J.
KRISHNAMURTI
|
TỰ
DO
đầu
tiên
và
cuối cùng
|
THE FIRST AND LAST FREEDOM
|
|
Bản
dịch Phạm Công Thiện
|
LỜI GIỚI
THIỆU
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ
nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi
mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng
nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản
thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn khôn cùng, đã sống một
triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của
đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười
triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.
Krishnamurti đã được nhân loại nhận là hậu thân của Phật
Thích Ca và Chúa Giê su; Krishnamurti đã được mấy trăm triệu người ở thế giới
tôn lên ngôi vị đấng Đạo Sư, bậc Giáo Chủ của nhân loại, thế mà Krishnamurti đã
giải tán hết mọi tôn giáo, tổ chức, đã phủ nhận tất cả tín điều, đã phá hủy hết
mọi triết lý và ý thức hệ, đã đập vỡ hết mọi thần tượng và, trên năm mươi năm
trời đã một mình bước đi lang thang khắp nẻo đường trần gian, không tiền, không
bạc, không hành lý, không gia đình, không quê hương, không truyền thống, chỉ một
mình và chỉ đi một mình, cô đơn, cô độc, sống tràn trề, sống bất tận, sống vỡ bờ
như một thác nước ào ạt, tuôn chảy mãnh liệt nhưng vẫn trầm lặng, nói rất nhiều
mà vẫn im lặng, đi rất nhiều mà vẫn tịch nhiên bất động, gắn kết đời sống mà vẫn
cưới hỏi sự chết, chết và sống giao nhau trên cung cầm thiên thu, sống và chết
giao nhau trong đôi mắt sâu thẳm của Krishnamurti, trong tiếng nói thê thiết của
Krishnamurti, một con người đã chết trong sự sống và đã sống trong sự chết, một
con người đã không còn là con người nữa, vì đã vượt lên trên con người, đã chìm
xuống tận hố thẳm của hư vô và bay đến tận núi cao đỉnh trời để trở về cuộc đời
trần thế, tìm thấy Người Yêu mình trên những núi xanh lơ, tìm thấy Người Yêu
mình trong dòng nước rực ngời của đại dương, tìm thấy Người Yêu mình trong con
suối sủi bọt, tìm thấy Người Yêu mình trong ao nước in trời, tìm thấy Người Yêu
mình trong thung lũng mây cao, tìm thấy Người Yêu mình trong cơn khói trời chiều,
trong thôn xóm hoàng hôn, trong ngọn cây trắc bá, trong cổ thụ lâu đời, trong bụi
cây ôm đất, trong cành lá cheo leo, trong cánh đồng nuôi chim, trong hải ngạn
sóng vỗ, trong rặng dương đùa gió, trong bóng chiều mây phủ, trên dòng nước buổi
chiều, dưới bóng sao, trong đêm thâu, trong ánh trăng, trong sự tĩnh mịch trước
bình minh, trong tiếng ru cây lá, trong tiếng chim kêu buổi sáng…
Chúng ta hãy cùng ca với Krishnamurti bài ca tình yêu :
….Trong
những hải đảo xa xôi xanh thẫm
Trên giọt
sương mong manh
Trên con
sóng vỡ bụi
Trên ánh
nước lung linh
Trên cánh
chim tung trời
Trên lá
non đầu xuân
Người sẽ
nhìn thấy nét mặt Người Yêu của ta
Trong đền
điện linh thiêng
Trong vũ
trường mê đắm
Trên nét
mặt thánh thiện của tu sĩ
Trong bước
đi lảo đảo của người say rượu
Nơi những
gái điếm giang hồ và những trai tân trinh nữ
Ngươi sẽ
gặp Người Yêu của ta.
….Tôi đã giữ lại
một tên người, một tên nổi hẳn lên, đối nghịch lại với tất cả những gì ám muội,
khả nghi, hỗn tạp; đối nghịch lại những gì nặng nề sách vở từ chương, đối
nghịch lại những gì trói buộc thúc phược; đó là tên Krishnamurti. Đây là một
con người của thời đại chúng ta, một người mà chúng ta có thể nói là bậc thầy,
đạo sư, người làm chủ thực tại. Ông đứng một mình một cõi. Không thể nào thấy
được bất cứ người nào trên đời này đã hy sinh quên mình, từ bỏ, chối bỏ mọi sự,
chối bỏ hết như là Krishnamurti đã thể hiện trong đời sống ông, tôi không thể
nghĩ ra người nào đã có thể hành động hơn Krishnamurti, ngoại trừ đấng Christ.
Căn nguyên nền tảng tư tưởng Krishnamurti rất là giản dị đến nỗi chúng ta có
thể hiểu được lý do tại sao những lời lẽ hành động trực tiếp minh bạch của ông
đã bị hiểu sai và đã gây ra bao nhiêu hỗn tạp đáng buồn. Loài người vẫn tầm
thường như thế, họ luôn luôn chấp nhận một cách miễn cưỡng những gì có vẻ dễ
hiểu giản dị. Óc ngoan cố ương ngạnh của họ còn thâm hiểm hơn tất cả mưu mẹo
lừa đảo của ma quỷ, vì thế, họ đã bỏ quên, không chịu nhận ra những quyền hạn
thiên phú có sẵn trong bản thể họ; họ chỉ đòi hỏi được giải thoát hay được cứu
rỗi qua một trung gian môi giới nào đó; họ chỉ mải miết chạy đi tìm kiếm những
người hướng dẫn, những kẻ chỉ đường dẫn lối, những vị cố vấn khuyên giải, những
kẻ lãnh đạo, lãnh tụ, những hệ thống lập trường, những nghi lễ hình thức tế
toái…Họ chỉ thích tìm kiếm những thứ ấy, họ chỉ muốn tìm những sự giải quyết,
những đáp số, mà họ không biết rằng tất cả những đáp số đã nằm sẵn trong lòng
họ rồi.Họ đặt sự học vấn trí thức lên trên cả sự thông minh tâm hồn; họ đặt
quyền thế cường lực lên trên cả tài nghệ biện biệt tế nhị. Nhưng điều đáng lo
ngại nhất và đáng nói trước hết là họ không chịu tự mình giải phóng giải thoát
cho mình; họ không chịu cứu lấy bản thân mà cứ luôn luôn vờ vĩnh bày đặt chuyện
cứu vớt thế giới, thế gian, thế nhân, vân vân. Họ bảo rằng thế giới “thế gian”
phải được giải phóng trước đã, rồi mới nói chuyện giải phóng cá nhân.Thế mà
biết bao nhiêu lần rồi Krishnamurti đã nhắc nhở rằng vấn đề thế giới chỉ là
dính liền mật thiết với vấn đề cá nhân; cá thể và tập thể đều chỉ đồng nhất
thể. Chân lý luôn luôn hiện diện, luôn luôn xuất hiện trước mặt chúng ta. Sự
vĩnh cửu, bất diệt, thiên thu, vĩnh viễn nằm ngay tại đây, nằm ngay bây giờ,
ngay giờ phút hiện tại. Và giải thoát ư
? Ồ, hỡi ngài, ngài muốn giải thoát cái gì ? Giải thoát bản ngã nhỏ bé bần tiện
của ngài ư ? Linh hồn của ngài ư ? Diện mục của ngài ? Hãy đánh mất nó đi thì
ngài sẽ tìm thấy lại mình. Đừng bận tâm lo nghĩ Thượng Đế - cứ để Thượng Đế tự
lo cho Thượng Đế. Hãy tôi luyện những nghi vấn ngờ vực, hãy ôm lấy mọi thứ kinh
nghiệm của đời sống, hãy tiếp tục thèm muốn khao khát, cố gắng đừng quên cũng
đừng nhớ, hãy luôn luôn đón nhận và thể nhập tất cả những gì mình đã được thể
nghiệm trong dòng đời tuôn chảy….
“Con người là kẻ tự giải phóng bản thân”. Phải
chăng đó là đạo lý tối thượng của đời sống ? Biết bao nhiêu bậc hiền nhân trác
việt đã nhắc nhở và đã thể hiện bao lần giữa lòng đời. Họ là những bậc đạo sư,
những con người đã làm lễ cưới với đời sống, chứ không phải với những nguyên
tắc, luật pháp, tín điều, luân lý, tín ngưỡng. “Những bậc đạo sư đúng nghĩa thì
chẳng bao giờ bày đặt ra lề luật, hay giới luật, họ chỉ muốn giải phóng con
người”, (Krishnamurti).
Điều làm nổi bật
Krishnamurti và nói lên sự khác nhau giữa Krishnamurti và những bậc giáo chủ vĩ
đại trong lịch sử là sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn ông. Ông chỉ giữ lại
cho mình một chỗ đứng độc nhất : một con
người , với ý nghĩa giản dị đơn sơ của con người.
Mang lấy xác
thịt mảnh khảnh của con người, ông nương tựa trọn vẹn vào tâm linh, đồng thời ý
thức rằng tâm linh và thể xác chỉ là một, không khác nhau.
Ông chỉ giữ lấy
một sứ mệnh độc nhất là tước bỏ con người ra ngoài tất cả những huyền tưởng, ảo
giác, phá hủy cho sụp đổ tất cả chống nạng giả tạo của những lý tưởng, những
tín ngưỡng, ngẫu tượng, phá hủy tất cả mọi hình thức chống đỡ con người, để trả
con người trở lại sự tôn nghiêm trọn vẹn, sức mạnh vẹn toàn của nhân tính.
Người ta thường gọi ông là “Đấng Đạo Sư của Thế Gian”. Nếu có người xứng đáng
được gọi danh hiệu như thế thì người ấy chính là Krishnamurti. Đối với tôi,
điều quan trọng nhất trong thái độ tâm linh của Krishnamurti là ông không bao
giờ muốn chúng ta coi ông như là bậc đạo sư, như một bậc thầy, mà chỉ muốn là
một con người, với tất cả ý nghĩa đơn
giản thông thường của hiện thể.
***************************
LỜI TỰA
Con
người là vật lưỡng cư sống cùng lúc trong hai thế giới – thế giới được trao
tặng và thế giới tự tạo; thế giới của vật chất, sự sống và ý thức, và thế giới
của những biểu tượng. Trong sự suy nghĩ của chúng ta, chúng ta sử dụng vô số
những hệ thống-biểu tượng khác nhau – ngôn ngữ, toán học, hình ảnh, âm nhạc, lễ
nghi. Nếu không có những hệ thống-biểu tượng như thế chúng ta không có nghệ
thuật, không có khoa học, không có luật pháp, không có triết học, không có
những nguyên lý căn bản của nền văn minh: nói cách khác, chúng ta là những con
thú.
Vậy
thì, những biểu tượng không thể hủy bỏ được. Nhưng những biểu tượng – bởi vì
lịch sử của thời đại riêng của chúng ta và mọi thời đại khác sắp xếp đặt quá
minh bạch – cũng có thể gây tai họa. Ví dụ, suy nghĩ về lãnh vực khoa học
ở một mặt, lãnh vực chính trị và tôn giáo ở mặt khác. Suy nghĩ phụ thuộc vào,
và hành động phản ứng theo, một bộ của những biểu tượng, chúng ta đã đến được,
trong mức độ nhỏ nhoi nào đó, sự hiểu rõ và kiểm soát những sức mạnh cơ bản của
thiên nhiên. Suy nghĩ phụ thuộc vào, và hành động phản ứng theo, một bộ của
những biểu tượng khác, chúng ta sử dụng những sức mạnh này như những dụng cụ
sát nhân tập thể và tự sát đồng loạt. Trong trường hợp đầu tiên, những biểu
tượng giải thích được chọn lựa kỹ càng, được phân tích cẩn thận và được thích
nghi mau lẹ đến những sự kiện mới mẻ của sự tồn tại vật chất. Trong trường hợp
thứ hai, những biểu tượng lúc đầu bị chọn lựa sai lầm, không bao giờ có thể có
sự phân tích kỹ càng và không bao giờ được tái cơ cấu để hòa hợp với những sự
kiện khẩn cấp thuộc sự tồn tại của con người. Còn tồi tệ hơn, những biểu tượng
hướng dẫn sai lầm này đã được đối xử bằng một sự kính trọng thiếu chín chắn ở
khắp mọi nơi, như thể là, trong một cách bí mật nào đó, chúng còn thực sự hơn
những thực tế mà chúng diễn tả. Trong lãnh vực tôn giáo và chính trị, những từ
ngữ không được coi như là tượng trưng, không-tương xứng, cho những sự việc và
những sự kiện; trái lại, những sự việc và những sự kiện được coi như là những
minh họa đặc biệt của những từ ngữ.
Từ
trước đến nay những biểu tượng đã được sử dụng một cách thực tế, chỉ trong
những lãnh vực mà chúng ta không cảm thấy rất quan trọng. Trong mọi tình huống
liên quan sự thúc đẩy sâu sắc hơn của chúng ta, chúng ta lại khăng khăng sử
dụng những biểu tượng, không chỉ không thực tế, nhưng còn quá ngưỡng mộ, thậm
chí quá ngu ngốc. Kết quả là chúng ta đã có thể thực hiện, bằng sự tàn bạo và
trải qua một thời gian thật dài, những hành động mà những người hung tợn có thể
làm chỉ trong chốc lát và ở một mức độ không kiểm soát được của sự tức giận, ham
muốn hay sợ hãi. Bởi vì họ sử dụng và thờ phụng những biểu tượng, con người có
thể trở thành những người lý tưởng; và, vì là những người lý tưởng, họ có thể
biến đổi sự tham lam bất chợt của thú vật thành những chủ nghĩa thực dân vĩ đại
của một đại đế Rhodes hay một J. P. Morgan; sự thích thú dọa nạt bất chợt của
thú vật thành chủ nghĩa Stalin hay Tòa án Dị giáo; sự quyến luyến bất chợt của
thú vật đến lãnh thổ của nó thành những điên cuồng có tính toán của chủ nghĩa
quốc gia. Sung sướng thay, họ cũng có thể biến đổi sự tử tế bất chợt của thú
vật thành lòng từ tâm suốt đời của một Elizabeth Fry hay một Vincent de Paul;
sự hy sinh bất chợt của thú vật cho bạn tình hay con cái của nó thành sự hợp
tác kiên trì và thuyết phục mà, cho đến lúc này, đã chứng thực dư thừa sức mạnh
để cứu thế giới khỏi những hậu quả của phe còn lại, loại chủ nghĩa lý tưởng
kinh hoàng. Liệu nó sẽ tiếp tục có thể cứu thế giới? Câu hỏi không thể trả lời
được. Mọi điều chúng ta có thể kết luận là rằng, với những người lý tưởng của
chủ nghĩa quốc gia đang giữ quả bom A, sự thắng thế của những người lý tưởng
của đồng-hợp tác và từ tâm đã chẳng còn gây ảnh hưởng bao nhiêu.
Ngay
cả một quyển sách dạy nấu ăn ngon không là vật thay thế thậm chí cho một bữa ăn
dở nhất. Sự kiện dường như quá rõ ràng. Và tuy nhiên, qua những thời đại, những
người triết học thâm thúy nhất, những người huyền bí học tinh tế và có học thức
nhất, liên tục rơi vào sai lầm khi đồng hóa những cấu trúc thuần túy thuộc từ
ngữ của họ cùng những sự kiện; hay còn nghiêm trọng hơn nữa, rơi vào sai lầm
khi tưởng tượng rằng những biểu tượng, trong chừng mực nào đó, còn thực sự hơn
điều gì chúng tượng trưng. Sự tôn sùng từ ngữ của họ không phải không có những
phản đối. St. Paul
đã nói, ‘Chỉ có tinh thần cho sự sống; từ ngữ giết chết sự sống.’ Eckhart hỏi,
‘Và tại sao, tại sao bạn tán dương quá nhiều về Thượng đế? Bất kỳ điều gì bạn
nói về Thượng đế đều không đúng thực.’ Ở phía bên kia của thế giới, tác giả của
một trong những quyển kinh Đại thừa khẳng định rằng ‘sự thật không bao giờ được
giảng thuyết bởi Phật, người thấy rằng bạn phải nhận ra nó trong chính bạn’.
Những khẳng định như thế được cảm thấy là quá phá hoại đạo đức, và những người
đáng kính bỏ qua chúng. Sự tôn sùng quá mức lạ lùng của những từ ngữ và biểu
tượng tiếp tục không kiềm chế được. Những tôn giáo đã suy sụp; nhưng thói quen
cũ kỹ của sự hình thành giáo điều và áp đặt niềm tin trong giáo điều đã tiếp
tục ngay cả nơi những người vô thần.
Trong
những năm mới đây, những người luận lý học và những người nghĩa ngữ học đã thực
hiện một phân tích rất hoàn hảo về những biểu tượng, mà từ đó con người vận
dụng suy nghĩ của họ. Ngôn ngữ học đã trở thành một khoa học, và thậm chí người
ta có lẽ còn nghiên cứu một môn học mà Benjamin Whorf sau đó đã cho cái tên là
vượt khỏi nghĩa ngữ học. Tất cả việc này được khen ngợi; nhưng nó vẫn chưa đủ.
Luận lý học và ngôn ngữ học, nghĩa ngữ học và vượt khỏi nghĩa ngữ học – đây là
những môn học thuần túy thuộc trí năng. Chúng phân tích những phương pháp khác
nhau, đúng và không đúng, có ý nghĩa và không ý nghĩa, mà trong đó những từ ngữ
có thể liên quan đến những sự việc, những qui trình và những sự kiện. Nhưng
chúng không đưa ra sự hướng dẫn, liên quan đến vấn đề căn bản hơn nhiều về: sự
liên hệ của con người trong toàn sinh lý-tâm lý của anh ấy, ở một phía; và hai
thế giới của anh ấy, thế giới của những sự kiện và thế giới của những biểu
tượng, ở phía kia.
Trong
mọi vùng đất và mọi thời điểm lịch sử, vấn đề đã được giải quyết lặp đi lặp lại
bởi những người đàn ông và phụ nữ cá thể. Thậm chí khi họ đã nói hay viết,
những cá thể này không tạo ra những hệ thống – bởi vì họ đã biết rằng mỗi hệ
thống là một quyến rũ có giá trị để thâu nhận một cách quá nghiêm túc những
biểu tượng, để chú ý nhiều đến những từ ngữ hơn là những thực tế mà những từ
ngữ được yêu cầu đại diện. Mục đích của họ là không bao giờ đưa ra những giải
thích và những đáp án làm sẵn; mục đích của họ là thôi thúc con người chẩn đoán
và chữa trị những căn bệnh riêng của anh ấy, thúc đẩy anh ấy đến một mấu chốt
nơi vấn đề của anh ấy và giải pháp của nó yêu cầu chính anh ấy trải nghiệm một
cách trực tiếp.
Trong
tuyển tập từ những bài viết và những nói chuyện được ghi băng của Krishnamurti,
độc giả sẽ tìm được một diễn tả đương đại rõ ràng về vấn đề căn bản của con
người, cùng với một mời mọc để giải quyết nó trong cách duy nhất mà nó có thể
được giải quyết – bởi chính anh ấy và cho chính anh ấy. Những giải pháp tập
thể, mà quá nhiều người cột chặt sự trung thành của họ vào nó một cách vô vọng,
không bao giờ trọn vẹn. ‘Muốn hiểu rõ sự đau khổ và rối loạn tồn tại bên trong
chính chúng ta, và vì vậy trong thế giới, trước hết chúng ta phải tìm được sự
rõ ràng bên trong chính chúng ta, và sự rõ ràng đó xảy ra qua suy nghĩ đúng
đắn. Sự rõ ràng này không phải được tổ chức, vì nó không thể được trao đổi với
một người khác. Suy nghĩ thành nhóm có tổ chức chỉ là lặp lại. Sự rõ ràng không
là kết quả của sự khẳng định bằng ngôn ngữ, nhưng của tự-tỉnh thức và suy nghĩ
đúng đắn lạ thường. Suy nghĩ đúng đắn không là kết quả của, hay sự nuôi dưỡng thuần
túy của trí năng, nó cũng không là sự tuân phục vào khuôn mẫu, dù khuôn mẫu đó
giá trị và cao quý đến chừng nào. Suy nghĩ đúng đắn theo cùng hiểu rõ về chính
mình. Nếu không có hiểu rõ về chính mình, bạn không có nền tảng cho suy
nghĩ đúng đắn; nếu không có hiểu rõ về chính mình, điều gì bạn suy nghĩ
là không đúng thực.
Chủ
đề cơ bản này được phát triển bởi Krishnamurti trong đoạn này tiếp theo đoạn
khác. ‘Có hy vọng trong con người, không phải trong xã hội, không phải trong
những hệ thống, không phải trong những hệ thống tôn giáo có tổ chức, nhưng
trong bạn và trong tôi.’ Những tôn giáo có tổ chức, với những người trung gian
của chúng, những quyển sách thiêng liêng của chúng, những giáo điều của chúng,
những chức sắc và những lễ nghi của chúng, chỉ trao tặng một giải pháp
giả dối cho vấn đề cơ bản. Khi bạn trích dẫn kinh Bhagavad Gita, hay kinh
Thánh, hay quyển sách Thiêng liêng Trung quốc nào đó, chắc chắn bạn chỉ đang
lặp lại, phải vậy không? Và điều gì bạn đang lặp lại không là sự thật. Nó là
một dối trá, bởi vì sự thật không thể được lặp lại.’ Một dối trá có thể được mở
rộng, được hoàn thiện và được lặp lại, nhưng không là sự thật; và khi bạn lặp
lại sự thật, nó không còn là sự thật, và vì vậy những quyển kinh thiêng liêng
không quan trọng. Không phải qua niềm tin trong những biểu tượng của ai đó,
nhưng chỉ qua hiểu rõ về chính mình, một con người đến được sự thật vĩnh hằng,
trong đó thân tâm của anh ấy được đặt nền tảng. Niềm tin trong sự đáp ứng trọn
vẹn và giá trị tuyệt đối của bất kỳ hệ thống biểu tượng được thiết lập sẵn nào,
không dẫn đến sự giải thoát, nhưng đến quá khứ, đến nặng nề hơn cùng những thảm
họa cũ kỹ. ‘Chắc chắn niềm tin gây tách rời. Nếu bạn có một niềm tin, hay khi
bạn tìm kiếm sự an toàn trong niềm tin đặc biệt của bạn, bạn trở nên bị cô lập
khỏi những người kia mà tìm kiếm sự an toàn trong hình thức khác nào đó của
niềm tin. Tất cả những niềm tin có tổ chức đều được đặt nền tảng trên sự tách
rời, mặc dù chúng có lẽ giảng thuyết về tình huynh đệ.’ Người mà đã giải quyết
thành công được vấn đề liên hệ của anh ấy với hai thế giới sự kiện và biểu
tượng, là một người không có những niềm tin. Liên quan với những vấn đề của
sống thực tế, anh ấy sẵn sàng tiếp nhận một loạt những giả thuyết tạm thời, mà
phục vụ những mục đích của anh ấy, nhưng coi chúng không quan trọng hơn bất kỳ
những loại công cụ hay dụng cụ nào khác. Liên quan đến những bạn bè của anh ấy
và đến sự thật mà họ được đặt nền tảng, anh ấy có những trải nghiệm trực
tiếp của tình yêu và thấu triệt. Do bởi sự bảo vệ chính anh ấy khỏi những niềm
tin mà Krishnamurti đã ‘không đọc bất kỳ những quyển sách thiêng liêng nào, kể
cả kinh Bhagavad hay Upanishads’. Thậm chí những người của chúng ta còn không
đọc những tác phẩm văn chương thiêng liêng; chúng ta đọc những nhật báo, tuần
báo, và những quyển truyện trinh thám ưa thích của chúng ta. Điều đó có nghĩa,
chúng ta tiếp cận sự khủng hoảng của những thời đại của chúng ta, không phải
bằng tình yêu và thấu triệt, nhưng ‘bằng những công thức, bằng những hệ thống’
– và những công thức và những hệ thống hầu như không đủ chất lượng cho tình
yêu. Nhưng ‘con người của ý muốn tốt lành không nên có những công thức’; bởi vì
chắc chắn, những công thức chỉ dẫn đến ‘suy nghĩ mù quáng’. Nghiện ngập những
công thức hầu như xảy ra toàn cầu. Chắc chắn như thế; bởi vì ‘hệ thống giáo dục
của chúng ta được đặt nền tảng trên chúng ta suy nghĩ cái gì, không phải trên
suy nghĩ như thế nào’. Chúng ta được giáo dục như những thành viên thực hành và
tin tưởng của tổ chức nào đó – một người Cộng sản hay Thiên chúa giáo, Hồi
giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo, Freud. Cuối cùng, ‘bạn đáp trả những thách thức,
mà luôn luôn mới mẻ, theo một khuôn mẫu cũ kỹ; và vì vậy đáp trả của bạn không
có sự mới mẻ, sự trong sáng, sự giá trị tương quan. Nếu bạn phản ứng như một
người Thiên chúa giáo hay một người Cộng sản – bạn đang phản ứng – theo một suy
nghĩ có khuôn mẫu, đúng chứ? Thế là phản ứng của bạn không có ý nghĩa. Và người
Ấn độ giáo, người Hồi giáo, người Phật giáo, người Thiên chúa giáo đã không tạo
ra vấn đề này hay sao? Bởi vì ‘tôn giáo mới mẻ là sự tôn sùng của Chính thể,
vậy là tôn giáo cũ kỹ là sự tôn sùng của một ý tưởng.’ Nếu bạn phản ứng đến một
thách thức lệ thuộc vào tình trạng bị quy định cũ kỹ, phản ứng của bạn sẽ không
làm cho bạn hiểu rõ được sự thách thức. Vì vậy điều gì ‘người ta phải làm, với
mục đích gặp gỡ sự thách thức mới mẻ là, hoàn toàn cởi trói chính người ta,
hoàn toàn xóa sạch chính người ta khỏi nền tảng quá khứ và gặp gỡ sự thách thức
mới mẻ lại’.
Nói
cách khác những biểu tượng không bao giờ nên được đưa đến một vị trí của những
tín điều, và bất kỳ hệ thống nào cũng nên được dùng cho sự sử dụng thuận tiện
tạm thời. Niềm tin trong những công thức và hành động tùy theo những niềm tin
này, không thể đưa chúng ta đến một giải pháp cho vấn đề của chúng ta. ‘Chỉ qua
hiểu rõ sáng tạo về chính chúng ta mới có thể có một thế giới sáng tạo, một thế
giới hạnh phúc, một thế giới trong đó những ý tưởng không tồn tại.’ Một thế
giới trong đó những ý tưởng không tồn tại sẽ là một thế giới hạnh phúc, bởi vì
nó sẽ là một thế giới không có sức mạnh bị quy định đầy quyền hành mà bắt buộc
con người đảm nhiệm hành động không thích hợp, một thế giới không có những giáo
điều thiêng liêng mà dựa vào đó những tội lỗi tồi tệ nhất được bào chữa, những
dốt nát to tát nhất được hợp lý hóa.
Một
nền giáo dục dạy chúng ta không phải ‘làm thế nào’ nhưng suy nghĩ cái gì là một
giáo dục mời gọi giai cấp chỉ huy của những vị thầy và những vị giáo sĩ. Nhưng
‘chính ý tưởng dẫn dắt một ai đó là phản lại xã hội và phản lại tinh thần’. Đối
với con người vận dụng nó, quyền lãnh đạo mang lại sự thỏa mãn của khao khát
quyền hành; đối với những con người bị dẫn dắt, nó mang lại sự thỏa mãn khao
khát bền vững và an toàn. Vị đạo sư trao tặng một loại thuốc phiện. Nhưng,
người ta có lẽ hỏi, ‘Ông đang làm gì? Ông không đang hành động như vị đạo sư
của chúng tôi hay sao?’ Krishnamurti trả lời, ‘Chắc chắn, tôi không đang hành
động như vị đạo sư của bạn, bởi vì, trước hết tôi không đang mang lại cho bạn
bất kỳ sự thỏa mãn nào. Tôi không đang chỉ bảo cho bạn điều gì bạn nên làm từ
khoảnh khắc sang khoảnh khắc, hay từ ngày này sang ngày khác, nhưng tôi chỉ
đang vạch rõ cái gì đó cho bạn; bạn có thể thâu nhận hay từ chối nó, phụ thuộc
vào bạn, không phải vào tôi. Tôi không đòi hỏi một sự việc gì từ bạn, không đòi
hỏi sự tôn sùng của bạn, sự nịnh nọt của bạn, sự lăng nhục của bạn, những vị
chúa của bạn. Tôi nói, ‘Đây là sự thật; hãy thâu nhận nó hay khước từ nó’. Và
hầu hết các bạn đều khước nó, bởi vì lý do rất rõ ràng rằng các bạn không có
được sự thỏa mãn trong nó.
Vậy
thì, chính xác Krishnamurti trao tặng cái gì? Chúng ta có thể nhận được cái gì
nếu chúng ta ao ước, nhưng tất cả có thể sẽ thích khước từ hơn, phải không? Như
chúng ta đã thấy, nó không là một hệ thống của những niềm tin, một liệt kê của
những giáo điều, một danh sách của những nhận thức và những lý tưởng đã được
tạo sẵn. Nó không là sự lãnh đạo, không là thiền định, không là hướng dẫn tinh
thần, thậm chí không là một mẫu mực. Nó không là nghi lễ, không là nhà thờ,
không là một mã số, không thăng hoa hay bất kỳ hình thức gây ngẫu hứng nào đó.
Có
lẽ, nó là tự-kỷ luật? Không; do bởi sự tàn bạo, tự-kỷ luật không là phương cách
mà nhờ đó vấn đề của chúng ta có thể được giải quyết. Muốn tìm được giải pháp,
cái trí phải tự-mở toang đến sự thật, phải đối diện với tình trạng bị quy định
của thế giới phía bên ngoài và phía bên trong mà không có định kiến hay kiềm
hãm. (Sự phục vụ Thượng đế là sự tự do hoàn hảo. Nói khác đi, sự tự do hoàn hảo
là sự phục vụ Thượng đế.) Trong trở nên có kỷ luật, cái trí không trải qua sự
thay đổi cơ bản nào; nó là cái tôi cũ kỹ, nhưng ‘bị trói buộc, bị kiềm
hãm’.
Tự kỷ
luật nằm trong bảng danh sách những sự việc mà Krishnamurti không trao tặng.
Vậy thì, điều gì ông ấy trao tặng có phải là cầu nguyện? Lại nữa, câu trả lời
là phủ nhận. ‘Cầu nguyện có lẽ mang lại cho bạn đáp án mà bạn mong đợi; nhưng
đáp án đó có lẽ đến từ tầng ý thức bên trong của bạn, hay từ cái nguồn cung cấp
tổng quát, kho lưu trữ của tất cả những đòi hỏi của bạn. Đáp án không là tiếng
nói im lặng của Chúa.’ Suy nghĩ, Krishnamurti tiếp tục, ‘điều gì xảy ra khi bạn
cầu nguyện. Bằng cách lặp lại liên tục những cụm từ nào đó, và bằng cách kiểm
soát những tư tưởng của bạn, cái trí trở nên yên lặng, phải không? Ít ra, cái
trí tầng ý thức bên ngoài trở nên yên lặng. Bạn quỳ gối như những người Thiên
chúa giáo thường làm, hay bạn ngồi như những người Ấn độ giáo thường làm, và
bạn lặp lại và lặp lại, và qua sự lặp lại đó cái trí trở nên yên lặng. Trong sự
yên lặng đó có sự gợi ý của cái gì đó. Gợi ý của cái gì đó, mà bạn đã cầu
nguyện, có lẽ từ tầng ý thức bên trong, hay nó có lẽ là phản ứng của những kỷ
niệm của bạn. Nhưng, chắc chắn, nó không là tiếng nói của sự thật; bởi vì tiếng
nói của sự thật phải đến với bạn; nó không thể được quyến rũ, bạn không thể cầu
nguyện để có nó. Bạn không thể dụ dỗ nó vào cái cũi nhỏ xíu của bạn bằng cách
thực hiện nghi lễ tạ ơn, hát thánh ca, và tất cả những chuyện như thế, bằng
cách dâng lên nó những đóa hoa, bằng cách xoa dịu nó, bằng cách đè nén chính
bạn hay tranh đua với những người khác. Khi bạn đã học hành sự ma mãnh của ‘làm
yên lặng cái trí’, qua sự lặp lại những từ ngữ, và nhận được những gợi ý trong
sự yên lặng đó, mối nguy hiểm là – nếu bạn không hoàn toàn tỉnh táo về vấn đề
từ đâu những gợi ý đó nảy ra – bạn sẽ bị trói buộc, và thế là sự cầu nguyện trở
thành một thay thế cho sự tìm kiếm sự thật. Bạn nhận được điều gì bạn xin xỏ;
nhưng nó không là sự thật. Nếu bạn ao ước, và nếu bạn nài nỉ, bạn sẽ nhận được,
nhưng cuối cùng bạn sẽ phải trả lại nó.
Từ
cầu nguyện chúng ta chuyển đến yoga, và yoga, chúng ta phát giác, là một hình
thức khác của những sự việc mà Krishnamurti không trao tặng. Bởi vì yoga là tập
trung, và tập trung là loại trừ. ‘Bạn dựng lên một bức tường của kháng cự bằng
cách tập trung vào một tư tưởng mà bạn đã chọn, và bạn cố gắng chặn đứng những
tư tưởng khác.’ Điều gì thông thường được gọi là thiền định chỉ là ‘sự vun quén
của kháng cự, sự vun quén của tập trung loại trừ dựa vào một ý tưởng của sự
chọn lựa của chúng ta’. Nhưng điều gì khiến bạn chọn lựa? ‘Điều gì khiến bạn
nói rằng điều này tốt lành, đúng thực, cao quý, và cái còn lại không phải? Rõ
ràng, sự chọn lựa được đặt nền tảng trên vui thú, phần thưởng hay thành tựu;
hay nó chỉ là một phản ứng của tình trạng bị quy định hay truyền thống của một
người. Tại sao bạn lại chọn lựa? Tại sao không tìm hiểu mỗi tư tưởng? Khi bạn
quan tâm nhiều, tại sao lại chọn một? Tại sao không tìm hiểu mỗi vui thú? Thay
vì tạo ra sự kháng cự, tại sao không tìm hiểu mỗi vui thú khi nó nảy sinh, và
không chỉ tập trung vào một ý tưởng, một vui thú? Rốt cuộc bạn được tạo thành
bởi nhiều vui thú, bạn có nhiều cái mặt nạ, nhận biết được và không-nhận biết
được. Tại sao lại chọn lựa một và loại bỏ tất cả những vui thú khác, trong đang
đấu tranh như thế bạn đã phung phí tất cả năng lượng của bạn, vì vậy tạo ra
kháng cự, xung đột và mâu thuẫn. Trái lại nếu bạn suy xét mỗi tư tưởng khi nó
nảy sinh – mỗi tư tưởng, không phải chỉ một vài tư tưởng – vậy thì không có
loại trừ. Nhưng nó là một công việc gian khổ khi tìm hiểu mỗi tư tưởng. Bởi vì
khi bạn đang nhìn một tư tưởng, một tư tưởng khác len lẻn vào. Nhưng nếu bạn
tỉnh thức mà không có chi phối hay biện hộ, bạn sẽ thấy rằng, bằng cách chỉ
nhìn vào tư tưởng đó, không tư tưởng nào khác quấy rầy. Chỉ khi nào bạn chỉ
trích, so sánh, phỏng đoán, những tư tưởng khác mới len lỏi vào.’
‘Phê
bình không phải rằng các ngươi không bị phê bình.’ Phép tắc của kinh thánh áp
dụng vào những thái độ cư xử với chính chúng ta của chúng ta cũng ngang bằng
với cách cư xử với những người khác của chúng ta. Nơi nào có phê bình, nơi nào
có so sánh và chỉ trích, sự khoáng đạt của cái trí không hiện diện; không thể
có tự do khỏi sự độc tài của những biểu tượng và những hệ thống, không thể có
giải thoát khỏi quá khứ và môi trường sống. Tìm hiểu nội tâm với một mục đích
được khẳng định từ trước, tự-tìm hiểu về chính mình bên trong cái khung của sự
sắp xếp thuộc truyền thống nào đó, một tập hợp của những nguyên tắc thiêng
liêng nào đó – những điều này không, những điều này không thể giúp đỡ chúng ta.
Có một tự phát thăng hoa của sống, một ‘Sự thật sáng tạo’, như Krishnamurti gọi
nó, mà tự-phơi bày chính nó như ‘hiện diện khắp vũ trụ’ chỉ khi nào cái trí của
người nhận biết ở trong một trạng thái của ‘thụ động tỉnh thức’, ‘nhận biết
không-chọn lựa’. Phê bình và so sánh chắc chắn đưa chúng ta đến sự phân hai.
Chỉ nhận biết không-chọn lựa có thể dẫn chúng ta đến không-phân hai, đến sự
thỏa hiệp những đối nghịch trong một hiểu rõ tổng thể và một tình yêu tổng thể.
Ama et fac quod vis Hãy thương yêu và Hãy làm những gì mình muốn. Nếu bạn
thương yêu, bạn có thể làm điều gì bạn muốn. Nhưng nếu bạn bắt đầu bằng cách
làm điều gì bạn muốn, hay bằng cách làm điều gì bạn không muốn theo lệnh của
những ý tưởng hay hệ thống thuộc truyền thống, những lý tưởng và những cấm đoán
nào đó, bạn sẽ không bao giờ thương yêu.
Tiến
hành giải thoát phải khởi đầu cùng nhận biết không-chọn lựa, được điều gì
bạn muốn và, được những phản ứng của bạn đến hệ thống-biểu tượng mà bảo với bạn
rằng bạn nên, hay không nên, muốn nó. Qua nhận biết không-chọn lựa này, khi nó
thâm nhập những tầng kế tiếp của cái tôi và tầng ý thức bên trong liên đới của
nó, sẽ có tình yêu và hiểu rõ, nhưng của một trật tự khác hẳn trật tự mà thông
thường chúng ta quen thuộc. Nhận biết không-chọn lựa này – tại mỗi khoảnh khắc
và trong tất cả những tình huống của sống – là thiền định có hiệu quả duy nhất.
Tất cả những hình thức khác của yoga đều dẫn đến, hoặc sự suy nghĩ mù quáng do
bởi tự-kỷ luật, hoặc một loại thỏa mãn tự-thôi thúc nào đó, một loại samadhi
trạng thái thiền định ảo tưởng nào đó. Giải thoát thực sự là ‘một tự do phía
bên trong của Sự thật sáng tạo’. Đây ‘không là một quà tặng; nó phải được khám
phá và được trải nghiệm. Nó không là một đạt được để được phóng đại cho chính
bạn và tôn vinh cho chính bạn. Nó là một trạng thái của đang là, giống như tĩnh
lặng, mà trong đó không có đang trở thành, mà trong đó có nguyên vẹn. Sáng tạo
này có lẽ không cần thiết tìm kiếm sự diễn tả; nó không là một tài năng mà đòi
hỏi sự biểu lộ phía bên ngoài. Bạn không cần là một họa sĩ vĩ đại hay có một
khán giả; nếu bạn tìm kiếm những điều này bạn sẽ mất đi “Sự thật bên trong”. Nó
không là một quà tặng, nó cũng không là kết quả của tài năng; nó phải được tìm
thấy, kho báu bất diệt này, nơi tư tưởng giải thoát chính nó khỏi ham muốn, ý muốn
xấu xa và dốt nát, nơi tư tưởng giải thoát chính nó khỏi thế giới trần tục và
sự khao khát cá thể để “là”. Nó phải được trải nghiệm qua suy nghĩ đúng đắn và
thiền định.’ Tự-nhận biết không-chọn lựa sẽ mang chúng ta đến ‘Sự thật sáng
tạo’ mà là nền tảng của tất cả những ảo tưởng phá hoại của chúng ta, sẽ mang
chúng ta đến ‘Thông minh yên lặng’ mà luôn luôn hiện diện ở đó, bất kể sự dốt
nát, bất kể sự hiểu biết mà là sự dốt nát trong một hình thức khác. Hiểu biết
là một công việc của những biểu tượng và, tất cả đều luôn luôn, là một cản trở
của thông minh, một cản trở của sự xóa sạch cái tôi từ khoảnh khắc sang khoảnh
khắc. Một cái trí đã đến được sự yên lặng của thông minh ‘sẽ biết đang là, sẽ
biết tình yêu là gì. Tình yêu không là cá thể và cũng không là không-cá thể.
Tình yêu là tình yêu, không phải được định nghĩa hay được diễn tả bởi cái trí
như tình yêu riêng biệt hay tình yêu tất cả. Tình yêu là vĩnh hằng riêng của
nó; nó là sự thật, cái tối thượng, cái vô hạn.’
ALDOUS HUXLEY
(Ông Không dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét