho con người. Chúng ta muốn một chút xíu đổi mới đó đây, nhưng hầu hết chúng ta đều sợ hãi đập nát xã hội hiện tại và sáng tạo một cấu trúc hoàn toàn mới mẻ, bởi vì điều này sẽ đòi hỏi một thay đổi cơ bản của chính chúng ta.
Ngược lại, có những người tìm kiếm để tạo ra một cách mạng bạo lực. Bởi vì đã giúp xây dựng trật tự xã hội đang tồn tại cùng tất cả những xung đột, hỗn loạn và đau khổ của nó, bây giờ họ ham muốn tổ chức một xã hội hoàn hảo. Nhưng liệu bất kỳ người nào trong chúng ta có thể tổ chức một xã hội hoàn hảo khi chính chúng ta đã tạo ra xã hội hiện nay? Tin tưởng rằng hòa bình có thể đạt được qua sự bạo lực là hy sinh hiện tại cho một lý tưởng tương lai; và sự tìm kiếm của một kết thúc đúng đắn qua một phương tiện sai lầm này là một trong những nguyên nhân của sự thảm họa hiện nay. 
Sự bành trướng và ưu thế của những giá trị làm náo động nhân tâm tất yếu phải tạo ra chất độc của chủ nghĩa quốc gia, của những biên giới kinh tế, những chính phủ cầm quyền và tinh thần ái quốc, tất cả điều đó ngăn cản sự đồng hợp tác của con người với con người và gây thoái hóa sự liên hệ của con người, là xã hội. Xã hội là sự liên hệ giữa bạn và một người khác; và nếu không hiểu rõ sâu thẳm sự liên hệ này, không phải tại bất kỳ một mức độ nào, nhưng hợp nhất, như một tiến hành tổng thể, chắc chắn chúng ta lại tạo ra cùng loại của cấu trúc xã hội, dù được bổ sung trên bề mặt như thế nào.
Nếu chúng ta muốn thay đổi một cách cơ bản sự liên hệ hiện nay của con người chúng ta, mà nó đã tạo ra sự đau khổ không kể xiết của thế giới, nhiệm vụ duy nhất và tức khắc của chúng ta là tự thay đổi chính chúng ta qua sự hiểu biết rõ về chính mình. Vì vậy, chúng ta quay lại trung tâm điểm, là bản thân; nhưng chúng ta lẩn tránh mấu chốt đó và đẩy trách nhiệm sang những chính phủ, những tôn giáo và những học thuyết. Những chính phủ là cái gì chúng ta là, những tôn giáo và những học thuyết không là gì cả ngoại trừ một chiếu rọi của chính chúng ta; và nếu chúng ta không thay đổi tại cơ bản, không thể có nền giáo dục đúng đắn hoặc một thế giới hòa bình.
Sự an toàn cho tất cả bên ngoài chỉ có thể hiện diện khi có tình yêu và thông minh, và bởi vì chúng ta đã tạo ra một thế giới của xung đột và đau khổ mà trong đó sự an toàn bên ngoài mau chóng trở thành không thể xảy ra được cho bất kỳ người nào, thì không phải nó  thể hiện sự vô ích hoàn toàn của sự giáo dục quá khứ và hiện nay, hay sao? Như những phụ huynh và những giáo viên, chính là trách nhiệm trực tiếp phải phá vỡ sự suy nghĩ truyền thống, và không chỉ tin cậy vào những chuyên gia và ở những tìm tòi của họ. Sự hiệu quả trong kỹ thuật đã đem đến cho chúng ta một khả năng nào đó để kiếm tiền, và đó là lý do tại sao hầu hết chúng ta đều thỏa mãn với cấu trúc xã hội hiện nay; nhưng người giáo dục thực sự chỉ quan tâm đến cuộc sống đúng đắn, giáo dục đúng đắn, và phương tiện kiếm sống đúng đắn.
Chúng ta càng vô trách nhiệm trong những vấn đề này nhiều bao nhiêu, chính thể càng đảm đương tất cả trách nhiệm nhiều bấy nhiêu. Chúng ta phải đương đầu, không chỉ với một khủng hoảng kinh tế hay chính trị, nhưng còn với một khủng hoảng của sự thoái hóa con người mà không đảng phái chính trị hay hệ thống kinh tế nào có thể đảo ngược.
Một thảm họa khác và còn to tát hơn đang đến gần rất nguy hiểm, và hầu hết chúng ta đều không làm bất kỳ việc gì về nó. Chúng ta lê lết ngày này sang ngày khác chính xác như trước kia, chúng ta không muốn phủi bỏ tất cả những giá trị giả dối của chúng ta và bắt đầu mới mẻ lại. Chúng ta muốn thực hiện sự đổi mới chắp vá, mà nó chỉ dẫn đến những vấn đề phải đổi mới thêm nữa. Nhưng ngôi nhà đang sụp đổ, những bức tường đang rạn nứt, và lửa đang hủy diệt nó. Chúng ta phải rời khỏi ngôi nhà này và bắt đầu mới mẻ lại, cùng những nền tảng khác hẳn, những giá trị khác hẳn.
Chúng ta không thể loại bỏ sự hiểu biết kiến thức về công nghệ, song bên trong chúng ta có thể nhận biết được sự xấu xa, sự độc ác của chúng ta, những dối gạt và gian manh của chúng ta, sự thiếu vắng hoàn toàn của tình yêu. Chỉ bằng cách tự giải thoát chúng ta một cách thông minh khỏi tinh thần của chủ nghĩa quốc gia, khỏi sự ganh tị đố kỵ và sự ham muốn quyền hành, một trật tự xã hội mới mẻ mới có thể được thiết lập.
Hòa bình sẽ không đến được bởi sự đổi mới chắp vá, cũng không bởi sự tái sắp xếp của những ý tưởng và những mê tín cũ kỹ. Có thể có hòa bình chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ điều gì ẩn sau những bề mặt, và thế là chặn đứng con sóng của hủy diệt này mà đã bị buông lỏng bởi sự hung hăng và những sợ hãi riêng của chúng ta; và chỉ lúc đó sẽ có hy vọng cho con cái của chúng ta và sự cứu rỗi cho thế giới.

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

CỐT TỦY CỦA GIÁO PHÁP KRISHNAMURTI




CỐT TỦY 
CỦA GIÁO PHÁP KRISHNAMURTI


Cốt tủy của giáo pháp Krishnamurti hàm chứa trong tuyên bố của ông năm 1929 khi ông nói: "CHÂN LÝ LÀ MẢNH ĐẤT KHÔNG CÓ ĐƯỜNG ĐẾN". Người ta không thể đến đó bằng tổ chức nào, thông qua niềm tin nào, thông qua giáo điều nào, tu sĩ hay lễ nghi, cũng chẳng thông qua tri kiến triết học hay kỹ thuật tâm lý nào cả. Con người phải tìm thấy nó nhờ tấm gương của mối liên hệ, nhờ sự thấu hiểu nội dung của chính tâm thức mình, nhờ quan sát nhưng lại không bằng phép phân tích của trí năng hay sự chia chẻ nội tâm. Con người đã xây dựng trong thâm tâm mình nhiều hình tượng để được cảm giác an toàn, những hình tượng có tính chất tôn giáo, chính trị hay cá nhân. Điều này biểu hiện ra ngoài thành biểu tượng, ý niệm, niềm tin. Gánh nặng của những thứ này chế ngự trong cách tư duy, trong các mối quan hệ cũng như trong đời sống hằng ngày của con người. Nhũng điều đó chính là nguyên nhân của các vấn nạn của chúng ta, tại vì chúng chia cắt người và người trong mọi mối liên hệ. Cách cảm nhận của con người về cuộc sống đã được hình thành bởi các chủ trương vốn định hình trong tâm não của con người. Nội dung của ý thức con người chính là ý thức đó. Nội dung này là chung cho tất cả loài người. Cá thể riêng lẻ chỉ là danh xưng, là hình dạng và là lớp văn hóa nông cạn mà con người thu được từ môi trường xung quanh. Tính chất vô song của mỗi cá thể không nằm trong cái nông cạn đó mà trong sự tự do hoàn toàn từ nội dung của ý thức.

Sự tự do không phải là một phản ứng; tự do không phải là sự chọn lựa. Con người làm như thể mình có tự do khi nó được chọn lựa. Tự do là sự quan sát thuần túy vắng bóng một ý định; tự do không phải nằm ở đầu cuối của sự tiến hóa mà là bước đầu tiên của sự hiện hữu của con người. Qua quan sát, người ta bắt đấu phát giác mình thiếu sự tự do. Trong cuộc sống hằng ngày, tự do được tìm thấy trong sự tỉnh giác vắng bóng cái lựa chọn đắn đo.

Tư tưởng chính là thời gian. Tư tưởng do kinh nghiệm, do tri thức sinh ra, những thứ đó không rời khỏi thời gian. Thời gian là kẻ thù nội tâm của con người. Mọi hành động của chúng ta đều dựa trên tri thức và do đó trên thời gian, thành thử con người luôn luôn là nô lệ của quá khứ.

Khi con người bắt đấu ý thức về sự vận động của chính ý thức mình, con người sẽ thấy sự cách ly giữa người tư duy và tư tưởng, người quan sát và vật bị quan sát, người chứng nghiệm và kinh nghiệm. Con người sẽ phát hiện sự cách ly đó là vọng tưởng. Lúc đó thì sẽ có sự quan sát thuần túy, đó sẽ là một cái nhìn không vướng chút bóng tối nào của quá khứ. Tầm nhìn phi thời gian này sẽ sinh ra một sự thay đổi toàn triệt trong tâm.

Sự phủ định hoàn toàn là cốt tủy của sự khẳng định. Khi phủ định tất cả những điều mà không phải là lòng thương yêu - như dục lạc, vui thú - thì sẽ xuất hiện lòng thương yêu với lòng từ bi và trí thông minh của nó.

London, 21.10.1980


Trích từ sách ĐỐI DIỆN CUỘC ĐỜI - JIDDU KRISHNAMURTI NGUYỄN TƯỜNG BÁCH biên dịch

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

NHẬT KÝ CUỐI CÙNG (31.3.1983)




NHẬT KÝ CUỐI CÙNG
DERNIER JOURNAL
J.KRISHNAMURTI
Thích nữ Tuệ Dung chuyển ngữ
Thích nữ Trí Hải hiệu đính

* * * * * *






Nhật ký cuối cùng là tác phẩm đặc biệt vì được ghi lại từ máy ghi âm do Ngài đọc lúc ở một mình.

Xin được trích từ trang 95 đến 104

Thứ năm, 31 tháng 3 năm 1983


Mưa đã rơi suốt ngày, mây ở thung lũng thật thấp, che khuất các ngọn đồi và dãy núi. Sáng hôm nay trời ủ rũ, nhưng những chiếc lá, những nụ hoa vừa nở và những sinh vật nhỏ bé lại thật sung sức. Mùa xuân đã đến nhưng không khí vẫn còn mhuốm đầy mây và bóng mát. Trời đã mưa hầu như mỗi ngày từ một tháng rưỡi nay; những trận bão và những cơn giông đã phá hủy nhiều ngôi nhà và làm lở đất trên sườn đồi. Khắp dãy đồi đều bị tổn thương rất nặng, có lẽ vùng này luôn phải lãnh chịu số phận oái ăm. Mỗi một mùa đông đều gieo rắc một tai họa khác nhau. Khi thì khô quá mức, khi thì mưa xối xả phá hoại đủ thứ, khi thì dâng những cơn sóng quái ác lên thật cao làm ngập lụt đường sá, như thể không muốn cho mặt đất được tận hưởng vẻ duyên dáng của mùa xuân.

Toàn thể quốc gia là hội trường cho những phát biểu về chiến tranh hạt nhân, người ủng hộ kẻ chống đối. Những chính trị gia bàn chuyện bảo vệ, nhưng có sự bảo vệ nào đâu, hay chỉ là chiến tranh, là sự tiêu diệt hàng triệu con người. Đấy là một tình huống khó khăn, một vấn đề lớn lao mà con người phải đương đầu. Phe này đòi phát triển và bành trướng theo cách của họ, trong khi phe khác lại công kích bằng cách mua bán vũ khí, đặt để những lý thuyết áp bức và xâm chiếm đất đai.

Bây giờ con người tự đặt một câu hỏi mà đáng lẽ họ phải đề ra từ bao nhiêu năm về trước. Suốt cuộc đời, con người luôn chuẩn bị chiến tranh. Sự chuẩn bị cho cuộc chiến này bất hạnh thay lại là khuynh hướng tự nhiên của con người. Sau khi trải qua bao nhiêu thăng trầm, con người tự hỏi bây giờ ta phải làm gì. Trách nhiệm của ta trước vấn đề mà ta luôn phải đương đầu là gì? Đây mới chính là câu hỏi thật sự dành cho nhân loại, chứ không phải suy tính chế tạo những vũ khí tối tân. Bao giờ cũng thế, cứ sau cơn khủng hoảng ta mới tự hỏi phải làm gì. Trước tình trạng như hiện nay, những chính trị gia và quần chúng sẽ quyết định nhân danh niềm tự hào quốc gia hay chủng tộc, nhân danh quê cha đất tổ cùng những khái niệm tương tự.

Câu hỏi được đặt ra quá trễ. Cho dù các phương cách có được tức tốc đưa ra đi nữa, thì vấn đề thật sự của chúng ta là: có thể nào chấm dứt tất cả hiềm khích, chứ không chỉ chấm dứt cuộc chiến này hay tranh chấp nọ, cho dù đấy là chiến tranh hạt nhân hay cổ điển? Ta cũng cần có ý thức để tìm ra nguyên nhân của chiến tranh. Khi chưa tìm ra nguyên nhân để giải quyết, thì chúng ta vẫn còn bị kẹt vào thói cũ là tiếp tục đường lối chiến tranh cổ điển hay hạt nhân, và con người sẽ tiêu diệt lẫn nhau.

Chúng ta hãy họp nhau lại để đặt vấn đề nguyên nhân sâu xa căn bản của mọi cuộc chiến tranh. Ta phải tìm cho ra những nguyên nhân căn đế chứ không phải những nguyên nhân bịa đặt, sặc mùi lãng mạn, yêu tổ quốc hay gì gì đó. Ta phải hiểu lý do vì sao con người sắp đặt các cuộc tàn sát hợp pháp. Khi ta còn chưa tìm ra câu trả lời thì chiến tranh cứ còn tiếp diễn. Nhưng ta đã không coi trọng vấn đề này, ta không để hết tâm trí vào việc tìm kiếm nguyên nhân. Ngoài cái đang xảy ra bây giờ, cái tranh chấp hiện tiền, nỗi khủng hoảng đương thời, ta không thể nào cùng nhau tìm ra những nguyên nhân thật sự của mọi chiến tranh, đưa chúng ta ánh sáng để giải trừ chúng hay sao? Muốn làm thế ta cần phải tha thiết tìm cho ra sự thật.

Câu hỏi quan trọng là, đâu là nguyên nhân của sự chia rẽ - người Nga, người Mỹ, người Anh, người Pháp, người Đức, v.v. Tại sao phải chia rẽ người với người, giòng giống với giống nòi, văn hóa với văn hóa, lý thuyết với lý thuyết? Tại sao? Tại sao lại có sự chia rẽ? Người ta đã chia đất đai phân biệt xứ sở của anh, xứ sở của tôi, vì sao vậy? Phải chăng vì một thứ mà ta nghĩ là sẽ bảo vệ mình, đem lại an ổn cho mình, tức sự bám víu vào một nhóm riêng biệt, vào một niềm tin, một tín ngưỡng? Nhưng các tôn giáo cũng đã chia rẽ chúng ta, cũng đã khiến con người chống lại nhau, nào là những người Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Do-thái, v.v. Chủ nghĩa quốc gia và lòng yêu nước chỉ là một hình thức biểu dương và tự tôn của hệ thống bộ lạc. Cộng đồng các ngôn ngữ, các khuynh hướng, các hệ thống chính trị và tôn giáo đều hiển lộ tính sở hữu trong tất cả các bộ tộc dù lớn dù nhỏ. Ấy thế mà người ta lại cảm thấy được an ổn, được bảo vệ, được hạnh phúc, được vỗ về. Và để có được niềm an ổn, chỗ nương tựa ấy, con người sẵn sàng giết người khác - những con người cũng như chính họ, đang thèm được bình an, được bảo vệ, được thuộc về một cái gì. Nỗi ao ước mãnh liệt phân chia con người thành đoàn nhóm cùng một màu cờ, cùng một nghi thức tôn giáo v.v... đã gây cho chúng ta cái cảm giác muốn có gốc có nguồn để khỏi trở thành những kẻ không nhà lang thang. Ai cũng muốn tìm kiếm cội nguồn của mình cả.

Chúng ta cũng đã chia thế giới thành những khu vực kinh tế với tất cả những rắc rối của chúng. Công nghiệp nặng có lẽ là một trong những nguyên nhân chính của chiến tranh. Khi công nghiệp và kinh tế liên hệ chặt chẽ đến chính trị, thì chúng chỉ còn có thể duy trì một sinh hoạt riêng biệt hầu bảo tồn sức mạnh của chúng. Hầu hết các quốc gia mạnh hay yếu đều phải làm như thế. Những tiểu quốc được các cường quốc trang bị vũ khí. Việc này được làm âm thầm cho một số quốc gia này và công khai cho một số quốc gia khác. Tất cả những sự khốn cùng, thống khổ và lãng phí khủng khiếp và vũ khí phải chăng bắt nguồn từ niềm kiêu hãnh, nỗi tham vọng thắng lướt các quốc gia khác?

Đây là phần đất của chúng tôi chứ không phải của các anh, của tôi chứ không phải của nó. Chúng tôi có mặt ở đây để sống và giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải để hại nhau. Đây không phải là một tư tưởng lãng mạn, mà là một thực tế. Thế nhưng con người đã phân chia đất đai với hy vọng tự mình tìm thấy bình an hạnh phúc, một niềm vui lâu dài. Bao lâu chưa có sự thay đổi căn bản xóa bỏ các quốc gia, các lý thuyết và các chia rẻ tôn giáo để lập nên mối liên hệ khắp toàn cầu - trước nhất về nội tâm và tâm lý, rồi đến hình thức bên ngoài - thì chúng ta cứ còn tạo ra chiến tranh. Nếu bạn làm người khác đau, nếu bạn giết họ vì sân si hay do sắp đặt gọi là chiến tranh, thì tức là bạn - người đại diện cho nhân loại chứ không phải một cá nhân riêng biệt - đã gây chiến với những người còn lại, và thế là bạn tự hủy hoại mình.

Đây là vấn đề chính, vấn đề nòng cốt mà ta cần hiểu và giải quyết. Bao lâu chúng ta còn chưa dấn mình vào việc xóa bỏ sự phân chia quốc gia, kinh tế và tôn giáo thì ta còn kéo dài cuộc chiến và còn phải chịu trách nhiệm về tất cả các hình thức chiến tranh dù hạt nhân hay cổ điển.

Đây là một câu hỏi thật quan trọng và khẩn cấp: con người, tức là bạn, có thể nào tự mình dẫn dắt sự thay đổi ấy, chứ không phải nói là: "Nếu tôi thay đổi thì có gì xảy ra không? Có tí hiệu quả nào không, hay chỉ như một giọt nước rơi vào biển cả? Thay đổi để làm gì?" Đây là một câu hỏi sai lầm, nếu ta được phép nói vậy. Câu hỏi sai vì bạn là người của nhân loại. Bạn là thế gian, không tách khỏi thế gian. Bạn không phải là người Mỹ, người Nga, người Ấn hay người Hồi. Bạn không lệ thuộc và những nhãn hiệu và ngôn từ ấy, bạn là người của nhân loại vì ý thức và hành động của bạn giống như ý thức và hành động của tất cả mọi người. Có thể bạn nói một ngôn ngữ khác, sống theo một phong tục khác, đấy là nền văn hóa cạn cợt - hình như tất cả các nền văn hóa đều vậy - nhưng ý thức, hành động, đức tin, niềm tin, lý thuyết, mối sợ hãi và cơn khắc khoải, nỗi cô đơn, nỗi buồn và niềm vui của bạn đều giống như của nhân loại. Sự thay đổi của bạn sẽ kích động toàn thể nhân loại.

Trong sự tìm kiến nguyên nhân chiến tranh, ta cần xem xét sự kiện này. Chiến tranh chỉ có thể được hiểu rõ và được trừ khử một khi chính bạn và tất cả những ai lo lắng về sự sống còn của con người, đều cảm thấy mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự tàn sát kẻ khác. Cái gì làm bạn thay đổi và ý thức được tình trạng kinh khủng mà ta đã gây ra hiện nay? Cái gì làm bạn gạt qua mọi phân chia tôn giáo, quốc gia hay đạo đức? Cần thêm đau khổ chăng? Nhưng đau khổ đã tiếp diễn từ bao nhiêu ngàn năm mà con người có thay đổi chút nào đâu; họ vẫn cứ lệ thuộc vào một truyền thống ấy, với kiểu sống bộ lạc, phân chia tôn giáo thành "Thượng đế của tôi" và "Thượng đế của anh".

Các Thượng đế và những người nhân danh Thượng đế đều là những sáng kiến của tư tưởng; họ không có thật trong đời sống hàng ngày. Phần lớn các tôn giáo đều tuyên bố là tội lỗi lớn nhất là giết hại con người. Người Ấn giáo và Phật giáo đã nói điều này trước người Thiên chúa giáo rất lâu. Ấy thế mà dù có tin Chúa hay tin vào một đấng cứu rỗi nào, con người vẫn cứ tiếp tục sát sanh. Bạn có thay đổi nếu được thưởng lên thiên đang hay bị đọa xuống địa ngục không? Điều này cũng đã được ban tặng cho con người. Và cũng đã thất bại. Không có một quyền lực bên ngoài nào, như các bộ luật hay các hệ thống chẳng hạn, ngăn trở được con người tàn sát lẫn nhau. Các cuộc chiến cũng sẽ không dược trừ khử bởi những tín ngưỡng tri thức hay lãng mạn. Chúng chỉ chấm dứt khi chính bạn cũng như toàn thể nhân loại nhận ra rằng tất cả các hình thức chia rẽ đều làm nhân cho hiềm khích. Điều này sẽ lan rộng hay bị thu hẹp lại, nhưng mối bất hòa và nỗi đau đớn chắc chắn sẽ có mặt. Do đó bạn phải chịu trách nhiệm không những với những đứa con của bạn mà của tất cả nhân loại nữa. Khi mà bạn còn chưa hiểu điều này thật rõ ràng chứ không phải qua ngôn từ, bằng ý tưởng hay bằng nhận thức đơn giản, khi mà bạn không thấm thía điều này vào tận xương tủy, vào lối nhìn về cuộc đời, vào những hành động của mình, thì bạn vẫn cứ duy trì cuộc tàn sát có tổ chức gọi là chiến tranh. Trước mối nguy cấp này, sự nhận thức quan trọng hơn là câu trả lời.

Thế giới này bệnh hoạn quá và không có một quyền năng nào ở ngoài để giúp đỡ. Chỉ có bạn mà thôi. Chúng ta đã có những nhà lãnh đạo, những chuyên gia, đủ loại viên chức bên ngoài, có cả Chúa nữa: nhưng không có một hiệu quả nào cả; những vị này không ảnh hưởng tí nào đến trạng thái tâm lý của chúng ta. Họ không thể hướng dẫn ta. Không một nhà chức trách hay một bậc thầy nào có thể làm bạn tăng sức mạnh nội tâm, hay ban cho bạn một tâm lý chững chạc hoàn toàn. Khi bạn còn chìm đắm trong mớ rối ren thì nhà của bạn không được gìn giữ đàng hoàng, bạn phải tạo nên một nhà tiên tri từ bên ngoài, nhưng nhà tiên tri này lại luôn làm bạn lạc hướng. Nhà của bạn bừa bãi quá và không có ai trên trái đất hay trên trời có thể sắp xếp nó lại cho ngăn nắp. Khi mà bạn còn chưa hiểu bản chất của rắc rối, bản chất của hiềm khích và chia rẽ, thì chính bản thân bạn luôn bị lộn xộn, nghĩa là luôn ở trong chiến tranh.

Điều cần biết không phải là xem quốc gia nào mạnh nhất về vũ khí, mà là thấy rằng con người chống lại con người. Con người ấy đã dựng lên những lý thuyết chống trái nhau. Bao lâu những tư tưởng, lý thuyết ấy còn tồn tại và con người chưa gánh lấy trách nhiệm về người khác, thì không có hòa bình thật sự trên đời.



Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Chiêm nghiệm cuộc đời - 1. Chức năng của nền giáo dục




CHIÊM NGHIỆM CUỘC ĐỜI
THINK ON THESE THINGS
J. Krishnamurti
Biên dịch: Lê Tuyên – Hiệu đính: Lê Gia
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
1. CHỨC NĂNG
CỦA NỀN GIÁO DỤC
---------------------------------

Tôi không biết đã bao giờ chúng ta tự hỏi mình xem giáo dục là gì chưa. Tại sao chúng ta lại đến trường, tại sao chúng ta lại học nhiều môn học khác nhau, tại sao chúng ta phải vượt qua các kỳ thi và cạnh tranh với nhau nhằm giành thứ hạng tốt nhất? Cái được gọi là nền giáo dục này là gì? Đây thật sự là một vấn đề quan trọng, không những đối với học sinh mà còn đối với các bậc phụ huynh, giáo viên và với tất cả những ai yêu trái đất này. Tại sao chúng ta phải được giáo dục để chỉ vượt qua các kỳ thi và tìm được một công việc làm? Hay chức năng của nền giáo dục là giúp chúng ta thấu hiểu được toàn bộ cuộc sống? Việc có được một công việc làm và kiếm sống là điều cần thiết – nhưng đó có phải là tất cả không? Bạn được giáo dục chỉ để được như thế thôi sao? Rõ ràng, cuộc sống không chỉ là những công việc, một nghề nghiệp; cuộc sống là một cái gì đó vô cùng rộng lớn và sâu sắc hơn, nó là một bí ẩn không giới hạn, nó là một thế giới bao la, mà chúng ta tồn tại trong vai trò là con người. Nếu chúng ta chỉ tự trang bị nhằm tìm cách kiếm sống thì chúng ta sẽ bỏ nhỡ cuộc sống này; việc thấu hiểu cuộc sống này là điều quan trọng hơn nhiều so với việc trang bị cho các kỳ thi và trở nên tinh thông về toán học, vật lý học hoặc những gì bạn muốn.
Thế nên, dù chúng ta là giáo viên hay học sinh, điều quan trọng là chúng ta cần phải tự hỏi mình xem tại sao chúng ta lại làm công việc giáo dục hoặc được giáo dục, không phải sao? Chim chóc, hoa cỏ, cây cối, bầu trời, trăng sao, sông suối, vân vân – tất cả những thứ này là cuộc sống. Cuộc sống là người giàu và kẻ nghèo; cuộc sống là cuộc đấu tranh liên tục giũa các nhóm người, chủng loài và quốc gia; cuộc sống là sự chiêm nghiệm thiền định; cuộc sống là những gì mà chúng ta gọi là tín ngưỡng, cuộc sống cũng là những gì tiềm ẩn trong tâm hồn – ganh tị, tham vọng, đam mê, đố kỵ, lo sợ, thỏa mãn, ưu phiền. Tất cả những thứ này và còn nhiều nhiều nữa chính là cuộc sống. Nhưng chúng ta thường chỉ tự trang bị nhằm tìm hiểu một góc nhỏ của cuộc sống này. Chúng ta vượt qua các kỳ thi, tìm thấy một công việc, kết hôn, sinh con cái và ngày càng thêm máy móc. Chúng ta không ngừng lo sợ về cuộc sống này. Vậy thì, chức năng của giáo dục là giúp ta thấu hiểu được toàn bộ cuộc sống, hay chức năng của giáo dục là chỉ giúp chúng ta có được một công việc làm?
Điều gì đã xảy ra cho tất cả chúng ta khi chúng ta trở thành các chàng trai, cô gái trưởng thành? Bạn đã bao giờ tự hỏi mình rằng bạn sẽ làm gì khi bạn trưởng thành chưa? Rõ ràng là bạn sẽ kết hôn, trước khi bạn biết được rằng mình đang ở đâu thì bạn đã trở thành các bà mẹ và các ông bố; và rồi bạn sẽ bị trói chặt vào công việc, hoặc nhà bếp, rồi bạn sẽ dần dần tiều tụy. Đó là tất cả những gì sẽ diễn ra trong đời bạn ư? Bạn đã bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi này chưa? Bạn không cần phải đặt ra cho mình câu hỏi này sao? Nếu gia đình bạn giàu có thì bạn có thể có được một địa vị khá tốt, cha bạn có thể cho bạn một công việc tốt, hoặc bạn có thể cưới được một người vợ hay một người chồng giàu có; nhưng rồi đời bạn cũng sẽ suy tàn, phân rã. Bạn nhận thấy rõ điều này chưa?
Chắc chắn là, nền giáo dục sẽ trở thành vô nghĩa trừ khi nó giúp bạn thấu hiểu được cuộc sống bao la này cùng với mọi điều bí ẩn phía sau nó, cùng với vẻ đẹp tuyệt vời của nó, cùng với những vui buồn của nó. Bạn có thể có nhiều bắng cấp, bạn có thể có một công việc tốt, nhưng rồi sao nữa? Những thứ đó sẽ có ý nghĩa gì khi tâm hồn bạn luôn mờ đục, mệt mỏi, chán chường? Vậy thì, trong khi bạn còn trẻ, bạn không cần phải tìm hiểu xem cuộc sống là gì sao? Chức năng của nền giáo dục không phải là giúp bạn có được trí thông minh tìm hiểu tất cả những rắc rối này sao? Bạn có biết trí thông minh là gì không? Rõ ràng nó là khả năng suy nghĩ một cách sáng suốt, không hề bị gò ép bởi bất kỳ một lo sợ hay một thể thức nào, nhờ đó bạn có thể tự khám phá được mọi sự thật; nhưng nếu bạn lo sợ thì bạn chẳng bao giờ thông minh sáng suốt. Bất kỳ hình thức nào của tham vọng, dù thiêng liêng hay trần tục, đều dung dưỡng những lo sợ, thế nên tham vọng không giúp chúng ta tạo ra được một tâm hồn trong sáng, mộc mạc, thanh khiết, trinh nguyên, sáng suốt.
Bạn biết đấy, điều quan trọng trong khi bạn còn trẻ là bạn cần được sống trong môi trường mà ở đó không tồn tại bất kỳ sự lo sợ nào; chúng ta sợ sự sống, chúng ta sợ mất việc, chúng ta sợ truyền thống, chúng ta sợ dư luận, chúng ta sợ những gì chồng hoặc vợ mình có thể nói, chúng ta sợ chết. Hầu hết chúng ta đều có những lo sợ ở một hình thức nào đó; nơi nào có lo sợ thì nơi đó không có sự sáng suốt. Cuộc sống thật sự luôn tươi đẹp, nó không phải là thứ xấu xa mà chúng ta đã tạo ra. Bạn chỉ có thể thưởng thức vẻ đẹp của nó, sự sâu sắc của nó, vẻ yêu kiều của nó khi bạn cự tuyệt mọi thứ - tín ngưỡng, truyền thống, xã hội mục nát hiện nay – nhờ đó mà bạn có thể tự khám phá được đau là sự thật. Không phải để bắt chước noi theo mà là để khám phá – đó chính là chức năng của nền giáo dục, không đúng sao? Việc rập khuôn theo những gì xã hội hoặc cha mẹ hoặc thầy cô hướng dẫn là việc dễ dàng. Đó dường như là một lối sống an toàn; nhưng đó không phải là cuộc sống vì trong lối sống luôn tồn tại những lo sợ, khủng hoảng, chết chóc. Sống nghĩa là tự khám phá được đâu là sự thật, bạn chỉ có thể làm được điều này khi bạn có được sự tự do, khi trong lòng bạn tồn tại cuộc cách mạng không ngừng.
Nhưng không ai khuyến khích bạn làm điều này; không ai bảo bạn phải đặt câu hỏi, hãy thử tìm hiểu Thượng đế là gì, vì nếu bạn đứng lên tự tìm hiểu như thế thì bạn sẽ trở thành mối nguy hại cho tất cả những gì đang sai lạc đang tồn tại. Cha mẹ bạn và xã hội muốn bạn sống một cách an toàn, bạn cũng muốn sống một cách an toàn. Sự sống một cách an toàn thường có nghĩa là sống trong sự bắt chước, sự rập khuôn, sự theo đuôi một ai đó, thế nên trong sự sống đó luôn tồn tại những lo sợ. Chắc chắn chức năng của nền giáo dục là nhằm giúp mỗi người trong chúng ta có thể sống tự do và không lo sợ, không phải sao? Để có thể tạo ra một môi trường mà ở đó không tồn tại bất kỳ lo sợ nào thì chính bạn và các nhà sư phạm cần phải suy nghĩ thật nhiều về vấn đề này.
Bạn có biết điều này có ý nghĩa gì không – một môi trường không tồn tại lo sợ có ý nghĩa gì? Chúng ta phải tạo ra một môi trường như thế vì chúng ta nhận thấy rằng thế giới này không ngừng bị mắc kẹt bởi những cuộc chiến tranh bất tận; được dẫn dắt bởi các chính trị gia không ngừng tìm kiếm quyền lực; đây là một thế giới của luật sư, cảnh sát và quân đội, của những người tham vọng không ngừng tìm kiếm địa vị và tất cả họ đang đấu đá lẫn nhau để có được thứ này. Có những người được gọi là thánh nhân, được gọi là mộ đạo, họ cũng muốn địa vị, quyền lực, trong kiếp này hoặc trong kiếp sau. Đây là một thế giới điên loạn, hoàn toàn nhiễu loạn, người ta không ngừng cạnh tranh đấu đá lẫn nhau để tìm đến được nơi an toàn, quyền lực và địa vị. Thế giới này bị xé nát bởi những đức tin mâu thuẩn nhau, bởi đẳng cấp, giai cấp, tầng lớp, quốc gia, mọi hình thức xuẩn ngốc khác nhau… Đây là thế giới mà bạn đang được giáo dục để hòa nhập vào trong nó. Bạn được khuyến khích hãy hòa nhập theo một khuôn khổ nào đó của xã hội thảm khốc này; cha mẹ bạn muốn bạn làm điều đó, bạn muốn hòa nhập cùng nó.
Vậy thì, chức năng của nền giáo dục chỉ nhằm giúp bạn hòa nhập theo một khuôn mẫu nào đó của xã hội nhiễu loạn này, hay là nhằm giúp bạn có được sự tự do – hoàn toàn tự do để phát triển và tạo ra một xã hội khác, một thế giới khác? Chúng ta muốn có sự tự do không phải trong tương lai mà ngay lúc này, nếu không thế thì tất cả chúng ta có thể bị diệt vong. Chúng ta phải lập tức tạo ra một môi trường tự do nhờ đó bạn có thể sống và tự khám phá cho chính mình xem đâu là sự thật, nhờ đó bạn trở nên sáng suốt, nhờ đó bạn có thể đối mặt với thế giới này và thấu hiểu được nó, không chỉ thích nghi với nó, nhờ đó mà trong tâm lý bạn luôn cự tuyệt mọi thứ, vì chỉ có ai luôn cự tuyệt những gì xưa cũ mới có thể khám phá đâu là sự thật – chứ không phải là những người chỉ biết rập khuôn, máy móc, theo đuổi. Chỉ khi bạn không ngừng tìm hiểu, quan sát học tập, thì bạn mới có thể tìm được sự thật, chân lý, Thượng đế, hoặc tình yêu. Bạn không thể tìm hiểu, quan sát, học tập, ý thức sâu sắc, nếu bạn luôn sợ hãi. Thế nên, chức năng của nền giáo dục, rõ ràng thế, là đẩy lùi những lo sợ đã và đang hủy diệt nhân loại và tình yêu trong nhân loại.
          * Người chất vấn: Nếu mọi cá nhân đều cự tuyệt, phản kháng, nổi loạn, ngài không nghĩ rằng thế giới này sẽ rối loạn sao?
KRISHNAMURTI: Trước tiên bạn cần lắng nghe câu hỏi này, vì điều quan trọng là phải hiểu được vấn đề chú không phải là chờ đợi câu trả lời. Câu hỏi ở đây là: nếu mọi cá nhân đều cự tuyệt, phản kháng, nổi loạn, ngài không nghĩ rằng thế giới này sẽ rối loạn sao? Nhưng liệu xã hội hiện nay có trật tự không để chúng ta có thể nói rằng khi mọi người cự tuyệt thì nó sẽ rối loạn? Giờ đây xã hội chúng ta không rối loạn sao? Hiện nay mọi việc đều tốt đẹp, đều trật tự, đều quy củ sao? Mọi người đều đang sống hạnh phúc và thịnh vượng sao? Không có sự đấu đá giữa người với người sao? Mọi người không tham vọng, không đua tranh, không đàn áp nhau sao? Thế giới này đã rối loạn, đó là điều đầu tiên chúng ta cần biết đến. Xin đừng nói rằng thế giới của chúng ta đang trật tự nhé; đừng tự mê hoặc mình bằng từ ngữ. Dù ở đây hay ở bất cứ  nơi đâu, thế giới đang ngày càng thoái hóa. Nếu bạn nhận thấy sự thoái hóa này thì bạn đang gặp phải thử thách: bạn phải tìm cách giải quyết vấn đề cấp bách này. Cách phản ứng của bạn trước thử thách là điều quan trọng, không phải sao? Nếu bạn phản ứng trong vai trò là một người Phật giáo, Cơ đốc giáo, người Cộng sản, người Tư bản thì phản ứng của bạn rất hạn hẹp – hoàn toàn chẳng ý nghĩa gì. Bạn chỉ có thể phản ứng một cách thích đáng khi không có bất kỳ lo sợ nào trong bạn, khi bạn không nghĩ rằng mình là một người Phật giáo, Cơ đốc giáo, hay một người Cộng sản. Bạn là người thật sự đang cố gắng giải quyết vấn đề này; bạn không thể giải quyết được nó trừ khi chính bạn phản kháng chống lại toàn bộ lòng tham của nhân loại. Khi bạn không còn tham vọng, không còn mưu cầu, không còn bám víu lấy sự an toàn của chính mình – chỉ khi đó bạn mới có thể phản ứng với thử thách một cách thích đáng và tạo ra một thế giới mới.               
          * Người chất vấn:  Phản kháng, học tập, yêu thương – chúng diễn ra lần lượt hay chúng diễn ra cùng một lúc.
KRISHNAMURTI: Dĩ nhiên chúng không phải là ba quá trình tách biệt; đó là một quá trình đơn nhất. Bạn biết đấy, điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của câu hỏi. Câu hỏi này được đặt trên nền tảng là lý thuyết, chứ không phải là trải nghiệm; nó chỉ là một lời nói, một lý luận nên nó chẳng có giá trị gì. Một người không sợ hãi là một người thật sự phản kháng, đấu tranh nhằm khám phá xem, tìm hiểu xem học tập là gì, yêu thương là gì – một người như thế không đặt câu hỏi rằng đây là một chuỗi liên tục hay diễn ra đồng thời. Chúng ta rất tinh thông về từ ngữ, chúng ta nghĩ rằng qua việc đưa ra một số lời giải thích nào đó thì chúng ta có thể giải quyết được vấn đề.
Bạn có biết học tập nghĩa là gì không? Khi bạn thực sự học tập, bạn sẽ tự tìm hiểu về toàn bộ đời sống của mình mà không học tập từ ai cả. Khi đó tất cả mọi việc sẽ dạy bạn – chiếc lá khô trên cành, chú chim bay lượn trên bầu trời, giọt nước mắt, người giàu và kẻ nghèo, nụ cười, tiếng khóc, vân vân. Bạn học tập từ mọi thứ nên không có ai là người dẫn dắt bạn, không một triết gia nào, không một giáo điều nào. Cuộc sống tự nó đã là một người thầy của bạn, khi đó bạn ở trong trạng thái không ngừng học tập.
          * Người chất vấn: Có đúng là xã hội này được đặt trên nền tảng là tham vọng: nếu chúng ta không có tham vọng thì chúng ta sẽ không có suy vong sao?  
KRISHNAMURTI: Đây là một câu hỏi quan trọng, chúng ta cần phải lưu tâm nhiều.
Bạn có biết sự lưu tâm là gì không? Chúng ta hãy khám phá xem. Trong phòng học, khi bạn nhìn ra ngoài cửa sổ hay khi bạn kéo tóc một ai đó, giáo viên bảo bạn hãy lưu tâm. Điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là bạn không mấy hứng thú với những điều bạn đang học nên giáo viên buộc bạn phải lưu tâm – đây hoàn toàn không phải là sự lưu tâm. Sự lưu tâm xuất hiện khi bạn quan tâm sâu sắc đến một thứ gì đó, khi bạn muốn khám phá mọi ngóc ngách về nó; khi đó toàn bộ tâm trí bạ, toàn bộ linh hồn bạn đều được đặt vào đó. Tương tư, khi bạn nhận thấy rằng câu hỏi này – nếu chúng ta không có tham vọng, chúng ta sẽ không bị suy vong sao? – thực sự quan trọng, thì bạn sẽ quan tâm, bạn sẽ hứng thú, bạn sẽ muốn khám phá sự thật về vấn đề này.
Vậy thì, một con người có tham vọng không tự hủy hoại chính mình sao? Đây là điều chúng ta cần tìm hiểu trước tiên, chứ không phải là việc “tham vọng là đúng hay sai”. Bạn hãy nhìn quanh mình, bạn hãy quan sát những người có tham vọng xem. Điều gì xảy ra khi bạn có tham vọng? Bạn nghĩ về chính mình, không phải sao? Bạn ác độc, bạn chẳng cần quan tâm đến ai vì bạn đang cố gắng thỏa mãn tham vọng của mình, cố gắng trở thành một người có uy lực, bạn tạo ra một xã hội đầy ắp xung đột giữa người thành công và thất bại. Có một cuộc chiến không ngừng giữa bạn và những người cũng đang theo đuổi những gì bạn muốn; sự xung đột này sẽ tạo ra một đời sống sáng tạo sao? Bạn hiểu chứ, hay việc này quá khó khiến bạn không hiểu được?
Khi bạn thích làm một việc gì đó vì chính nó thì bạn có tham vọng không? Khi bạn làm một việc bằng chính cả con tim mình, không phải vì bạn muốn đến được một nơi nào đó, không phải vì bạn muốn thu được một lợi ích nào đó, đơn giản là vì bạn thích nó – khi đó tham vọng có xuất hiện không? Khi đó không có sự cạnh tranh, không một ganh đua nào xuất hiện cả. Nền giáo dục cần phải giúp bạn khám phá xem bạn thật sự thích làm gì, nhờ đó mà từ đầu đến cuối cuộc đời bạn luôn thực hiện những gì bạn cảm thấy là đáng giá và những gì bạn nhận thấy là có ý nghĩa với mình, không phải sao? Nếu không, tất cả những gì còn lại của bạn sẽ chìm trong khổ sở. Khi bạn không biết mình thực sự thích làm gì thì tâm hồn bạn sẽ rơi vào sự đơn điệu, tẻ nhạt, buồn chán, suy vong. Nên ngay khi còn trẻ bạn cần phải khám phá xem bạn thực sự thích làm gì; đây là lối đi duy nhất để tạo ra một xã hội mới.
          * Người chất vấn: Tại Ấn Độ cũng như tại hầu hết các quốc gia khác, giáo dục được chính phủ kiểm soát. Trong những hoàn cảnh như thế chúng ta có thể tiến hành một thử nghiệm như ngài vừa mô ta hay không?
KRISHNAMURTI: Nếu không có sự trợ giúp của chính phủ thì loại trường học thế này có tồn tại không? Đó là những gì bạn muốn hỏi. Bạn nhận thấy rằng mọi việc trên toàn thế giới càng ngày càng được chính phủ kiểm soát nhiều hơn, được kiểm soát bởi chính trị gia, bởi những người nắm quyền lực muốn định hình tâm hồn và con tim chúng ta, họ muốn chúng ta phải suy nghĩ theo một phương cách nhất định nào đó.
Vậy thì bạn nghĩ sao? Bạn biết đấy, nếu bạn nghĩ rằng điều gì đó là quan trọng, thực sự đáng giá, thì bạn sẽ dành cả con tim mình cho việc đó bất chấp chính phủ và các chỉ dụ của xã hội và rồi bạn sẽ thành công. Nhưng hầu hết chúng ta đều không dành cả con tim mình cho bất kỳ thứ gì, đó là lý do tại sao chúng ta lại đặt ra câu hỏi này. Nếu bạn và tôi thật sự cảm thấy rằng chúng ta cần tạo ra một thế giới mới thì chúng ta sẽ dành cả con tim, tâm hồn và thể xác mình cho việc tạo ra một lọai trường học mà ở đó không tồn tại bất kỳ nỗi lo sợ nào.
Thưa quý vị, bất kỳ cuộc cách mạng chân chính nào cũng được tạo bởi một số ít người nhận thấy được đâu là sự thật và sẵn lòng sống theo đúng sự thật đó; nhưng để khám phá được sự thật là gì thì chúng ta cần phải có sự tự do thoát ra khỏi truyền thống xưa cũ, có nghĩa là sự tự do thoát ra khỏi mọi lo sợ.
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *