CHIÊM
NGHIỆM CUỘC ĐỜI
THINK ON THESE THINGS
J. Krishnamurti
Biên dịch: Lê Tuyên – Hiệu đính: Lê Gia
*
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
1. CHỨC NĂNG
CỦA NỀN GIÁO DỤC
---------------------------------
Tôi
không biết đã bao giờ chúng ta tự hỏi mình xem giáo dục là gì chưa. Tại sao
chúng ta lại đến trường, tại sao chúng ta lại học nhiều môn học khác nhau, tại
sao chúng ta phải vượt qua các kỳ thi và cạnh tranh với nhau nhằm giành thứ hạng
tốt nhất? Cái được gọi là nền giáo dục này là gì? Đây thật sự là một vấn đề
quan trọng, không những đối với học sinh mà còn đối với các bậc phụ huynh, giáo
viên và với tất cả những ai yêu trái đất này. Tại sao chúng ta phải được giáo dục
để chỉ vượt qua các kỳ thi và tìm được một công việc làm? Hay chức năng của nền
giáo dục là giúp chúng ta thấu hiểu được toàn bộ cuộc sống? Việc có được một
công việc làm và kiếm sống là điều cần thiết – nhưng đó có phải là tất cả
không? Bạn được giáo dục chỉ để được như thế thôi sao? Rõ ràng, cuộc sống không
chỉ là những công việc, một nghề nghiệp; cuộc sống là một cái gì đó vô cùng rộng
lớn và sâu sắc hơn, nó là một bí ẩn không giới hạn, nó là một thế giới bao la,
mà chúng ta tồn tại trong vai trò là con người. Nếu chúng ta chỉ tự trang bị nhằm
tìm cách kiếm sống thì chúng ta sẽ bỏ nhỡ cuộc sống này; việc thấu hiểu cuộc sống
này là điều quan trọng hơn nhiều so với việc trang bị cho các kỳ thi và trở nên
tinh thông về toán học, vật lý học hoặc những gì bạn muốn.
Thế
nên, dù chúng ta là giáo viên hay học sinh, điều quan trọng là chúng ta cần phải
tự hỏi mình xem tại sao chúng ta lại làm công việc giáo dục hoặc được giáo dục,
không phải sao? Chim chóc, hoa cỏ, cây cối, bầu trời, trăng sao, sông suối, vân
vân – tất cả những thứ này là cuộc sống. Cuộc sống là người giàu và kẻ nghèo;
cuộc sống là cuộc đấu tranh liên tục giũa các nhóm người, chủng loài và quốc
gia; cuộc sống là sự chiêm nghiệm thiền định; cuộc sống là những gì mà chúng ta
gọi là tín ngưỡng, cuộc sống cũng là những gì tiềm ẩn trong tâm hồn – ganh tị,
tham vọng, đam mê, đố kỵ, lo sợ, thỏa mãn, ưu phiền. Tất cả những thứ này và
còn nhiều nhiều nữa chính là cuộc sống. Nhưng chúng ta thường chỉ tự trang bị
nhằm tìm hiểu một góc nhỏ của cuộc sống này. Chúng ta vượt qua các kỳ thi, tìm
thấy một công việc, kết hôn, sinh con cái và ngày càng thêm máy móc. Chúng ta
không ngừng lo sợ về cuộc sống này. Vậy thì, chức năng của giáo dục là giúp ta
thấu hiểu được toàn bộ cuộc sống, hay chức năng của giáo dục là chỉ giúp chúng
ta có được một công việc làm?
Điều
gì đã xảy ra cho tất cả chúng ta khi chúng ta trở thành các chàng trai, cô gái
trưởng thành? Bạn đã bao giờ tự hỏi mình rằng bạn sẽ làm gì khi bạn trưởng
thành chưa? Rõ ràng là bạn sẽ kết hôn, trước khi bạn biết được rằng mình đang ở
đâu thì bạn đã trở thành các bà mẹ và các ông bố; và rồi bạn sẽ bị trói chặt
vào công việc, hoặc nhà bếp, rồi bạn sẽ dần dần tiều tụy. Đó là tất cả những gì sẽ diễn ra trong đời bạn
ư? Bạn đã bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi này chưa? Bạn không cần phải đặt ra
cho mình câu hỏi này sao? Nếu gia đình bạn giàu có thì bạn có thể có được một địa
vị khá tốt, cha bạn có thể cho bạn một công việc tốt, hoặc bạn có thể cưới được
một người vợ hay một người chồng giàu có; nhưng rồi đời bạn cũng sẽ suy tàn,
phân rã. Bạn nhận thấy rõ điều này chưa?
Chắc
chắn là, nền giáo dục sẽ trở thành vô nghĩa trừ khi nó giúp bạn thấu hiểu được
cuộc sống bao la này cùng với mọi điều bí ẩn phía sau nó, cùng với vẻ đẹp tuyệt
vời của nó, cùng với những vui buồn của nó. Bạn có thể có nhiều bắng cấp, bạn
có thể có một công việc tốt, nhưng rồi sao nữa? Những thứ đó sẽ có ý nghĩa gì
khi tâm hồn bạn luôn mờ đục, mệt mỏi, chán chường? Vậy thì, trong khi bạn còn
trẻ, bạn không cần phải tìm hiểu xem cuộc sống là gì sao? Chức năng của nền
giáo dục không phải là giúp bạn có được trí thông minh tìm hiểu tất cả những rắc
rối này sao? Bạn có biết trí thông minh là gì không? Rõ ràng nó là khả năng suy
nghĩ một cách sáng suốt, không hề bị gò ép bởi bất kỳ một lo sợ hay một thể thức
nào, nhờ đó bạn có thể tự khám phá được mọi sự thật; nhưng nếu bạn lo sợ thì bạn
chẳng bao giờ thông minh sáng suốt. Bất kỳ hình thức nào của tham vọng, dù
thiêng liêng hay trần tục, đều dung dưỡng những lo sợ, thế nên tham vọng không
giúp chúng ta tạo ra được một tâm hồn trong sáng, mộc mạc, thanh khiết, trinh
nguyên, sáng suốt.
Bạn
biết đấy, điều quan trọng trong khi bạn còn trẻ là bạn cần được sống trong môi
trường mà ở đó không tồn tại bất kỳ sự lo sợ nào; chúng ta sợ sự sống, chúng ta
sợ mất việc, chúng ta sợ truyền thống, chúng ta sợ dư luận, chúng ta sợ những
gì chồng hoặc vợ mình có thể nói, chúng ta sợ chết. Hầu hết chúng ta đều có những
lo sợ ở một hình thức nào đó; nơi nào có lo sợ thì nơi đó không có sự sáng suốt.
Cuộc sống thật sự luôn tươi đẹp, nó không phải là thứ xấu xa mà chúng ta đã tạo
ra. Bạn chỉ có thể thưởng thức vẻ đẹp của nó, sự sâu sắc của nó, vẻ yêu kiều của
nó khi bạn cự tuyệt mọi thứ - tín ngưỡng, truyền thống, xã hội mục nát hiện nay
– nhờ đó mà bạn có thể tự khám phá được đau là sự thật. Không phải để bắt chước
noi theo mà là để khám phá – đó chính là chức năng của nền giáo dục, không đúng
sao? Việc rập khuôn theo những gì xã hội hoặc cha mẹ hoặc thầy cô hướng dẫn là
việc dễ dàng. Đó dường như là một lối sống an toàn; nhưng đó không phải là cuộc
sống vì trong lối sống luôn tồn tại những lo sợ, khủng hoảng, chết chóc. Sống
nghĩa là tự khám phá được đâu là sự thật, bạn chỉ có thể làm được điều này khi
bạn có được sự tự do, khi trong lòng bạn tồn tại cuộc cách mạng không ngừng.
Nhưng
không ai khuyến khích bạn làm điều này; không ai bảo bạn phải đặt câu hỏi, hãy
thử tìm hiểu Thượng đế là gì, vì nếu bạn đứng lên tự tìm hiểu như thế thì bạn sẽ
trở thành mối nguy hại cho tất cả những gì đang sai lạc đang tồn tại. Cha mẹ bạn
và xã hội muốn bạn sống một cách an toàn, bạn cũng muốn sống một cách an toàn.
Sự sống một cách an toàn thường có nghĩa là sống trong sự bắt chước, sự rập
khuôn, sự theo đuôi một ai đó, thế nên trong sự sống đó luôn tồn tại những lo sợ.
Chắc chắn chức năng của nền giáo dục là nhằm giúp mỗi người trong chúng ta có
thể sống tự do và không lo sợ, không phải sao? Để có thể tạo ra một môi trường
mà ở đó không tồn tại bất kỳ lo sợ nào thì chính bạn và các nhà sư phạm cần phải
suy nghĩ thật nhiều về vấn đề này.
Bạn
có biết điều này có ý nghĩa gì không – một môi trường không tồn tại lo sợ có ý
nghĩa gì? Chúng ta phải tạo ra một
môi trường như thế vì chúng ta nhận thấy rằng thế giới này không ngừng bị mắc kẹt
bởi những cuộc chiến tranh bất tận; được dẫn dắt bởi các chính trị gia không ngừng
tìm kiếm quyền lực; đây là một thế giới của luật sư, cảnh sát và quân đội, của
những người tham vọng không ngừng tìm kiếm địa vị và tất cả họ đang đấu đá lẫn
nhau để có được thứ này. Có những người được gọi là thánh nhân, được gọi là mộ đạo,
họ cũng muốn địa vị, quyền lực, trong kiếp này hoặc trong kiếp sau. Đây là một
thế giới điên loạn, hoàn toàn nhiễu loạn, người ta không ngừng cạnh tranh đấu
đá lẫn nhau để tìm đến được nơi an toàn, quyền lực và địa vị. Thế giới này bị
xé nát bởi những đức tin mâu thuẩn nhau, bởi đẳng cấp, giai cấp, tầng lớp, quốc
gia, mọi hình thức xuẩn ngốc khác nhau… Đây là thế giới mà bạn đang được giáo dục
để hòa nhập vào trong nó. Bạn được khuyến khích hãy hòa nhập theo một khuôn khổ
nào đó của xã hội thảm khốc này; cha mẹ bạn muốn bạn làm điều đó, bạn muốn hòa
nhập cùng nó.
Vậy
thì, chức năng của nền giáo dục chỉ nhằm giúp bạn hòa nhập theo một khuôn mẫu
nào đó của xã hội nhiễu loạn này, hay là nhằm giúp bạn có được sự tự do – hoàn toàn
tự do để phát triển và tạo ra một xã hội khác, một thế giới khác? Chúng ta muốn
có sự tự do không phải trong tương lai mà ngay lúc này, nếu không thế thì tất cả
chúng ta có thể bị diệt vong. Chúng ta phải lập tức tạo ra một môi trường tự do
nhờ đó bạn có thể sống và tự khám phá cho chính mình xem đâu là sự thật, nhờ đó
bạn trở nên sáng suốt, nhờ đó bạn có thể đối mặt với thế giới này và thấu hiểu
được nó, không chỉ thích nghi với nó, nhờ đó mà trong tâm lý bạn luôn cự tuyệt
mọi thứ, vì chỉ có ai luôn cự tuyệt những gì xưa cũ mới có thể khám phá đâu là
sự thật – chứ không phải là những người chỉ biết rập khuôn, máy móc, theo đuổi.
Chỉ khi bạn không ngừng tìm hiểu, quan sát học tập, thì bạn mới có thể tìm được
sự thật, chân lý, Thượng đế, hoặc tình yêu. Bạn không thể tìm hiểu, quan sát, học
tập, ý thức sâu sắc, nếu bạn luôn sợ hãi. Thế nên, chức năng của nền giáo dục,
rõ ràng thế, là đẩy lùi những lo sợ đã và đang hủy diệt nhân loại và tình yêu
trong nhân loại.
* Người chất vấn: Nếu mọi cá nhân đều cự tuyệt, phản kháng, nổi loạn, ngài không
nghĩ rằng thế giới này sẽ rối loạn sao?
KRISHNAMURTI:
Trước tiên bạn cần lắng nghe câu hỏi này, vì điều quan trọng là phải hiểu được
vấn đề chú không phải là chờ đợi câu trả lời. Câu hỏi ở đây là: nếu mọi cá nhân
đều cự tuyệt, phản kháng, nổi loạn, ngài không nghĩ rằng thế giới này sẽ rối loạn
sao? Nhưng liệu xã hội hiện nay có trật tự không để chúng ta có thể nói rằng
khi mọi người cự tuyệt thì nó sẽ rối loạn? Giờ
đây xã hội chúng ta không rối loạn sao? Hiện nay mọi việc đều tốt đẹp, đều
trật tự, đều quy củ sao? Mọi người đều đang sống hạnh phúc và thịnh vượng sao? Không
có sự đấu đá giữa người với người sao? Mọi người không tham vọng, không đua
tranh, không đàn áp nhau sao? Thế giới này đã rối loạn, đó là điều đầu tiên
chúng ta cần biết đến. Xin đừng nói rằng thế giới của chúng ta đang trật tự
nhé; đừng tự mê hoặc mình bằng từ ngữ. Dù ở đây hay ở bất cứ nơi đâu, thế giới đang ngày càng thoái hóa. Nếu
bạn nhận thấy sự thoái hóa này thì bạn đang gặp phải thử thách: bạn phải tìm
cách giải quyết vấn đề cấp bách này. Cách phản ứng của bạn trước thử thách là
điều quan trọng, không phải sao? Nếu bạn phản ứng trong vai trò là một người Phật
giáo, Cơ đốc giáo, người Cộng sản, người Tư bản thì phản ứng của bạn rất hạn hẹp
– hoàn toàn chẳng ý nghĩa gì. Bạn chỉ có thể phản ứng một cách thích đáng khi
không có bất kỳ lo sợ nào trong bạn, khi bạn không nghĩ rằng mình là một người
Phật giáo, Cơ đốc giáo, hay một người Cộng sản. Bạn là người thật sự đang cố gắng
giải quyết vấn đề này; bạn không thể giải quyết được nó trừ khi chính bạn phản
kháng chống lại toàn bộ lòng tham của nhân loại. Khi bạn không còn tham vọng,
không còn mưu cầu, không còn bám víu lấy sự an toàn của chính mình – chỉ khi đó
bạn mới có thể phản ứng với thử thách một cách thích đáng và tạo ra một thế giới
mới.
* Người chất vấn: Phản kháng, học tập, yêu
thương – chúng diễn ra lần lượt hay chúng diễn ra cùng một lúc.
KRISHNAMURTI:
Dĩ nhiên chúng không phải là ba quá trình tách biệt; đó là một quá trình đơn nhất.
Bạn biết đấy, điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của câu hỏi. Câu
hỏi này được đặt trên nền tảng là lý thuyết, chứ không phải là trải nghiệm; nó
chỉ là một lời nói, một lý luận nên nó chẳng có giá trị gì. Một người không sợ
hãi là một người thật sự phản kháng, đấu tranh nhằm khám phá xem, tìm hiểu xem
học tập là gì, yêu thương là gì – một người như thế không đặt câu hỏi rằng đây
là một chuỗi liên tục hay diễn ra đồng thời. Chúng ta rất tinh thông về từ ngữ,
chúng ta nghĩ rằng qua việc đưa ra một số lời giải thích nào đó thì chúng ta có
thể giải quyết được vấn đề.
Bạn
có biết học tập nghĩa là gì không? Khi bạn thực sự học tập, bạn sẽ tự tìm hiểu
về toàn bộ đời sống của mình mà không học tập từ ai cả. Khi đó tất cả mọi việc
sẽ dạy bạn – chiếc lá khô trên cành, chú chim bay lượn trên bầu trời, giọt nước
mắt, người giàu và kẻ nghèo, nụ cười, tiếng khóc, vân vân. Bạn học tập từ mọi
thứ nên không có ai là người dẫn dắt bạn, không một triết gia nào, không một
giáo điều nào. Cuộc sống tự nó đã là một người thầy của bạn, khi đó bạn ở trong
trạng thái không ngừng học tập.
* Người chất vấn: Có đúng là xã hội này được đặt trên nền tảng là tham vọng: nếu
chúng ta không có tham vọng thì chúng ta sẽ không có suy vong sao?
KRISHNAMURTI:
Đây là một câu hỏi quan trọng, chúng ta cần phải lưu tâm nhiều.
Bạn
có biết sự lưu tâm là gì không? Chúng ta hãy khám phá xem. Trong phòng học, khi
bạn nhìn ra ngoài cửa sổ hay khi bạn kéo tóc một ai đó, giáo viên bảo bạn hãy
lưu tâm. Điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là bạn không mấy hứng thú với
những điều bạn đang học nên giáo viên buộc bạn phải lưu tâm – đây hoàn toàn
không phải là sự lưu tâm. Sự lưu tâm xuất hiện khi bạn quan tâm sâu sắc đến một
thứ gì đó, khi bạn muốn khám phá mọi ngóc ngách về nó; khi đó toàn bộ tâm trí bạ,
toàn bộ linh hồn bạn đều được đặt vào đó. Tương tư, khi bạn nhận thấy rằng câu
hỏi này – nếu chúng ta không có tham vọng, chúng ta sẽ không bị suy vong sao? –
thực sự quan trọng, thì bạn sẽ quan tâm, bạn sẽ hứng thú, bạn sẽ muốn khám phá
sự thật về vấn đề này.
Vậy
thì, một con người có tham vọng không tự hủy hoại chính mình sao? Đây là điều
chúng ta cần tìm hiểu trước tiên, chứ không phải là việc “tham vọng là đúng hay
sai”. Bạn hãy nhìn quanh mình, bạn hãy quan sát những người có tham vọng xem. Điều
gì xảy ra khi bạn có tham vọng? Bạn nghĩ về chính mình, không phải sao? Bạn ác
độc, bạn chẳng cần quan tâm đến ai vì bạn đang cố gắng thỏa mãn tham vọng của
mình, cố gắng trở thành một người có uy lực, bạn tạo ra một xã hội đầy ắp xung
đột giữa người thành công và thất bại. Có một cuộc chiến không ngừng giữa bạn
và những người cũng đang theo đuổi những gì bạn muốn; sự xung đột này sẽ tạo ra
một đời sống sáng tạo sao? Bạn hiểu chứ, hay việc này quá khó khiến bạn không
hiểu được?
Khi
bạn thích làm một việc gì đó vì chính nó thì bạn có tham vọng không? Khi bạn
làm một việc bằng chính cả con tim mình, không phải vì bạn muốn đến được một
nơi nào đó, không phải vì bạn muốn thu được một lợi ích nào đó, đơn giản là vì
bạn thích nó – khi đó tham vọng có xuất hiện không? Khi đó không có sự cạnh
tranh, không một ganh đua nào xuất hiện cả. Nền giáo dục cần phải giúp bạn khám
phá xem bạn thật sự thích làm gì, nhờ đó mà từ đầu đến cuối cuộc đời bạn luôn thực
hiện những gì bạn cảm thấy là đáng giá và những gì bạn nhận thấy là có ý nghĩa
với mình, không phải sao? Nếu không, tất cả những gì còn lại của bạn sẽ chìm
trong khổ sở. Khi bạn không biết mình thực sự thích làm gì thì tâm hồn bạn sẽ
rơi vào sự đơn điệu, tẻ nhạt, buồn chán, suy vong. Nên ngay khi còn trẻ bạn cần
phải khám phá xem bạn thực sự thích làm gì; đây là lối đi duy nhất để tạo ra một
xã hội mới.
* Người chất vấn: Tại Ấn Độ cũng như tại hầu hết các quốc gia khác, giáo dục được
chính phủ kiểm soát. Trong những hoàn cảnh như thế chúng ta có thể tiến hành một
thử nghiệm như ngài vừa mô ta hay không?
KRISHNAMURTI:
Nếu không có sự trợ giúp của chính phủ thì loại trường học thế này có tồn tại
không? Đó là những gì bạn muốn hỏi. Bạn nhận thấy rằng mọi việc trên toàn thế
giới càng ngày càng được chính phủ kiểm soát nhiều hơn, được kiểm soát bởi
chính trị gia, bởi những người nắm quyền lực muốn định hình tâm hồn và con tim
chúng ta, họ muốn chúng ta phải suy nghĩ theo một phương cách nhất định nào đó.
Vậy
thì bạn nghĩ sao? Bạn biết đấy, nếu bạn nghĩ rằng điều gì đó là quan trọng, thực
sự đáng giá, thì bạn sẽ dành cả con tim mình cho việc đó bất chấp chính phủ và
các chỉ dụ của xã hội và rồi bạn sẽ thành công. Nhưng hầu hết chúng ta đều
không dành cả con tim mình cho bất kỳ thứ gì, đó là lý do tại sao chúng ta lại
đặt ra câu hỏi này. Nếu bạn và tôi thật sự cảm thấy rằng chúng ta cần tạo ra một
thế giới mới thì chúng ta sẽ dành cả con tim, tâm hồn và thể xác mình cho việc
tạo ra một lọai trường học mà ở đó không tồn tại bất kỳ nỗi lo sợ nào.
Thưa
quý vị, bất kỳ cuộc cách mạng chân chính nào cũng được tạo bởi một số ít người
nhận thấy được đâu là sự thật và sẵn lòng sống theo đúng sự thật đó; nhưng để
khám phá được sự thật là gì thì chúng ta cần phải có sự tự do thoát ra khỏi
truyền thống xưa cũ, có nghĩa là sự tự do thoát ra khỏi mọi lo sợ.
*
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *